Gần 170.000 học sinh, sinh viên nghỉ học do COVID-19
Theo báo Pháp Luật TP, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM diễn ra vào chiều 3/12, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Lê Hồng Sơn cho biết, đến 16 giờ chiều cùng ngày đã có hơn 8.200 học sinh khối mầm non và phổ thông phải nghỉ học, trong đó có 8 trường cho toàn bộ học sinh nghỉ và 195 trường cho nghỉ một số lớp. Ngoài ra, có 663 giáo viên phải tạm nghỉ.
Còn ở khối đại học và cao đẳng có gần 161.000 sinh viên và 5.700 giảng viên phải nghỉ. Hiện có 12 trường đại học đã đóng cửa, nhiều trường có sinh viên hoặc giảng viên diện F1 do liên quan đến các ca bệnh COVID-19.
Cũng theo ông Sơn, ngành giáo dục vẫn đang phối hợp với ngành y tế khoanh vùng các trường hợp F3, F4 và con số này vẫn đang tiếp tục tăng.
Hỗ trợ tối đa người dân nơi phong tỏa
Theo ghi nhận của PV báo SGGP, chiều 3/12, tại 3 khu vực phong tỏa tạm thời trên địa bàn các phường 3, 7 và 9 (Q.6), mọi sinh hoạt của người dân diễn ra bình thường với sự hỗ trợ tối đa từ chính quyền. Tại lô E đường Lò Gốm và hẻm lô C đường Phạm Văn Chí, P.7, hai đầu hẻm đều được cơ quan chức năng lập chốt kiểm soát dịch bệnh với hàng rào chắn, biển cảnh báo. Tại các chốt kiểm soát, có đầy đủ lực lượng gồm công an, dân quân thường trực, cán bộ y tế… trực 24/24 giờ.
Theo Chủ tịch UBND P.7 (Q.6), Trần Đức Thọ, hàng hóa, lương thực trước khi đưa vào khu vực phong tỏa tạm thời đều được khử trùng, người trong khu ra nhận phải đứng cách nhau 2m. Phường đã hỗ trợ đợt đầu tiên cho mỗi hộ gồm 10kg gạo, 1 thùng mì gói, dầu ăn, nước tương. Ngoài nhu yếu phẩm được cấp phát, UBND phường cũng hỗ trợ người dân mua thực phẩm khác, thông qua đặt hàng qua mạng và người dân tự thanh toán các khoản phí này.
Còn ông Mai Ngọc Tuấn, quyền Chủ tịch UBND P.3, cho biết, phường lập chốt kéo dài từ đầu hẻm 106 Bình Tiên đến hẻm 97/12 Phạm Phú Thứ (dài khoảng 400m). Tại đây, có 52 hộ với 197 nhân khẩu, tất cả đã được lấy mẫu xét nghiệm và đang chờ kết quả. Phường đã huy động tất cả lực lượng để tham gia bảo vệ các điểm phong tỏa. Bình quân 1 chốt có 4 người, chia thành nhiều ca, một ngày bình quân có 16 người trở lên để tham gia trực chốt. Ngoài ra, lực lượng tham gia trực chốt bắt buộc phải đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, sát khuẩn, đeo khẩu trang liên tục trong lúc thực hiện nhiệm vụ. Các cá nhân không có nhiệm vụ không được ra vào khu vực đang phong tỏa. Người dân trong khu vực phong tỏa tạm thời cũng tuân thủ nghiêm quy định về cách ly của chính quyền địa phương.
Tại P.9, các lực lượng chức năng kiểm soát chặt khu vực từ số nhà 16 đến số 24 đường Hoàng Lê Kha (4 nhà, có 22 nhân khẩu). Người thân của các hộ dân được đến tiếp tế nhu yếu phẩm cho các hộ bên trong khu vực phong tỏa nhưng phải đảm bảo các quy trình khai báo y tế, đo thân nhiệt và khử trùng hàng hóa.
Dịch ở TP được khoanh vùng sớm, khả năng lây lan thấp
Trao đổi với báo Pháp Luật TP ngày 3/12, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định các ca bệnh cộng đồng ở TPHCM là một đốm lửa nhỏ, địa phương đã thần tốc khoanh vùng phát hiện, nhanh chóng cách ly người tiếp xúc.
Không như Đà Nẵng, đối với ca bệnh của nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines ở TP.HCM sau đó lây cho 3 người khác, TP.HCM đã phát hiện ra F0 sớm, lập tức khoanh vùng F1, F2. Dịch được khoanh vùng sớm, ngành y tế ở tư thế chủ động, do đó khả năng lây lan, bùng dịch thấp.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho biết Việt Nam đã có kinh nghiệm chống dịch. Các bước được thực hiện theo thứ tự ổn định gồm phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị tốt.
Tuy nhiên ông Phu cũng nhận định, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, chưa được kiểm soát. Trong khi đó, hàng ngày Việt Nam đều có chuyến bay đón công dân về nước. “Trên một chuyến bay có 3-5 trường hợp dương tính với COVID-19, thậm chí 20 ca. Nếu không làm tốt việc cách ly, giám sát và phát hiện, sẽ lây lan ra cộng đồng", ông Phu nói.
Đánh giá về những trường hợp cách ly tại nhà, ông Phu lo lắng, nếu những người phải cách ly không có ý thức, không tuân thủ quy định cách ly mà Bộ Y tế đưa ra. Người có tâm lý chủ quan khi chưa có triệu chứng vô tình mang dịch ra cộng đồng dẫn đến nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Nguồn cung các sản phẩm phòng, chống dịch dồi dào
Theo Vietnamplus, chiều 3/12, đại diện một số trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi... trên địa bàn TPHCM cho biết bắt đầu ghi nhận sức tiêu thụ sản phẩm phòng, chống dịch COVID-19 tăng so với thời điểm bình thường mới trong thời gian vừa qua. Mặc dù vậy, đại diện các siêu thị, trung tâm thương mại khẳng định, nguồn cung các sản phẩm phòng, chống dịch vẫn còn rất dồi dào.
Cụ thể, ngay sau thông tin xuất hiện những ca bệnh mới không tuân thủ cách ly đã làm phát sinh hàng trăm trường hợp có nguy cơ lây nhiễm mới diện F1, hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra tại khu vực TPHCM ghi nhận sức mua những mặt hàng chống dịch tăng từ 20% đến 30%. Các mặt hàng phòng, chống dịch, gồm: khẩu trang y tế, khẩu trang vải sát khuẩn, gel rửa tay, hóa phẩm tẩy rửa diệt trùng, găng tay cao su,mũ có trang bị màng nhựa trong... được rất nhiều người tiêu dùng chọn mua.
Bên cạnh đó, sức mua mặt hàng nước uống đóng chai, gạo, dầu ăn và thực phẩm khô, mỳ gói tại siêu thị Co.opmart khu vực Bình Tân và quận 6 cũng tăng nhẹ khi có thông tin hai khu vực này có khả năng thực hiện giãn cách xã hội. Đặc biệt, đơn đặt hàng online qua zalo, điện thoại của siêu thị khu vực này tăng gấp 3-4 lần so với trước đó, chủ yếu khách trong khu vực đặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm.
Tương tự, tại các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi... như LOTTE Mart, Big C, AEON Mall, Giga Mall, Bách hóa Xanh... số lượng khách hàng mua sắm sản phẩm phòng, chống dịch COVID-19 cũng tăng nhẹ so với thời điểm cuối tuần trước. Tuy nhiên, nguồn cung những sản phẩm này vẫn đảm bảo dồi dào và giá cả ổn định, đặc biệt còn có một số mặt hàng đang nằm trong chương trình khuyến mãi, giảm giá và được kinh doanh với giá bình ổn thị trường.
95.800 tỷ đồng thực hiện Đề án Phát triển ngành logistics
Báo SGGP đưa tin: Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm vừa ký Quyết định 4432 phê duyệt Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đề án này là một trong số 45 đề án thuộc chương trình đột phá, trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025) do Sở Công thương TP phối hợp với Viện Nghiên cứu và phát triển Logistisc thực hiện.
Đề án đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TPHCM đến năm 2025 đạt 15% và năm 2030 đạt 20%, tỷ trọng đóng góp vào GRDP năm 2025 đạt 10% và tăng lên 12% vào năm 2030; qua đó góp phần kéo giảm chi phí logistics bình quân cả nước xuống còn 10%-15% vào năm 2025.
Đề án sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ xây dựng khép kín các tuyến đường vành đai, cao tốc kết nối TPHCM với các tỉnh thành phía Nam, thúc đẩy vận tải hàng hóa bằng đường thủy và đường sắt, tăng cường kết nối vận tải đa phương thức đến các trung tâm logistics.
Theo đề án, tổng nhu cầu vốn phát triển ngành logistics giai đoạn 2020-2030 tại TPHCM vào khoảng 95.800 tỷ đồng.
Sở Xây dựng lý giải nguyên nhân gây tranh chấp chung cư
Báo Pháp luật TP cho hay, Sở Xây dựng vừa có văn bản gửi Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP về hoàn chỉnh báo cáo một số thực trạng, giải pháp, biện pháp quản lý về cư trú tại các chung cư có hoạt động phức tạp, khó kiểm soát trên địa bàn TP.
Theo đó, các loại tranh chấp thường xảy ra ở chung cư là tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng chung, riêng tại chung cư; tranh chấp về việc bàn giao kinh phí bảo trì, bàn giao hồ sơ nhà chung cư, công tác quản lý vận hành tại chung cư; chủ đầu tư xây dựng không phép, tự ý chuyển đổi công năng một số hạng mục tại chung cư…
Sở đánh giá các nguyên nhân gây tranh chấp có thể liệt kê là một số chủ đầu tư không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu để bầu ban quản trị, không bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư cho ban quản trị, gây khó khăn cho việc kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng công trình. Điều này dẫn đến các ban quản trị gửi đơn khiếu kiện, khiếu nại nhiều nơi.
Việc tranh chấp quyền sở hữu đối với phần sở hữu chung của nhà chung cư vẫn diễn biến phức tạp. Một số chủ đầu tư chưa nghiệm thu hoàn thành công trình nhưng đã bàn giao căn hộ đưa cư dân vào ở. Thanh tra Sở Xây dựng rất khó khăn trong việc tiếp cận, thu thập hồ sơ và xử lý hành vi không lập thủ tục đề nghị cấp sổ hồng của chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan. Bên cạnh đó, một số chung cư còn chủ quan, né tránh, chậm thực hiện các kiến nghị, khắc phục về an toàn phòng cháy chữa cháy của cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy.
Các quy định pháp luật về quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, về quản lý, sử dụng nhà chung cư chưa quy định cụ thể một số nội dung và chưa có quy định về biện pháp chế tài, xử lý đối với nhiều hành vi vi phạm của chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành, ban quản trị, chủ sở hữu, người sử dụng căn hộ. Đặc biệt, quy định pháp luật còn có sự chồng chéo là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Kiến nghị tăng thêm máy ATM tại các huyện ngoại thành
Theo báo SGGP, về việc triển khai Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công (gọi là Đề án 241) của Ngân hàng Nhà nước, UBND TP cho biết, hiện thanh toán không tiền mặt thuộc các dịch vụ công tại TP đã vượt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, số hộ gia đình (tính theo số công tơ điện) tại TP thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt hơn 2,375 triệu/2,4 triệu hộ gia đình, đạt tỷ lệ 98,90%, hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao của Đề án 241.
Mặc dù vậy, thanh toán không tiền mặt tại TP cũng còn nhiều vướng mắc. Các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng đa phần là người lớn tuổi, không thành thạo sử dụng công nghệ và rút tiền tại các máy ATM. Số lượng máy ATM tại các huyện ngoại thành, khu vực nông thôn chưa nhiều trong khi tiền mặt vẫn được sử dụng phổ biến nên nhiều người vẫn muốn nhận tiền bằng tiền mặt. Mức phí thanh toán qua thẻ mà bệnh viện phải chịu khá cao (1%-1,7% giá trị giao dịch).
Từ đó, TP kiến nghị NHNN chỉ đạo các NHTM tăng cường chất lượng phục vụ và máy ATM để người dân ở khu vực ngoại thành, nông thôn dễ tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để người dân hiểu và nắm được ưu điểm của thanh toán không tiền mặt.
Phát hiện 1.070 thùng nghi găng tay y tế đã qua sử dụng nhập từ Trung Quốc
Báo Người Lao Động đưa tin, ngày 3/12, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Tổng cục Hải quan) phối hợp Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 - Cảng Cát Lái (Cục Hải quan TP) kiểm tra 2 container hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và phát hiện toàn bộ hàng hóa bên trong nghi là găng tay y tế đã qua sử dụng (nhìn bằng mắt thường).
Theo kết quả xác minh, lô hàng do Công ty TNHH sản xuất và XNK thiết bị y tế Sài Gòn Trading Group (đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh) đứng tên trên tờ khai nhập khẩu. Công ty này khai hàng hóa bên trong là găng tay dùng cho nhà bếp, gồm hơn 5,6 tấn không nhãn hiệu, mới 100% và được nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế, cơ quan hải quan phát hiện trong container là 1.070 thùng carton găng tay cao su các loại, hàng để rời, không nhãn hiệu, nhìn dơ bẩn và ẩm mốc. Cán bộ hải quan nghi ngờ đây là găng tay y tế đã qua sử dụng.
Trước đó, hồi tháng 10/2020, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã mời doanh nghiệp lên làm thủ tục và kiểm tra hàng hóa nhưng họ không đến làm việc. Nhận thấy lô hàng nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan nên lực lượng hải quan đã phối hợp thực hiện kiểm tra vắng mặt doanh nghiệp theo quy định.
Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp, các cán bộ hải quan cho rằng việc nhập khẩu găng tay cao su đã qua sử dụng như vậy sẽ rất nguy hiểm do dụng cụ này phòng chống dịch nên dễ là nguồn lây lan bệnh. Cơ quan hải quan sẽ giám định, tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ vụ việc trên.
“Tết sum vầy” cho 4.000 công nhân khó khăn
Báo Thanh Niên đưa tin, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP vừa triển khai chương trình “Tết sum vầy” năm 2021, dự kiến tổ chức cho 4.000 gia đình khó khăn, không có điều kiện về quê đón Tết.
Cụ thể, ở cấp thành phố, LĐLĐ chọn một doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thu hẹp sản xuất, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để phối hợp tổ chức chương trình. LĐLĐ sẽ hỗ trợ 1 triệu đồng tiền mặt và 500.000 đồng tiền quà/hộ cho 4.000 hộ gia đình, tiền lì xì cho con công nhân (100.000 đồng/cháu) tham gia chương trình. Các hộ được hỗ trợ thuộc các đối tượng đoàn viên công đoàn bị tai nạn lao động, có người thân mắc bệnh nan y, mất việc làm hoặc không có việc làm ổn định do dịch, bị nợ lương, chấm dứt hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp,...
Theo LĐLĐ TP, năm 2019, chương trình đã chăm lo cho 1.500 hoàn cảnh. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự báo nhiều công nhân không về quê nên LĐLĐ đã tăng số lượng lên 4.000 hộ, còn lại sẽ do LĐLĐ các quận, huyện... chăm lo ở cấp mình.
Kêu gọi hỗ trợ 35.000 vé miễn phí cho công nhân về quê đón Tết
Cũng theo kế hoạch chăm lo Tết 2021 cho đoàn viên khó khăn, LĐLĐ TP kêu gọi hỗ trợ 35.000 vé miễn phí về quê đón Tết cho đoàn viên công đoàn, người lao động trong chương trình "Tấm vé nghĩa tình".
Theo đó, LĐLĐ TP và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở vận động các doanh nghiệp vận tải tại TP tặng vé tàu, vé xe, vé máy bay hoặc khuyến mại ưu đãi vé cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết. Còn Công đoàn cơ sở sẽ vận động người sử dụng lao động hỗ trợ 100% tiền vé xe, tàu cho lao động tại doanh nghiệp, tổ chức các chuyến xe đưa và đón lao động về quê. Đối với các công nhân lao động tại các doanh nghiệp đang nợ lương người lao động hoặc đang trong quá trình giải thể, phá sản, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở xem xét hỗ trợ 100% vé tàu hoả, vé xe từ nguồn kinh phí công đoàn và nguồn vận động.
Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)