Cầu Ba Son sẽ có hệ thống chiếu sáng mỹ thuật vào năm mới 2025
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, trưa 24/12, trên cầu Ba Son hướng Thủ Đức đi quận 1, hàng chục công nhân đang tất bật thi công hệ thống chiếu sáng mỹ thuật. Một phần làn xe trong cùng được rào chắn để đảm bảo an toàn trong quá trình thi công.
Theo Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh, doanh nghiệp đang triển khai thi công hệ thống chiếu sáng mỹ thuật cầu Ba Son. Theo kế hoạch, hạng mục chiếu sáng mỹ thuật sẽ hoàn thành trước ngày 31/12.
Cầu Ba Son bắc qua sông Sài Gòn nối quận 1 với TP Thủ Đức được khởi công năm 2015 và hoàn thành năm 2022, được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Cây cầu có kiến trúc độc đáo, kết cấu dây văng "hai mặt phẳng dây" với chiều dài 200m và một trụ tháp dạng đầu rồng bố trí lệch về phía Thủ Thiêm.
Tuy nhiên, sau khi đưa vào hoạt động, cây cầu có kiến trúc đẹp là điểm nhấn kiến trúc trong tổng thể cảnh quan sông Sài Gòn vẫn chưa có hệ thống chiếu sáng mỹ thuật.
Trao 34 giải thưởng sáng tác lời mới Thơ ca - lý - hò - vè Việt Nam năm 2024
Sáng 24/12, tại Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM, Ban Tổ chức Cuộc vận động sáng tác lời mới Thơ ca - lý - hò - vè Việt Nam năm 2024, chủ đề "Nông thôn ngày mới" đã tổ chức tổng kết và trao giải thưởng cho các tác giả. Tin trên báo SGGP.
Sau hơn 3 tháng phát động, cuộc vận động thu hút sự tham gia nhiệt tình của các nghệ nhân, nhạc sĩ và những người yêu thích văn hóa dân gian từ khắp các quận, huyện trên địa bàn TPHCM và một số tỉnh, thành trong cả nước.
Ban tổ chức đã nhận được 118 tác phẩm, trong đó có 40 tác phẩm thơ ca, 72 tác phẩm lý - hò - vè và 6 ca khúc phổ thơ. Các tác phẩm tham gia cuộc vận động đã thể hiện sự đầu tư nghiêm túc cả về nội dung lẫn hình thức, khai thác sâu sắc chủ đề về nông thôn mới. Bên cạnh đó cũng có các đề tài về gia đình, quê hương, tình yêu đất nước, về Bác Hồ kính yêu…
Kết quả, ban tổ chức đã trao 34 giải thưởng nhất, nhì, ba, khuyến khích và giải phụ cho các thể loại, trong đó, Giải nhất Thơ ca trao cho tác phẩm Yêu hoài hai tiếng nông thôn của tác giả Huỳnh Trần Trung Tân; hai Giải nhất thể loại Dân ca, lý, hò, vè trao cho tác phẩm Nông thôn ngày mới của tác giả Nguyễn Văn Hồ và tác phẩm Người chiến sĩ em yêu của tác giả Trần Thanh Quang.
Năm 2025, TP.HCM cần tới 330.000 vị trí việc làm
Thông tin với báo Thanh Niên, bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, gọi tắt là trung tâm), cho biết theo kết quả khảo sát của đơn vị tại hơn 64.000 lượt doanh nghiệp (DN) với gần 319.999 vị trí làm việc (một vị trí có thể tuyển nhiều người), năm 2024, nhu cầu tuyển dụng của địa phương chủ yếu ở khu vực thương mại - dịch vụ (chiếm 67,86% tổng nhu cầu), công nghiệp - xây dựng (31,51%), nông, lâm nghiệp và thủy sản (0,63%).
Trong đó, những ngành có nhu cầu tuyển dụng cao như công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; thông tin, truyền thông; hoạt động hành chính, dịch vụ hỗ trợ; kinh doanh bất động sản, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.
Khảo sát của trung tâm với hơn 165.000 người lao động (NLĐ) cũng cho thấy đa số đều tập trung tìm việc ở các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Tuy nhiên, vẫn còn một số chênh lệch về nhu cầu "người tìm việc" và "việc tìm người", điển hình là ở khía cạnh mức lương.
Theo đó, có tới 74,3% vị trí việc làm tuyển mức lương dưới 10 triệu đồng/tháng. Trong đó, mức lương dưới 5 triệu đồng tập trung các vị trí như nhân viên bán hàng, tư vấn, phục vụ; còn mức từ 5 - 10 triệu đồng cần tuyển nhân viên hành chính văn phòng, công nhân may, kế toán, nhân viên chăm sóc khách hàng.
TP.HCM: Khu phố mới làm đường, lắp điện, chăm lo đời sống người dân
Báo Pháp Luật TP cho hay, thực hiện Nghị quyết 11/2024 của HĐND TP.HCM về việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp, cuối tháng 4-2024, 4.861 khu phố, ấp mới được thành lập trên địa bàn 299/312 phường, xã, thị trấn thuộc 21 quận, huyện và TP Thủ Đức. Đến nay, qua 8 tháng thành lập, các khu phố, ấp mới đã dần hoạt động ổn định và làm được nhiều việc thiết thực cho người dân.
Khu vui chơi thể thao được Chi bộ khu phố 1 (phường 4, quận Phú Nhuận) vận động và xây dựng từ bãi đất bỏ hoang giờ trở thành điểm sinh hoạt chung của cả khu phố. Ảnh: HỒNG THẮM
Có mặt tại một con đường nhỏ cạnh nghĩa trang Bình Hưng Hòa, thuộc khu phố 15, phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân, TP.HCM), người dân bày tỏ niềm vui với PV vì nơi đây mới được lắp đèn đường, giúp họ an tâm hơn khi đi lại trong đêm.
Ông Nguyễn Khánh (62 tuổi) cho biết đoạn đường chỉ dài chừng hơn 100 m nhưng đây là khu vực gò mả khá phức tạp, không có đèn đường. Khi khu phố 15 mới được thành lập, nhận được phản ánh của người dân, ban điều hành khu phố đã xuống khảo sát rồi kiến nghị lên lãnh đạo UBND phường, sau đó nhân viên điện lực đã xuống đấu nối điện cho dân.
“Trước đó, đường tối thui ghê lắm, ai vào đây cũng sợ. Tôi ở ngay đây mà còn không dám ra ngoài, 8 giờ tối nhưng nhà nào cũng đóng kín cửa” - ông Khánh kể và bày tỏ cảm ơn ban điều hành khu phố mới.
Còn tại đường Nguyễn Hữu Tiến (khu phố 12, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú), hẻm 150 cũng vừa được hoàn thành nâng cấp mới toanh. Được biết, đây là con hẻm còn lại duy nhất được nâng cấp, nâng tỉ lệ các tuyến đường, hẻm trong khu phố 12 lên 100% đạt bê tông, nhựa hóa, có đèn chiếu sáng, cống thoát nước.
Tuyển sinh lớp 10 tại TP. HCM: Trường tốp đầu dự kiến tăng chỉ tiêu
Từ kỳ tuyển sinh năm 2025-2026, TP. HCM ngừng tuyển sinh lớp 10 chuyên trong trường thường lại các trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh), THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6), THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình), THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức).
Thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024 tại TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Lãnh đạo một số trường THPT có lớp chuyên tại TP. HCM, cho biết với số lượng tuyển sinh lớp 10 chuyên ở 2 trường chuyên và trường có lớp chuyên tại TP. HCM mỗi năm vào khoảng 2.000 HS. Năm học 2025-2026, khi dừng tuyển sinh lớp 10 chuyên tại các trường thường, theo dự kiến các trường sẽ đề xuất tăng chỉ tiêu tuyển sinh.
Trao đổi với báo Người Lao Động, ông Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình), cho biết chỉ tiêu lớp 10 hằng năm được tính toán trên cơ sở số HS lớp 12 tốt nghiệp ra trường. Tuy nhiên, ở năm học 2025-2026, khi dừng tuyển sinh lớp 10 chuyên thì trường sẽ dự kiến đề xuất tăng chỉ tiêu lớp 10 thường. "Mọi năm chỉ tiêu lớp 10 chuyên của trường là 5 lớp, mỗi lớp 35 HS, như vậy tổng cộng là 175 HS. Năm nay, khi không còn tuyển lớp chuyên nữa thì trường có khả năng tuyển thêm 225 HS cho 5 lớp 10 thường, mỗi lớp 45 HS" - ông Nghi nói.
Ông Đỗ Dương Cung, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức), cho biết chỉ tiêu lớp 10 hằng năm tùy thuộc vào số thí sinh thi và do Sở GD-ĐT tính toán, giao cho các trường. Tuy nhiên do năm học tới không còn tuyển lớp chuyên trong trường thì theo lẽ thường cứ một lớp chuyên sẽ thay thế bằng một lớp 10 thường.
Hơn 90.000 người đi Metro số 1 dịp Giáng sinh
Báo Phụ Nữ TP đưa tin, sáng 25/12, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC) thông tin về tình hình hoạt động vận tải hành khách công cộng trên tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành - Suối Tiên (Metro số 1) trong ngày 24/12.
Người dân đi lại bằng tàu Metro số 1 - Ảnh: Vũ Quyền
Theo đó, HURC cho biết, trong ngày vận hành 24/12, nhu cầu tham quan và trải nghiệm tuyến Metro số 1 đã giảm ở các ga trên cao nhưng số lượng hành khách trải nghiệm, tham quan, di chuyển vẫn còn rất đông tại ga Bến Thành, đặc biệt vào buổi sáng.
Trong ngày 24/12, Metro số 1 đã chạy 220 chuyến, vận chuyển 90.384 hành khách. Vận chuyển bình quân/đoàn tàu là 411 hành khách/đoàn tàu.
HURC cho hay, giãn cách theo biểu đồ chạy tàu được công bố là 12 phút/chuyến vào giờ bình thường và 8 phút/chuyến vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, để tăng cường phục vụ hành khách vào dịp lễ Giáng sinh công ty đã nâng giãn cách theo biểu đồ chạy tàu được công bố thành cao điểm tối từ 15g30 - 20g là 8 phút/chuyến và từ 20g - 22g30 là 10 phút/chuyến. Đặc biệt, số lượt tàu và giãn cách chạy tàu được điều chỉnh linh hoạt để phục vụ nhu cầu vận chuyển của hành khách đi lại trên tuyến Metro số 1.
Dòng người tấp nập đổ về trung tâm TPHCM vui chơi Giáng sinh
Báo SGGP, tối 24-12, TPHCM có mưa nhẹ, trời se lạnh. Dù vậy, người dân vẫn không ngần ngại tranh thủ ra đường vui chơi, chụp hình kỷ niệm tại trung tâm thành phố, các xóm đạo...
Người dân vui chơi tấp nập trước Trung tâm thương mại Diamond Plaza
Từ 19 giờ, dòng người đông đúc đổ về xóm đạo Phạm Thế Hiển (quận 8, TPHCM). Đường phố ở khu vực này chật kín, xe máy nối đuôi nhau, người đi bộ xếp hàng dài trên vỉa hè, tất cả đều hướng về các nhà thờ được trang hoàng rực rỡ ánh đèn.
Dòng người đông nghẹt len lỏi qua từng con ngõ, giữa những gian hàng bán đồ lưu niệm, quà tặng Giáng sinh. Không ít người tranh thủ dừng lại bên các cây thông trang trí, chụp những bức ảnh kỷ niệm dưới ánh đèn lấp lánh.
Tại các con đường khu trung tâm TPHCM như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, xung quanh Nhà thờ Đức Bà... đều được trang trí rực rỡ, đón chào hàng ngàn người dân và du khách đến tham quan. Các trung tâm thương mại như Diamond Plaza, Vincom, Aeon Mall... cũng ngập tràn không khí lễ hội với các cây thông Noel lớn, đèn sáng lấp lánh, cùng các hoạt động mua sắm sôi nổi.
Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)