Gần 650 tác phẩm văn học - nghệ thuật chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
Thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao TP. HCM, sau thời gian phát động (từ tháng 7/2023), cuộc vận động sáng tác và dàn dựng, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật với chủ đề: “TPHCM - 50 năm tự hào bản anh hùng ca” đã nhận được gần 650 tác phẩm trên các lĩnh vực: văn học, âm nhạc, sân khấu, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, kiến trúc. Tin trên báo Phụ Nữ TP.
Cuộc vận động đã nhận được sự quan tâm lớn của văn nghệ sĩ TP. HCM và cả nước ngay từ ban đầu, thu hút đông đảo tác giả tên tuổi và không chuyên tham gia. BTC cũng vui mừng nhận thấy, bên cạnh tác phẩm dự thi, cũng có nhiều tác phẩm từ các tác giả tên tuổi lớn gửi về nhằm hưởng ứng cuộc vận động, góp sức sáng tạo cho TP. HCM nhân kỷ niêm sự kiện chính trị trọng đại của đất nước.
Nhằm tạo cảm hứng sáng tạo cho văn nghệ sĩ, Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM cũng đã phối hợp Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM và các hội chuyên ngành tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu về thành phố.
Chương trình công bố và trao giải dự kiến diễn ra vào cuối tháng 12/2024. Sau đó, các tác phẩm đạt giải và chất lượng cao sẽ được BTC dàn dựng, phổ biến rộng rãi trong đời sống xã hội.
Hoàn thành phần kết cấu thép mái chính Nhà ga hành khách T3 Sân bay Tân Sơn Nhất
VietNamPlus đưa tin, chiều qua, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tổ chức sơ kết thi đua 120 ngày đêm hoàn thành phần kết cấu thép mái chính nhà ga hành khách và nhà để xe cao tầng; đồng thời phát động thi đua 90 ngày đêm hoàn thành toàn bộ phần mái nhà ga, mặt dựng và đóng điện công trình Nhà ga hành khách T3-Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.
Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3 gồm 4 hạng mục chính: Nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không, hệ thống cầu cạn trước nhà ga và sân đỗ máy bay. Tổng mức đầu tư dự án này là 10.990 tỷ đồng, do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư.
Trong số đó, hạng mục nhà ga hành khách T3 có quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng là 112.500m2. Đến nay, hạng mục nhà ga hành khách (PTB) đã thi công bêtông thô đạt 100%, xây thô kiến trúc đạt 90%. Hạng mục nhà để xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không (PNA), thi công bêtông thô cũng đạt 100%, xây thô kiến trúc đạt 85%.
Nhà cơ điện (UC) đã thi công xong bê tông thô và phần xây lắp cơ điện, hiện đang lắp đặt thiết bị. Sân đỗ máy bay hiện đã hoàn thành và đang tiến hành các thủ tục nghiệm thu đưa vào khai thác.
Tổ chức nhiều điểm chuyển tiếp cho khách đi và đến bến xe Miền Đông mới
Báo Tuổi Trẻ cho hay, Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản gửi Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV (Samco) về triển khai phương án tiếp chuyển hành khách đi và đến các bến xe khách liên tỉnh trên địa bàn TP. Phương án này nhằm tăng cường phương thức kết nối vận tải cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách tiếp cận các bến xe khách trên địa bàn TP.
Theo phương án đã được Samco hoàn thiện, bến xe sẽ sử dụng phần mềm, thông qua ứng dụng (app) trên thiết bị thông minh, tương tác giữa các bên (đơn vị bến xe khách, đơn vị vận tải, đơn vị vận chuyển trung gian nếu có) để tổ chức tiếp chuyển khách. Khách có nhu cầu tới bến xe tải ứng dụng (ví dụ: BusMap User) để đăng ký thông tin và theo dõi lộ trình xe mình đăng ký được định vị trên bản đồ thông minh tích hợp với phần mềm.
Hành khách được đón, trả tại các điểm cố định ở khu vực các bến xe, trung tâm thương mại, bệnh viện và các điểm theo nhu cầu thực tế do đơn vị vận tải và bến xe khách phối hợp tổ chức, được cập nhật trên phần mềm. Xe tiếp chuyển từ 29 chỗ trở xuống, hoạt động từ 0h đến 24h các ngày trong tuần (kể cả ngày lễ, Tết). Chi phí tiếp chuyển được tính vào cơ cấu giá cước (giá vé), do đơn vị vận tải tuyến cố định xây dựng và kê khai giá.
TP.HCM đưa ra dự thảo về bảng giá nhà ở, công trình, vật kiến trúc xây dựng mới
Báo Pháp Luật TP cho biết, Sở Xây dựng TP.HCM đã có tờ trình gửi UBND TP.HCM về dự thảo quyết định của UBND TP ban hành bảng giá nhà ở, công trình, vật kiến trúc xây dựng mới trên địa bàn TP.HCM. Dự thảo này thay thế cho quyết định số 22/2019 trước đây.
Bảng giá nhà ở, công trình, vật kiến trúc xây dựng mới trên địa bàn TP.HCM được sử dụng cho mục đích tính lệ phí trước bạ, tính giá nhà ở xây dựng mới để phục vụ công tác bán nhà ở cũ thuộc tài sản công, bồi thường thiệt hại thực tế về nhà, nhà ở, công trình xây dựng khi nhà nước thu hồi đất.
Nguyên tắc áp dụng theo dự thảo là giá nhà ở, công trình, vật kiến trúc xây dựng mới được xác định trên mặt bằng giá năm 2024. Bảng giá nhà ở, công trình, vật kiến trúc xây dựng mới là giá trị xây dựng, đã bao gồm thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%, hệ thống cấp, thoát nước, cấp điện, cấp nước phòng cháy chữa cháy, chống sét cho công trình.
Giá này không bao gồm chi phí các trang thiết bị trong công trình như thang máy, hệ thống điều hòa không khí, hệ thống thông tin, liên lạc, truyền hình, truyền thanh, hệ thống máy bơm phục vụ phòng cháy chữa cháy..
Quận 8 đủ điều kiện sớm công bố chấm dứt dịch sởi
Theo báo Thanh Niên, đó là nhận định của lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM sau khi đánh giá thực tế hoạt động phòng chống dịch sởi trên địa bàn vào ngày 17/9.
Theo đó, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM PGS-TS Tăng Chí Thượng cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi tại Trường tiểu học Nguyễn Trực, cơ sở tiêm chủng tư nhân VNVC và Long Châu nằm trên địa bàn Q.8.
Báo cáo với đoàn kiểm tra, TS-BS Hoàng Văn Cường, Giám đốc Trung tâm y tế Q.8 cho biết, tổng số trẻ từ 1 - 5 tuổi được lập danh sách và rà soát trên địa bàn là 18.464 trẻ, đạt tỷ lệ 97,86% so với tổng số trẻ trên hệ thống. Trong số đó, có 2.889 trẻ chưa tiêm đủ mũi vắc xin sởi. Ở độ tuổi từ 6 - 10, tổng số trẻ được rà soát là 22.837, trong đó với 6.163 trẻ chưa tiêm đủ hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng vắc xin sởi.
Q.8 đã triển khai 200 điểm tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi. Tính đến hết ngày 15/9, Q.8 đã tiêm tổng cộng 6.658 mũi tiêm. Cụ thể, đã tiêm cho 1.827 trẻ từ 1 - 5 tuổi, 4.740 trẻ từ 6 - 10 tuổi, và 91 đối tượng khác được tiêm sởi. Tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ từ 1 - 5 tuổi đạt 63,24%, tỷ lệ tiêm sởi cho trẻ từ 6 - 10 tuổi đạt 76,91%.
Nhiều trường ĐH trao học bổng, giảm học phí cho sinh viên vùng bão lũ
Trao đổi với báo Người Lao Động, GS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu Trưởng Trường ĐH Mở TP. HCM, cho biết theo thống kê, trường có hơn 300 sinh viên đang theo học có hộ khẩu cư trú tại các tỉnh, thành khu vực phí Bắc chịu ảnh hưởng của bão Yagi và lũ lụt. Nhằm sẻ chia, động viên tinh thần, tiếp thêm động lực để các em vượt qua khó khăn, tiếp tục con đường học tập, nhà trường trao hơn 300 suất học bổng với tổng giá trị 1 tỉ đồng cho các sinh viên tại các tỉnh, thành khu vực phía Bắc.
Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH) đã triển khai các chương trình "Học bổng hỗ trợ" và chương trình "Giãn thời gian đóng học phí" nhằm hỗ trợ sinh viên các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 năm 2024.
Theo đó, UEH dành 100 suất học bổng, mỗi suất trị giá 10.000.000 đồng trao cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn các khóa 47, 48, 49 và 50 có hộ khẩu thường trú tại 26 địa phương miền Bắc bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 3 năm 2024. Ngoài ra, để hỗ trợ cho tất cả sinh viên và gia đình thuộc 26 tỉnh, thành trên giảm bớt áp lực tài chính trong thời điểm khó khăn hiện tại, UEH cũng cho giãn thời gian đóng học phí học kỳ đầu năm 2025 đến ngày 15/1/2025.
Theo đại diện Trường ĐH Công nghiệp TP. HCM, sinh viên các tỉnh, thành thiệt hại do bão Yagi học ở trường được nhà trường miễn, giảm, giãn đóng học phí tuỳ theo từng trường hợp cụ thể.
Áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão: TPHCM ra công văn khẩn
Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. HCM vừa có công văn khẩn gửi đến các địa phương và đơn vị về chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó áp thấp nhiệt đới, đợt triều cường kết hợp mưa lớn giữa tháng 9/2024. Nội dung trên báo Tiền Phong.
Theo đó, đề nghị các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão để chủ động triển khai các phương án, biện pháp phòng chống, ứng phó.
UBND TP Thủ Đức và các quận - huyện được đề nghị chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát bờ bao, cống, cửa van ngăn triều xung yếu và chuẩn bị vật tư (cừ tràm, vải bạt, bao tải đất, cát…) để kịp thời xử lý, gia cố bờ bao xung yếu.
Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP HCM nhấn mạnh không để xảy ra tình trạng bể, tràn bờ bao, sự cố cửa van cống kiểm soát triều gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)