Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 05/12/2019

14:21 05/12/2019

Trên các báo số ra ngày 05/12/2019 có nhiều thông tin liên quan đến TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Báo chí TP tổng hợp, gửi đến Quý độc giả một số thông tin nổi bật:

Công viên 30/4 ở trước Hội trường Thống Nhất/ Nguồn: báo Dân trí
Công viên 30/4 ở trước Hội trường Thống Nhất/ Nguồn: báo Dân trí

Gìn giữ, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

Ngày 4/12, tại TP. Hồ Chí Minh, trong cuộc gặp mặt kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống QĐND Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019), Đại tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho biết: trong thời gian tới, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam sẽ đẩy mạnh công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác dân vận, củng cố quan hệ quân - dân, giữ vững hình ảnh tốt đẹp của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới

Đại tướng Lương Cường khẳng định, trong bối cảnh quốc tế và khu vực có những diễn biến phức tạp, toàn quân vẫn luôn vững vàng về chính trị, phát huy truyền thống tốt đẹp của QĐND Việt Nam qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Đại tướng Lương Cường tin tưởng, các tướng lĩnh, sĩ quan, cựu chiến binh cơ quan Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam mãi là tấm gương sáng mẫu mực để các cán bộ, chiến sĩ Tổng cục Chính trị ngày nay phấn đấu noi theo, góp phần tích cực xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tướng Lương Cường thăm hỏi các cựu tướng lĩnh, sĩ quan Tổng cục Chính trị đang sinh sống tại khu vực phía Nam/ báo Sài Gòn Giải Phóng
Đại tướng Lương Cường thăm hỏi các cựu tướng lĩnh, sĩ quan Tổng cục Chính trị đang sinh sống tại khu vực phía Nam/ báo Sài Gòn Giải Phóng

Tại buổi gặp mặt, các cựu chiến binh Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam khu vực phía Nam bày tỏ sự tự hào về những thành tựu to lớn mà các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tổng cục Chính trị đã đạt được trên mặt trận công tác Đảng, công tác chính trị của quân đội.

Đồng thời khẳng định các cựu chiến binh Tổng cục Chính trị sẽ phát huy bản lĩnh đã được rèn luyện trong những năm tháng công tác tại cơ quan Tổng cục Chính trị để tiếp tục phấn đấu, gìn giữ, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” và truyền thống vẻ vang “28 chữ vàng” của Tổng cục Chính trị; tiếp tục sống có ích, trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

(Theo báo Sài Gòn Giải Phóng).

Tăng trưởng sáng tạo và bền vững

Đó là tiêu đề bài viết trên mục Lắng nghe người dân hiến kế của báo Người Lao Động, số ra hôm nay 5/12/2019. Theo tác giả bài viết, có thể khẳng định để hướng đến một thành phố phát triển bền vững, phải hài hòa giữa 4 yếu tố: xã hội, môi trường, kinh tế và văn hóa.

Trong thế kỷ XXI, các nền kinh tế cạnh tranh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực sẽ di chuyển đến nơi bảo đảm an toàn, sức khỏe và đây là đầu bài để các thành phố xây dựng tính cạnh tranh trong kỷ nguyên số. Trong đô thị 4.0, phát triển bền vững không chỉ cần hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường mà còn cả văn hóa hướng đến đô thị nhân văn, có bản sắc, sống động và hấp dẫn. Để làm được như vậy, trước tiên phải tăng trưởng nhanh để hướng tới thành phố thịnh vượng. Tuy nhiên, tăng trưởng phải thông qua con đường sáng tạo, tăng trưởng xanh và bền vững bao trùm. Cơ hội vàng cho tăng trưởng nhanh, sáng tạo là tăng trưởng bền vững, là công nghệ 4.0 và cơ cấu dân số vàng.

Để hướng đến một TP phát triển bền vững, phải hài hòa 4 yếu tố: xã hội, môi trường, kinh tế và văn hóa Ảnh: Hoàng Triều NLĐ
Để hướng đến một TP phát triển bền vững, phải hài hòa 4 yếu tố: xã hội, môi trường, kinh tế và văn hóa Ảnh: Hoàng Triều NLĐ

Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh nên tập trung phát triển thành phố xanh dựa trên một số khu đặc thù gắn liền với không gian tự nhiên đặc trưng của Thành phố là sông - nước kết hợp với công viên cây xanh. Ngoài ra, phải công bằng về không gian. Cần tập trung di dời tái bố trí toàn bộ nhà ở trên kênh rạch, nâng cấp các khu phố có nhiều nhà lụp xụp, xây dựng mới các chung cư xuống cấp, gắn với chương trình chỉnh trang đô thị tạo thêm quỹ đất dành cho giao thông và công trình công cộng. TP. Hồ Chí Minh có khoảng 10 triệu dân, vì vậy trong quá trình đô thị hóa nhanh đã phát sinh nhiều vấn đề môi trường. Thành phố cần hoàn thành các chương trình đột phá về giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường…

TP. Hồ Chí Minh có khoảng 10 triệu dân, vì vậy trong quá trình đô thị hóa nhanh đã phát sinh nhiều vấn đề môi trường. Thành phố cần hoàn thành các chương trình đột phá về giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường…

Hàng rong gây nhếch nhác phố đi bộ Nguyễn Huệ

Chuyên mục Nhịp cầu Bạn đọc trên báo Sài Gòn Giải Phóng viết: Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) có không gian thoáng mát nên vào mỗi buổi chiều tối nơi đây luôn thu hút hàng ngàn người đến dạo chơi, tản bộ. Tuy nhiên, phố đi bộ Nguyễn Huệ đang bị nhiều người bán hàng rong chiếm dụng để kinh doanh.

Dạo bước trên phố đi bộ vào mỗi tối sẽ thấy nhiều người bán hàng rong bằng những chiếc xe đẩy, xếp thành hàng dài mời gọi khách. Khi có khách, người bán hàng rong đặt ghế tràn lan trên phố để khách ngồi ăn. Xe hàng rong không chỉ bán trên trục đường chính, mà còn lan sang các con đường nhỏ thông vào phố đi bộ. 

Hàng rong gây nhếch nhác phố đi bộ Nguyễn Huệ - báo Sài Gòn Giải Phóng
Hàng rong gây nhếch nhác phố đi bộ Nguyễn Huệ - báo Sài Gòn Giải Phóng

Cũng tham gia bán hàng rong, hàng đêm có cả chục người cải trang thành Tôn Ngộ Không, người nhện, gấu bông để bán kẹo trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Nhiều người khác hóa trang thành nhân tượng để xin tiền. Lại có cả những người ăn xin trên phố đi  bộ. Nhiều người dựng xe ở hai bên đường ăn uống và vô tư xả rác. Nước chảy từ nhiều gánh hàng rong tràn ra đường, tạo nên cảnh quan không đẹp mắt và mất vệ sinh.

Mặc dù lực lượng trật tự đô thị thường xuyên tuần tra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhưng cách làm không tới nơi tới chốn nên tình trạng bán hàng rong vẫn tiếp diễn, để lại hình ảnh không đẹp trong mắt du khách.

TP. Hồ Chí Minh sắp có công viên "khủng" rộng 150ha

Đó là nội dung được báo điện tử Dân trí đăng tải. Theo bài viết, UBND TP. Hồ Chí Minh vừa chấp thuận đề xuất của Quận ủy quận 12 và Sở Xây dựng TP về việc xây dựng khu công viên cây xanh tại khu đất có diện tích khoảng 150ha thuộc địa bàn phường Thạnh Xuân và Thới An, quận 12.

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan giao UBND quận 12 lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 để nghiên cứu việc triển khai xây dựng, phân kỳ đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư dự án.

UBND TP nhấn mạnh rằng, công viên có diện tích lớn nên quy hoạch thành công viên đa chức năng, vừa phục vụ nhu cầu về thưởng lãm, sinh hoạt, khai thác các loại hình vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng (không lưu trú), vừa kết hợp các chức năng về điều tiết nước và chứa nước sạch cho cả khu vực.

Theo Sở Xây dựng TP, hiện nay phân bố công viên trên địa bàn thành phố không đều và bất hợp lý. Các quận nội thành lại là nơi có số lượng, diện tích công viên lớn hơn các quận còn lại. Các quận mới, ngoại thành thì diện tích đất công viên công cộng còn rất hạn chế mặc dù quỹ đất quy hoạch cho công viên cây xanh rất lớn. Nhiều địa phương chưa có một công viên công cộng nào như quận 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh.

Theo quy hoạch, diện tích đất cho công viên ở 13 quận nội thành cũ chỉ hơn 8,5%; khu vực 6 quận mới là hơn 32% và 5 huyện ngoại thành là gần 60%.

Cử tri đề nghị giám sát đặc biệt dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm, báo điện tử Vietnamplus cho hay: Sáng 4/12, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh - đơn vị 7 và đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố - tổ 2, đã tiếp xúc cử tri quận 2, sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV và trước kỳ họp thứ 17, Hội đồng Nhân dân thành phố khóa IX.

Vấn đề Thủ Thiêm, cử tri đề nghị các đại biểu thông tin rõ các về vấn đề từ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đến các sai phạm, xử lý sai phạm đến nay như thế nào; đồng thời đề nghị, đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân thành phố lắng nghe, cùng người dân giải quyết quyết các vướng mắc trong vấn đề Thủ Thiêm, tập trung giám sát, đôn đốc các cấp chính quyền thực hiện chính sách đền bù, giải quyết quyền lợi thỏa đáng cho người dân bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, cử tri đề nghị Trung ương đưa dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm vào diện giám sát đặc biệt.

Một góc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (nguồn ảnh: báo Sài Gòn Giải Phóng)
Một góc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (nguồn ảnh: báo Sài Gòn Giải Phóng)

Trả lời băn khoăn của cử tri về việc vấn đề Khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa được đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau khi tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã có văn bản chính thức gửi đến Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Ban Dân nguyện Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốcViệt Nam về nhiều nội dung.

Trong đó có chuyển tải các ý kiến nghị của người dân về dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm; cử tri tiếp tục đề nghị Thanh tra Chính phủ trực tiếp đối thoại với người dân; đồng thời, tổ chức đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra toàn diện đối với dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm để giải quyết dứt điểm các khiếu nại, kiến nghị của người dân.

"Không phải Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố không đề đạt, mà do Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Tuy nhiên, trong kỳ họp qua, phần báo cáo của Mặt trận Tổ quốcTrung ương cũng đã có kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành quan tâm cùng thành phố giải quyết vấn đề Thủ Thiêm," đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê chia sẻ, đồng thời cho biết thêm, sau kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Đoàn Ban dân nguyện Quốc hội sẽ sớm thành lập tổ công tác cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố nắm vấn đề Thủ Thiêm để giải quyết các kiến nghị và bức xúc của người dân.

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê khẳng định vấn đề Thủ Thiêm đang được thành phố đang trao đổi với Trung ương để giải quyết, trên tinh thần rất thận trọng không để tiếp tục xảy ra sai sót.

TP. Hồ Chí Minh loay hoay giải bài toán phát triển vận tải bằng xe buýt

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP. Hồ Chí Minh, những hạn chế về cơ sở hạ tầng hiện nay của thành phố là tỉ lệ đất dành cho giao thông quá thấp, chỉ mới đạt hơn 7.800 ha trong khi quy hoạch là hơn 22.300 ha; Tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị cũng chỉ mới đạt 8,5%, trong khi quy hoạch là 22,3%. Cùng với đó, phương tiện cá nhân tăng cao qua các năm (xe máy tăng 6,5%, ô tô tăng 11,5% mỗi năm). Trong khi đó, hạ tầng cho xe buýt vẫn còn thiếu, chưa triển khai các tuyến xe buýt nhanh, chưa triển khai vé điện tử…cũng là những nguyên nhân, khiến cho hoạt động vận tải xe buýt bị ảnh hưởng nặng nề.

Áp dụng công nghệ thông tin tại Trung tâm điều khiển giao thông công cộng TPHCM/ Nguồn: vov.vn
Áp dụng công nghệ thông tin tại Trung tâm điều khiển giao thông công cộng TPHCM/ Nguồn: vov.vn

Hiện nay, mỗi ngày hệ thống xe buýt của TP. Hồ Chí Minh hoạt động 16.000 lượt trong điều kiện giao thông mà xe máy chiếm đến hơn 90% nên gây nhiều áp lực và những khó khăn trên không thể giải quyết một sớm một chiều. Vì thế, trong thời gian tới, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đang tập trung nghiên cứu bố trí làn ưu tiên, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, sắp xếp các đơn vị theo hướng quản lý tiên tiến; Dành quỹ đất hợp lý cho giao thông công cộng, lập lại trật tự vỉa hè, tạo điều kiện tối ưu cho hành khách tiếp cận… Đặc biệt là sẽ nhanh chóng đưa vào áp dụng vé điện tử để tiện lợi hơn cho cả hành khách và khâu quản lý. 

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT cho biết: "Hiện nay quy hoạch, cách tiếp cận và cách xây dựng đô thị chưa hướng tới giao thông công cộng nhiều mà chúng ta vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông cá nhân, đặc biệt là xe máy. Những tiêu chuẩn, quy chuẩn cần phải nghiên cứu thay đổi, phải giành quỹ đất tối thiểu bao nhiêu cho giao thông công cộng, những khu vực tiếp cận giao thông công cộng. Quan điểm  về giao thông cộng của siêu đô thị  trong tương lai phải ứng xử cho phù hợp".

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, vận tải hành khách công cộng ở các đô thị phát triển là cần thiết và quan trọng để tạo ra đô thị thông minh và thân thiện. Hệ thống vận tải hành khách công cộng nếu không được đầu tư đúng mức sẽ dẫn đến cản trở sự phát triển. TP. Hồ Chí Minh đang đô thị hoá rất nhanh nên từ 2010, TP đã xem việc phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng như xe buýt, metro là rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay cả ở nội tại hoạt động xe buýt và môi trường để xe buýt hoạt động đều có những hạn chế.

Ông Hoan cũng cho biết, hiện nay đang là thời điểm báo động có nhiều nguy cơ tác động đến sự phát triển của xe buýt trong tương lai. UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ cố gắng tìm nhiều giải pháp để khắc phục, trong đó tập trung vào 7 nhóm việc như rà soát lại, điều chỉnh bổ sung các chính sách về trợ giá, xã hội hoá kêu gọi đầu tư, đổi mới phương tiện… Tập trung triển khai quy hoạch đất ở các quận huyện, trong đó ưu tiên cho  xe buýt. TP cũng sẽ sắp xếp lại các tuyến và kết nối các khu dân cư mới, các trường học, trung tâm thương mại, chú ý tuyến vòng, đi theo quốc lộ, đường vành đai… Đổi mới hình thức quản lý, tăng tiện ích cho người dùng như wifi, thẻ đa năng… ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp thông tin cho hành khách, đảm bảo hành khách tiếp cận dễ dàng với xe buýt… Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ thực hiện tốt việc hạn chế xe cá nhân và có giải pháp để các xe vận chuyển hàng hoá chỉ vào trung tâm TP vào ban đêm.

(Theo Báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam vov.vn).

Biển báo gài bẫy, đánh đố khắp nơi

Theo nội dung bài viết trên báo Người Lao Động, tình trạng biển báo giao thông lắp đặt theo kiểu gài bẫy, đánh đố người điều khiển phương tiện khiến dư luận bức xúc, đòi hỏi phải sửa ngay.

Bài báo cho biết tình trạng này không chỉ xuất hiện trên tuyến quốc lộ đi qua địa phận tỉnh Tiền Giang, mà ngay cả đường nội đô ở TP. Hồ Chí Minh cũng vậy. Cụ thể như ở giao lộ Lạc Long Quân – Bình Thới (quận 11) có biển báo cấm đi thẳng được cắm trước đây khi có lô cốt, nhưng hiện nay công trình đã hoàn thành, mặt đường đã tái lập, song biển báo vẫn không được tháo đi. Tương tự, tại giao lộ Phú Thọ - Hàn Hải Nguyên (quận 11), hơn 4 tháng nay, công trình sửa chữa ống cống đã hoàn thành, mặt đường thông thoáng nhưng biển báo cấm ô tô trên đường Phú Thọ vẫn tồn tại. Điều này khiến không ít lái xe ở khu vực khác khi đến đây đều phải tìm đường khác đi lòng vòng, có người “tiến thoái lưỡng nan” khi đi vào những giao lộ này. Chưa kể có nhiều biển cấm ô tô vào hẻm nhưng lại được đặt “núp lùm” sau trụ điện, các phương tiện không quan sát thấy nên vẫn “vô tư” ra vào hẻm, khiến giao thông ùn ứ.

Biển báo “cấm đi thẳng” trên đường Lạc Long Quân (quận 11, TP HCM) đang gây bức xúc lớn vì “lô cốt” đã dẹp từ lâu nhưng biển báo hạn chế xe cứ đứng trêu ngươi - Ảnh: LÊ PHONG NLĐ
Biển báo “cấm đi thẳng” trên đường Lạc Long Quân (quận 11, TP HCM) đang gây bức xúc lớn vì “lô cốt” đã dẹp từ lâu nhưng biển báo hạn chế xe cứ đứng trêu ngươi - Ảnh: LÊ PHONG NLĐ

Mặc dù những biển báo này được đặt là bất cập, tuy nhiên, nếu người tham gia giao thông vi phạm thì lực lượng Cảnh sát giao thông vẫn căn cứ vào đó để xử phạt.

TP. Hồ Chí Minh: Các tổ công tác 363 đẩy mạnh trấn áp tội phạm dịp cuối năm

Văn phòng Công an TP. Hồ Chí Minh (CATP) cho biết, trong thời gian trước, trong và sau Tết Canh Tý 2020, CATP sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp công tác, huy động tổng lực các lực lượng ra quân tấn công trấn áp tội phạm. Trong đó, hoạt động của các Tổ công tác 363 CATP (Lực lượng tuần tra kiểm soát hỗn hợp) sẽ được phối hợp thống nhất, tạo thế trận chung trong công tác đảm bảo anh ninh trật tự trên địa bàn Thành phố.

Theo đánh giá của CATP, qua 10 tháng triển khai, hoạt động tuần tra kiểm soát hỗn hợp, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố, các Tổ công tác 363 CATP đã phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc răn đe, trấn áp các loại tội phạm, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên đường phố, nơi công cộng một cách hiệu quả. Các Tổ công tác 363 đã phát hiện, xử lý 22.210 vụ vi phạm pháp luật, gồm: 21.533 vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông, 677 vụ vi phạm pháp luật về hình sự, ma túy. Hoạt động của các Tổ công tác 363 góp phần kéo giảm tội phạm hình sự, ngăn chặn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm. Nổi bật trong số đó phải kể đến vụ Tổ công tác 363 CATP phối hợp với Đội CSGT An Sương phát hiện xe bán tải chở khoảng 800 bánh (gần 400kg) chứa bột màu trắng, nghi là heroin, vào lúc 20 giờ ngày 27/3/2019. Sau đó, CATP mở rộng điều tra, bắt “chủ” hàng cùng kẻ vận chuyển ma túy trong đường dây này để xử lý theo pháp luật.

Xác định thời điểm cuối năm, tội phạm sẽ tăng cường hoạt động nên CATP tập trung thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp công tác, huy động tổng lực các lực lượng ra quân tấn công trấn áp tội phạm. Trong đó, các Tổ công tác 363 sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuần tra, trấn áp tội phạm của mình.

(Theo báo Công An TP. Hồ Chí Minh).

Tái diễn chiêu “vẽ bệnh làm tiền”

Theo thông tin trên báo Thanh Niên, từ đầu năm đến nay có nhiều đơn thư của người dân gửi đến Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh phản ánh, tố cáo các phòng khám có yếu tố nước ngoài “vẽ bệnh, làm tiền”.

Điều đáng nói, chiêu trò “vẽ bệnh, làm tiền” của các phòng khám có yếu tố nước ngoài đã từng nhiều lần bị phản ánh, tạm lắng thời gian, gần đây lại tái diễn ở TP. Hồ Chí Minh. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị “moi tiền” ngay trên bàn mổ. Nhiều vụ việc sau khi bị phán ánh thì phòng khám thừa nhận do người phiên dịch sai. Thậm chí kể cả khi hoàn trả lại tiền thì cũng yêu cầu cam kết không khiếu nại các vấn đề liên quan đến việc khám, chữa bệnh. Nhiều phòng khám trên địa bàn Thành phố liên tục sai phạm tuy nhiên vẫn chưa bị rút phép.

Khu vực tiếp tân của phòng khám đa khoa Thái Bình Dương - báo Thanh Niên
Khu vực tiếp tân của phòng khám đa khoa Thái Bình Dương - báo Thanh Niên

Theo BS Nguyễn Mạnh Cường, quyền Chánh Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, trong các điều khoản quy định rút phép hoạt động, chỉ rút phép khi nào phòng khám thực hiện kỹ thuật quá phạm vi chuyên môn, sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề. Còn các sai phạm khác chỉ phạt hành chính. Với một số phòng khám vi phạm tái diễn nhiều lần, đơn cử như phòng khám Thái Bình Dương (34-36 Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1), Sở Y tế Thành phố đang kiến nghị Bộ Y tế cần có biện pháp mạnh hơn.

Đáng lưu ý là trong đợt kiểm tra các phòng khám đa khoa của Sở Y tế Thành phố vừa công bố thì phòng khám này là 1 trong 41 phòng khám có điểm chất lượng kém nhất tại Thành phố (dưới 2 điểm).

 

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục