3 bệnh viện được ưu tiên nâng cấp, xây mới ở TP.HCM
Báo Tuổi Trẻ cho biết, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM đã có buổi khảo sát về phát triển hệ thống y tế - chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân TP.HCM.
Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhận định trong năm 2024 ngành y tế TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả tích cực, phát triển y tế chuyên sâu, nhiều bệnh viện đạt chuẩn chất lượng quốc tế. Thế nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn như còn một số bệnh viện xuống cấp, quá tải, cụ thể: Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Hiện Sở Y tế có đề án trình Hội đồng nhân dân để đầu tư, cải tạo, nâng cấp, thậm chí xây mới những bệnh viện này để nâng cao chất lượng phục vụ, phát triển chuyên khoa sâu trên địa bàn.
Ngoài ra, TP.HCM hiện có 7 bệnh viện được UBND giao quyền tự chủ tài chính nhóm 1 theo nghị định 60, nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về thành lập Hội đồng quản lý bệnh viện như thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Ngành y tế sẽ tham mưu ủy ban thí điểm Hội đồng quản lý đặt tại một bệnh viện trong thời gian chờ hướng dẫn cụ thể.
TP. Thủ Đức còn dôi dư 15 cấp phó sau 4 năm thành lập
TP. Thủ Đức chính thức hoạt động từ tháng 1/2021, sau 4 năm vẫn còn dôi dư 15 lãnh đạo cấp phó chưa thể sắp xếp. Theo báo Thanh Niên, nội dung trên được nêu trong báo cáo kết quả thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của UBND TP.HCM vừa gửi Bộ Nội vụ.
Trong giai đoạn 2019 - 2021, TP.HCM sáp nhập 3 quận (quận 2, 9, và Thủ Đức) thành lập TP.Thủ Đức, đồng thời sáp nhập 19 phường thuộc TP.Thủ Đức và 5 quận: 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận. Đến nay, các địa phương đã sắp xếp xong 18 cán bộ cấp huyện, 102 công chức cấp xã.
Riêng công chức cấp huyện, tổng số công chức dôi dư sau sắp xếp 291 người, đã giải quyết 276 người còn 15 người đang tiếp tục rà soát, sắp xếp là cấp phó các phòng, ban của TP.Thủ Đức. Trong 32 trụ sở dôi dư, đến nay giải quyết 30 trụ sở, còn 2 trụ sở đang đề xuất bán đấu giá.
Trong giai đoạn 2023 - 2025, TP.HCM sáp nhập 80 phường thuộc 10 quận thành 41 phường, chính thức hoạt động từ ngày 1/1/2025. Sau sáp nhập, các phường dôi dư 771 cán bộ, công chức, viên chức và 251 người hoạt động không chuyên trách, được sắp xếp theo lộ trình 5 năm, hoàn thành vào năm 2029.
Ngày đầu quẹt thẻ, quét mã QR đi metro TPHCM ra sao?
Ngày 2/1, đơn vị vận hành tuyến metro số 1 TP. HCM bắt đầu áp dụng kiểm soát hành khách ra, vào các nhà ga của tuyến. Trước đó, từ ngày vận hành chính thức (22/12/2024) đến ngày 1/1/2025, người dân được tự do trải nghiệm tàu metro mà không cần phải quẹt thẻ ở các cổng soát vé.
Theo ghi nhận của báo Tiền Phong, từ sáng 2/1, hành khách đi metro số 1 phải sử dụng QR code trên ứng dụng HCMC METRO HURC hoặc thẻ Mastercard để quét khi ra vào cổng soát vé của các nhà ga thuộc tuyến.
Một số người dân phản ánh, trong thời gian đầu áp dụng quy định mới, đôi lúc xảy ra tình trạng chậm quét mã QR từ app. Tuy nhiên, sau đó nhân viên nhà ga để kịp thời hỗ trợ để tránh xảy ra ùn ứ và mất thời gian.
Theo đơn vị vận hành, từ ngày 10/1, hành khách có thể sử dụng các loại thẻ Visa, JCB, American Express, Union Pay, Napas để quét tại các cổng ra vào (mốc thời gian có thể sớm hơn tùy theo tiến độ phối hợp với các tổ chức thẻ). Ngoài ra, người dân có thể tạo mã QR code tại ứng dụng công dân số TP. HCM trên điện thoại di động để đi tàu điện trong giai đoạn miễn phí vé đến hết ngày 20/1 (thời gian kết thúc vận hành miễn phí).
Siêu thị bán hàng triệu giỏ quà Tết
ZNews ghi nhận, các nhà bán lẻ toàn quốc đang bước vào giai đoạn cao điểm phục vụ nhu cầu mua sắm trước Tết Nguyên đán 2025 của người dân. Nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi đã được các chuỗi siêu thị triển khai để kích cầu người tiêu dùng.
Đại diện Saigon Co.op cho biết từ ngày 2/1, toàn hệ thống Co.op đã chạy chương trình khuyến mại với hơn 3.500 sản phẩm Tết giảm giá từ 50% trở lên bao gồm bánh mứt kẹo, bánh chưng, bánh tét, giò chả, lạp xưởng, khô bò, dưa hành củ kiệu, các loại hạt, nước giải khát…
Trong khi đó, AEON Việt Nam cho biết đang triển khai chương trình giảm giá 30-40% cho nhiều mặt hàng. Đặc biệt, các dòng sản phẩm thiết yếu mùa Tết như trái cây tươi, bánh kẹo, giỏ quà Tết, thịt và hải sản được tăng cường ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng.
So với mùa Tết năm ngoái, khối lượng hàng hóa dự trữ năm nay ở chuỗi siêu thị Nhật Bản đã tăng khoảng 5%. Còn so với các thời điểm khác trong năm, lượng hàng dự trữ đã tăng 30%, thậm chí tăng đến 50% đối với các sản phẩm được ưa chuộng trong Tết như bánh mứt kẹo, lạp xưởng, đồ ăn nhanh...
Nhiều đại học ở TP. HCM công bố phương án tuyển sinh 2025
Theo báo Phụ Nữ TP, hàng loạt trường đại học (ĐH) tại TP. HCM đã công bố phương án tuyển sinh năm 2025 với nhiều đổi mới.
Cụ thể, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển sớm năm 2025 từ ngày 1/4-30/5, gồm tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT và ưu tiên xét tuyển thí sinh các trường THPT có ký kết hợp tác. Với đợt xét tuyển chung, trường có 3 phương thức: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ THPT (6 học kỳ), xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP. HCM.
Năm nay, Trường ĐH Sư phạm TP. HCM không sử dụng học bạ THPT trong xét tuyển, chỉ giữ lại ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào. Trường dự kiến tuyển sinh theo 4 phương thức: tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên, xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt và xét tuyển dựa trên kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch có 6 phương thức xét tuyển gồm: tuyển thẳng; xét điểm thi tốt nghiệp THPT; xét điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức; sử dụng chứng chỉ quốc tế; kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế; và phương thức khác. Trường cũng tăng chỉ tiêu một số ngành, gồm: dược học (tăng 30%), y học cổ truyền (tăng 20%) và điều dưỡng (tăng 10%).
Trường ĐH Công Thương TPHCM dự kiến dành 15 - 20% chỉ tiêu để xét điểm học bạ, giảm 10% so với năm 2024; 50 - 60% chỉ tiêu xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Phần chỉ tiêu còn lại dành cho phương thức xét bằng điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM và Trường ĐH Sư phạm TPHCM.
UBND quận 5 phản hồi về việc đặt tên 'Phố vải Soái Kình Lâm'
Những ngày vừa qua mạng xã hội "nóng" lên việc Chợ vải Soái Kình Lâm (Quận 5) xuất hiện tấm biển ghi "Phố vải Soái Kình Lâm". Đây là khu chợ được hình thành từ năm 1989, chuyên bán sỉ nhiều loại vải khắp Sài Gòn và khắp cả nước.
Báo Pháp Luật TP đã liên hệ và nhận được phản hồi từ ông Nguyễn Xuân Thành, Chánh Văn phòng UBND quận 5. Theo đó, ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ rằng từ "phố" này không phải là từ sử dụng như từ "phố" tại Hà Nội mà nó được dùng giống như phố đi bộ Nguyễn Huệ của TP.HCM.
"Thực sự Soái Kình Lâm chỉ là một khu chợ và khuôn viên của chợ này rất nhỏ, trong khi đó các tuyến đường xung quanh cũng buôn bán, kinh doanh vải như chợ. Vì vậy, khi theo hướng phát triển du lịch tránh tình trạng ưu ái cho một tuyến đường nào, chúng tôi gọi nguyên khu vực đó “phố” chứ không phải là đổi 'chợ' thành 'phố'. Phố là bao trùm cả chợ lẫn các tuyến đường xung quanh và khu vực đó có chợ nổi tiếng là Soái Kình Lâm nên chúng tôi quyết định giữ tên này cho phố tại quận 5" – ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, đây không phải là lần đầu quận 5 đặt tên cho khu phố. Trước đây chúng tôi cũng đã đặt cho các tuyến đường bán thuốc là phố đông y và nhờ cái tên đó mà người dân đến mua bán rất đông, sau này còn có phố lồng đèn (nhiều con đường kinh doanh buôn bán lồng đèn), phố vàng bạc đá trang sức (nhiều con đường bán đá, trang sức) … và thực sự buôn bán rất tốt.
Hội hoa Xuân Phú Mỹ Hưng Tết Ất Tỵ - 2025 có chủ đề Xuân Hoan Ca
Hội hoa Xuân Phú Mỹ Hưng Tết Ất Tỵ - 2025 sẽ diễn ra từ 24 tháng Chạp đến Mùng 4 Tết (23/1 – 1/2/2025), tại đô thị Phú Mỹ Hưng, Quận 7. Tin trên báo Người Lao Động.
Theo Ban tổ chức, hòa trong không khí "non sông gấm hoa, vui xuân thái hòa", Đường hoa Phú Mỹ Hưng năm nay sẽ được trang trí với chủ đề Xuân Hoan Ca. Chủ đề Xuân Hoan Ca được thực hiện như một khúc nhạc hân hoan, rộn ràng, hòa chung niềm vui của đất nước sau chặng đường 50 năm thống nhất, xây dựng và phát triển, đồng thời tôn vinh các giá trị văn hóa Việt Nam qua nhiều tiểu cảnh trang trí đặc sắc.
Nổi bật có thể kể đến là cụm tiểu cảnh Bắc Nam sum họp với mô hình kiến trúc tiêu biểu của ba miền Bắc - Trung - Nam là Tháp Rùa, Ngọ Môn và Chợ Bến Thành thể hiện niềm vui đoàn viên, sum vầy của dân tộc khi Tết đến Xuân về. Tiểu cảnh Khúc nhạc mùa xuân với những nốt nhạc nhiều màu sắc tươi vui sẽ làm cho giai điệu Xuân Hoan Ca thêm phần rộn rã. Dấu ấn của năm Ất Tỵ - 2025 được thể hiện trên Đường hoa Phú Mỹ Hưng qua tiểu cảnh Linh Xà Đại Phú…
Hội hoa Xuân Phú Mỹ Hưng Tết Ất Tỵ 2025 còn có chợ hoa Tết với khoảng 145 gian hàng hoa kiểng, mở cửa từ 23 đến trưa 29 tháng Chạp (22/1 – 28/1/2025) để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân.
Người hâm mộ TP. HCM xuống đường ăn mừng chiến thắng đội tuyển Việt Nam
Báo Tiền Phong đưa tin, tối qua, hàng trăm cổ động viên cùng người hâm mộ bóng đá ở TP. HCM xuống đường ăn mừng chiến thắng 2-1 của tuyển Việt Nam trước đội bóng đến từ Thái Lan tại giải ASEAN Cup 2024.
Đã lâu rồi, hôm nay hàng trăm lá cờ Tổ quốc mới lại được người hâm mộ môn thể thao vua mang theo phất cho bay phấp phới trên nhiều tuyến đường trung tâm thành phố.
Đông đảo người hâm mộ bóng đá đổ về khu vực UBND TP. HCM, phố đi bộ Nguyễn Huệ lúc 22h15, cầm theo cờ, kèn và các vật dụng khác để cổ vũ.
Chiến thắng của đội tuyển Việt Nam trong trận chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024 làm nức lòng đông đảo người hâm mộ.
Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)