An toàn cho người dân, du khách là ưu tiên hàng đầu
Theo thanhuytphcm.vn, tại cuộc họp Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ kiên định quan điểm sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân, du khách và người nước ngoài ở Việt Nam. Cho nên, ngay từ đầu, bên cạnh việc tham khảo, tham vấn các đánh giá từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều tổ chức khác nhau, chúng ta tham khảo chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc.
Chính phủ cũng ghi nhận, đánh giá cao các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang nhân dân, đặc biệt là ngành y tế, các chiến sĩ áo trắng đã quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra, đạt được kết quả khả quan bước đầu trong phòng chống dịch. Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước đã ủng hộ.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã lan rộng đến 67 quốc gia và vùng lãnh thổ, được WHO đánh giá ở mức rất cao. Do đó, Thủ tướng yêu cầu, “tuyệt đối không được chủ quan, do dự, tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ phòng chống dịch đã đề ra, kiên quyết không để lây lan trong cộng đồng”. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tiếp tục đóng góp ý kiến cho công tác này.
Thời gian qua, tâm lý bi quan khiến giá vàng tăng lên cao nhất trong 7 năm qua, thị trường chứng khoán giảm sâu, giá dầu thô giảm thấp. Tình hình kinh tế thế giới sụt giảm tương tự như cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008.
Thủ tướng đánh giá, mặc dù trong khó khăn nhưng tình hình kinh tế xã hội tháng vẫn 2 cơ bản giữ ổn định. CPI giảm, thu ngân sách tăng. Các khoản chi phục vụ chống dịch được đảm bảo kịp thời. Nông nghiệp phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát.
Báo Sài Gòn Giải Phóng nhấn mạnh vào chỉ đạo của Thủ tướng trong việc ứng phó của ngành du lịch trước dịch Covid-19. Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo không thể vì doanh thu mà mở cửa đón khách du lịch tràn lan.
Thời gian qua, khu vực dịch vụ là khu vực bị tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là các nhóm ngành liên quan đến du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống. Lượng khách quốc tế trong tháng 2-2020 chỉ đạt khoảng 1 triệu lượt khách, giảm 49,8% so với tháng trước, giảm 35,8% so với cùng kỳ.
“Có những khách sạn gần như đóng cửa, nhiều khu du lịch vắng người. Tuy nhiên, không thể vì doanh thu, mở cửa đón khách du lịch tràn lan để ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân”, Thủ tướng nêu quan điểm.
Gói hỗ trợ doanh nghiệp dự báo lên đến 27.000 tỷ đồng
Theo VTV.vn, Dịch COVID-19 khiến tất cả các nền kinh tế lớn của thế giới đều bị ảnh hưởng. Doanh thu hàng không toàn cầu được dự báo thiệt hại khoảng 30 tỷ USD, du lịch thiệt hại khoảng 80 tỷ USD.
Đối với Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 có tác động trước hết đến ngành hàng không, vận tải, du lịch, dịch vụ, tiếp đến là thương mại, đầu tư, đặc biệt làm gián đoạn các chuỗi sản xuất. Thủ tướng biết các doanh nghiệp đang chờ đợi các giải pháp của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19.
Theo dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn để đảm bảo thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội được thảo luận tại phiên họp này, Chính phủ sẽ ra hạn thời gian nộp thuế đối với doanh nghiệp, tiền thuê đất và không phạt chậm nộp thuế. Toàn bộ gói hỗ trợ này dự kiến lên đến gần 27.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Chính phủ chưa thay đổi chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước của cả năm nay.
Chính phủ cũng sẽ cho phép miễn phí và lệ phí, nhất là phí tại các điểm tham quan, không kiểm tra doanh nghiệp nếu không có dấu hiệu vi phạm.
Dù khó khăn vẫn bao trùm lên nền kinh tế thế giới và trong nước nhưng các nỗ lực trong thời gian qua cũng đã có tác dụng kịp thời. Theo VOV.vn, nhờ các giải pháp linh hoạt của Chính phủ, trong đó có giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, từ nửa tháng qua cho xuất khẩu trở lại sang thị trường Trung Quốc..., nên xuất khẩu vẫn tăng, ước đạt gần 37 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ, nhập siêu trong tầm kiểm soát. Nông nghiệp phát triển ổn định. Số doanh nghiệp phát triển ấn tượng với trên 17,4 nghìn doanh nghiệp, 12 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động. An sinh xã hội được quan tâm, đời sống người dân được bảo đảm.
Theo các chyên gia kinh tế, ngoài giải pháp tài khoá hay tiền tệ thì lòng tin chính là động lực, là đề kháng giúp ngăn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng.