Sự đoàn kết, quyết tâm cao của các lực lượng sẽ chiến thắng đại dịch

08:39 10/06/2021

Đến hết ngày 8/6, Việt Nam đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh, thành phố là hơn 1,35 triệu liều; trong đó, có 42.115 người đã được tiêm đủ 2 mũi.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân trong khu công nghiệp tại Bắc Giang. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân trong khu công nghiệp tại Bắc Giang. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết trong ngày 9/6, Việt Nam ghi nhận thêm 407 ca mắc COVID-19 bao gồm 26 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh; 381 ca ghi nhận trong nước.

Địa phương có số ca mắc cao nhất là Bắc Giang (95 ca mới và 201 ca từ ngày 27-29/5 được lấy mã bổ sung); tiếp đó là Thành phố Hồ Chí Minh với 40 ca, Bắc Ninh 35 ca... Trong số này, có 370 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu vực đã được phong tỏa.

Cả nước đã có 3.636 ca được điều trị khỏi bệnh; 55 ca tử vong có liên quan đến COVID-19.

Đến hết ngày 8/6, Việt Nam đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh, thành phố là hơn 1,35 triệu liều; trong đó, có 42.115 người đã được tiêm đủ 2 mũi.

Động viên các lực lượng tuyến đầu

Chiều 8/6, sau khi Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận bệnh nhân P.C.Đ, chiến sỹ công an mắc COVID-19 trong khi đang làm nhiệm vụ (BN8944), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và đại diện các ban, ngành đến thăm, động viên đội ngũ y, bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy và thăm hỏi tình hình bệnh nhân.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố; trong đó có đội ngũ y, bác sỹ và nhân viên Bệnh viện Chợ Rẫy.

Nhấn mạnh, sự sẵn sàng “chia lửa” của Bệnh viện Chợ Rẫy cùng Thành phố trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, nhất là các ca bệnh nặng, rất nặng, là vô cùng quan trọng và cần thiết, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên tin tưởng với sự đoàn kết, quyết tâm cao nhất của tất cả các lực lượng, Thành phố sẽ chiến thắng COVID-19.

Bắc Giang bước vào giai đoạn tổng tiến công dập dịch

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang, đến chiều 9/6, ổ dịch khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn phát sinh thêm trường hợp mắc COVID-19. Tỉnh đã ghi nhận tổng cộng 3.586 trường hợp mắc COVID-19.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết "201 ca mắc tăng thêm trong ngày 9/6 số đã báo cáo từ trước, nhưng do chưa kịp cập nhật lấy mã bệnh nhân nên hôm nay Bộ Y tế cấp mã bệnh nhân cho các bệnh nhân đã báo số tổng từ ngày 27-29/5." Các ca mắc mới vẫn chủ yếu là công nhân, ngoài ra là một số ít là người nhà (F1), được phát hiện chủ yếu tại các khu cách ly tập trung.

Dự báo trong những ngày tới, địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn sẽ tiếp tục phát sinh các ca mắc mới trong nhóm công nhân (F1) ở các khu cách ly tập trung và chủ yếu là ở huyện Việt Yên. Khả năng dịch lây nhiễm ra cộng đồng là rất thấp.

Hơn 1000 công nhân Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (KCN Vân Trung) đã đi làm trở lại sau 2 lần test âm tính với SARS-CoV-2. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Hơn 1000 công nhân Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (KCN Vân Trung) đã đi làm trở lại sau 2 lần test âm tính với SARS-CoV-2. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Bắc Giang hiện đang bước vào giai đoạn tổng tiến công dập dịch; tỉnh phấn đấu sau ngày 21/6 cơ bản không còn trường hợp nào bị lây nhiễm SARS-CoV-2.

Góp phần hỗ trợ các đối tượng bị tác động bởi đại dịch

Để đảm bảo nguồn lực hỗ trợ trẻ em vượt qua đại dịch, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam mở cuộc vận động kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế quan tâm hỗ trợ tài chính, công sức, hiện vật cho trẻ em trong vùng dịch. Thời gian kêu gọi vận động từ ngày 1/6 đến 31/7/2021.

Theo Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, đến ngày 8/6, gần 7.000 trẻ em ở 26 tỉnh, thành phố đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch. Số lượng trẻ em điều trị COVID-19 và trẻ em phải cách ly sẽ tiếp tục tăng.

Theo dự báo của Cục trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, số trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ nay đến cuối năm 2021 có thể tăng lên khoảng 42.000 trẻ em. Dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn và phát triển của trẻ em và các gia đình có trẻ em.

Ngày 29/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam Đào Ngọc Dung đã quyết định hỗ trợ toàn bộ tiền ăn cho trẻ em là F0 và F1 trong thời gian từ ngày 27/4 đến 31/12 đang điều trị và cách ly tại các trung tâm theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Định mức hỗ trợ là 80.000 đồng/ngày trong thời gian 21 ngày (theo quy định) bằng nguồn vận động và tích lũy của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam năm 2021. Riêng ba tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Điện Biên hỗ trợ thêm 1 tỷ đồng/tỉnh. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã, đang triển khai thực hiện Quyết định trên.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh vừa trình Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh gói an sinh xã hội 1.075 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị tác động bởi dịch COVID-19 trong năm 2021. Trong đó, kinh phí từ ngân sách thành phố hỗ trợ các nhóm đối tượng là hơn 905 tỷ đồng, số còn lại được ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội-Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc.

Gói an sinh xã hội này sẽ được Ủy ban Nhân dân Thành phố trình Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua tại kỳ họp vào cuối tháng Sáu này. Đây là gói an sinh xã hội thứ hai thành phố sẽ triển khai sau gói an sinh xã hội đã thực hiện trong đợt dịch đầu tiên vào năm 2020./.

TTXVN/Vietnam+

Tin cùng chuyên mục