Tăng tốc sản xuất đầu năm

09:32 07/02/2025

Trải qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ kéo dài gần 10 ngày, hiện nhiều doanh nghiệp đã bắt tay vào đẩy mạnh sản xuất các đơn hàng xuất khẩu đầu năm mới. Hầu hết doanh nghiệp kỳ vọng, trong năm 2025 tình hình sản xuất kinh doanh sẽ có nhiều tích cực.

Nhiều doanh nghiệp may mặc đẩy mạnh sản xuất cho các đơn hàng trong quý I/2025. Ảnh: Thanh Giang.
Nhiều doanh nghiệp may mặc đẩy mạnh sản xuất cho các đơn hàng trong quý I/2025. Ảnh: Thanh Giang.

Bắt tay vào sản xuất ngay sau khai xuân

Ghi nhận của phóng viên, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, gần 12.000 lao động của Tổng Công ty May 10 - CTCP (May 10) tại 7 tỉnh thành phố trên cả nước đồng loạt ra quân sản xuất, bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của năm Ất Tỵ 2025 với quyết tâm hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch đã đặt ra trong năm 2025. Ông Đặng Quốc Hùng – Tổng Giám đốc Công ty CP Thủ công mỹ nghệ gỗ Liên Minh cho hay, từ mùng 6 Tết, 100% người lao động của công ty đã có mặt tại nhà máy để khai xuân, sản xuất những đơn hàng đầu năm mới với kỳ vọng năm 2025 sẽ đơn hàng được ký kết sẽ dồi dào hơn.

TPHCM là địa phương có số lượng khu công nghiệp, khu chế xuất nhiều nhất cả nước. Ông Lâm Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất – công nghiệp TPHCM cho hay, qua thống kê cho thấy từ ngày 3/2 (tức mùng 6 tháng Giêng), đã có 140 doanh nghiệp (DN) tại các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố hoạt động trở lại với hơn 31.000 lao động (đạt tỉ lệ hơn 90%). Các DN còn lại bắt đầu làm việc chậm 2 – 3 ngày sau đó. Ngay sau khi các công ty gặp mặt chúc Tết đầu năm, người lao động tại các DN đã bắt tay ngay vào sản xuất những đơn hàng của năm mới. “Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, lãnh đạo các các DN dành sự quan tâm chu đáo đến người lao động như tổ chức chuyến xe đưa đón, tặng tiền thưởng, chăm lo quà Tết đối với những trường hợp khó khăn... Sự quan tâm này tạo động lực lớn để người lao động trở lại làm việc đúng thời gian, giúp tổ chức hoạt động ổn định ngay sau kỳ nghỉ Tết” - ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM nhận định.

Chia sẻ về tình hình lao động trở lại làm việc sau Tết, bà Lượng Thị Tới - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, từ ngày mùng 6 tháng Giêng, hầu hết người lao động tại các đơn vị, DN nhà nước đã quay trở lại làm việc với tỷ lệ 99%. Đối với DN ngoài nhà nước, tỷ lệ DN hoạt động trở lại khoảng 65% với tỷ lệ lao động vào làm việc là 85%. So với năm 2024, tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc sau Tết không có nhiều thay đổi. Lý do, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp trong năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn do biến động khó lường của kinh tế toàn cầu nên người lao động mong muốn ổn định việc làm, gắn bó với DN hơn trong năm 2025. Theo bà Tới, thống kê từ DN, tỷ lệ thiếu hụt lao động sau Tết dự kiến dưới 3%, tập trung tại các DN hoạt động trong các ngành có sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện - điện tử, kinh doanh bảo hiểm - tài chính… Dự báo trong quý 1/2025, thành phố cần khoảng 84.000 lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các DN.

Doanh nghiệp ghi nhận dồi dào đơn hàng cho quý 1 và cả quý 2 năm 2025.
Doanh nghiệp ghi nhận dồi dào đơn hàng cho quý 1 và cả quý 2 năm 2025.

Dồi dào đơn hàng xuất khẩu

Đề cập đến việc thực hiện các đơn hàng đầu năm mới, ông Phạm Quang Anh - Tổng Giám đốc Công ty CP quốc tế Dony cho biết: “Thị trường xuất khẩu cho mặt hàng dệt may phục hồi và tăng trưởng trở lại. DN ghi nhận nhiều đơn hàng xuất khẩu đến tháng 5. Vì vậy, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đơn vị sẽ tăng tốc hoàn thành các đơn hàng một cách nhanh nhất, chất lượng nhất”. Đại diện DN này chia sẻ thêm, dù có nhiều đơn hàng lớn trở lại nhưng DN vẫn nhận cả những đơn hàng nhỏ lẻ nhằm tăng thu nhập và việc làm cho người lao động.

Nói về đơn hàng đầu năm 2025 của ngành dệt may, ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hội May thêu đan TPHCM thông tin, lượng đơn hàng khá dồi dào. Hiện các DN trong ngành đang đẩy mạnh sản xuất. Phần lớn DN có đơn hàng hết quý 1/2025, chuẩn bị cho quý 2. “Dự báo, năm 2025 sản xuất kinh doanh của ngành dệt may tương đối tốt. Có thể tăng trưởng của ngành ở mức tăng từ 10 – 15%. Tuy nhiên, muốn đạt được mức này đòi hỏi DN phải đổi mới trong quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu” - ông Hồng khuyến cáo.

Thông tin từ Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cũng cho thấy, mục tiêu của Tập đoàn đặt ra trong năm 2025 đó là, tập trung nâng cao năng suất lao động để đảm bảo thu nhập người lao động đạt mức trên 1,2 lần GRDP tại địa phương sở tại, phấn đấu đến năm 2030 đạt bình quân 750 USD/tháng. Xây dựng công nghiệp dệt may theo hướng hiện đại, đạt chuẩn ngay trong năm 2025 và gia nhập nhóm ngành công nghiệp hiện đại thế giới vào năm 2030. Chuyển đổi số mạnh mẽ, đưa dữ liệu quản trị lên không gian chung để so sánh và tối ưu hiệu quả quản lý… “Để đạt được những mục tiêu trên, DN tập trung nhiều vào giải pháp mở rộng thị trường, mở rộng chuỗi cung ứng nội địa và tăng tỷ lệ nội địa hóa… Đặc biệt, đơn vị cũng quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần người lao động bằng nhiều hoạt động chăm lo Tết để người lao động ngày càng gắn bó với đơn vị và hăng say trở lại làm việc trong ngày đầu Xuân” - đại diện Vinatex nhấn mạnh.

Đánh giá cao sự nỗ lực của cộng đồng DN ngay đầu năm mới, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM cho biết, ngay sau kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ, hầu hết nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã tổ chức ra quân sôi nổi với nhiều khẩu hiệu lao động như: Chất lượng tốt để có việc làm, năng suất cao để tăng thu nhập; Năng suất, chất lượng là mục tiêu hàng đầu; Làm theo quy trình, giảm thiểu rủi ro, tối đa năng suất…

Đáng chú ý, trong ngày đầu tiên trở lại làm việc, nhiều DN đã phát động phong trào thi đua sản xuất, chọn “giờ đẹp” xuất xưởng những lô hàng phục vụ nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, năm nay, hoạt động sản xuất kinh doanh đang có nhiều dấu hiệu tích cực với việc nhiều DN tiếp nhận được các đơn hàng sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2025 từ ngay thời điểm cuối năm 2024. Sau kỳ nghỉ Tết, nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, nhiều ngành nghề tại thành phố như: dệt may, chế biến thực phẩm, đồ gỗ nội thất, linh kiện điện tử... ghi nhận số lượng đơn hàng gia tăng mạnh mẽ.

Ông Phan Văn Mãi.
Ông Phan Văn Mãi.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM: Ưu tiên các động lực tăng trưởng mới

Để hỗ trợ DN ổn định sản xuất, kinh doanh hiệu quả trong năm 2025, TPHCM tiếp tục thúc đẩy chương trình hỗ trợ lãi suất cho các DN trong quá trình chuyển đổi. Việc này nhằm giúp DN thực hiện chuyển đổi công nghệ, ứng dụng chuyển đổi xanh, đầu tư chất lượng sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh. TPHCM cũng ưu tiên các động lực tăng trưởng mới mới như kinh tế số, kinh tế xanh. Trong thời gian qua, nhiều DN đã thực hành các tiêu chí xanh để tiếp cận những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ cho thấy những sự chuyển động. Từ năm 2025 trở đi, mảng kinh tế xanh, kinh tế số sẽ đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng thành phố.

TPHCM đang tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao để tạo ra giá trị xuất khẩu, tái cơ cấu các ngành dịch vụ chất lượng cao, tạo giá trị gia tăng cao. Cùng với đó, thành phố sẽ có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu. Mặt khác, thành phố cũng triển khai hiệu quả nghị quyết đặc thù để đổi mới cơ chế vận hành, giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn, xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, giải quyết các vướng mắc của DN thấu đáo, kịp thời.

Ông Nguyễn Đức Lệnh.
Ông Nguyễn Đức Lệnh.

Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM: Đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh thành phố đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - DN năm 2025, đồng thời tổ chức triển khai đăng ký gói tín dụng ưu đãi cho chương trình. Đến nay, bước đầu có 18 tổ chức tín dụng trên địa bàn đăng ký gói tín dụng tham gia chương trình kết nối ngân hàng - DN với tổng số tiền gần 200 nghìn tỷ đồng cho vay với lãi suất ưu đãi. Chương trình kết nối ngân hàng - DN là chương trình hành động cụ thể, giải pháp thiết thực để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với mục tiêu chính sách tiền tệ và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2025, thì nhiệm vụ trọng tâm của chương trình trên địa bàn trong năm được xác định là tiếp tục giải ngân gói tín dụng của chương trình và đối thoại DN. Ngoài ra, nhằm hỗ trợ tốt cho sản xuất kinh doanh, NHNN chi nhánh thành phố tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và ngân hàng năm 2025. Đồng thời, làm tốt công tác cải cách hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ gắn với kết nối ngân hàng - DN; giải ngân gói tín dụng ưu đãi và cung cấp sản phẩm dịch vụ tiện ích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

THANH GIANG/Báo Đại Đoàn Kết

Tin cùng chuyên mục