Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 04/11/2019

09:59 04/11/2019

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin nổi bật liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo số ra ngày 4.11.2019 gửi đến Quý độc giả tham khảo:

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 04/11/2019 - Ảnh 1
Vì muốn thoát nhanh hơn nhiều mô tô lấn sang đường ngược chiều trên đường Huỳnh Tấn Phát quận 7 / SGGP
Khai mạc Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam TP. Hồ Chí Minh lần VIII nhiệm kỳ 2019-2024

Sáng 3/11, Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam TP. Hồ Chí Minh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019 -2024 chính thức khai mạc. Đại hội nhằm tổng kết, kiểm điểm kết quả hoạt động nhiệm kỳ 2014 - 2019; thảo luận, hiệp thương thống nhất mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình hành động nhiệm kỳ 2019 - 2024; hiệp thương cử Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Phát biểu tại đại hội, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Đại hội Hội LHTN Việt Nam TP. Hồ Chí Minh là sự kiện chính trị quan trọng, thể hiện tinh thần đoàn kết của tuổi trẻ mà mục tiêu chính là đồng tâm, hiệp lực xây dựng TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Từ các kết quả đã đạt được cho thấy, các hoạt động phong trào của Hội LHTN TP luôn là môi trường sinh động, thuận lợi để thanh niên TP rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.

Thông tin đăng tải trên báo Sài gòn Giải phóng.

TP. Hồ Chí Minh quyết xử lý dứt điểm nhà ở “3 chung”

Báo Vietnamnet đưa tin: Ở huyện Hóc Môn, điển hình cho sai phạm xây dựng nhà “3 chung” là công trình 8 căn nhà liền kề của bà Nguyễn Thị Kim Cúc (trú tại 100/3C, ấp 4, xã Xuân Thới Thượng).

Liên quan đến vụ việc này, ngày đầu tháng11/2019, UBND xã Xuân Thới Thượng đã có văn bản thông tin về việc xử lý công trình xây dựng sai phép mà Thành uỷ TP.Hồ Chí Minh và Sở Xây dựng yêu cầu xử lý. Theo UBND xã Xuân Thới Thượng, công trình xây dựng do bà Nguyễn Thị Kim Cúc làm chủ đầu tư được khởi công từ tháng 11/2017. Khi tổ chức thi công, chủ đầu tư xây dựng sai nội dung thiết kế. Công trình phát sinh 3 cửa đi, phân thành 8 căn nhà riêng biệt.

Đầu năm 2018, dự án bị đình chỉ nhưng đến tháng 11/2018, chủ đầu tư dự án lại tái phạm, tiếp tục trổ cửa đi, không tuân thủ xử lý những sai phạm trước đó.

Trước thái độ cố chấp của đầu tư, UBND xã đã cho cắm biển “Nhà 3 chung” để cảnh báo đến người dân. Đồng thời thông báo Đội Thanh tra địa bàn Hóc Môn – Thanh tra Sở Xây dựng TP tiến hành lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt hành chính đối với công trình xây dựng của bà Cúc.

Trước động thái quyết liệt của chính quyền địa phương và các cấp, đến 31/10/2019 mới đây, bà Nguyễn Thị Kim Cúc đã khắc phục xong công trình vi phạm theo quyết định ban hành gồm tháo dỡ 7 cầu thang, bít 6 cửa đi ở tầng trệt, 2 cửa đi, 2 cửa sổ ở tầng lầu.

Mới đây, Thành ủy TP.Hồ Chí Minh yêu cầu huyện Hóc Môn tập trung chỉ đạo, xử lý dứt điểm vi phạm đối với công trình xây dựng sai phép biến tướng thành nhà “3 chung” - chung giấy phép, chung sổ đất và chung số nhà.

Kết luận nguyên nhân 2 vụ tử vong do phẫu thuật thẩm mỹ

Báo Vietnamplus cho hay: Chiều 3/11, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, cho biết sau khi lập Hội đồng chuyên môn để phân tích nguyên nhân, tìm hiểu có hay không có sai sót chuyên môn trong hoạt động khám, chữa bệnh tại Bệnh viện thẩm mỹ EmcasBệnh viện thẩm mỹ Kangnam, Sở Y tế đã có câu trả lời cho 2 trường hợp tử vong tại 2 bệnh viện thẩm mỹ này.

Theo đó, đối với sự cố y khoa xảy ra tại Bệnh viện thẩm mỹ Emcas, sai sót chuyên môn trong trường hợp này là bác sỹ chưa khai thác hết tiền sử của người bệnh, vì vậy chưa đánh giá hết nguy cơ có thể xảy ra; Bệnh viện thẩm mỹ Emcas cũng ghi chép hồ sơ bệnh án sơ sài, chưa thể hiện được chẩn đoán sơ bộ và hướng xử trí phù hợp.

Đối với sự cố y khoa xảy ra tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam liên quan đến sử dụng thuốc tê trong quá trình phẫu thuật.

Do đó, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh yêu cầu Ban giám đốc của 2 bệnh viện trên cần gấp rút tổ chức họp phân tích sai sót, rút kinh nghiệm toàn bệnh viện để tránh lập lại sự cố tương tự. Đồng thời củng cố các quy trình chuyên môn, tổ chức giám sát sự tuân thủ các quy định chuyên môn trong khám chữa bệnh, đặc biệt là công tác gây mê hồi sức.

Hơn 1.000 công nhân, lao động đi bộ “Vì người bạn đoàn viên công đoàn”

Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng: Sáng 3/11, hơn 1.000 công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã tham gia chương trình đi bộ ủng hộ “Vì người bạn đoàn viên công đoàn”. Đây là năm thứ 2 Công đoàn các Khu chế xuất và Công nghiệp TP tổ chức chương trình ý nghĩa này.

Các đoàn viên công đoàn, công nhân, người lao động đã đi bộ khoảng 2,2km, xuất phát từ Phòng khám đa khoa Khu chế xuất Tân Thuận qua các đường số 8, số 5, Tân Thuận và về lại điểm xuất phát. Chương trình đã kêu gọi các đơn vị, đoàn viên công đoàn, người lao động đóng góp, chia sẻ, giúp đỡ những đoàn viên có hoàn cảnh thật sự khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo; vận động người lao động tạo thói quen đi bộ để rèn luyện sức khỏe, bảo vệ môi trường và giảm ùn tắc giao thông.

Hiểm họa rình rập

Đó là nhan đề của phóng sự ảnh trên báo Sài Gòn Giải Phóng. Theo đó, mỗi ngày trôi qua, “Thần chết” mang tên tai nạn giao thông luôn rình rập trên mọi nẻo đường ở TP. Hồ Chí Minh. Chỉ cần chúng ta hoặc người đồng hành sơ hở hay lơ đãng là ngay lập tức những sự cố va chạm sẽ xảy ra, để lại những hậu quả vô cùng đáng tiếc không chỉ cho người bị nạn mà còn người thân.

Bài viết cũng đăng tải nhiều bức ảnh ghi lại những tình huống mà người tham gia giao thông vi phạm trên các tuyến đường, đó cũng là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn đáng tiếc.

Xây thêm cầu để cứu Nam Sài Gòn

Nội dung trên Báo Tuổi Trẻ số ra hôm nay: Với sự phát triển nhanh của dân số cơ học, khu Nam Sài Gòn đang đô thị hóa nhanh khi hàng loạt dự án nhà cao tầng mọc lên ở các quận 7, 8 và huyện Nhà Bè trong nhiều năm gần đây khiến cho các tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Nguyễn Tất Thành, Dương Bá Trạc... thường xuyên ùn tắc giao thông, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Mới đây, dự án mở rộng cầu Kênh Tẻ (nối Q.4 và Q.7) nối trục đường Khánh Hội - Nguyễn Hữu Thọ cơ bản hoàn thành đã giúp giảm tải áp lực ùn tắc giao thông khu vực. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế vào giờ cao điểm, hai "nút cổ chai" cầu kênh Tẻ, Nguyễn Văn Cừ lại khiến người dân phải nhích từng chút, ì ạch nối đuôi nhau qua cầu một cách chậm chạp do lượng xe vẫn quá đông. Những lối lên cầu, xe máy tràn lên vỉa hè, chen lấn giữa làn ôtô.

Ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh - cho biết: "Để tháo gỡ bài toán kẹt xe khu Nam Sài Gòn, thành phố đã đầu tư nhiều dự án công trình, trong đó các dự án mở rộng cầu Kênh Tẻ hơn 2m, cầu Chữ Y tăng lên hơn 3m sắp hoàn thành. Ngoài ra, đơn vị đã xây dựng cầu kết nối cầu Nguyễn Tri Phương với đường Võ Văn Kiệt, cải tạo đường Phạm Hùng. Hi vọng các dự án hoàn thành sẽ giảm một phần ùn tắc cho khu vực". Ngoài ra, ông Hưng cũng thông tin thêm hiện đang nghiên cứu triển khai dự án xây cầu Nguyễn Khoái nối Q.4 sang Q.7, nhằm giảm áp lực lưu thông cho cầu Kênh Tẻ.

Nhà cho thuê bị chiếm dụng: hình sự hay dân sự?

Rất nhiều trường hợp ở TP. Hồ Chí Minh nhà cho thuê bị chiếm dụng, chủ nhà cho rằng có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp, nhưng khi tố cáo chính quyền, công an lại cho rằng chỉ là tranh chấp dân sự. Vụ việc kéo dài phát sinh nhiều hệ lụy về an ninh trật tự, thậm chí xung đột dẫn đến đổ máu... Không chỉ chây ì, chiếm dụng nhà không trả, nhiều chủ nhà tố cáo còn bị đe dọa. Đáng lưu ý, trong vụ tranh chấp này có sự xuất hiện của nhân vật mà theo phóng viên là "trùm" xe ôm “giang hồ” mà gần đây Báo Thanh Niên đã phản ánh qua loạt bài điều tra Xe ôm "giang hồ" ở Bến xe Miền Đông từ 8 – 11/8/2019. Có chủ nhà đã gửi văn bản đến chính quyền địa phương nhưng không được quan tâm, xử lý. Không bỏ cuộc, người này tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan trung ương, báo đài để kêu cứu. Ngày 7/9/2019, Văn phòng Chính phủ đã  gửi công văn yêu cầu UBND TP.Hồ Chí Minh chỉ đạo kiểm tra, giải quyết sự việc theo đúng quy định pháp luật, báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 30/11/2019. Tiếp đó, ngày 25/9/2019, UBND TP.Hồ Chí Minh gửi văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng Thành phố khẩn trương tổng hợp toàn bộ hồ sơ, nghiên cứu kỹ nội dung khiếu nại của người dân, báo cáo đề xuất trình UBND Thành phố.  Nội dung bài viết đáng chú ý trên Báo Thanh Niên.

Hải quan TP. Hồ Chí Minh: Liên tiếp phát hiện nhiều vụ vi phạm

Báo Công an TP. Hồ Chí Minh đưa tin: Ngày 2/11/2019, tại cảng Cát Lái, Chi cục hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phối hợp với Đội Kiểm soát hải quan (Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh), Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Thành phố và lực lượng Biên phòng kiểm tra container hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, phát hiện toàn bộ là hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam. Theo nhận định của cơ quan chức năng, trong diễn biến căng thẳng kinh tế Mỹ - Trung hiện nay, không loại trừ khả năng doanh nghiệp lợi dụng Việt Nam làm nơi chuyển tải bất hợp pháp hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mang nhãn Việt Nam để xuất khẩu đi nước thứ ba. Vụ việc trên đang được tiếp tục điều tra, xử lý. Cùng ngày, Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất  phối hợp Đội Kiểm soát hải quan (đều thuộc Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh) và Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) tam giữ nam hành khách N.D.T (41 tuổi, ngụ Quảng Bình) về hành vi vận chuyển trái phép sản phẩm động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Vụ việc này cũng đang được mở rộng điều tra, làm rõ.

Vừa dạy vừa “chạy” tuyển giáo viên

Bài viết trên Báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết: Năm học 2019-2020 đã qua hơn 2 tháng nhưng nhiều quận huyện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh chưa hoàn tất công tác tuyển dụng giáo viên. Tình trạng số lượng ứng viên trúng tuyển không đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng năm nào cũng tái diễn, nhưng chưa có biện pháp tháo gỡ. Trưởng phòng GD&ĐT một quận ở vùng ven cho biết, tuyển dụng giáo viên liên quan đến công tác phối hợp giữa phòng GD&ĐT và phòng nội vụ, chưa kể còn bị chi phối bởi các kế hoạch phân bổ, tinh giản nhân sự. “Dù muốn đẩy nhanh tiến độ tuyển dụng giáo viên trước khi bắt đầu năm học mới, nhưng lực bất tòng tâm. Địa phương ưu tiên những đơn vị vừa xây mới, hoặc thiếu nhiều nhân sự, các trường hợp còn lại vừa dạy vừa bổ sung thêm giáo viên”, vị này thông tin.

Do chế độ đãi ngộ hiện nay còn hạn chế nên nhiều vị trí tuyển dụng như giáo viên tiếng Anh, nhân viên thư viện, y tế… tại các trường thường xuyên biến động. Cụ thể, nếu giáo viên tiếng Anh có xu hướng “chảy máu chất xám” qua khu vực trường tư và ngoài công lập thì các vị trí nhân viên thư viện, y tế rất ít ứng viên dự tuyển. Nguyên nhân là do hiện nay, với quy định của Bộ GD&ĐT, 4 chức danh kế toán, văn thư, y tế và thủ quỹ chỉ được bố trí 2 nhân sự, khiến công tác tuyển dụng gặp khó, các trường phải bố trí lao động kiêm nhiệm. Thời gian tới, song song với các chính sách thu hút đội ngũ, Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ GD&ĐT tháo gỡ khó khăn về định biên nhân sự, giúp trường học chủ động hơn về nguồn tuyển cũng như thu hút ứng viên.

TP. Hồ Chí Minh: Loạn số nhà, chung cư vì… mê tín!

Không ít chuyện cười ra nước mắt khi số nhà, số tầng chung cư né những con số xấu theo phong thủy là cách mà báo Người Lao Động mở đầu cho bài viết “TP. Hồ Chí Minh: Loạn số nhà, chung cư vì… mê tín!”. Bài báo này lấy dẫn chứng: City Gate (quận 8) là một trong hàng trăm chung cư tự đánh số tầng theo mong muốn. Tại đây, thay vì đánh số tầng 13, 14 và 23 thì đổi thành lần lượt là 12A, 12B và 22A. Điều này khiến không ít người khi mua căn hộ được thông báo là tầng 12A nhưng khi vào nhận thì tá hỏa vì đó là tầng 13 mà họ cho là rất xui. Tương tự, chung cư Idico Tân Phú (quận Tân Phú) từng khiến cư dân bức xúc khi số tầng thay đổi. Ban đầu, khi bàn giao căn hộ không có tầng số 13. Tại đây, sau tầng 12 là tầng số 14. Những khách hàng mua phải tầng 13 (đếm theo thực tế) tới nay vẫn ấm ức vì cho rằng mình bị lừa. Thực trạng chủ đầu tư chung cư né "số xui" khi rao bán căn hộ không chỉ diễn ra ở những chung cư nêu trên mà còn ở nhiều nơi khác, dù không xảy ra thưa kiện nhưng lại là những "cơn sóng ngầm" mâu thuẫn giữa người mua và bên bán.

Còn theo ông Nguyễn Phi Hùng, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, hiện nay nhu cầu đánh số tầng chung cư né những con số không đẹp là rất lớn. Ngoài việc đánh số căn hộ chung cư, ông Hùng còn nhìn nhận việc đánh số nhà tại Thành phố còn không ít bất cập, gây ra nhiều chuyện dở khóc dở cười. Cụ thể, trụ sở làm việc của Sở Xây dựng Thành phố cũng rơi vào tình cảnh như vậy. Cùng một trục đường Trương Định nhưng quận 1 và quận 3 mỗi nơi đánh số một cách. Vì vậy, không ít lần người dân, kể cả một số cán bộ quận - huyện, tìm số 60 Trương Định, quận 3 để làm việc với Sở Xây dựng lại đi nhầm vào cửa hàng hớt tóc quận 1 do số nhà trùng. Sở Xây dựng Thành phố cho biết thời gian qua, đơn vị này lấy ý kiến từ nhiều nơi xoay quanh đề án phát triển số nhà thông minh do một đơn vị tư nhân đưa ra mô hình. Về việc mỗi nơi một kiểu đánh số tầng chung cư khác nhau, Sở Xây dựng Thành phố cho hay tuyệt đối không cho việc “nhảy tầng” nhưng nhiều nơi vẫn “lách”. Nội dung trên được đăng tải trên báo Người Lao Động.

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục