Quyên góp 34 tỷ đồng cho Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”
Báo SGGP đưa tin, tối 2/12, chương trình giao lưu nghệ thuật “Hướng về biên giới, biển, đảo của Tổ quốc” lần thứ 8, năm 2020, do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP phối hợp cùng Đài Truyền hình TP (HTV) tổ chức đã kêu gọi quyên góp được hơn 34 tỷ đồng cho Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”.
Chương trình nhằm huy động nguồn tài chính để thực hiện các hoạt động chăm lo cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đang công tác, học tập, sinh sống ở vùng biên giới, huyện đảo của Tổ quốc.
Năm 2021, Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đấu Tổ quốc” dự kiến tổ chức các hoạt động hỗ trợ trang thiết bị y tế cho Bệnh xá đảo Nam Yết; hỗ trợ sửa chữa Trường Tiểu học Song Tử Tây; hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng chân đế Nhà giàn DK1/10 tại Vùng 2 Hải quân; hỗ trợ xây dựng Nhà văn hóa đảo Thuyền Chài A; tiếp tục thực hiện công trình “Nước ngọt vùng biên”…
Chương trình nghệ thuật “Hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc” năm 2020 gồm các bài ca, điệu múa về biển đảo, về tình yêu quê hương đất nước được trình bày bởi những nghệ sĩ chuyên nghiệp, các nghệ sĩ đến từ các đơn vị.
Tái 'kích hoạt' nhiều khu cách ly
Theo Vietnamplus, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, hiện thành phố có 3 khu cách ly do quân đội quản lý với sức chứa hơn 500 giường, chủ yếu dành cho các chuyến bay giải cứu. Song song đó, thành phố cũng đang vận hành các khu cách ly quận/huyện, với sức chứa khoảng 1.000 giường; khu cách ly có thu phí tại các khách sạn là hơn 1.900 giường.
Hiện tại, các khu cách ly này đang thực hiện tiếp nhận người cách ly để phòng dịch. Ngành y tế thành phố sẵn sàng mở rộng các khu cách ly khi có nhu cầu, đảm bảo năng lực cách ly cho người dân.
Tính đến ngày 2/12, TP đang thực hiện cách ly tập trung cho 1.528 người và 935 người tự cách ly tại nhà/nơi lưu trú. Cơ quan chức năng cũng đã hoàn tất việc vận chuyển 61 người là phi công và tiếp viên hàng không tới cách ly tập trung tại khách sạn ở phường 1 và phường 4 quận Tân Bình (trước đó 61 người này được cách ly tại khu cách ly tập trung của đoàn bay Vietnam Airlines).
Ra quân nhắc nhở người dân đeo khẩu trang
Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhiều phường, quận trên địa bàn TP đã đồng loạt triển khai công tác nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các địa điểm công cộng và trên phương tiện giao thông công cộng. Sau khi bị nhắc nhở, nếu người dân vẫn tái phạm, lực lượng chức năng sẽ có biện pháp xử phạt nghiêm theo quy định.
Theo ghi nhận của PV báo Lao Động, ở phường 4 (Q.10), đa số người dân đã ý thức chấp hành tốt việc đeo khẩu trang. Tuy vậy, cũng có một số người dân còn chủ quan, lơ là, chưa chấp hành đeo khẩu trang nơi công cộng. Những trường hợp vi phạm này được chính quyền địa phương nhắc nhở, chưa xử phạt hành chính. Chính những người dân cũng tự giác nhắc nhở nhau đeo khẩu trang để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.
Chia sẻ về công tác này, ông Châu Văn An (Phó Chủ tịch UBND P.4, Q.10) cho biết, trong sáng 2/12, phường đã ra văn bản nhắc nhở đến khu phố, tổ dân phố, các người dân trên địa bàn đeo khẩu trang phòng chống dịch. Nhìn chung, đa số người dân chấp hành tốt việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Tương tự, P.Bến Nghé (Q.1) cũng đã triển khai thông báo biện pháp bảo vệ như đeo khẩu trang khi ra đường, đo nhiệt độ khi vào chợ hay trung tâm thương mại... Theo đại diện P.Bến Nghé, trong thời gian đầu, các trường hợp vi phạm, phường sẽ cấp phát khẩu trang. Nếu còn vi phạm, phường sẽ có biện pháp xử phạt mạnh tay hơn để người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe trước dịch bệnh.
Học sinh kiểm tra học kỳ ra sao khi dịch bệnh COVID-19 đang phức tạp?
Chiều tối 2/12, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP đã trao đổi với PV báo Tuổi Trẻ Online về việc kiểm tra học kỳ I của học sinh trên địa bàn thành phố trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, các trường phổ thông sẽ tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra cuối kỳ từ giữa tháng 12/2020 đến đầu tháng 1/2021, học sinh học đến đâu, đề kiểm tra sẽ ra đến đó.
Theo ông, hầu hết các trường đều tổ chức kiểm tra cuối học kỳ theo hướng chia lớp học ra làm đôi, bảo đảm mỗi em ngồi 1 bàn, vừa đạt yêu cầu về giãn cách, vừa đáp ứng được yêu cầu kiểm tra nghiêm túc, an toàn. Riêng với những học sinh hiện nay đang nghỉ ở nhà để cách ly, hiệu trưởng sẽ linh hoạt sắp xếp để các em được làm bài kiểm tra vào thời gian phù hợp, sau khi các em đi học lại và được giáo viên củng cố những kiến thức đã học trong thời gian học trực tuyến.
Được biết, sau khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, một số trường phổ thông ở TP đã phải cho học sinh nghỉ học. Từ đó, nhiều phụ huynh lo lắng con em họ sẽ khó đạt được kết quả tốt trong đợt kiểm tra cuối học kỳ I năm nay. Trả lời về vấn đề này, ông Hiếu cho hay, Sở GD-ĐT TP đã có chỉ đạo các trường phổ thông lên phương án dạy học trực tuyến kết hợp với dạy học trực tiếp trong tình hình như hiện nay. Những học sinh hiện phải nghỉ ở nhà để thực hiện quy định cách ly sẽ học trực tuyến dưới sự hướng dẫn của giáo viên nhằm đảm bảo theo kịp chương trình học.
Người dân đổ xô mua khẩu trang chống dịch Covid-19
Do lo ngại dịch Covid-19 quay lại, nhiều người dân TP đổ xô đi mua khẩu trang y tế để chủ động phòng chống. Mặc dù lượng mua tăng nhanh nhưng giá bán khẩu trang hiện không thay đổi, một số nơi còn giảm giá
Theo ghi nhận của PV báo Người Lao Động, hiện giá khẩu trang tại các nhà thuốc dao động từ 40.000 - 70.000 đồng/hộp tùy loại. Các nhà thuốc cho biết giá khẩu trang vẫn như cũ, không tăng "đột biến" như đợt dịch trước. Thậm chí, có nơi còn giảm giá như ở điểm bán khẩu trang trên đường Trần Hưng Đạo (Q.1). Tại đây, một hộp khẩu trang 4 lớp được bán với giá 25.000 đồng. Người bán cho biết ngày thường cửa hàng bán khẩu trang với giá 40.000 đồng/hộp, tuy nhiên sau khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19 của bệnh nhân 1342 thì cửa hàng bán với giá 25.000 đồng/hộp để nhiều người đến mua, góp phần phòng chống dịch bệnh.
Doanh nghiệp du lịch kích hoạt lại cơ chế ứng phó Covid-19
Theo báo Người Lao Động, chiều 2/12, nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch tại TP HCM cho biết đã kích hoạt lại cơ chế, triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, sau thông tin về những ca mắc Covid-19 vừa được phát hiện ở TP.
Công ty TST Tourist cho biết tiếp tục củng cố công tác phòng dịch, nắm bắt thông tin diễn biến, tâm lý khách hàng và bảo đảm sự linh hoạt trong kế hoạch điều hành tour trong mùa cao điểm Tết. Công ty đã thông báo đến toàn thể cán bộ, nhân viên trong việc bảo đảm nguyên tắc phòng dịch; giám sát nhân viên tại 3 quận Tân Bình, Bình Tân và quận 6 theo khuyến cáo để không xảy ra tình huống bất ngờ trong việc điều tiết nguồn nhân lực.
"Chúng tôi vừa tập trung theo dõi diễn biến việc khoanh vùng dịch tại TP HCM và thông tin của các vùng lân cận, ghi nhận phản hồi của khách hàng đối với những tour chuẩn bị khởi hành để có phương án phù hợp. Đến nay, chưa ghi nhận tình huống phát sinh từ dịch vụ, do các tour đã lên lịch khởi hành từ tháng 12/2020 phần lớn tập trung theo hành trình Đông Bắc và các tuyến miền Trung, tour cuối tuần các tỉnh Đông Nam Bộ" - ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông TST Tourist, nói.
Theo bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Truyền thông và Tiếp thị Công ty Lữ hành Fiditour, với tour đoàn vẫn chưa có tín hiệu về việc khách hủy dịch vụ. Các hoạt động chuẩn bị tour tháng 12 và đầu năm 2021 đang diễn ra. Với nhóm khách lẻ, vài khách đặt tour Tết liên hệ để cập nhật thông tin về chính sách hủy trong trường hợp khách không yên tâm đi tour vào thời điểm đó.
Hợp long cầu vượt nút giao đường 319 với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây
Cũng trên báo Tuổi Trẻ, ngày 2/12, Công ty cổ phần BOT 319 Cường Thuận CTI đã hợp long cầu vượt tại nút giao đường 319 với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Dự án đường 319 nối dài (đoạn từ ngã ba Bến Cam nối với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây) do Công ty cổ phần BOT 319 Cường Thuận CTI làm chủ đầu tư theo hình thức BOT.
Điểm đầu dự án tại ngã ba Bến Cam (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai), điểm cuối giao với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây tại Km 19+711. Chiều dài toàn tuyến là 9,46km gồm tuyến chính dài gần 2,4km, chiều rộng 16m và các nhánh rẽ có chiều dài hơn 7km, với chiều rộng 8m. Đây là trục giao thông chạy xuyên qua các khu công nghiệp của huyện Nhơn Trạch. Trong khi đó, cầu vượt và các nhánh rẽ từ cao tốc nối với đường 319 là một hạng mục quan trọng của dự án này.
Theo đại diện chủ đầu tư, sau khi cầu vượt hợp long, đơn vị thi công sẽ hoàn thiện các hạng mục phụ như thảm nhựa mặt cầu, chống thấm, lan can cầu và nghiệm thu bàn giao cho chủ đầu tư để thông xe. Hiện các đơn vị đang gấp rút thi công hoàn thành các gói thầu còn lại vào cuối tháng 12 tới. Đối với gói thầu thu phí tự động không dừng sẽ lắp đặt xong đầu năm 2021 để sớm đưa dự án vào vận hành khai thác.
Khi hoàn thành, đường 319 sẽ góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ Nhơn Trạch đi TPHCM, Dầu Giây và ngược lại, đồng thời góp phần giảm tải cho đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và quốc lộ 51 đang bị quá tải. Xa hơn, khi tuyến đường nối cảng Phước An hoàn thành xây dựng, đường 319 sẽ đóng vai trò là tuyến đường nối hai tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành.
Thêm điểm diễn múa rối nước tại Thành phố
Một thông tin trên báo Người Lao Động cho hay, cuối tháng 11, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam đã đưa vào hoạt động điểm diễn múa rối nước cố định mới mang tên Rối nước Rồng Phương Nam với 150 ghế ngồi bên trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử TP HCM (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1).
Đây là một không gian nghệ thuật lý tưởng giúp cho học sinh, sinh viên khám phá về loại hình nghệ thuật múa rối nước độc đáo của dân tộc, với các chương trình biểu diễn trò lẻ được giới chuyên môn đánh giá cao. Hiện nay, với các suất: 10 giờ và 15 giờ (từ thứ ba đến chủ nhật hằng tuần), nhà hát đã thu hút sự quan tâm, theo dõi của các nhóm đối tượng khán giả học sinh thông qua việc các trường đăng ký mua vé cho các em đến xem.
Ngoài ra, nhà hát còn tổ chức phục vụ theo đoàn, nhóm tour du lịch và kết hợp với các trường tạo các sự kiện giao lưu văn hóa, vừa giới thiệu tham quan bảo tàng lịch sử, xem múa rối nước và có thể cùng xem nghệ thuật hát bội miễn phí vào sáng chủ nhật hằng tuần do Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM thực hiện. Điều thú vị là ngoài các tiết mục múa rối nước được dàn dựng công phu, sân khấu này còn tạo sự tương tác với khán giả trẻ có thể khám phá nghệ thuật biểu diễn múa rối nước và tìm hiểu về quá trình lao động nghệ thuật của đội ngũ diễn viên múa rối nước chuyên nghiệp.
Giành lại vỉa hè cho giao thông tại TP
Báo Thanh Niên cho hay, Sở GTVT vừa trình UBND TP dự thảo thay thế Quyết định số 74 ngày 23/10/2008 quy định về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố.
Theo đó, dự thảo Quyết định mới có quan điểm: Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, các trường hợp sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác, trường hợp đặc biệt sẽ do UBND TP qụyết định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.
Cụ thể, đối với việc sử dụng tạm thời một phần hè phố: Mọi hoạt động phải đảm bảo chiều rộng hè phố cho người đi bộ lưu thông tối thiểu từ 1,5 mét. Hè phố hiện hữu không đảm bảo chiều rộng thì phải có lộ trình thay thế tạm thời, đảm bảo an toản cho người đi bộ. Có 9 nhóm hoạt động được xem xét sử dụng tạm thời một phần hè phố gồm: Tổ chức đám cưới, đám tang; Tổ chức các hoạt động văn hóa, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; Điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; Điểm trông, giữ xe có thu phí; Điểm hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; Điểm để xe hai bánh tự quản; Điểm bố trí để xe 2 bánh công cộng tại vị trí chuyển tiếp phục vụ hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, đường sắt đô thị); điểm bố trí dịch vụ để xe đạp, xe đạp điện công cộng và một số công trình bên trên hè phố phục vụ tổ chức giao thông.
Đối với việc quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, Sở GTVT yêu cầu đảm bảo phần lòng đường còn lại dành cho các loại phương tiện có bề rộng tối thiểu bố trí đủ 2 làn xe ô tô cho một chiều đi. Các hoạt động được xem xét sử dụng tạm thời một phần lòng đường có 3 trường hợp: Tổ chức các hoạt động văn hóa và điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa; Điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; Bố trí điểm trông, giữ xe có thu phí. Các hoạt động sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố phải có giấy phép.
Các hoạt động sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố làm điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; điểm trông, giữ xe có thu phí; điểm hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị sẽ phải đóng phí.
Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)