1. Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TPHCM tính đến ngày 19/7
Theo Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm, từ 6 giờ ngày 18/7 đến 6 giờ ngày 19/7, HCDC ghi nhận 3.139 ca mắc mới trên địa bàn TP. Trong đó, đa số ca nhiễm được phát hiện tại các khu cách ly, khu phong toả. Về tình hình các ổ dịch mới, TP hiện có 22 ổ dịch đang diễn tiến, 45 ổ dịch đã ổn định.
Trong 24 giờ qua, 6 ca mắc COVID-19 được phát hiện tại các Khu chế xuất, Khu công nghiệp trên địa bàn TP, tập trung ở phường Linh Trung, Tân Bình, Vĩnh Lộc và Linh Xuân. Theo đánh giá của HCDC, đây là tín hiệu đáng mừng so với những ngày trước đây.
Hiện tại, TPHCM có 277 doanh nghiệp đạt các điều kiện về an toàn phòng chống dịch, được TP cho phép vừa cách ly vừa sản xuất để đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”. Điều này vừa góp phần duy trì hoạt động sản xuất cho doanh nghiệp, vừa giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh từ cộng đồng vào các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc ngược lại.
Về việc triển khai cách ly F1 tại nhà, HCDC cho biết có 2.140 trường hợp F1 được cách ly tại nhà trên địa bàn 8 quận.
2. Thông tin về công tác điều trị ca nhiễm COVID-19
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết, TPHCM đang xây dựng mô hình “Tháp 4 tầng” trong công tác điều trị F0. Trong đó, tầng 1 điều trị F0 không có triệu chứng, tầng 2 điều trị F0 triệu chứng nhẹ, tầng 3 điều trị F0 nặng hơn và tầng 4 điều trị F0 rất nặng.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai
Theo đánh giá của Sở Y tế, hiện nay, đa số bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại TPHCM là F0 không triệu chứng (thuộc tầng 1 trong tháp điều trị), được cách ly điều trị ở bệnh viện dã chiến. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cách ly và điều trị với các F0 này, TP đã thành lập nhiều bệnh viện dã chiến với quy mô 5.000-6.000 giường tại các toà nhà tái định cư.
Đối với F0 có triệu chứng nhẹ hoặc nặng (thuộc tầng 2,3 trong tháp điều trị), các trường hợp này sẽ được điều trị tại các bệnh viện với mô hình Bệnh viện chia nửa (1 nửa điều trị COVID-19 và 1 nửa hoạt động khám chữa các bệnh khác cho người dân).
Riêng trường hợp F0 rất nặng (thuộc tầng 4 trong tháp điều trị) sẽ được chữa trị tại khu điều trị của Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2, Bệnh viện Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện 175.
3. Chủ trương tiếp nhận các nguồn lực xã hội, nguồn lực viện trợ, tài trợ của các tầng lớp nhân dân cho ngành Y tế và cơ sở y tế tại TPHCM
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nên thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP để tài trợ cho công tác phòng chống dịch COVID-19 của TPHCM. Đây là kênh chính thống, chịu trách nhiệm phân bổ nguồn tài trợ nhận được cho các lực lượng y tế và các đơn vị tuyến đầu.
Nguồn viện trợ sẽ được sử dụng để mua vaccine, cung cấp suất ăn cho lực lượng chống dịch, cung cấp trang thiết bị cho bệnh viện,…
4. Phương án cung ứng hàng hóa của TPHCM khi các tỉnh, thành lân cận thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16
Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương thông tin, trước khi các địa phương xung quanh bắt đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, công tác thu mua, vận chuyển hàng hóa về TPHCM đã gặp một số khó khăn. Từ đó, TP đã đề xuất với các Bộ, ngành để thống nhất các hướng giải quyết. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế tại một số địa phương, địa điểm cụ thể, công tác thu mua, vận chuyển lại gặp một số vướng mắc do vài nơi áp dụng các giải pháp một cách cứng nhắc và máy móc.
Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai
Trước tình hình trên, Sở Công thương đã rà soát lại toàn bộ nguồn cung ứng để dự báo các khả năng làm giảm nguồn cung. Với nỗ lực của các hệ thống phân phối, cộng với mạng lưới thu mua của nhiều đơn vị, những yêu cầu trong cung ứng hàng hóa đã được giải quyết. Nhiều đơn vị đã tìm được nhà cung cấp dự phòng để tiếp tục đảm bảo nguồn cung.
Ngoài ra, ngành Công thương TP cũng liên hệ với Sở Công thương các tỉnh, thành miền Đông, miền Trung và Tây Nguyên để hỗ trợ rà soát, cung cấp danh sách nhà cung ứng và đơn vị sản xuất lương thực thực phẩm có khả năng cung ứng cho TPHCM. Từ đó, kết nối với các hệ thống phân phối để thu mua, vận chuyển nguồn hàng về TPHCM. Bên cạnh đó, Bộ Công thương đã cung cấp thông tin các nhà cung ứng phía Bắc để hỗ trợ cho TP.
Ngành Công thương TP cũng kiểm tra lại các khó khăn trong khâu logistic, vận chuyển hàng hóa để đề xuất thêm phương án vận chuyển bằng tàu cao tốc. Sáng 19/7, hai chuyến tàu đầu tiên đã cập bến TPHCM, vận chuyển hàng hóa cung ứng cho chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh. Trong thời gian tới, TP sẽ triển khai rộng hơn để các hệ thống khác đăng kí vận chuyển hàng hóa theo phương thức này.
Cùng với đó, Sở Công thương đã vận động được nhiều doanh nghiệp logistic tham gia kết nối với các đơn vị có nguồn cung hàng hóa để tự tổ chức đưa hàng hóa về TP, kết nối với điểm bán nhằm kịp thời cung ứng cho người dân.
5. Thông tin về công tác đối ngoại của TPHCM
Theo quyền Giám đốc Sở Ngoại vụ Trần Phước Anh, trước bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, cộng đồng người nước ngoài, các cơ quan lãnh sự đóng tại TP đã bày tỏ sự sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ TPHCM trong khả năng có thể. Điều này được thể hiện qua buổi tiếp nhận hỗ trợ từ các lãnh sự quán và các hội doanh nghiệp quốc tế trong công tác phòng, chống dịch của TPHCM ngày 15/7.
Quyền Giám đốc Sở Ngoại vụ Trần Phước Anh phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai
Sở Ngoại vụ thông tin thêm, vào ngày 19/7, Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã hỗ trợ cho TPHCM 1 triệu khẩu trang y tế, 100.000 khẩu trang N95, 100 máy thở oxy và 200.000 đô la Mỹ.
Trung tâm Báo chí TP. Hồ Chí Minh