(Thanhuytphcm.vn) - UBND TPHCM vừa có báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Theo đó, trong thời gian qua, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ban, ngành theo lĩnh vực phụ trách rà soát, tham mưu bãi bỏ các quy định không còn phù hợp với quy định hiện hành. Đồng thời, TP đã chỉ đạo Cục Hải quan TP triển khai các giải pháp để đảm bảo thực thi đầy đủ các quy định về cắt giảm danh mục mặt hàng và cải cách thủ tục hành chính (TTHC) về kiểm tra chuyên ngành.
Cụ thể, cắt giảm trên 50% thời gian làm thủ tục hải quan so với quy định của Luật Hải quan. Rút ngắn thời gian kiểm tra hồ sơ từ 2 giờ xuống 1 giờ, thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa từ 8 giờ xuống 4 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hồ sơ. Rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới tối đa 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu. Mục tiêu đến năm 2020, thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới còn 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu. Giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra qua chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30% - 35% hiện nay xuống còn 15%.
Cùng với đó, đẩy nhanh công tác thu thập thông tin, quản lý rủi ro để lựa chọn phân luồng hình thức, mức độ kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; tăng tỷ lệ các tờ khai luồng xanh từ 57% lên 67%, giảm tỷ lệ tờ khai luồng vàng từ 37% còn 28% và giảm tờ khai luồng đỏ từ 6% còn 5%. Triển khai thực hiện 100% thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh theo quy định tại Thông tư số 191/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 của Bộ Tài chính…
Bên cạnh đó, TP đã triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại các sở, ban, ngành, UBND quận - huyện, phường, xã - thị trấn. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả trong công tác giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức theo hướng công khai, minh bạch, thuận lợi. Số lượng, tỷ lệ các TTHC liên thông, liên thông điện tử trong nội bộ cơ quan, giữa các cơ quan trong TP, giữa các cơ quan của TP với cơ quan ngành dọc ngày càng được tăng lên; số lượng cơ quan, đơn vị áp dụng mô hình một cửa điện tử tiếp tục được mở rộng.
Cụ thể, số lượng hồ sơ được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là: 4.381.765 hồ sơ. Tính đến tháng 9/2019, tổng số dịch vụ công trực tuyến là 602/1790 TTHC đạt tỷ lệ 33.63%.
UBND TPHCM cũng cho biết: Trong thời gian tới, UBND TP chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các quận - huyện tăng cường đối thoại doanh nghiệp (DN), lắng nghe và giải quyết các kiến nghị, khó khăn của DN để tháo gỡ kịp thời tạo điều kiện cho DN phát triển. Đơn giản hóa các TTHC, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các TTHC nhằm tạo thuận lợi cho DN; tập trung vào các giải pháp về giảm chi phí gia nhập thị trường, đất đai; cải thiện năng lực cạnh tranh của DN.
Đồng thời, bổ sung các chính sách hỗ trợ để DN trở thành chủ thể chính của thị trường khoa học và công nghệ, tích cực đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển phần mềm, nâng cao năng lực quản trị sản xuất kinh doanh, nâng cao tỷ trọng các yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng kinh tế…
Đình Lý/thanhuytphcm.vn