Tập trung xây dựng TPHCM thành trung tâm kinh tế - tài chính hàng đầu cả nước

15:14 21/12/2023

Ngày 21-12, tại phiên toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước trong khuôn khổ hội nghị ngoại giao 32 với chủ đề “phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã trình bày tham luận về xây dựng TPHCM thành trung tâm kinh tế - tài chính hàng đầu cả nước.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, từ đầu những năm 2000, trong định hướng phát triển, Đảng bộ và chính quyền TPHCM đã chú trọng phát triển thị trường tài chính; xem đây là một trong những lĩnh vực ưu tiên của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ đó hình thành ý tưởng về việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM. Đảng và Chính phủ cũng rất quan tâm định hướng phát triển TPHCM như một đô thị đặc biệt, một trung tâm kinh tế - tài chính - dịch vụ hàng đầu của cả nước. Tháng 10-2023, Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế do Phó Thủ tướng làm trưởng ban.

Theo báo cáo xếp hạng Trung tâm tài chính toàn cầu (tháng 3-2020), TPHCM là thành phố duy nhất ở Việt Nam được ghi nhận như một Trung tâm tài chính thứ cấp. Môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng kinh tế nhanh, ổn định, thị trường tài chính năng động, được xây dựng phát triển suốt nhiều thập kỷ qua là những yếu tố vững chắc và là điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM. 

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan. Ảnh: QUANG PHÚC
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, mặc dù thị trường vốn của Việt Nam đang được nhận định có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua, quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán trên GDP tăng từ 11% vào năm 2011 lên 54% năm 2020, trong đó TPHCM chiếm hơn 95% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường và 64,8% GDP cả nước; tuy nhiên, vẫn còn khá thấp so với một số nước trong ASEAN.

Thị trường trái phiếu vẫn còn hạn chế trong các loại sản phẩm và dịch vụ liên quan trái phiếu doanh nghiệp, và trái phiếu chính phủ tiếp tục chiếm ưu thế. Thị trường vốn tuy đã xuất hiện các hoạt động dịch vụ tài chính mới như chứng khoán phái sinh, bảo hiểm, mua bán - sáp nhập (M&A), quản lý quỹ, quản lý tài sản, ngân hàng số và công nghệ tài chính... nhưng chưa có các dịch vụ tài chính huy động vốn gắn với khả năng chấp nhận rủi ro cao, như nguồn vốn mạo hiểm; trái phiếu xanh; hoạt động niêm yết chéo...

Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, sự phát triển của trung tâm tài chính TPHCM còn có sự đóng góp không nhỏ từ nguồn lực tài chính từ bên ngoài, từ các khoản viện trợ, hợp tác, kiều hối, dự án đầu tư nước ngoài... thông qua các hoạt động ngoại giao kinh tế. Trong năm 2023, công tác ngoại giao kinh tế được thành phố đặc biệt đẩy mạnh nhằm mục tiêu phục hồi kinh tế - xã hội và xây dựng hình ảnh của thành phố hậu Covid-19.

Lãnh đạo thành phố thường xuyên gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài để lắng nghe nguyện vọng và đề xuất, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn; đã chủ động đưa các nội dung kinh tế vào các sự kiện đối ngoại thường niên. Tất cả các hoạt động đối ngoại ở nước ngoài đều tập trung các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư phục cho phát triển kinh tế, và trọng tâm là thu hút đầu tư phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM.  

Phiên toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước. Ảnh: QUANG PHÚC
Phiên toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước. Ảnh: QUANG PHÚC

Kết quả năm 2023, TPHCM thu hút vốn FDI được khoảng 3,4 tỷ USD; lượng kiều hối chuyển về đạt gần 9 tỷ USD, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm 2022. Các nguồn lực tài chính được thu hút thông qua các hoạt động ngoại giao kinh tế và các chính sách thu hút hiệu quả của thành phố góp phần thúc đẩy phát triển các dịch vụ tài chính, giao dịch tài chính và từng bước hình thành diện mạo một trung tâm tài chính quốc tế TPHCM.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, để phát triển từ một Trung tâm tài chính thứ cấp thành Trung tâm tài chính toàn cầu, đòi hỏi thành phố phải nỗ lực cải thiện đồng bộ các trụ cột về năng lực cạnh tranh, làm rõ mô hình và lựa chọn hướng đi phù hợp, xác định chiến lược và các quyết sách mang tính đột phá để có thể cạnh tranh với các trung tâm tài chính trong khu vực, thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn có tầm ảnh hưởng, dẫn dắt dòng vốn quốc tế vào thị trường Việt Nam.

Trên cơ sở tham khảo các tiêu chí trụ cột để đánh giá vị thế của một Trung tâm tài chính toàn cầu, thì định hướng phát triển Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM được xem như là một hệ sinh thái hoàn chỉnh và đồng bộ; trong đó cơ sở hạ tầng, quy hoạch đô thị không thể tách rời nhau; môi trường kinh doanh an toàn, ổn định; môi trường pháp lý chặt chẽ với khung chính sách minh bạch, phù hợp các thông lệ quốc tế; phát triển mạnh hạ tầng công nghệ và hạ tầng tài chính với mạng lưới các công ty dịch vụ chuyên nghiệp hỗ trợ.

Đồng chí Võ Văn Hoan cho rằng, để thực hiện được chủ trương lớn của trung ương, các hoạt động ngoại giao kinh tế và sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan Trung ương đối với Thành phố có ý nghĩa quan trọng, tạo ra động lực tích cực góp phần thúc đẩy phát triển nhanh Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM. Trong thời gian tới TPHCM sẽ thực hiện một số nhiệm vụ.

Thứ nhất, tập trung xây dựng thương hiệu và quảng bá hình ảnh quốc tế về Thành phố thân thiện, năng động, an toàn, là điểm đến hấp dẫn của du khách và nhà đầu tư quốc tế.

Thứ hai, thúc đẩy triển khai các cam kết, các dự án chương trình hợp tác của Thành phố và các đối tác quốc tế một cách hiệu quả và thực chất.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác về người Việt Nam ở nước ngoài nhằm thu hút và phát huy nguồn lực tri thức, nguồn kiều hối phục vụ cho phát triển Thành phố.

Thứ tư, bên cạnh sự chủ động và sẵn sàng của Thành phố trong nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển trung tâm tài chính quốc tế, như sẵn sàng quỹ đất; sẵn sàng quy hoạch; sẵn sàng hạ tầng, sẵn sàng nguồn nhân lực để đáp ứng cho các nhà đầu tư, thành phố mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên sát sao của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, nhất là Bộ Ngoại giao và Bộ KH-ĐT.

Mục tiêu là hình thành khung chính xây dựng sách vượt trội so với các Trung tâm tài chính quốc tế trong khu vực ASEAN; hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đảm bảo minh bạch, an toàn cho các nhà đầu tư tài chính và ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư quốc tế đến đầu tư tại Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM. 

“Về phần mình, TPHCM cam kết sẵn sàng quỹ đất; sẵn sàng quy hoạch; sẵn sàng hạ tầng; sẵn sàng nguồn nhân lực để đáp ứng cho các nhà đầu tư”, lãnh đạo TPHCM nhấn mạnh.

PHAN THẢO/SGGP

Tin cùng chuyên mục