Mặc dù đại dịch COVID-19 “càn quét,” làm suy kiệt nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới nhưng tại Việt Nam, với sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, dịch bệnh từng bước được kiểm soát hiệu quả, tạo điều kiện quan trọng để ổn định kinh tế, giữ được đà tăng trưởng, thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương thể hiện rõ hiệu quả các quyết sách nói trên.
Đảm bảo ổn định xã hội
Ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, chính quyền quận, huyện, người dân và doanh nghiệp triển khai hàng loạt giải pháp để phòng, chống lây lan trong cộng đồng với tinh thần “chống dịch như chống giặc, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.”
Giữa tháng 2/2020, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã ký quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến Củ Chi, sau đó tiếp tục sử dụng 23 cơ sở lưu trú du lịch để làm điểm cách ly phòng, chống dịch COVID-19.
Ủy ban Nhân dân thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19, họp giao ban trực tuyến hàng ngày, hàng tuần, hoãn, hủy nhiều cuộc họp để nắm bắt thông tin, kịp thời, chủ động và ưu tiên công tác chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19.
Thực hiện Chỉ thị số 16, Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố đã thực hiện cách ly toàn xã hội cũng như triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, đảm bảo “mục tiêu kép” là sẵn sàng phòng, chống dịch và khôi phục, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội.
Thành phố đã yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện chuyển đổi phương thức từ truyền thống, nhận và giải quyết hồ sơ trực tiếp sang làm việc qua mạng, bố trí nhân sự phù hợp tại cơ quan, đơn vị, đồng thời gia tăng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trả hồ sơ qua đường bưu điện…
Qua đó vừa phòng, chống sự lây lan của dịch COVID-19 vừa giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Vào thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Ủy ban Nhân dân thành phố đã phát động phong trào Thi đua 200 ngày, trong đó có nội dung quan trọng là đặt ra “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó, trước làn sóng thứ hai của dịch COVID-19 (từ ngày 22/7/2020), thành phố đã kiên quyết cho tạm thời ngưng hoạt động các cơ sở dịch vụ và hạn chế tụ tập đông người để phòng, chống dịch bệnh.
Với tinh thần không chủ quan, lơ là, đầu tháng 12/2020, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục yêu cầu các sở, ngành, địa phương nâng cao công tác phòng, chống dịch COVID-19, sẵn sàng thực hiện giãn cách xã hội đối với khu vực có nguy cơ cao nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đánh giá, cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đều tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh. Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch cấp thành phố và tại tất cả các cơ quan, đơn vị, chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, vận dụng linh hoạt, hiệu quả đối với từng đợt bùng phát dịch bệnh trên địa bàn
Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Phiên chợ 0 đồng dành cho bệnh nhân và thân nhân người bệnh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Thành phố là địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng và triển khai các Bộ chỉ số an toàn trong phòng, chống dịch; đồng thời phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, thông tin kịp thời diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo của Trung ương, thành phố để người dân thực hiện.
Duy trì kinh tế tăng trưởng dương
Dịch COVID-19 đã làm suy thoái nghiêm trọng kinh tế toàn cầu, hầu hết các nước phát triển có tăng trưởng kinh tế âm. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2020 vẫn đạt mức tăng trưởng dương.
Phát biểu tại Đại hội Đảng bộ Thành phố Chí Minh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2021-2025), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dịch COVID-19 làm suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn tăng trưởng ở mức dự báo từ 2-3%, trong đó có đóng góp rất lớn của Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.
Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế, đóng góp trên 22% GDP và 27% tổng thu ngân sách cả nước.
Quy mô kinh tế của thành phố thậm chí lớn hơn một số nước trong khu vực, trong đó có sự đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TEP). Cơ cấu kinh tế thành phố đã chuyển dịch đúng hướng, gia tăng các ngành có hàm lượng khoa học, công nghệ cao.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2020, mặc dù ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng thành phố vẫn đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Đơn cử là việc chủ động, tích cực, sáng tạo triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.
Chế biến gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp Chế biến lương thực cao cấp Tân Túc của Công ty TNHH một thành viên Lương thực Hồ Chí Minh (Tổng công ty Lương thực miền Nam). (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Kinh tế thành phố năm 2020 tăng trưởng 1,39% so với năm 2019. Đây là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh khó khăn như hiện nay và dự báo nhiều khả năng sẽ tăng trưởng theo mô hình chữ V, sẽ bật lên mạnh mẽ trong thời gian tới như một chiếc “lò xo bị nén.”
Cùng với đó, hoạt động thu ngân sách có nhiều nỗ lực, tuy chỉ được 352.000 tỷ đồng, đạt 86,74% dự toán nhưng là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Qua đó góp phần đóng góp khoảng 25% thu ngân sách quốc gia.
Trong bối dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Ủy ban Nhân dân thành phố đã điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế phù hợp với tình hình. Cụ thể, thành phố đã giảm chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) bình quân hàng năm còn 8%, thay vì ở mức 8,3 - 8,5%.
Xác định chủ đề năm 2021 là "Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, thành phố đã đề ra 6 chỉ tiêu phát triển kinh tế gồm, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng từ 6% trở lên, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP đạt trên 42%.
GRDP bình quân đầu người đạt 6.500 USD/người, tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào GRDP đạt trên 42%, chi phí cho đầu tư khoa học và công nghệ bình quân 0,7%/GRDP, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 5,7%.
Về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm tới, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố sẽ tập trung triển khai hiệu quả chủ đề năm 2021, tổ chức chính quyền đô thị, thành lập thành phố Thủ Đức.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đã đề ra, tập trung kiểm soát tốt dịch COVID-19 và triển khai hiệu quả chương trình hồi phục kinh tế trên các ngành, lĩnh vực.
Để hỗ trợ doanh nghiệp thành phố vượt qua khó khăn, Ủy ban Nhân dân thành phố đang nghiên cứu, triển khai gói hỗ trợ lần 2 cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cùng với đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh, đầu tư, góp phần hỗ trợ hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Mặt khác, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số và thiết kế đô thị phục vụ quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, chung sức của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang duy trì được thế trận phát triển kinh tế ổn định, đảm bảo cuộc sống của nhân dân. Qua đó, tạo tiền đề để bước vào năm 2021 với nhiều sự kiện chính trị quan trọng, xây dựng thành phố ngày càng phát triển bền vững về mọi mặt./.
Trần Xuân Tình (TTXVN/Vietnam+)