(1) Tổng kết thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm (2015 - 2020), phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp 5 năm (2020 - 2025); (2) Về kết quả 5 năm thực hiện 07 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X; (3) Về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu chi ngân sách của thành phố 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020; (4) Báo cáo sơ kết 04 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; (5) Báo cáo chuyên đề kết quả thực hiện Quy định số 1374- QĐ/TU ngày 01 tháng 12 năm 2017 của Ban Thường vụ Thành ủy giai đoạn từ tháng 12 năm 2017 đến tháng 6 năm 2020; (6) Báo cáo công tác kết nạp đảng viên và tình hình đảng viên ra khỏi Đảng từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Trong 02 ngày làm việc, các đại biểu đã làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, tập trung xem xét, đánh giá và thảo luận các nội dung quan trọng, đề xuất các giải pháp để tiếp tục công tác phòng chống dịch và thực hiện nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội thành phố, đồng thời chuẩn bị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy chủ trì và tổng kết Hội nghị. Hội nghị thống nhất đánh giá:
- Về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm (2015 - 2020)
Trong 5 năm qua, thành phố đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, tiếp tục khẳng định và giữ vững vị trí, vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước. Với dân số thành phố chiếm khoảng 9,3% dân số cả nước, lực lượng lao động khoảng 8% và diện tích đất 0,6% của cả nước, thành phố đã đóng góp những kết quả rất có ý nghĩa vào sự phát triển chung của đất nước.
(1) Đóng góp của thành phố vào kinh tế cả nước không ngừng tăng: giai đoạn 1996 - 2000 kinh tế thành phố chiếm 17% kinh tế cả nước; giai đoạn 2001 - 2010 chiếm 20% và từ năm 2011 - 2019 luôn chiếm lớn hơn 22% kinh tế cả nước;
(2) Công nghiệp thành phố chiếm 15% giá trị gia tăng công nghiệp cả nước và là lớn nhất, dịch vụ chiếm 33% giá trị gia tăng dịch vụ và là lớn nhất cả nước. Nông nghiệp dù diện tích đất chỉ chiếm 0,4% diện tích đất nông nghiệp cả nước và với hơn 50.000 lao động, chiếm 0,3% lao động nông nghiệp cả nước, đóng góp 1% vào giá trị gia tăng nông nghiệp cả nước do năng suất lao động gấp hơn 3 lần bình quân cả nước;
(3) Thành phố là trung tâm tài chính lớn nhất cả nước, quy mô huy động vốn chiếm 29% và quy mô cho vay chiếm 28% của cả nước;
(4) Thu hút đầu tư nước ngoài năm năm 2015 chiếm tỷ lệ 13,4%, năm 2019 chiếm tỷ lệ 14,7% tổng đầu tư nước ngoài, đứng đầu cả nước trong giai đoạn 2016 - 2019;
(5) Thành phố đóng góp ngân sách không ngừng tăng lên, giai đoạn 2010 - 2015 đóng góp khoảng 26,5%, giai đoạn 2016 - 2019 khoảng 27,5% tổng thu ngân sách của cả nước;
(6) Năng suất lao động luôn đứng đầu, gấp hơn 2,7 lần so với bình quân cả nước;
(7) Hiệu quả kinh tế thành phố tăng qua các năm, hệ số ICOR năm 2015 là 4,53 đến năm 2019 là 4,31;
(8) Thành phố là nơi đề xuất thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế mới, hiệu quả cao như: (1) Khu công nghệ cao được thành lập năm 2002, đến năm 2020 thu hút đầu tư 7,1 tỷ USD và giá trị đóng góp vào ngân sách không ngừng gia tăng: giai đoạn 2011 - 2015 đóng góp khoảng 123 triệu USD, giai đoạn 2015 - 2020 đóng góp khoảng 1 tỷ USD; (2) Công viên phần mềm Quang Trung thành lập năm 2001, giai đoạn 2011 - 2015 xuất khẩu phầm mềm và giải pháp khoảng 400 triệu USD, đến giai đoạn 2015 - 2020 đã tăng hơn 4 lần, đạt 1,67 tỷ USD; (3) Chương trình kích cầu đầu tư, trong 4 năm, 2016 - 2019 đã hỗ trợ 1.840,84 tỷ đồng trên tổng số vốn vay là 11.043,12 tỷ đồng để triển khai 284 dự án; (4) Chương trình liên kết ngân hàng - doanh nghiệp và chương trình bình ổn giá đã và đang phát huy nhiều hiệu quả, góp phần rất tích vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội thành phố; (5) Đề án xây dựng Khu Đô thị Sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố được đề xuất năm 2019 và đang được hoàn thiện quy hoạch phân khu. Đây là cơ sở để hình thành một thành phố mới phía Đông Thành phố, là động lực và trung tâm đổi mới, sáng tạo của thành phố trong 20 năm tới. Với diện tích khoảng 10% diện tích thành phố và dân số khoảng 10% dân số thành phố nhưng triển vọng đóng góp 1/3 GRDP của thành phố; (6) Thành phố là địa phương đầu tiên triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2025; (7) Thành phố là địa phương đầu tiên, tháng 7 năm 2020, đã công bố và triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số của thành phố, là nơi đầu tiên triển khai thí điểm dịch vụ viễn thông 5G ở Việt Nam.
Dịch vụ hạ tầng đô thị phục vụ Nhân dân thành phố liên tục được cải thiện. Thành phố đã tích cực thực hiện Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), dự kiến đến cuối năm 2020 hoàn thành giải quyết việc ngập của vùng lõi 110km2, với 3,5 triệu dân của thành phố. Đến nay, 9/9 tuyến đường chính không còn ngập do triều; các quận - huyện đã giải quyết được 179/179 tuyến đường không còn ngập khi mưa. Với áp lực dân số cơ học tăng cao, khoảng 1 triệu dân trong 5 năm nhưng đã đảm bảo cung cấp nước sạch cho 100% các hộ dân trên địa bàn thành phố. Công tác xử lý rác thải, nước thải đảm bảo môi trường đã được thực hiện tốt, từng bước chuyển đổi công nghệ xử lý rác theo hướng hiện đại, chuyển từ chôn lấp sang tái chế và đốt phát điện. Năm 2021, 50% rác được đốt phát điện và tái chế, đến năm 2025 đạt ít nhất là 80%. Từ năm 2017 đến nay, toàn thành phố đã xóa được 715/747 điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải (đạt tỷ lệ 95,7%), trong đó có 90 điểm được chuyển hóa thành khu sinh hoạt cộng đồng. Đã có 190/322 (tỷ lệ 59%) phường - xã - thị trấn được công nhận danh hiệu “Phường - xã - thị trấn không xả rác ra đường và kênh rạch” cấp quận - huyện, vận động được 2.093 tổ, đường dây rác dân lập thành lập hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, đạt tỷ lệ 77,5% (còn 613/2093), xã hội hóa lắp đặt 28.000 camera an ninh kết hợp giám sát vệ sinh môi trường trên đường phố và dọc các tuyến kênh rạch. Trong giai đoạn 2016 - 2019, giao thông thành phố đã có những bước chuyển biến tích cực trên cả 3 chỉ tiêu, đến nay đã giảm được 15/37 điểm (hơn 40%) có nguy cơ ùn tắc giao thông, giảm 9/17 điểm đen về tai nạn giao thông (hơn 53%). Tai nạn giao thông trung bình hàng năm giảm 7,37% số vụ, giảm 5,82% số người chết và giảm 13,65% số người bị thương.
Tuy nhiên, thành phố cũng đã bộc lộ nhiều yếu kém, thách thức trong quá trình phát triển. Đó là:
(1) Bố trí cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý, không phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế thành phố nhưng chậm được khắc phục. Đất dành cho phát triển công nghiệp và dịch vụ (không kể bất động sản) chỉ chiếm khoảng 5% diện tích thành phố, trong khi công nghiệp và dịch vụ chiếm 99% GRDP thành phố. Nông nghiệp đóng góp dưới 1% GRDP nhưng đang sử dụng hơn 50% diện tích đất thành phố.
(2) Hiệu quả cải cách hành chính chưa cao, thiếu sự đồng bộ trong phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân. Các chỉ số về cải cách hành chính (Par-index), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) chưa cải thiện được nhiều, thậm chí tụt hạng, chưa tạo được sự hấp dẫn thực sự đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
(3) Điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển thành phố là bất cập về hạ tầng giao thông. Việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông chậm nhiều so với quy hoạch được duyệt và nhu cầu phát triển của thành phố. Mật độ đường giao thông và tỷ lệ đất dành cho giao thông trên đất đô thị rất thấp.
(4) Mối liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà khoa học và các cấp chính quyền chưa thực sự hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội nhanh hờn, bền vững hơn.
(5) Tỷ lệ ngân sách để lại cho thành phố ở mức 18% là thấp nhất cả nước, chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển của thành phố.
(6) Tỷ suất sinh của thành phố1,3 trẻ/phụ nữ là mức rất thấp so với cả nước và yêu cầu phát triển bền vững (2,1 trẻ/phụ nữ), do môi trường và các điều kiện xã hội đối với người lao động chậm được cải thiện, điều kiện đi lại không thuận tiện, khó khăn về nhà ở, thời gian lao động công nghiệp dài.
- Về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu chi ngân sách thành phố 6 tháng đầu năm 2020.
Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội. Lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng và nặng nề, nhất là ngành dịch vụ. Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng khoảng 1 - 1,5%, nhiều ngành kinh tế có mức tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm 3,7%, dịch vụ lưu trú ăn uống giảm 47,3%, du lịch lữ hành giảm 71,2%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7%), bốn ngành công nghiệp trọng yếu tăng 2% (cùng kỳ tăng 5,5%). Giá trị gia tăng ngành nông nghiệp tăng 3,11% (cùng kỳ tăng 6,08%). Số doanh nghiệp có nguy cơ phải tạm dừng hoạt động là gần 8.500 doanh nghiệp.
Trong điều kiện hết sức khó khăn, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự chung tay chia sẻ của Nhân dân thành phố, tình hình kinh tế - xã hội thành phố vẫn ổn định và có những điểm sáng đáng ghi nhận, làm tiền đề để tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong những tháng cuối năm. Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 403.000 tỷ đồng, tăng 10,1% so cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 20,7 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Một số ngành dịch vụ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao như dịch vụ y tế tăng 11,56%, tài chính - ngân hàng tăng 7,82%, khoa học - công nghệ tăng 7,13%, thông tin và truyền thông tăng 7,62%. Thu ngân sách nhà nước hơn 163.000 tỷ đồng, đạt 40,2% dự toán thu. Khối lượng đầu tư công được giải ngân đạt 17.962 tỷ đồng, đạt 43,08% kế hoạch vốn, gấp hơn 4 lần về giá trị tuyệt đối và hơn 3 lần về tỷ lệ so với cùng kỳ. Có 18.493 doanh nghiệp thành lập mới, với vốn đăng ký hơn 246.000 tỷ đồng. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 2,01 tỷ USD. Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai thành lập Hội đồng phát triển ngành du lịch, Hội đồng phát triển các ngành công nghiệp, công bố Chương trình chuyển đổi số của thành phố, tích cực triển khai xây dựng Đề án “Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025 và tầm nhìn 2026 - 2030 để tăng thu ngân sách nộp về Trung ương và tăng thu ngân sách để lại cho thành phố”, Đề án “Không tổ chức hội đồng nhân dân ở các quận, phường trên địa bàn thành phố”, Đề án “Thành lập thành phố mới phía Đông thành phố - Khu đô thị sáng tạo tương tác cao. Các loại hình thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt được ứng dụng mạnh mẽ.
Thành phố đã tích cực triển khai các cơ chế, chính sách để hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và cho nhiều đối tượng[1] trong Nhân dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến nay, đã hỗ trợ cho 3.461/8.500 doanh nghiệp để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, đạt tỷ lệ 40,72%, với số tiền hơn 233 tỷ đồng; nghiêm túc thực hiện Nghị quyết só 42/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố, các ngành, các cấp đã thực hiện[2] hỗ trợ 514.028/539.751 người (đạt tỷ lệ 95,23%), với tổng số tiền hỗ trợ là 563.671,2 triệu đồng.
Các mặt công tác khác cũng được quan tâm thực hiện đạt những kết quả đáng phấn khởi. Thành phố đã tổ chức sơ kết đợt 1 trong Đợt thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng bộ các quận, huyện và Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI, chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XIII. Nhiều nội dung thi đua đã được các quận - huyện, sở - ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả. Việc thực hiện Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục đạt kết quả tốt, sau hơn 1 năm thực hiện, thành phố đã có 190 phường - xã - thị trấn (tỷ lệ 59%) đạt danh hiệu “không xả rác ra đường và kênh rạch”, xóa được 715/747 điểm tồn đọng rác gây ô nhiễm (tỷ lệ 95,7%). Chỉ thị số 23 tiếp tục phát huy hiệu quả, trong 6 tháng đầu năm toàn thành phố xảy ra 345 vụ vi phạm trật tự xây dựng (giảm 78,16% so với cùng kỳ năm 2019), một số quận - huyện có địa bàn rộng nhưng đã quyết liệt thực hiện, kéo giảm số vụ vi phạm về trật tự xây dựng. Triển khai thực hiện Chủ đề “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị” với những hoạt động thiết thực. Lần đầu tiên thành phố tổ chức chương trình “Đối thoại Văn hóa” với chủ đề “Giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, hướng tới xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố văn hóa” đã được các giới đồng bào, các chuyên gia, nhà quản lý, văn nghệ sĩ, trí thức thành phố đánh giá cao, thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trong giữ gìn, củng cố và phát huy những phẩm chất đáng quý của con người thành phố, là yếu tố quan trọng xây dựng và hình thành bản sắc văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.
- Về những nội dung, giải pháp, công việc trọng tâm trong sáu tháng cuối năm 2020.
Sáu tháng cuối năm 2020, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối của nhiệm kỳ và kế hoạch 5 năm 2016 – 2020. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những giải pháp và công việc trọng tâm để chào mừng đại hội Đảng các cấp, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII.
- Giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện:
- Tổ chức công tác phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả cao trong tình hình mới, chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở cách ly dành cho người Việt Nam ở nước ngoài về theo chỉ đạo của Chính phủ và các chuyên gia người nước ngoài sang Việt Nam làm việc, đảm bảo thành phố không bị động, bảo vệ thành phố thành công trước nguy cơ lây nhiễm mới. Thực hiện quyết liệt trong toàn hệ thống chính quyền và nhân dân phương châm: “Chủ động phòng ngừa sớm; phát hiện kịp thời; cách ly triệt để; điều trị tích cực” và phương châm 5 tại chỗ: “Nhiệm vụ tại chỗ; Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng (con người) tại chỗ; Phương tiện tại chỗ và Hậu cần tại chỗ”.
- Khẩn trương và tích cực triển khai thực hiện các chính sách của Chính phủ và của thành phố đến các doanh nghiệp chưa được nhận hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng, giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hoàn tất công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong tháng 9 năm 2020. Đồng thời, đồng thời đẩy mạnh Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; ổn định mặt bằng lãi suất; xây dựng kế hoạch hỗ trợ về vốn cho các doanh nghiệp.
- Tăng cường các giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân đầu tư công, duy trì chế độ giao ban để đôn đốc các cơ quan đơn vị thực hiện hiệu quả, phấn đấu đến hết năm 2020 tỷ lệ giải ngân đầu tư công của thành phố đạt từ 95% kế hoạch trở lên.
- Tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động trong Đợt thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng bộ các quận, huyện và Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI, chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XIII. Các hoạt động thi đua tiếp tục gắn liền với việc thực hiện (1) Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19 tháng 10 năm 2020 về cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”; phấn đấu đến cuối tháng 8 năm 2020 không còn 32 điểm đen về rác và hoàn thành việc chuyển đổi các tổ rác dân lập thành các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; (2) Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 25 tháng 7 năm 2019 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố của Ban Thường vụ Thành ủy, kéo giảm hơn nữa và tiến đến chấm dứt căn bản tình trạng xây dựng không phép vào cuối năm 2020. Tổ chức sơ kết đợt 2 (30/4/2020 - 30/7/2020) và triển khai đợt 3 (01/8/2020 -23/9/2020) thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng bộ các quận, huyện và Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI.
- Tích cực triển khai mạnh mẽ các hoạt động theo chủ đề “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, công bố danh mục các sự kiện văn hóa thường niên và tiếp tục thực hiện các cuộc “Đối thoại văn hóa” theo kế hoạch. Triển khai nghiên cứu xây dựng một tỷ lệ ngân sách nhà nước hợp lý để hàng năm chi đầu tư cho lĩnh vực văn hóa. Nghiên cứu xây dựng cơ chế phù hợp để thu hút và tuyển dụng nhân sự trong lĩnh vực hoạt động nghệ thuật truyền thống. Nghiên cứu đề xuất xây dựng 01 trường phổ thông dành cho các em có năng khiếu về nghệ thuật, tạo điều kiện cho các tài năng trẻ về nghệ thuật được bồi dưỡng và phát triển sớm, phục vụ sự nghiệp phát triển văn hóa thành phố. Tổ chức chu đáo các hoạt động văn hóa, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các gia đình chính sách có công trong dịp Kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.
- Các cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp
- Các quận ủy, huyện ủy và đảng ủy cấp trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng bộ để tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI. Trên cơ sở những nội dung chương trình, đề án theo 03 chương trình đột phá và 01 chương trình đổi mới phát triển thành phố, các cấp ủy phải lãnh đạo, chỉ đạo xác định được những đề án, chương trình trọng điểm phù hợp của mình để xây dựng thành nghị quyết thực hiện khi tiến hành đại hội. Toàn Đảng bộ quyết tâm giữ vững tiến độ đại hội đảng bộ các cấp theo kế hoạch đã ban hành.
- Cấp ủy các cấp và MTTQ Việt Nam thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố chỉ đạo quyết liệt và kiểm tra việc tổ chức đồng bộ, kịp thời và vận động nhân dân chủ động, tự giác, tích cực thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19 trong tình hình mới. Mỗi người dân phải là một chiến sỹ, mỗi gia đình là một tổ chức chiến đấu, mỗi quận, huyện là một pháo đài vững chắc phòng, chống dịch Covid-19.
- Tiếp tục ra sức thi đua trong giai đoạn tới, lựa chọn các công trình, dự án có ý nghĩa quan trọng để đăng ký tổ chức thực hiện hiệu quả cao và hoàn thành đúng thời hạn đăng ký. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và giám sát việc thực hiện đợt thi đua 200 ngày của khối Đảng, đoàn thể, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Giám sát chặt chẽ việc thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU và Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Các cấp ủy đảng thực sự quan tâm và nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp với chính quyền triển khai thực hiện tốt 2 chỉ thị này, đặc biệt là các quận, huyện còn điểm đen về rác và chưa hoàn thành việc chuyển đổi chuyển đổi các tổ rác dân lập thành các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp.
- Các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường công tác thực hiện Quy định 1374 đối với các đơn vị nhằm kịp thời đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị chưa thực hiện tốt. Tổ chức giám sát chuyên đề đối với các đơn vị có nhiều thông tin phản ánh hoặc chậm chỉ đạo giải quyết các nội dung thông tin phản ánh; nâng cao trách nhiệm quản lý của Đảng, chính quyền trước người dân, trước pháp luật, không để tình trạng người có quyền quản lý, người có chức vụ trong đảng làm trái pháp luật.
- Khẩn trương triển khai xây dựng Đề án “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và Nhân dân giám sát Đảng và chính quyền thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 -2025” và Đề án “Hỗ trợ phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2035” trong 02 chương trình đột phá phát triển thành phố theo dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy trong tháng 8 năm 2020.
- Giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. Mỗi quận, huyện phải xây dựng một phương án đảm bảo an ninh trật tự để phục vụ công tác tổ chức đại hội, xem đây như là một cuộc diễn tập với quy mô cấp quận, huyện, góp phần tích cực vào công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thành phố phục vụ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI.
Trước những nhiệm vụ khó khăn nhưng hết sức có ý nghĩa, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành phải thực sự đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo, phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả cao, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố.
Phát biểu kết luận chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy hoan nghênh các đồng chí Thành ủy viên và các đồng chí đại biểu dự Hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phát huy trí tuệ, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố yêu cầu toàn Đảng bộ nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm trước Nhân dân và kêu gọi đồng bào thành phố, các doanh nhân, các nhà khoa học phát huy sáng kiến và mọi nguồn lực để bảo vệ thành phố thành công trước nguy cơ dịch Covid-19, tổ chức thành công đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 11 và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển thành phố năm 2020./.
Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh