Tính từ 6 giờ đến 19 giờ ngày 31/7, TPHCM ghi nhận thêm 1.677 ca nhiễm mới

20:06 31/07/2021

Tính từ 6 giờ đến 19 giờ ngày 31/7, Bộ Y tế đã công bố thêm 1.677 trường hợp nhiễm mới tại TPHCM. Như vậy tính từ 19 giờ ngày 30/7 đến 19 giờ ngày 31/7, Thành phố ghi nhận 4.180 trường hợp nhiễm mới.

Quang cảnh khu vực đường Lý Thái Tổ (Quận 10) trong những ngày thực hiện hạn chế người dân ra đường sau 18 giờ (Quốc Việt - HCDC)
Quang cảnh khu vực đường Lý Thái Tổ (Quận 10) trong những ngày thực hiện hạn chế người dân ra đường sau 18 giờ (Quốc Việt - HCDC)

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố đã có tổng cộng 90.243 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, TPHCM đã được ưu tiên phân bổ vắc-xin cho việc triển khai tiêm chủng phòng chống dịch. Để có thể đảm bảo tỷ lệ 99% người trên 18 tuổi được tiêm vắc-xin, TP.HCM cần phải được phân bổ tổng cộng 13,8 triệu liều. Theo tiến độ vắc-xin được nhập về Việt Nam, tính đến hôm nay 31/7, tỷ lệ vắc-xin được phân bổ cho Thành phố đã bao phủ được khoảng 22,3% nhu cầu tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên (tương ứng khoảng 3 triệu liều). Dự kiến trong tháng 8/2021, sẽ có thêm 5 triệu liều được phân bổ để Thành phố nâng dần tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cho người dân.

Sở Công thương đã có văn bản hướng dẫn quận, huyện và TP Thủ Đức áp dụng “Phiếu mua hàng thiết yếu” để kiểm soát, phục vụ công tác truy xuất thông tin nếu cần thiết. Theo đó, người dân sẽ được phân chia tần suất đến các điểm bán hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn 2-3 lần/tuần thông qua “Phiếu mua hàng thiết yếu”. Đối với người dân tại khu phong tỏa cũng sẽ được mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị, chợ với tần suất 2 lần/tuần. Mỗi hộ cử một người đại diện đi mua hàng theo khung thời gian quy định, địa điểm cung ứng phù hợp và cung cấp đầy đủ thông tin trên “Phiếu mua hàng thiết yếu”.

Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát với biến chủng Delta lây lan nhanh gây tổn hại lớn về sức khỏe, đời sống và tính mạng của người dân. Thành phố cần sự đồng lòng, chung sức của người dân trong việc đẩy lùi, không để dịch bệnh tiếp tục lây lan, bùng phát trong cộng đồng. Mỗi người dân hãy tiếp tục thực hiện tốt nhất có thể các biện pháp phòng bệnh, nhắc nhở người xung quanh cùng thực hiện để quyết tâm giữ vững “các vùng xanh không dịch” hiện có và tiếp tục mở rộng thêm nhiều vùng xanh, dần đưa Thành phố trở về trạng thái bình thường.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC)

Tin cùng chuyên mục