Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 01/12/2020

10:26 01/12/2020

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo số ra ngày 01/12:

Báo động về ô nhiễm không khí từ nay đến Tết Nguyên đán

Theo thông tin từ báo Lao Động, ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí (chỉ số AQI) toàn cầu Air Visual hiển thị kết quả không khí tại TPHCM ngày 30/11 ở mức xấu. Hầu hết các điểm đo đều cho ra chỉ số màu đỏ - không tốt cho sức khỏe con người. AQI dao động từ trên 150 - 190, chỉ có 1 - 2 điểm có chất lượng không khí ở mức màu cam - không tốt cho nhóm đối tượng nhạy cảm.

Thời gian qua, chất lượng không khí tại TPHCM ở mức xấu.  Ảnh: Minh Quân
Thời gian qua, chất lượng không khí tại TPHCM ở mức xấu.  Ảnh: Minh Quân

Bà Lê Thị Xuân Lan - nguyên Phó phòng Dự báo và phục vụ Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết chất lượng không khí ở TP từ nay đến Tết Nguyên đán vẫn trong tình trạng xấu, khó cải thiện.

Bà Lan phân tích những ngày cuối năm là cao điểm xây dựng nên phát sinh lượng bụi mịn lớn gây ô nhiễm. Thêm vào đó, từ nay đến Tết lưu lượng xe di chuyển ngày càng tăng do nhu cầu mua sắm, đi lại của người dân.

Hình thái thời tiết cũng là nguyên nhân khiến không khí khó cải thiện. Không khí lạnh từ miền Bắc khó ảnh hưởng xuống phía Nam nên thời tiết tại TPHCM và các tỉnh Nam Bộ tương đối ổn định. Ngày nắng nhiều, quang hóa mạnh, độ ẩm thấp, trời hầu như không mưa nên mức độ ô nhiễm không thể nào giảm được.

Gần 3.300 tỉ đồng làm tuyến BRT số 1

Một thông tin khác trên báo Lao Động cho hay, UBND TP vừa phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Phát triển giao thông xanh TP - dự án tuyến xe buýt nhanh (BRT) số 1. Tổng mức vốn đầu tư tuyến BRT số 1 sau điều chỉnh là gần 3.300 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của ngân hàng Thế giới hơn 121,2 triệu USD (tương đương hơn 2.849 tỉ đồng) và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố hơn gần 423 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án đến năm 2023.

 Phối cảnh tuyến buýt nhanh BRT số 1. Ảnh: UCCI
 Phối cảnh tuyến buýt nhanh BRT số 1. Ảnh: UCCI

Tuyến BRT số 1 dài 26 km, chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ. Điểm đầu tuyến tại vòng xoay An Lạc (Q. Bình Tân) và điểm cuối tại ga Rạch Chiếc (Q.2). Sau khi bến xe Miền Tây mới (H.Bình Chánh) hoàn thành, lộ trình tuyến sẽ được nối dài đến bến xe này.

Trong giai đoạn đầu, tuyến BRT số 1 có 42 xe sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) với sức chứa 60 - 72 hành khách. Tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của TP chạy với tốc độ di chuyển 60km/giờ trên làn đường riêng được bố trí trên hai làn sát dải phân cách trung tâm. Dải phân cách bêtông sẽ được dùng để phân cách giữa làn BRT và làn xe khác. Dọc theo tuyến có 28 trạm dừng, 2 trạm trung chuyển (Hải Thượng Lãn Ông, Hàm Nghi), 1 nhà ga Rạch Chiếc và bãi hậu cần tại Thủ Thiêm rộng hơn 13.000 m2.

Nhằm tăng khả năng tiếp cận của hành khách tới trạm BRT, 8 bãi đậu xe cá nhân sẽ được xây dựng tại các trạm. Đồng thời, thành phố sẽ xây dựng mới một số cầu bộ hành và cầu vượt kênh, cải tạo cầu bộ hành hiện hữu xung quanh trạm dừng,...

Theo UBND TP, tuyến BRT số 1 có đặc trưng kỹ thuật, chất lượng dịch vụ tương tự loại hình BRT trên thế giới, đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của loại hình giao thông thông minh. Trong đó, hệ thống vé đề xuất của tuyến BRT số 1 dựa trên thẻ thông minh và NFC (vé điện thoại di động). Ngoài ra, hệ thống thông tin hành khách (PIS) cho phép hành khách tiếp nhận thông tin và cập nhật về các tuyến, các dịch vụ sẵn có, thời gian đến và đi, các điểm dừng,…

TP kỳ vọng sau khi tuyến BRT số 1 đi vào hoạt động sẽ giúp thời gian vận chuyển ngắn hơn, tiện nghi hơn và an toàn hơn. Từ đó, thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm mật độ lưu thông của các phương tiện giao thông cá nhân góp phần giảm ùn tắc.

Theo quy hoạch, TP có 6 tuyến buýt nhanh. Ngoài tuyến buýt BRT trên còn có 5 tuyến khác gồm: tuyến đường Nguyễn Văn Linh - cầu Phú Mỹ (dài 24 km); Vành đai 2 (từ An Sương - bến xe miền Tây, dài 19 km); Tân Sơn Nhất - Bình Lợi (từ Kha Vạn Cân đến công viên Hoàng Văn Thụ dài 14,5 km); Thoại Ngọc Hầu - Vành đai trong (từ ngã tư Bốn Xã - Nguyễn Văn Linh dài 8,7 km) và đường Quang Trung (dài 8,5 km).

TPHCM cần 160.000 căn hộ nhà ở xã hội

Báo Người Lao Động thông tin, Sở Xây dựng TP vừa trình UBND TP về việc phê duyệt đề án xây dựng Chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021-2030.

Theo đề án, TP đặt mục tiêu đạt 295 triệu m2 tổng diện tích sàn nhà vào năm 2030, bình quân 26,5 m2/người (dự kiến quy mô dân số toàn TP vào cuối năm 2030 khoảng 11,1 triệu người).

Một chung cư - nhà ở xã hội ở quận Bình Tân. Ảnh: Hữu Huy
Một chung cư - nhà ở xã hội ở quận Bình Tân. Ảnh: Hữu Huy

Hướng đến mục tiêu trên, giai đoạn 2021-2030 dự kiến phát triển khoảng 4 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 160.000 căn hộ diện tích tối thiểu. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 phát triển khoảng 1,8 triệu m2 sàn và giai đoạn 2026-2030 phát triển khoảng 2,2 triệu m2 sàn. Để làm được điều này, TP sẽ yêu cầu các doanh nghiệp có dự án quy mô trên 10 ha cần dành 20% diện tích xây dựng nhà ở xã hội. Ngoài ra, ưu tiên sử dụng các quỹ đất nhà nước để phát triển nhóm nhà ở này.

Với nhà ở thương mại, giai đoạn 2021-2030 dự kiến phát triển 45,2 triệu m2 sàn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 phát triển 19,7 triệu m2 sàn và giai đoạn 2026-2030 phát triển 25,5 triệu m2 sàn.

Để thực hiện mục tiêu, TP sẽ ban hành các cơ chế tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút, hỗ trợ tài chính nhằm tăng tính khả thi, đẩy mạnh việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng phát triển nhà ở theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Đồng thời, bổ sung vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP của TP với loại hình nhà ở này.

Cứu hộ nhóm du khách TPHCM mắc kẹt trên núi Tà Giang

Báo Thanh Niên đưa tin, do trời mưa lớn, nước suối dâng cao, 36 du khách đến từ TPHCM và 9 người dân địa phương đã bị kẹt lại trên núi Tà Giang (Khánh Hòa).

Đường lên núi Tà Giang có nhiều con suối lớn, nước dâng cao khi mưa nên hiểm trở. Ảnh: V.N
Đường lên núi Tà Giang có nhiều con suối lớn, nước dâng cao khi mưa nên hiểm trở. Ảnh: V.N

Ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND H.Khánh Sơn (Khánh Hòa), cho biết sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã cử lực lượng tiếp cận hỗ trợ đoàn khách. Tuy nhiên, do nước suối dâng cao, địa hình hiểm trở nên trong ngày 30/11, đoàn cứu hộ vẫn chưa tiếp cận được. Huyện đã có báo cáo với tỉnh để xin hỗ trợ người và phương tiện phục vụ công tác cứu hộ đoàn khách trên.

Đến sáng 1/12, chính quyền địa phương đã liên lạc được với nhóm du khách. Ông Nhuận cho biết, đại diện nhóm du khách đã đi ra khu vực có sóng điện thoại để tìm cách liên lạc và thông báo mọi người. Nhóm cũng đã dựng lều trại tại khu vực an toàn.

Sau khi liên lạc được, chính quyền khuyến cáo nhóm khách nên ở nguyên vị trí đảm bảo an toàn, không nên đi lại, băng suối. Trong ngày 1/12, nếu nước rút thì nhóm khách sẽ xuống núi được. Lực lượng chức năng địa phương cũng sẽ tiếp cận để hỗ trợ.

Hướng dẫn sử dụng kinh phí Chương trình Sữa học đường

Cũng trên báo SGGP, liên Sở Tài chính và Sở GD-ĐT TP vừa có văn bản gửi Ban An toàn thực phẩm TPHCM và UBND 24 quận huyện, hướng dẫn thực hiện việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình Sữa học đường học kỳ 1 năm học 2020-2021.

Theo đó, đối tượng thụ hưởng là tất cả trẻ mẫu giáo và học sinh lớp 1 của trường công lập, ngoài công lập và trẻ học tại các lớp mẫu giáo độc lập, tư thục trên địa bàn 24 quận huyện. Ngoài ra, đề án cũng hỗ trợ nhu cầu uống sữa của trẻ mẫu giáo và học sinh lớp 1 tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập tại các trường tham gia “Chương trình Sữa học đường”.

Học sinh mầm non được uống sữa theo chương trình Sữa học đường. Ảnh: DNCC
Học sinh mầm non được uống sữa theo chương trình Sữa học đường. Ảnh: DNCC

Cụ thể, đối với trẻ mẫu giáo và lớp 1 trên địa bàn 24 quận huyện, thời gian thụ hưởng tính từ ngày 10/11/2020, kéo dài trong tháng 11 và 12/2020. Riêng với trẻ mẫu giáo và lớp 1 trên địa bàn 10 quận huyện (gồm quận 9, 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ), thời gian thụ hưởng được tính từ ngày 7/9/2020.

Về định mức thụ hưởng, mỗi trẻ mẫu giáo và học sinh lớp 1 được uống một hộp sữa dung tích 180ml/lần/ngày, 5 lần/tuần. Mức hỗ trợ, đóng góp được tính theo tỷ lệ ngân sách hỗ trợ 30% (tương đương 1.815 đồng/hộp sữa), doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20% (1.210 đồng/hộp sữa) và cha, mẹ, người chăm sóc học sinh đóng góp 50% (3.025 đồng/hộp sữa).

Riêng với học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn TP, học sinh tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập (được cấp phép theo quy định) theo học tại các trường thực hiện đề án, ngân sách sẽ hỗ trợ 50%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50% kinh phí.

667 học sinh tranh tài bơi lội

Theo báo Pháp Luật TP, chiều ngày 30/11, UBND TP tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước năm 2020; Tổng kết chương trình bởi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016-2020.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa &Thể thao TP cho biết, đuối nước là tác nhân gây tử vong cao ở trẻ em và người vị thành niên tại Việt Nam. Để đuối nước không còn là vấn nạn của xã hội, là nỗi đau của các gia đình, cần tăng cường phổ cập bơi và các kiến thức và các kỹ năng phòng chống đuối nước.

Phần bơi hưởng ứng của các em nhi đồng thuộc CLB bơi lội Rạch Miễu. Ảnh: Nguyễn Quyên
Phần bơi hưởng ứng của các em nhi đồng thuộc CLB bơi lội Rạch Miễu. Ảnh: Nguyễn Quyên

Ngay sau buổi Lễ phát động, Sở Văn hóa & Thể thao TP tổ chức giải bơi lội học sinh TP.HCM năm học 2020-2021 với sự tham dự của 667 học sinh (301 nữ, 366 nam) của 24 đội thể thao thuộc 22 quận huyện và 2 trường năng khiếu.

Tại buổi lễ, Sở Văn hóa & Thể thao TP đã trao tặng bằng khen cho 6 tập thể, 18 cá nhân và giấy khen cho 07 tập thể, 13 cá nhân.

Đình thần Linh Đông tiếp nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 30/11, UBND Q.Thủ Đức và Hội đình Linh Đông đã tổ chức lễ đón nhận bằng Xếp hạng di sản Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia Đình thần Linh Đông (P.Linh Chiểu, Q.Thủ Đức) nhân lễ Kỳ Yên của ngôi đình này.

Đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia tại Đình thần Linh Đông. Ảnh: Hoàng An
Đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia tại Đình thần Linh Đông. Ảnh: Hoàng An

Tại lễ đón nhận, ông Trương Trung Kiên, Chủ tịch UBND Q.Thủ Đức, cho biết Đình thần Linh Đông là một công trình đặc sắc, có giá trị về lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật. Công trình thể hiện sự gắn kết cộng đồng làng xã của cư dân Nam Bộ, tinh thần tôn trọng, tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền hiền đã có công khai phá lập làng, lập đình...đồng thời cũng thể hiện trí tuệ, sự tài hoa, khéo léo của các bậc nghệ nhân xưa.

Công trình Đình thần Linh Đông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào ngày 4/11/2020. Tại buổi tiếp nhận, UBND Q.Thủ Đức cũng công bố quyết định thành lập Ban quản lý di tích Đình thần Linh Đông để giữ gìn, bảo tồn và phát huy thật tốt giá trị của di tích lịch sử - văn hóa.

Theo những tài liệu xưa lưu lại, Đình thần Linh Đông được xây dựng vào khoảng năm 1820. Những chữ Hán khắc trên cây đòn nóc tiền điện đình Linh Đông ghi nhận thời điểm dựng đình là ngày lành tháng 9 năm Quý Mùi - tức năm 1823. Hiện Đình thần Linh Đông còn lưu giữ sắc phong do vua Tự Đức ban cho Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh thôn Linh Chiểu Đông, huyện An Nghĩa vào ngày 29/11 năm Tự Đức thứ 5 (ngày 8/1/1853).

Giảm học phí cho sinh viên học ở ngoại thành

Ngày 30/11, Trường ĐH Kinh tế TPHCM chính thức ra thông báo giảm học phí cho sinh viên theo học tại cơ sở Nguyễn Văn Linh (Bình Chánh). Cụ thể, trường giảm 5% học phí học kỳ đầu năm 2021 cho sinh viên khóa 45 ĐH chính quy học tại cơ sở Nguyễn Văn Linh. Đối với những sinh viên chưa nộp học phí học kỳ đầu năm 2021, kinh phí hỗ trợ sẽ được giảm trừ vào học phí phải nộp. Đối với những sinh viên đã nộp học phí học kỳ đầu năm 2021, kinh phí hỗ trợ sẽ được chi trả trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của từng sinh viên. Ngoài hỗ trợ về học phí, trường cũng kết nối các tuyến xe buýt hiện hữu với cơ sở mới này. Thông tin trên Báo Thanh Niên.

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP học tập tại thư viện. Ảnh: Hà Ánh
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP học tập tại thư viện. Ảnh: Hà Ánh

Theo Phó Hiệu trưởng Bùi Quang Hùng, quyết định trên được thực hiện dựa trên ý kiến khảo sát của khoảng 3.000 sinh viên K45. Kết quả khảo sát cho thấy 68,5% sinh viên chọn phương án nhà trường hỗ trợ giảm 5% học phí trong 1 học kỳ thay vì đi xe buýt trợ giá. Dựa trên thực tế này, trường đồng thời áp dụng 2 biện pháp: vừa giảm học phí đồng loạt cho tất cả sinh viên, vừa thiết lập hệ thống xe buýt trợ giá với cơ sở Nguyễn Văn Linh là bến cuối.

Ông Hùng cho biết cơ sở Nguyễn Văn Linh là cơ sở mới của trường, dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 1/2021, giúp giảm áp lực nhiều mặt tại trung tâm theo định hướng của thành phố. Trong thời gian đầu, nhà trường muốn khuyến khích sinh viên ra cơ sở mới học tập.

Từ năm 2006, TP có chủ trương quy hoạch quỹ đất di dời các trường ĐH, CĐ ra ngoại thành. Theo quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, 3 khu ĐH tập trung của TP là: khu ĐH phía tây bắc (thuộc huyện Hóc Môn và Củ Chi); Khu ĐH phía nam (Q.7, huyện Bình Chánh, Nhà Bè); Khu ĐH đông bắc (Q.9, Q.Thủ Đức và huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Đến thời điểm này, nhiều trường đã từng bước chuyển cơ sở đào tạo của trường ra ngoại thành.

Lấy ý kiến về Đề án thu phí dịch vụ cảng biển

Sở GTVT TP cho biết đã gửi công văn đề nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM góp ý dự thảo “Đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TPHCM”. Thông tin trên báo SGGP.

Cũng theo Sở GTVT, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cơ bản thống nhất với dự thảo đề án. Tuy nhiên, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đề nghị Sở GTVT bổ sung, làm rõ thêm nội dung so sánh mức thu, đối tượng tính phí, nộp phí... khi sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển tại các địa phương có cảng biển khác trong thời gian qua để có thêm cơ sở thực tiễn khi triển khai.

Quang cảnh cảng Cát Lái. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN
Quang cảnh cảng Cát Lái. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN

Còn theo hiệp hội Vận tải hàng hóa TP, hiện số lượng hàng hóa qua cảng tại TPHCM đã vượt mức dự báo của Bộ GTVT đến thời điểm 2030. Kết cấu hạ tầng giao thông khu vực cửa khẩu, cảng biển thành phố đã không đáp ứng được nhu cầu lưu chuyển hàng hóa, là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông và làm thời gian di chuyển của các phương tiện giao thông kéo dài, gây ô nhiễm môi trường do khí thải của xe, đồng thời xuất hiện nhiều điểm đen tai nạn giao thông gây thiệt hại cho doanh nghiệp và xã hội. Do vậy, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình hạ tầng giao thông kết nối khu vực cảng biển thành phố như đề án nêu ra là cần thiết.

Trong khi nguồn kinh phí của ngân sách thành phố còn hạn hẹp, việc huy động các nguồn lực đầu tư là phù hợp với chủ trương xã hội hóa. Hiệp hội thống nhất ủng hộ chủ trương thu phí của đề án, tuy nhiên khi triển khai thực hiện cần tính toán mức thu phù hợp từng giai đoạn, vì việc thu phí sẽ tác động tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp khi lưu chuyển hàng hóa qua cảng biển TPHCM so với cảng ở các tỉnh thành lân cận.

Theo Sở GTVT TPHCM, hiện tổ xây dựng đề án đang tiếp tục lấy ý kiến các đơn vị có liên quan để hoàn thiện, sau đó sẽ trình HĐND TP vào kỳ họp tháng 12/2020. Tổ công tác đã bổ sung phụ lục các công trình sẽ làm, lộ trình và hạ tầng thay đổi ra sao vào đề án, đồng thời tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn chỉnh đề án.

Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục