Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. HCM ngày 01/11/2024

10:05 01/11/2024

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. HCM trên các báo ra ngày 01/11:

TP. HCM xây 11 đô thị nén dọc Metro số 1, số 2 và Vành đai 3

TP. HCM vừa ban hành kế hoạch phát triển 11 đô thị nén dọc các tuyến Metro số 1, số 2 và Vành đai 3 theo mô hình TOD. TPHCM kỳ vọng mô hình TOD giúp tối ưu hóa giá trị đất đai xung quanh các nhà ga và vành đai, đồng thời tạo thêm nguồn vốn để tái đầu tư hạ tầng giao thông. Nội dung trên báo Lao Động.

TPHCM sẽ thí điểm 3 mô hình TOD dọc các tuyến metro và Vành đai 3. Ảnh: Anh Tú
TPHCM sẽ thí điểm 3 mô hình TOD dọc các tuyến metro và Vành đai 3. Ảnh: Anh Tú

Kế hoạch TOD của TPHCM được chia thành 3 mô hình triển khai, tùy thuộc vào vị trí và đặc điểm khu vực. Vùng lõi nhà ga metro (bán kính 400 - 500m): Đây là khu vực tập trung phát triển đô thị mật độ cao nhất, với các hoạt động thương mại, dịch vụ và nhà ở xen kẽ. Các khu vực này khuyến khích người dân đi bộ, với đường sắt đô thị là phương tiện giao thông chính, tạo ra môi trường sống thuận tiện, giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân.

Vùng chuyển tiếp nhà ga (bán kính 500 - 1.000m): Đặc trưng của khu vực này là mật độ đô thị cao, kết nối với nhà ga bằng xe buýt, xe đạp, và phương tiện nhẹ. Các dịch vụ xã hội và công trình dân cư đa chức năng được bố trí, trong đó đường sắt đô thị vẫn giữ vai trò là phương tiện giao thông chính.

Vùng nút giao Vành đai 3: Đây là các khu vực phát triển quanh các nút giao thông chính của đường Vành đai 3, bao gồm khu dân cư, công nghiệp và logistics, với đô thị trung, cao tầng xung quanh lõi trung tâm. Phương tiện giao thông chủ yếu trong khu vực là xe đạp, xe điện, còn kết nối ra ngoài bằng các đường nhánh vành đai và phương tiện công cộng.

TP.HCM thực hiện cải thiện giao thông trên tuyến phố Thái Văn Lung

Báo Pháp Luật TP cho hay, UBND quận 1 vừa có văn bản báo cáo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên về tình hình công tác phối hợp với Sở GTVT TP.HCM về triển khai thực hiện dự án thí điểm cải thiện giao thông, cải tạo không gian đường phố trên đường Thái Văn Lung, quận 1.

TP.HCM thực hiện cải thiện giao thông trên tuyến phố Thái Văn Lung, quận 1. Ảnh: Sở GTVT TP cung cấp
TP.HCM thực hiện cải thiện giao thông trên tuyến phố Thái Văn Lung, quận 1. Ảnh: Sở GTVT TP cung cấp

Theo UBND quận 1, việc triển khai thực hiện tại tuyến phố Thái Văn Lung là để đảm bảo thuận tiện giao thông, đồng thời ưu tiên không gian an toàn, thoải mái cho người đi bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho tuyến.

TP.HCM chọn tuyến đường Thái Văn Lung để cải tạo lại lòng đường, vỉa hè và lắp đặt các công trình phụ trợ, công trình tiện ích như cổng chào, bảng thông tin, ghế ngồi, thùng rác...

Song song đó là điều chỉnh tổ chức giao thông trên tuyến; bố trí các điểm buôn bán, kinh doanh hai bên đường theo định hướng chung của tuyến đường; bố trí các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe cao tầng; bố trí các vị trí dừng đón trả khách dành cho xe taxi và xe khách.

Theo UBND quận 1, dự án bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 8-2023 đến nay và quận đã phối hợp với Sở GTVT, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, nhóm chuyên gia quy hoạch Việt - Nhật thực hiện dự án.

Hơn 200 doanh nghiệp tham gia trình diễn năng lực cung ứng ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam

Báo SGGP đưa tin, trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam năm 2024 và Triển lãm quốc tế Quang điện tử Việt Nam năm 2024 do Sở Công thương TP. HCM tổ chức, hơn 200 doanh nghiệp tham gia trình diễn năng lực cung ứng ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam.

Doanh nghiệp giới thiệu những sản phẩm vi mạch, bán dẫn tại triển lãm
Doanh nghiệp giới thiệu những sản phẩm vi mạch, bán dẫn tại triển lãm

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, triển lãm quốc tế ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam năm 2024 được tổ chức nhằm mục tiêu kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn nói riêng, ngành công nghệ cao nói chung trên địa bàn thành phố và các tỉnh thành lân cận thiết lập hệ sinh thái ngành công nghệ cao. Trong đó, bao gồm các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đào tạo, khu công nghệ cao, hệ thống logistic như kho bãi, nhà xưởng, tài chính, ngành công nghiệp hỗ trợ, các startup công nghệ…

PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Sở hữu Trí tuệ và Chuyển giao Công nghệ, Đại học Quốc gia TP. HCM chia sẻ, các doanh nghiệp đã trưng bày, giới thiệu các sản phẩm trong các lĩnh vực như đào tạo, phần mềm giáo dục, phần mềm hỗ trợ quản lý doanh nghiệp, phần mềm mô phỏng trong sản xuất; thiết kế, kiểm thử, hiệu chỉnh vi mạch bán dẫn; hóa chất và thiết bị xử lý bề mặt; thiết bị đo lường điện tử; thiết bị bảo hộ lao động trong các nhà máy công nghệ cao...

Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng đã đem đến triển lãm các thiết bị quang điện tử như thấu kính, lăng kính, camera hồng ngoại sử dụng cho nhà thông minh, an ninh và ô tô; kính hiển vi, đèn phóng đại; vật liệu phủ quang học; linh kiện thiết bị lazer; công nghệ mạ điện độ tinh khiết cao, màn hình hiển thị …

Doanh thu từ dịch vụ lữ hành tăng gần 50%

Thông tin trên báo Tuổi Trẻ, Sở Du lịch TP.HCM cho biết trong tháng 10 vừa qua, khách quốc tế đến TP.HCM đạt gần 647.000 lượt, tăng 16,6% so với cùng kỳ 2023, nâng tổng số khách quốc tế trong 10 tháng đầu năm 2024 lên mức 4,66 triệu lượt, đạt 77,7% kế hoạch năm.

Du khách quốc tế tận hưởng dịch vụ tại khách sạn Grand Sài Gòn - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Du khách quốc tế tận hưởng dịch vụ tại khách sạn Grand Sài Gòn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cùng thời điểm, khách du lịch nội địa đạt 3,5 triệu lượt, tăng 1,2% so với cùng kỳ 2023, đưa con số 10 tháng năm 2024 ước đạt gần 31 triệu lượt khách. Đáng chú ý là doanh thu ngành du lịch trong tháng 10 đạt 16.251 tỉ đồng, tăng 11,4% so với năm trước. Trong 10 tháng đầu năm, tổng doanh thu đạt 156.649 tỉ đồng, đạt 82,4% mục tiêu đề ra cho năm 2024.

Lĩnh vực lữ hành tại TP.HCM cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng nhờ vào chính sách kích cầu và gia tăng lượng khách quốc tế. Doanh thu từ lữ hành trong tháng 10 đạt 2.655 tỉ đồng, tuy giảm 0,3% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Đặc biệt, trong 10 tháng đầu năm 2024, doanh thu dịch vụ lữ hành đạt mức cao với 32.255 tỉ đồng, tăng mạnh 46,7% so với cùng kỳ năm trước.

"Cổ đổng kỳ quan" thu hút đông du khách, kéo dài thời gian trưng bày

Theo báo Người Lao Động, nhân kỷ niệm 95 thành lập và phát triển, Bảo tàng Lịch sử TP. HCM giới thiệu chuyên đề "Cổ đổng kỳ quan - Nơi hội tụ các nền văn hóa" đến với công chúng qua 4 chủ đề chính: Nghệ thuật Ấn Độ ở Đông Nam Á; Mỹ thuật Trung Quốc; Mỹ thuật Việt Nam và Mỹ thuật Nhật Bản.

Du khách đến tham quan tìm hiểu về chuyên đề "Cổ đổng kỳ quan - Nơi hội tụ các nền văn hoá"
Du khách đến tham quan tìm hiểu về chuyên đề "Cổ đổng kỳ quan - Nơi hội tụ các nền văn hoá"

Chuyên đề "Cổ đổng kỳ quan - Nơi hội tụ các nền văn hóa" đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP. HCM (số 2, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1) đến hết ngày 30/11/2024, kéo dài thêm 1 tháng so với kế hoạch trước đó.

Chủ đề trưng bày 2 nhóm hiện vật: đồng tam khí và cổ khí. Xuất hiện vào đầu thế kỷ 19, đồng tam khí không chỉ phổ biến trong dân gian mà còn được dùng trong cung đình triều Nguyễn với 2 nhóm chính là đồ thờ cúng (tượng thờ, chân đèn, lư hương, đỉnh trầm) và đồ gia dụng (hộp, lồng ấp, bình rượu).

Nhóm cổ khí là các loại đồ đựng bằng đồng được vua Minh Mạng cho đúc vào năm 1838, phỏng theo các đồ đựng thời Tam Đại ở Trung Quốc. Trên mỗi cổ khí có khắc bài minh bằng chữ Hán với nội dung lấy từ những tác phẩm kinh điển của Nho giáo.

Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục