Tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cùng đại diện lãnh đạo các Sở - ban - ngành, các thành viên Ban chỉ đạo Thành phố phòng, chống dịch Covid-19.
Dừng tất cả các lễ hội, hoạt động tôn giáo sau Tết
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tình hình dịch bệnh trong những ngày qua mặc dù diễn biến nhanh nhưng với tinh thần bình tĩnh, khẩn trương, đến nay hầu hết tình hình tại các địa phương đã được kiểm soát, nhiều tỉnh thành không ghi nhận ca mắc mới. Thủ tướng khen ngợi ngành y tế các địa phương đã rất chủ động, quyết liệt, triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch, các tỉnh thành có ca mắc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội kịp thời. Đặc biệt, hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM đã có những biện pháp rất mạnh để khống chế dịch.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vấn đề vắc xin là vấn dề cấp bách, cần có trong tháng 2. Ngoài ra, các tỉnh thành cần quyết tâm thực hiện việc dừng lễ hội sau Tết, nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, có chế tài mạnh mẽ và quyết liệt hơn đối với việc thực hiện các biện pháp phognf chống dịch
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 27/01 đến ngày 15/02/2021, cả nước ghi nhận 637 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, ở 13 tỉnh thành, trong đó: 461 ca tại Hải Dương, 59 ca tại Quảng Ninh, 35 ca tại TP. HCM, 33 ca tại Hà Nội, 27 ca tại Gia Lai, 06 ca tại Bình Dương, 05 ca tại Bắc Ninh, 03 ca tại Điện Biên, 02 ca tại Bắc Giang, 02 ca Hưng Yên, 02 ca tại Hoà Bình, 01 ca tại Hải Phòng, và 01 ca tại Hà Giang. Nhận định chung, Bộ Y tế cho rằng, trong vòng 16 ngày vừa qua, 12/13 tỉnh (trừ Hải Dương), đang có xu hướng giảm ca mắc trong ngày. Tuy nhiên, trong số các tỉnh, thành phố, tình hình dịch tại tỉnh Hải Dương tương đối phức tạp.
Bộ Y tế kiến nghị tiếp tục thực hiện theo chỉ thị 05 của Chính phủ, dừng tất cả các lễ hội, hoạt động tôn giáo tập trung đông người đối với các tỉnh thành có ca mắc Covid-19. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tất cả các địa phương yêu cầu các cấp cơ sở triển khai sử dụng phần mềm kiểm soát dịch bệnh mà Bộ Y tế khuyến nghị.
Chùm ca bệnh liên quan đến sân bay Tân Sơn Nhất cơ bản đã được kiểm soát
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, từ ngày 05/02 đến ngày 10/02, Thành phố đã phát hiện 35 trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng, bao gồm 09 nhân viên làm nhiệm vụ bốc xếp hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất và 26 người khác cũng có liên quan đến nhóm nhân viên bốc xếp của sân bay.
Qua báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới về kết quả giải mã bộ gene chủng SARS-CoV-2 từ các ca bệnh ở tổ bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều khả năng các ca này xuất phát từ một nguồn lây. Chủng SARS-CoV-2 gây bệnh ở nhóm công nhân bốc xếp thuộc nhóm A.23.1 được phát hiện lần đầu tiên ở Rwanda, Châu Phi vào khoảng cuối tuần thứ 3 của tháng 10 năm 2020, không phải biến chủng có khả năng lây lan nhanh từ Anh (biến thể B.1.1.7). Ngoài Rwanda, A.23.1 chỉ mới được phát hiện ở một số nước khác trên thế giới bao gồm Hoa Kỳ, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Úc, Anh và Đan Mạch, tuy nhiên chưa ghi nhận những dấu hiệu diễn biến bất thường ở các quốc gia này. Đây là lần đầu tiên chủng A.23.1 được phát hiện gây bệnh trong cộng đồng ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
Thông tin tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết sau khi phát hiện trường hợp mắc COVID-19 tại bộ phận bốc xếp hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Thành phố đã chỉ đạo triển khai xét nghiệm tầm soát cho toàn bộ nhân viên làm việc trong sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Qua tầm soát cho 8.130 người, phát hiện 08 trường hợp mắc COVID-19 là các nhân viên làm nhiệm vụ liên quan đến bốc xếp hàng hóa, trong đó có 07 người thuộc Công ty dịch vụ mặt đất VIAGS và 01 người thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam tham gia làm việc cùng đội quản lý sắp xếp hàng hóa của công ty VIAGS.
Đánh giá nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 từ khu vực này, TP.HCM tiếp tục mở rộng xét nghiệm tầm soát cho 3.800 người nhà của nhân viên công ty VIAGS từ ngày 09/02, qua đó phát hiện thêm 02 trường hợp mắc bệnh gồm 01 người từng làm việc cho VIAGS (nghỉ việc vào 01/02) và mẹ của người này. Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra, truy vết người tiếp xúc với các ca bệnh, ca nghi ngờ mắc bệnh trong nhóm nhân viên bốc xếp trên, ngành y tế phát hiện thêm 25 trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng.
Nhằm kiểm soát chùm ca bệnh, TPHCM đã tổ chức nhiều biện pháp khẩn cấp. Cụ thể, TPHCM đã khẩn trương điều tra truy vết người tiếp xúc, phong tỏa tạm thời 36 địa điểm có ổ dịch để tiêu độc khử trùng và điều tra, xét nghiệm tầm soát; xét nghiệm kiểm tra trên 2946 F1, F2 của 35 ca bệnh nêu trên không phát hiện thêm người nhiễm bệnh; xét nghiệm cho 9.864 người trong cộng đồng tại các địa điểm, khu vực liên quan ca bệnh không ghi nhận người nhiễm; xét nghiệm kiểm tra cho hơn 2.700 nhân viên y tế của 05 bệnh viện tại Thành phố có liên quan các ca bệnh cũng không phát hiện lây nhiễm.
Đồng thời, tổ chức chiến dịch giám sát chủ động theo chỉ đạo của Bộ Y tế đối với các điểm nguy cơ trên toàn thành phố gồm 05 bến xe liên tỉnh, 02 bến xe nội đô, 03 chợ đầu mối, 35 chợ địa phương và 25 khu nhà trọ, khu lưu trú của công nhân, trong 04 ngày thực hiện từ 11/2 đến 14/02, đã có 6551 người được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả đều âm tính.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho sân bay Tân Sơn Nhất duy trì hoạt động trong những ngày qua, ngành y tế phối hợp các đơn vị chức năng trong sân bay rà soát, củng cố lại các quy trình vận hành, hoạt động để tăng cường, bổ sung các biện pháp hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; hạn chế tối đa các dịch vụ ăn uống tập trung đông người, nhiều tiếp xúc trong sân bay, chủ yếu cung cấp thức ăn nhanh mang đi; tổ chức cách ly tập trung đối với toàn bộ 146 nhân viên đội bốc xếp và quản lý sắp xếp hàng hóa trên máy bay để kiểm soát nguy cơ tiếp tục lây lan ra cộng đồng. Ngoài ra hàng ngày toàn bộ nhân viên sân bay làm việc ở các khâu tiếp xúc với hành khách và nhân viên bốc xếp hàng hóa đều được xét nghiệm kiểm tra trong vòng 24 giờ trước ca làm việc, nếu âm tính mới được đi làm; kể từ ngày 08/02 đến nay đã có 7.494 lượt nhân viên được xét nghiệm kiểm tra, tất cả đều âm tính.
“Trong đợt đáp ứng khẩn cấp nhằm kiểm soát chùm ca bệnh liên quan đến sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố đã thực hiện tổng cộng 39.122 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Đến nay có thể nhận định ổ dịch tại Thành phố đã được kiểm soát”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thông tin thêm.
Các địa phương cần thực hiện các biện pháp phòng dịch mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn, linh hoạt hơn
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, một lần nữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tinh thần, sự quyết tâm của Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia và các địa phương. Để người dân được đón Tết Nguyên đán yên vu, các địa phương đã có nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ và sáng tạo. Ngoài ra, Thủ tướng đặc biệt khen ngợi những nỗ lực của ngành y tế trong thời gian qua. Lãnh đạo ngành y tế đã trực tiếp đi nhiều địa phương để chỉ đạo, nhiều cán bộ làm việc xuyên Tết không nghỉ.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi người dân trở lại làm việc sau Tết, trên tinh thần đẩy mạnh phòng chống dịch, ưu tiên kiểm soát dịch bệnh không để lây lan trên diện rộng, nhất là đối với các thành phố lớn và các tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đề nghị:
- Các địa phương tiếp tục áp dụng biện pháp phòng dịch mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn, linh hoạt hơn; khoanh vùng nhanh; xét nghiệm diện rộng; phong tỏa hẹp; truy vết thần tốc; nhất quán thực hiện chiến dịch hiệu quả.
- Các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và các địa phương đang có ca nhiễm cần có hành động cụ thể tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của TTCP, nghiêm túc chặt chẽ kịp thời như một số tỉnh thành (TPHCM; Quảng Ninh, Hà Nội) đã chỉ đạo.
- Dừng các hoạt động lễ hội, các hoạt động tụ tập đông người.
- Các tỉnh, thành tự quyết định thời gian cho học sinh quay trở lại trường học tùy theo tình hình tại địa phương.
- Thực hiện nghiêm các yêu cầu về phòng chống dịch 5K, nhất là việc đeo khẩu trang nơi công cộng. Tăng cường kiểm tra và có chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp không nghiêm chỉnh chấp hành quy định.
- Xét nghiệm và kiểm soát chặt chẽ chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam; quản lý chặt chẽ, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu khu cách ly và phong tỏa. Giao cho Quân đội phụ trách các khu cách ly tập trung.
- Đẩy mạnh phòng chống dịch tại cơ sở, áp dụng 4 tại chỗ, đẩm bảo sản xuất kinh doanh nhưng phải an toàn, các nhà máy xí nghiệp cần có phương án phòng chống dịch trước khi vào làm.
- Giãn cách xã hội đối với toàn tỉnh Hải Dương; giãn cách 1 số khu vực có khả năng lây nhiễm cao tại TPHCM và HN.
- Ngành y tế bố trí nguồn lực để xét nghiệm tầm soát những khu vự có nguy cơ lây nhiễm cao; Nghiên cứu đề xuất phương thức chống dịch trong tình hình mới; Chỉ đạo thường xuyên hơn nữa, nhanh chóng dập dịch, đặc biệt phòng dịch tại các cơ sở y tế; Chỉ đạo các đơn vị giải mã trình tự gen chủng virut mới; Tiếp tục hoàn thiện công cụ khai báo y tế cho người dân; Có chế tài cần thiết để người dân cài đặt Bluezone.
- Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không hoang mang nhưng không chủ quan, luôn ý thức trong công tác phòng chống dịch.
- Vắc xin là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ. Cần khẩn trương việc nhập khẩu vắc xin, thúc đẩy nhanh việc sản xuất vắc xin trong nước để phục vụ người dân.
- Tăng cường kiểm soát đường biên giới, ko để xảy ra vượt biên trái phép làm lây lan dịch bệnh.