Thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16: kiên quyết không để “chặt ngoài lỏng trong”

23:34 23/07/2021

(HMC) - Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các Bộ - ngành, địa phương về công tác phòng chống COVID-19 tối 23/7, đánh giá tình hình dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, các ca nhiễm có xu hướng gia tăng tại các tỉnh, thành phố. Đối với TPHCM, sau 15 ngày giãn cách, dù số ca nhiễm gia tăng nhưng vẫn có những tín hiệu tích cực. “Số liệu ghi nhận tại TPHCM cho thấy, chúng ta đang và sẽ "làm thẳng đường cong" như trước đây chúng ta đã áp dụng khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Tập trung phòng, chống dịch với 3 chiến lược

Trên cơ sở phân tích tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế kiến nghị các địa phương phải quyết liệt hơn khi thực hiện Chỉ thị 16, có thể tăng cường các biện pháp mạnh mẽ hơn. Đối với các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao, đặc biệt là TPHCM phải chú ý những nơi chật hẹp, tập trung đông đúc.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Theo Bộ Y tế, tình hình dịch hiện nay diễn biến tương đối phức tạp và có xu hướng kéo dài. Nếu như những đợt dịch trước có thể kiểm soát sau hơn 1 tháng thì ở đợt dịch này, các địa phương phải chuẩn bị tâm thế kéo dài giãn cách cần tập trung phòng, chống dịch với 3 chiến lược.

Thứ nhất, đảm bảo giảm được số ca mắc COVID-19. Các địa phương cần tiếp tục thực hiện giãn cách theo tinh thần của Chỉ thị 16. Các tỉnh, thành có nguy cơ cao xem xét việc áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường và kéo dài thực hiện giãn cách hơn 2 tuần.

Về xét nghiệm, tiếp tục tầm soát cộng đồng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng càng sớm càng tốt. Cụ thể, ở các vùng có nguy cơ rất cao, nên tầm soát 3-5 ngày/lần bằng test nhanh kháng nguyên, có thể áp dụng gộp mẫu. Với các khu vực khác, tầm soát 100% trường hợp lây nhiễm có biểu hiện sốt, ho, khó thở tại cộng đồng; người có nguy cơ đi lại, tiếp xúc, giao lưu với nhiều người; khu vực công nhân lưu trú, chợ,…

Đồng thời, triển khai rộng rãi việc cách ly F1 tại nhà đối với các địa phương có tình hình dịch nặng nề. Những trường hợp nghi nhiễm nên cách ly tại nhà rồi mới tiến hành xét nghiệm. Nếu người bệnh có nồng độ PCR thấp, địa phương áp dụng hình thức chữa trị ngay tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tuỳ vào điều kiện của mỗi địa phương để tiến hành tăng tốc trong công tác truy vết. Những khu vực có ít ca nhiễm thì tập trung cao độ. Riêng khu vực nhiều ca thì khoanh vùng trên diện rộng, xét nghiệm tầm soát, không cố truy tìm F2.

Thứ hai, giảm tỉ lệ tử vong, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương chuẩn bị kịch bản ở mức độ cao hơn với nguyên lý 2 tầng.

Tầng 1, triển khai cách ly F1, F0 không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng tại nhà. Theo đó, các địa phương sẽ hình thành cơ sở thu dung chăm sóc quản lý người nhiễm COVID-19 ban đầu bằng cách sử dụng khu kí túc xá, cơ sở lưu trú, trường học,… Các trường hợp này là người nhiễm không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ nên cách ly tại địa phương. Địa phương có nhiều trường hợp nhiễm thì dành khu cách ly F1 để cho chữa trị F0.

Tầng 2 là cơ sở tuyến huyện trở lên, phải lắp đặt hệ thống oxy và bồn oxy xích tâm để điều chuyển bệnh nhân có triệu chứng trung bình. Đối với tuyến tỉnh trở lên phải có hệ thống cấp cứu tối thiểu 50 giường. Bộ Y tế đã triển khai các trung tâm điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch để giảm thiểu tỉ lệ tử vong.

Thứ ba, vắc xin được xác định là vấn đề quan trọng, trong thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều đàm phán, cố gắng đưa vắc xin về Việt Nam sớm nhất. Trong thời gian tới, 14 triệu liều vắc xin dự kiến sẽ về Việt Nam. Với TPHCM và 18 tỉnh khu vực phía Nam, Bộ Y tế sẽ ưu tiên dành hơn 50% số lượng vắc xin toàn quốc cho các địa phương này. Các địa phương cần khẩn trương tổ chức tiêm sớm. Bộ Y tế đồng tình với kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVI-19 của TPHCM, ưu tiên cho người cao tuổi (trên 65 tuổi) và người có bệnh nền.

Các địa phương quán triệt phương châm “Rõ – Nghiêm – Chắc – Hiệu quả”

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế trong công tác phòng chống dịch thời gian qua. Trong đó, vẫn còn hiện tượng người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng chống dịch; một số cơ quan đơn vị chưa thực hiện nghiêm việc giãn cách theo quy định, một số dịch vụ không thiết yếu vẫn mở cửa, vẫn còn một số nơi tập trung nơi đông người, nhiều chợ dân sinh hoạt động không đảm bảo an toàn phòng chống dịch,.

“Nếu chúng ta kiểm soát tốt việc giãn cách người với người, gia đình với gia đình, phường xã với phường xã theo đúng tinh thần của Chị thỉ 16 thì việc kiểm soát dịch đã tốt hơn”, Thủ Tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều nơi chưa có Tổ COVID cộng đồng, hoặc có nhưng hoạt động chưa hiệu quả. Việc tổ chức tiêm vắc xin tại các địa phương vẫn còn chậm. Hoạt động vận tải cung ứng hàng hóa còn bị động, thiếu cục bộ…

Để thực hiện việc phòng chống dịch có hiệu quả trong thời gian tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thống nhất, tập trung, nhất quán khi ban hành chính sách ở tầm quốc gia. Các Bộ ngành chức năng và địa phương khi thực hiện phải căn cứ vào chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia, không để đi chệch định hướng.

Những địa phương đang ở khu vực nguy cơ cao cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 và áp dụng các biện pháp linh hoạt, có sự giám sát, kiểm tra; kêu gọi người dân hợp tác, nâng cao ý thức thực hiện Chỉ thị 16 để đảm bảo “Người cách ly người, nhà cách ly nhà”.

Trên tinh thần chủ động phòng ngừa là chính, Thủ tướng yêu cầu các Bộ - ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện chiến lược vắc xin; tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, công bằng, minh bạch.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thành quán triệt thực hiện theo các phương châm “Rõ - phân công rõ trách nhiệm, rõ từng đơn vị, cá nhân; Nghiêm - thực hiện nghiêm Chỉ thị 16; Chắc - đảm bảo chắc chắn bền vững, làm đâu chắc đó; Hiệu quả - phát hiện nhanh nguồn bệnh, truy vết ngăn ngừa lây nhiễm, hạn chế tối đa ca nhiễm mới và giảm thiếu tối đa ca tử vong. Phân loại rõ F0 trong tháp điều trị, ưu tiên nguồn lực tập trung cho F0 nặng”

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện Chỉ thị 16, không để xảy ra trường hợp tụ tập đông người, kiên quyết không để “chặt ngoài, lỏng trong”. Lực lượng công an, quân đội cần hỗ trợ hệ thống cơ sở để giám sát chặt chẽ. Tăng cường vai trò của Tổ COVID cộng đồng trong việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng khu vực” để vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Nơi nào chưa thành lập Tổ COVID cộng đồng cần phải thành lập ngay.

Chúng ta phải tận dụng tối đa “thời gian vàng” để phát hiện nhanh nhất các ca nhiễm, không để phát sinh ổ dịch mới; bảo vệ các vùng sạch an toàn.

Thủ tướng cũng cho rằng, TPHCM đã làm rất tốt việc thành lập các trung tâm cứu trợ cho người dân, doanh nghiệp, tạo ra các đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh, yêu cầu, khó khăn của người dân để kịp thời hỗ trợ; đây là mô hình hay.

Ngoài ra, các địa phương rà soát tổng hợp nhu cầu nguồn lực, cơ sở vật chất theo đúng thực tế, tránh lãng phí, chồng chéo. Cần chú trọng việc bố trí phân bổ để đảm bảo nguồn lực. Tuyệt đối không để thiếu máy thở và oxy cho công tác điều trị COVID-19.

Công tác tuyên truyền, vận động cần được tập trung đẩy mạnh để người dân hiểu, chia sẻ và đồng lòng thực hiện các giải pháp đề ra.

Công tác an sinh xã hội cũng phải được chú trọng, quan tâm để người dân an tâm, khắc phục khó khăn trước mắt và tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền; không để các đối tượng xấu lợi dụng tình hình gây mất an ninh trật tự.

Riêng đối với TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ y tế cùng TP đánh giá tình hình sau 2 tuần thực hiện Chỉ thị 16, rút ra các bài học kinh nghiệm để từ đó có giải pháp phù hợp nhằm củng cố "vùng xanh", xanh hóa dần các "vùng đỏ" trên bản đồ COVID-19.

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai

Tin cùng chuyên mục