Nhà ven kênh ở TP.HCM sẽ được bồi thường ngang giá thị trường
TP.HCM xác lập quan điểm xây dựng chính sách bồi thường theo giá thị trường đối với nhà ven kênh rạch đủ điều kiện để đẩy nhanh tiến độ di dời, chỉnh trang đô thị.
Theo báo Thanh Niên, nội dung trên thể hiện trong thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại cuộc họp ban chỉ đạo và tổ công tác xây dựng Đề án di dời toàn bộ nhà trên và ven sông, kênh, rạch trên địa bàn, chỉnh trang đô thị, khai thác quỹ đất phát triển kinh tế (gọi tắt là đề án di dời nhà ven kênh).
TP.HCM xác định mục tiêu của đề án này là quyết tâm đến năm 2030 phải cơ bản di dời, bố trí tái định cư toàn bộ cho 46.452 căn hộ trên và ven sông, kênh, rạch trên địa bàn. Đồng thời, khai thông dòng chảy, cải thiện vệ sinh môi trường, thực hiện chỉnh trang đô thị, khai thác quỹ đất phát triển kinh tế. Để thực hiện mục tiêu trên, TP.HCM xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm là di dời, tái định cư cho người dân và chỉnh trang đô thị, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển kinh tế.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, quan điểm xây dựng chính sách bồi thường, hỗ trợ theo hướng đối với nhà, đất đủ điều kiện sẽ bồi thường theo giá thị trường và vận dụng tối đa chính sách hỗ trợ để di dời, giải tỏa nhà đất trong phạm vi. Song song đó, hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy hoạch... để thông tin, tuyên truyền và vận động người dân đồng thuận, ủng hộ.
TP.HCM thực chiến phòng chống tấn công mạng
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, mới đây, TP.HCM đã khai mạc chương trình 'Diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin mạng TP.HCM 2024'. Trong 5 ngày từ 17 đến 21/12, các đội đóng vai tấn công sẽ liên tục thực hiện các cuộc xâm nhập, khai thác lỗ hổng vào ứng dụng Công dân số TP.HCM đang hoạt động trên trực tuyến.
Đội tấn công mạng gồm các chuyên gia đến từ Trung tâm 286 - Bộ Tư lệnh 86, Trung tâm An ninh mạng (Đại học Quốc gia TP.HCM), Công ty An ninh mạng Viettel (Tập đoàn Viettel), Công ty An toàn thông tin (Tập đoàn VNPT), Công ty CP Dịch vụ công nghệ tin học HPT…
Đội phòng thủ là tập hợp đội ngũ quản lý, cán bộ kỹ thuật đến từ Trung tâm Chuyển đổi số TP và Đội Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng TP, đội ngũ kỹ thuật an ninh mạng thuộc các nhà cung cấp dịch vụ hệ thống thông tin. Hai đội sẽ tiến hành tấn công và phòng thủ hoàn toàn trực tuyến và trực tiếp trên môi trường mạng. Một ban giám khảo cũng sẽ trực tiếp theo dõi và chấm điểm các đội.
Theo ông Nguyễn Đức Chung - Phó giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM, mục tiêu chính của chương trình là nâng cao năng lực và kỹ năng ứng phó với các tình huống an toàn thông tin mạng.
Sở Y tế TP. HCM theo dõi sát dịch bệnh bí ẩn ở Congo
Theo VietNamNet, chiều qua, Sở Y tế TP. HCM đã có thông báo về việc theo dõi dịch bệnh bí ẩn tại Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo trên địa bàn thành phố. Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật châu Phi (CDC Châu Phi), một dịch bệnh chưa rõ nguyên nhân đang bùng phát tại khu vực Panzi, tỉnh Kwango, CHDC Congo khiến hơn 500 người tử vong, chủ yếu là trẻ em bị suy dinh dưỡng.
Để chủ động, sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xâm nhập, Sở Y tế chỉ đạo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) theo dõi sát tình hình diễn biến dịch, liên tục liên hệ, kết nối các đơn vị để cập nhật thông tin, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án đáp ứng theo từng mức độ nguy cơ của dịch.
HCDC có bộ phận Kiểm dịch y tế quốc tế túc trực 24/7 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng hải TPHCM để kiểm soát các nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm từ nước ngoài xâm nhập vào TPHCM.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, các kiểm dịch viên y tế giám sát liên tục hành khách nhập cảnh qua hệ thống đo thân nhiệt từ xa và quan sát các biểu hiện bất thường về sức khỏe trong khi hành khách vẫn di chuyển bình thường, không có hạn chế nào.
Đề xuất duy trì môn thi thứ 3 là Ngoại ngữ tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập
Báo SGGP cho hay, Sở GD-ĐT TP.HCM có văn bản góp ý lần 2 dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT của Bộ GD-ĐT. Trong đó, TP.HCM tiếp tục đề xuất duy trì môn thi thứ 3 là Ngoại ngữ tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập.
Theo đó, tại khoản 1, điều 12, chương III của Quy chế tuyển sinh THCS và THPT do Bộ GD-ĐT soạn thảo, môn thi thứ 3 tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập do Sở GD-ĐT tỉnh thành lựa chọn (trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số).
Trên cơ sở đó, Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất, việc lựa chọn môn Ngoại ngữ làm môn thi thứ 3 cần đảm bảo giữ ổn định tâm lý, phù hợp với mục tiêu định hướng nghề nghiệp của học sinh, đồng thời đáp ứng mục tiêu mà Bộ Chính trị đề ra trong Kết luận 91-KL/TW về việc đưa tiếng Anh từng bước trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Trước đó, tại buổi thảo luận tổ trong khuôn khổ kỳ họp HĐND TP.HCM khóa X mới đây, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, nhiều năm qua, TP.HCM giữ ổn định kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập với 3 môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Sở tiếp tục tham mưu UBND TP.HCM đề xuất Bộ GD-ĐT cho phép thành phố giữ ổn định kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập với 3 môn này.
Trời chuyển lạnh, bệnh viêm phổi tấn công trẻ em
TP.HCM và các tỉnh lân cận đang chuyển mùa, trời se lạnh vào buổi sáng và tối, xen lẫn những cơn mưa bất chợt… Đây là thời điểm bệnh viêm phổi, viêm phế quản ở trẻ em tăng nhanh.
Trao đổi với báo Phụ Nữ TP, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hoàng Phong - Trưởng khoa Hô hấp 1 BV Nhi Đồng 2 - cho biết, thường từ tháng Chín trở đi, thời tiết thay đổi lúc nắng lúc mưa, kèm không khí lạnh gia tăng làm cho bệnh hô hấp - đặc biệt là ở trẻ em - tăng. Hiện, khoa đang điều trị khoảng 170-200 bệnh nhi bị viêm phổi, viêm phế quản cấp, hen suyễn…, tăng khoảng 30% so với những tháng trước. Khoảng 15 trẻ có diễn tiến nặng. Trung bình mỗi ngày có 30-40 trường hợp mắc mới phải nhập viện điều trị. Trong đó, có cả trẻ ở TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận.
Đáng lưu ý là vẫn còn tình trạng khi trẻ bị ho nhiều, khò khè, nóng sốt liên tục…, gia đình tự mua thuốc cho trẻ uống. Có phụ huynh đưa con đi bác sĩ nhưng tự ý bỏ thuốc khi thấy con đỡ ho, không đi khám bệnh mà sử dụng lại thuốc cũ từ lần bệnh trước. Đến khi trẻ mệt mỏi, thở khó, lừ đừ, đưa đến BV thì bệnh đã nặng. “Một khi trẻ viêm phổi, tràn dịch phổi, suy hô hấp phải thở ô xy, thở máy…, việc điều trị phức tạp và kéo dài. Chưa kể đến sau điều trị có thể để lại di chứng” - bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong nói.
Việt Nam là điểm đến có sức hút đặc biệt với khách quốc tế dịp Tết dương lịch
VietNamPlus cho biết, Việt Nam đang trở thành điểm đến đón giao thừa Tết Dương lịch 2025 được du khách quốc tế yêu thích với lượng tìm kiếm chỗ ở vào thời điểm này tăng 30% so với năm trước, cho thấy đất nước hình chữ S ngày càng thu hút được sự chú ý của thế giới.
Đây là dữ liệu thống kê từ nền tảng du lịch trực tuyến Agoda. Giám đốc Agoda tại Việt Nam, ông Vũ Ngọc Lâm chia sẻ: “Với sự kết hợp độc đáo giữa văn hóa đặc sắc, nhịp sống sôi động và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, Việt Nam đang nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn mà khách du lịch quốc tế tìm kiếm cho kỳ nghỉ đón năm mới. Họ muốn khám phá mọi ngóc ngách của Sài thành náo nhiệt hay thư giãn trên bãi biển Phú Quốc yên tĩnh để chuyến đi đặc biệt trở nên đáng nhớ.”
Ông Vũ Ngọc Lâm cho biết Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Hoa Kỳ là các điểm đến có số lượng du khách lựa chọn Việt Nam nhiều nhất để tạm biệt năm cũ. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh giữ vững vị trí điểm đến được săn đón nhất, là nơi du khách có thể chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa rực rỡ bên sông Sài Gòn trong khoảnh khắc chào đón năm 2025.
Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)