Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 01/11/2019

10:18 01/11/2019

Trung tâm Báo chí xin gửi đến Quý độc giả một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 1/11/2019:

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 01/11/2019 - Ảnh 1
Điểm nhấn của Đài phun nước nghệ thuật Phố đi bộ Nguyễn Huệ là hoa sen chính giữa. Ảnh: QUỐC HÙNG
TP. Hồ Chí Minh phân bổ 10 tỷ cho vay mua nhà ở xã hội, lãi suất 4,8%/năm

Báo Vietnamnet cho hay: UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định phê duyệt phân bổ chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2019 của chương trình cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định 100/2015 của Chính phủ. Trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Chính sách Xã hội – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, UBND Thành phố phê duyệt quỹ vốn cho vay mua nhà ở xã hội trong năm 2019 cho các quận, huyện là 10 tỷ đồng.

Ngân hàng Chính sách Xã hội – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh chịu trách trách nhiệm triển khai và cân đối nguồn vốn; đôn đốc, kiểm tra giám sát các phòng giao dịch để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.

Trước đó, ngày 1/4/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 355/QĐ-TTg quy định về mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ trong năm 2019 là 4,8%/năm. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.

TP. Hồ Chí Minh chính thức triển khai thí điểm chương trình sữa học đường

Đó là nội dung trên bài viết của báo Vietnamplus. Theo đó, từ ngày 1/11/2019, hơn 300.000 trẻ mẫu giáo và học sinh khối lớp 1 tại các trường tiểu học của 10 quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (gồm Quận 9, Quận 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ và Bình Chánh) sẽ được uống sữa mỗi ngày theo chương trình sữa học đường.

Đối tượng tham gia chương trình là học sinh mẫu giáo, học sinh lớp 1 ở các trường công lập, tư thục, nhóm trẻ độc lập. Doanh nghiệp được lựa chọn triển khai đề án này là Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk). Thông tin trên được chia sẻ tại buổi họp báo công bố triển khai chương trình sữa học đường trên địa bàn thành phố do Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 31/10 tại Trung tâm Báo chí Thành phố.

Đưa vào hoạt động đài phun nước nghệ thuật Phố đi bộ Nguyễn Huệ ​

Thông tin từ báo Sài Gòn Giải Phóng, tối 31/10, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cùng các Phó Chủ tịch UBND TP đã nhấn nút, chính thức đưa công trình Đài phun nước nghệ thuật tại giao lộ Nguyễn Huệ và Lê Lợi vào hoạt động sau 4 tháng thi công. Đây là công trình có vị trí không gian cảnh quan đô thị, có ý nghĩa về văn hoá, xã hội ngay tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1.

Công trình gồm các phần cảnh quan, xây dựng hồ nước dạng vòng tròn hệ thống búp sen bằng thủy tinh pha lê, hệ thống phun nước chiếu sáng nghệ thuật theo nhạc của CHLB Đức.

Công trình nằm trong kế hoạch cải tạo, nâng cấp không gian công cộng trung tâm TP đúng với qui hoạch của khu vực, phù hợp với các hướng nghiên cứu về không gian đô thị.

Rao bán cả đất của Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh

Ngày 31/10, chị T.M.H. - ngụ tại Q.6, TP. Hồ Chí Minh - đã phản ánh với phóng viên báo Phụ nữ về việc các đối tượng rao bán dự án “ma” ở Q.Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.

Theo chị H, đầu tháng 10 vừa qua, chị lên mạng tìm mua nhà thì thấy có rất nhiều người rao thông tin “bán đất mặt tiền đường, ngay Học viện Cán bộ TP”. Chị H. liên lạc theo số điện thoại trên mạng thì người bán cho biết, hiện đất mặt tiền đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh đang bán với giá 1,2 tỷ đồng/nền khoảng 80m2. Dự án này đã được triển khai, xung quanh dự án có dân cư hiện hữu, sầm uất, gần chợ, trường học, tiện kinh doanh buôn bán, đầu tư dài và ngắn hạn.

Cũng theo chị H., may nhờ có người thân kiểm tra giúp nên chị không bị lừa mất tiền. Tuy nhiên, các đối tượng đang đăng thông tin bán dự án “ma” rầm rộ nên có thể đã có nhiều người đặt cọc, mất tiền oan.

Theo UBND quận Bình Thạnh, từ đầu tháng 10/2019, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận đã nhận được thông tin về việc rao bán đất nền dự án bất hợp pháp trên đường Phan Chu Trinh - Chu Văn An, P.12, gần Học viện Cán bộ TP.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng nhận thấy, vị trí đất mà các đối tượng rao bán là ở mặt tiền đường Phan Chu Trinh, khu đất của Học viện Cán bộ TP.HCM. Đơn vị xưng chủ đầu tư là Công ty Bất động sản Lộc Phát, không có đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, còn có một số cá nhân rao bán đất nền tại khu vực này trên mạng xã hội. Phòng Tài nguyên và Môi trường Q.Bình Thạnh khẳng định, việc rao bán đất của các đối tượng là lừa đảo.

Rửa thực phẩm bằng hóa chất: phải ra tòa

Thông tin đáng chú ý trên báo Tuổi Trẻ: Theo kế hoạch, hôm nay, TAND quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) xét xử bị cáo Bùi Văn Sáng (37 tuổi, ngụ Quận Thủ Đức) về hành vi “vi phạm quy định an toàn thực phẩm”. Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn đã có bước ngoặt mới: xử lý hình sự. Để đưa ra xét xử bị cáo Bùi Văn Sáng về hành vi "vi phạm quy định an toàn thực phẩm" là cả một quá trình gian nan trong việc chứng minh hành vi phạm tội. Mọi chuyện bắt đầu từ 18 tháng trước, ngày 13.4.2018, hành vi chỉ đạo ngâm tẩm củ cải, cà rốt bằng hai loại hóa chất sodium sulfate, sodium dithionete của Sáng bị Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an TP. Hồ Chí Minh) phát giác.

Theo nội dung vụ án, Sáng là chủ cơ sở chế biến nông sản tại phường Tam Bình (quận Thủ Đức). Cơ sở này chưa có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Từ tháng 11-2017, Sáng thuê 3 nhân viên có nhiệm vụ rửa cà rốt, củ cải cho khách hàng tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức. Để rửa cho củ cải mau sạch đẹp và không bị hư thối, Sáng chỉ đạo cho nhân viên liên hệ mua hóa chất sodium sulfate (Na2SO4) tại chợ Tam Bình để ngâm rửa, giá rửa 1kg củ cải là 500 đồng. Theo sự chỉ dẫn của Sáng, sau khi củ cải được rửa bằng nước sinh hoạt, các nhân viên sẽ sử dụng một muỗng cà phê hóa chất pha loãng với nước sẽ ngâm được 50kg củ cải. Mỗi ngày các nhân viên này dùng hóa chất để ngâm khoảng 7 - 8 tấn củ cải cho khách, thu lợi từ 3,5 - 4 triệu đồng. Tại thời điểm bị bắt quả tang, cơ quan công an thu giữ được 1,6 tấn củ cải và 1,5 tấn cà rốt đã được ngâm hóa chất, tổng giá trị là 11,8 triệu đồng. Đặc biệt phát hiện thu giữ 250 gram bột màu trắng, qua giám định là chất sodium dithionete (Na2S2O4) và sodium sulfate (Na2SO4). Theo thông tư 02/VBHN-BYT của bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm thì các chất này nằm ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm.

Buộc tháo dỡ công trình sai phép ở Hóc Môn:

Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh đưa tin: Thành ủy TP. Hồ Chí Minh và Sở Xây dựng Thành phố vừa có văn bản yêu cầu lãnh đạo huyện Hóc Môn báo cáo tình trạng xây dựng sai phép nhiều năm nay chưa được xử lý với nhiều đơn khiếu nại của người dân được gửi tới các cơ quan chức năng. Cụ thể, theo văn bản mới nhất gửi UBND huyện Hóc Môn vào tháng 10, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho biết: Qua rà soát thực tế tại địa phương trước các thông tin phản ánh liên quan đến tình trạng xây dựng sai phép trên địa bàn huyện, đề nghị huyện Hóc Môn xử lý các vi phạm liên quan. Nhất là công trình tám căn nhà liền kề của bà Nguyễn Thị Kim Cúc (địa chỉ số 100/3C, ấp 4, xã Xuân Thới Thượng). Không chỉ có công trình của bà Cúc, Sở Xây dựng yêu cầu UBND huyện Hóc Môn chỉ đạo UBND xã Thới Tam Thôn tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình do các ông Võ Văn Vũ và Lưu Vạn Hạnh làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ tại thửa đất 1905, ấp Đông, xã Thới Tam Thôn.

Về trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đối với các công trình xây dựng sai phép trên, theo văn bản của Thành ủy Thành phố: Trong tháng 10, Ban Thường vụ Huyện ủy Hóc Môn đã có ba văn bản báo cáo việc xử lý các sai phạm. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10, Ban Thường vụ Huyện ủy Hóc Môn chưa lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm việc khắc phục các công trình sai phạm. Đồng thời kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể có liên quan chưa đúng với tính chất, mức độ sai phạm.

Hơn 1,2 tỉ USD làm đê chống ngập?

Theo Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh, trong buổi gặp gỡ Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Đại sứ Hà Lan Elsbeth Akkerman đã trao đổi các nội dung liên quan đến việc hợp tác chống ngập bền vững cho Thành phố. Thông tin thêm bên lề cuộc họp Quốc hội ngày 29.10, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết phía Hà Lan muốn đề xuất biện pháp chống ngập cho Quận 2 và Quận 9, gồm 2 loại giải pháp chính. Thứ nhất, một số vị trí sông có nguy cơ ngập nhiều sẽ làm đê sông, mặt ngoài sẽ ngăn nước, mặt trong làm nhà giữ xe, khách sạn, dịch vụ. Giải pháp thứ hai, ở một số vùng ít ngập hơn tại Quận 9, phía Hà Lan đề xuất giữ lại khoảng 200 ha làm vùng ngập tự nhiên, không bê tông hóa. Tại đây cũng xây dựng đê nhưng chủ yếu để ngăn nước sông lên, còn nước mưa thì thoát vào vùng sinh thái này, giống một hồ trữ nước lớn. 200 ha này sẽ trở thành vùng du lịch sinh thái, sân golf và làm nơi thoát nước tự nhiên. Thực tế, đây không phải lần đầu tiên ý tưởng làm đê bao chống ngập xung quanh Thành phố được nhắc đến. Từ năm 2017, khi những con số “kinh khủng” về tốc độ lún, độ chênh giữa mặt đất và nước biển có thể nhấn chìm TP. Hồ Chí Minh trong 30 - 50 năm tới được đưa ra, lãnh đạo Thành phố đã tính tới việc đầu tư xây dựng hệ thống đê bao toàn Thành phố và từng vùng ven sông. Bên cạnh dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP. Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” với tổng kinh phí hơn 10.000 tỉ đồng đang triển khai (trong đó có xây tuyến đê bao xung yếu ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh), ước tính Thành phố cần 20.000 tỉ đồng nữa để hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống đê bao. Điều này rất khó khả thi trong bối cảnh ngân sách eo hẹp và Thành phố đang cần vốn để đầu tư nhiều công trình hạ tầng khác. Nội dung bài viết của báo Thanh Niên.

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong có hiệu trưởng mới:

Ngày 31.10.2019, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đã công bố bổ nhiệm hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong sau khi bà Nguyễn Thị Yến Trinh có đơn xin thôi chức nhiều tháng trước đó. Theo đó, người được bổ nhiệm hiệu trưởng là bà Phạm Thị Bé Hiền. Bà Phạm Thị Bé Hiền có chuyên môn Sư phạm Toán, cũng là Phó Hiệu trưởng nhiều năm nay tại ngôi trường này. Trước đó, Hiệu trưởng của trường này là bà Nguyễn Thị Yến Trinh. Vào hồi tháng 5 vừa qua, tại cuộc họp Hội đồng sư phạm nhà trường, bà Trinh đã có đơn xin nghỉ hưu trước 2 năm theo chế độ, xin nghỉ việc, không tái bổ nhiệm ở chức vụ này trong nhiệm kỳ mới. Nhưng đơn của bà Trinh không được Sở Giáo dục và Đào tạo TP đồng ý. Được biết, bà Trinh đã giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong một nhiệm kỳ (tháng 8/2014 đến hết tháng 8/2019).

TP Hồ Chí Minh: Đề xuất thành lập thành phố phía Đông

Thông tin trên báo Đại Đoàn Kết cho biết: Ngày 31.10, Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh đã thông tin về việc có tờ trình gửi UBND Thành phố về Dự thảo văn bản kiến nghị Bộ Chính trị chấp thuận cho thành phố được thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Trong đó được phép thành lập thành phố ở phía Đông trực thuộc TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể tờ trình đề xuất về phương án tổ chức chính quyền đô thị của TP. Hồ Chí Minh, trong đó xây dựng mô hình một cấp chính quyền (cấp thành phố) và hai cấp hành chính (cấp quận, huyện, thành phố thuộc TP. Hồ Chí Minh). Đề xuất trước hết thành lập thành phố (thuộc TP. Hồ Chí Minh) ở phía Đông, do có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và nguồn lực hiện có. Quá trình lập thêm thành phố phía Đông của TP. Hồ Chí Minh dự kiến sẽ học hỏi kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị ở một số nước và kinh nghiệm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận và cấp phường vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là tổ chức thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố theo Nghị quyết 54 của Quốc hội.

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục