Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 06/11/2019

09:47 06/11/2019

Trung tâm Báo chí TP. Hồ Chí Minh tổng hợp một số thông tin nổi bật liên quan đến TP trên các báo số ra ngày 6/11/2019, mời Quý độc giả tham khảo:

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 06/11/2019 - Ảnh 1
UBND quận 2 yêu cầu Chủ tịch UBND phường Thảo Điền và Đội quản lý trật tự đô thị nếu chưa cưỡng chế thì phải tổ chức nhân sự chốt chặn không cho tiếp tục thi công, tịch thu trang thiết bị, vật tư phục vụ thi công. Nhưng đến nay, việc cưỡng chế vẫn chưa được thực hiện triệt để/ Zing.vn
TP. Hồ Chí Minh tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Hàn Quốc

Vietnamplus đưa tin: Chiều 5/11, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh tiếp ông Kim Chung Sub, Thị trưởng thành phố Gymcheon (tỉnh Gyongsangbuk, Hàn Quốc) đang thăm và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ mối quan tâm chung về nỗ lực nâng cao chất lượng sống cho người dân, ông Lê Thanh Liêm cho rằng TP. Hồ Chí Minh và thành phố Gymcheon có nhiều tiềm năng để hợp tác kinh tế, nhất là các lĩnh vực mà TP. Hồ Chí Minh đang tập trung phát triển và kêu gọi đầu tư như: công nghiệp, phát triển khoa học-công nghệ cao, các dự án hợp phần của đề án xây dựng đô thị thông minh...

Thành phố kêu gọi và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thành phố Gymcheon hợp tác, đầu tư vào thành phố, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hai địa phương.

Đẩy mạnh tuyên truyền không xả rác bằng hình thức trực quan

Báo Sài gòn Giải Phóng đưa tin, chiều 5/11, đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP về kết quả thực hiện Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Thành ủy trong triển khai, thực hiện cuộc vận động “Người dân TP. Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Võ Thị Dung cho rằng LĐLĐ TP cần tăng cường việc kiểm tra, giám sát cũng như có các giải pháp để thực hiện cuộc vận động “Người dân TP. Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Trong đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là bằng các hình thức trực quan tại nhà máy, công sở, cơ quan. Các mô hình, cách làm hay phải được tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông. Đặc biệt, cán bộ, công chức phải đi đầu trong việc sắp xếp nơi làm việc sạch đẹp, gọn gàng.

Riêng đối với các doanh nghiệp, công nhân sản xuất các sản phẩm bao bì nhựa, các cấp công đoàn cần nắm lại tình hình sản xuất kinh doanh, kiến nghị các giải pháp để giúp doanh nghiệp có sự chuyển đổi một cách hợp lý, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động cũng như quá trình kinh doanh của doanh nghiệp.

17 công trình sai phép chưa bị xử lý ở Thảo Điền

Tháng 12/2017, UBND quận 2 (TP.Hồ Chí Minh) ra văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND phường Thảo Điền lập kế hoạch và tổ chức cưỡng chế các công trình vi phạm trật tự xây dựng của Công ty Công ích quận 4 và hẻm 188 Nguyễn Văn Hưởng (khu Thảo Điền Gold). Tuy nhiên, sau gần 2 năm, việc xử lý 17 công trình vi phạm tại hai khu vực này vẫn "bất động". Trong số 17 công trình vi phạm có đến 9 công trình của Công ty Công ích quận 4 tại hẻm 9 đường số 66. Số còn lại nằm tại hẻm 188 Nguyễn Văn Hưởng. Các công trình vi phạm trật tự xây dựng này đều có đặc điểm chung là xây dựng quá số tầng được cấp phép, sai thiết kế và phá vỡ quy hoạch đã được cơ quan chức năng phê duyệt. Những công trình này bị phát hiện và cưỡng chế khi đã đổ bê tông, cột trụ tầng lầu trên cùng. Một số chuẩn bị hoàn thành xây tường bao, ngăn phòng.

UBND quận 2 yêu cầu Chủ tịch UBND phường Thảo Điền và Đội quản lý trật tự đô thị nếu chưa cưỡng chế thì phải tổ chức nhân sự chốt chặn không cho tiếp tục thi công, tịch thu trang thiết bị, vật tư phục vụ thi công. Nhưng đến nay, việc cưỡng chế vẫn chưa được thực hiện triệt để.

Zing.vn cũng đăng tải kèm bài viết nhiều hình ảnh về những công trình phải dừng thi công vì vi phạm của của Công ty Công ích quận 4.

Lằng nhằng cải tạo chung cư cũ

Báo Người Lao Động đăng tải bài viết về việc hàng trăm chung cư cũ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh ngày càng xuống cấp nhưng chưa có giải pháp thỏa đáng để giải quyết dứt điểm. TP. Hồ Chí Minh hiện có 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975, hiện số chung cư cũ được giải tỏa chỉ hơn 30 và việc cải tạo diễn ra rất chậm. Hơn 1 năm qua, hàng chục hộ dân sống tại chung cư 155-157 Bùi Viện, quận 1 rơi vào tâm trạng rối bời, lo âu bởi cứ vài ba hôm lại nhận được thông báo: "Đề nghị người dân di dời khẩn cấp. Chung cư sập bất cứ lúc nào". Dù vậy, đến nay chỉ 60% hộ dân dời đi, số còn lại tiếp tục sinh sống ở đây. Theo người dân ở đây lý giải, việc "cố thủ" tại đây là vì "kế hoạch UBND quận 1 đưa ra không rõ ràng khiến người dân không yên lòng". Trước hết, việc tái định cư chỉ đưa ra danh sách nhà ở tại huyện Bình Chánh, quá xa so với chỗ ở hiện tại. Nếu không nhận nhà thì chỉ nhận hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng, số tiền này không đủ thuê nơi ở mới. Chưa kể, kế hoạch xây dựng và thời gian cụ thể, UBND quận 1 chỉ cam kết "sớm nhất có thể". Trong khi người dân chỉ cần biết rõ ngày trở về, có cam kết đầy đủ. Ngoài ra, nơi tạm cư cách nơi ở cũ khoảng 5-7 km để phù hợp cuộc sống. Tình trạng này cũng tương tự tại chung cư 518 Võ Văn Kiệt (quận 1) và hàng loạt chung cư ở quận 10.

Vừa qua, UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành cùng UBND quận, huyện trên địa bàn có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các chung cư hư hỏng nặng. Sở Xây dựng cần nhanh chóng bổ sung nội dung quy định bồi thường, hỗ trợ, tạm cư, tái định cư đối với người dân sinh sống các tòa chung cư này đối với trường hợp không áp dụng tái định cư tại chỗ. Sở Xây dựng cho biết phần lớn các chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 đều có diện tích nhỏ, có những căn hộ chưa đến 20 m2. Theo quy định, nhà ở thương mại có diện tích tối thiểu 45 m3. Việc di dời qua nơi ở mới ảnh hưởng đến sinh kế của người dân khiến họ không muốn đi. Trong khi đó, việc đầu tư vào chung cư cũ lợi nhuận không cao khiến doanh nghiệp ít quan tâm. Vì vậy, để hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, cần phải giải bài toán này. Dự kiến, đến năm 2020, Thành phố tháo dỡ, xây mới ít nhất 50% trong tổng số 474 chung cư cũ.

Bắt giữ 3 sà lan khai thác cát trái phép trên biển Cần Giờ

Thông tin từ báo Sài gòn giải phóng: Chiều 5/11, Thượng tá Đoàn Duy Phước, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cần Thạnh, Bộ đội Biên phòng TP. Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đang tạm giữ và tiến hành điều tra vụ 3 phương tiện khai thác cát trái phép tại khu vực biển Cần Giờ.

Theo đó, trong lúc thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển, tổ công tác của Đồn Biên phòng Cần Thạnh phát hiện 3 phương tiện mang biển kiểm soát HD-2455, HP-4242, HP-2627, do Phạm Văn Ngọt (sinh năm 1974); Trần Ngọc Sơn (sinh năm 1973), cùng ngụ tại tỉnh Hải Dương và Nghiêm Văn Minh (sinh năm 1989), ngụ tại tỉnh Nam Định, làm thuyền trưởng đang khai thác cát trái phép.

Thời điểm bị kiểm tra, 3 sà lan đang chứa tổng cộng khoảng 600 mét khối cát, chủ các phương tiện không xuất trình được giấy tờ liên quan đến hoạt động khai thác cát cũng như giấy tờ liên quan đến hàng hóa, phương tiện, người điều khiển phương tiện theo quy định.

Thượng tá Đoàn Duy Phước cho biết thêm, trên 3 phương tiện được trang bị hàng chục máy hút cát với công suất lớn, có thể khai thác trên 100 m3 cát mỗi giờ. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời dẫn giải người, tang vật, phương tiện vi phạm về đơn vị để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Cải cách để ngành du lịch TP ngày càng hấp dẫn

Thời gian chứng nhận đạt hạng sao của cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở ăn uống phục vụ du khách, cấp thẻ hướng dẫn viên… đã được rút ngắn. Đó là những nỗ lực trong việc cải cách hành chính của ngành du lịch Thành phố thời gian qua. Từ tháng 3/2019, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã triển khai hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ bốn đối với 100% thủ tục hành chính. Theo các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và quốc tế, doanh nghiệp chuyên về lưu trú… việc cải cách trên đã tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của họ. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết trước đây các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phải đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của sở để làm hồ sơ thủ tục hành chính. Còn bây giờ chỉ cần có thiết bị như điện thoại, máy tính có kết nối Internet là cá nhân, doanh nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến đối với tất cả thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của sở (26/26 thủ tục hành chính). Thông tin được đăng tải trên báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh.

Sớm phục hồi cống thoát nước thời Pháp

Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, tại TP. Hồ Chí Minh hiện có hàng chục ngàn mét cống thoát nước từ thời Pháp đến nay vẫn còn sử dụng. Tuy nhiên, có nhiều đoạn chất lượng cống đã xuống cấp nên việc phục hồi, thay thế những tuyến cống này là bức thiết. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP. Hồ Chí Minh trước đây) cho biết trên những tuyến đường ở khu vực trung tâm thành phố vẫn đang sử dụng hệ thống cống vòm thoát nước được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Phần lớn tuyến cống được lát gạch thẻ, có đường kính từ 1m trở lên và vẫn còn hiệu quả thoát nước. Để phục hồi những tuyến cống thoát nước lâu năm mà không phải đào đường, cơ quan chức năng Thành phố xác định thực hiện bằng công nghệ mới SPR từ Nhật Bản. Thế nhưng dự án này đang “ì ạch” vì thủ tục, chính sách thuế.

TP. Hồ Chí Minh làm gì để thoát ngập?

Trang nhất báo Thanh Niên số ra hôm nay có bài viết: “TP. Hồ Chí Minh làm gì để thoát ngập?”. Theo nội dung bài viết, chưa biết 30 - 50 năm nữa miền Nam Việt Nam có “chìm” thật hay không nhưng thực tế, tình trạng ngập lụt tại TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Những ngày qua, dư luận liên tục chứng kiến nhiều cuộc tranh luận giữa các nhà khoa học và cả cơ quan nhà nước xoay quanh vấn đề: Đến 2050, phần lớn miền Nam Việt Nam có thật sự bị nước biển nhấn chìm, như dự báo mới nhất của Tổ chức khoa học Climate Central hay không. Trong khi các cơ quan chức năng lên tiếng phủ nhận kịch bản giả định của Climate Central, khẳng định chưa đủ cơ sở khoa học, chồng chéo các hiện tượng cực đoan đẩy nguy cơ rủi ro tăng cao, thì một số chuyên gia lại cho rằng những con số nghiên cứu là đáng tin cậy, thậm chí quá trình ngập lụt có thể còn diễn ra sớm hơn so với dự báo. Dù quan điểm khác nhau nhưng hầu hết các ý kiến đều gặp nhau ở một điểm: Đây là lời cảnh báo mà các nhà lãnh đạo cần đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng các phương án quy hoạch TP. Hồ Chí Minh cũng như khu vực ĐBSCL. Vấn đề sụt lún, nước biển dâng và ngập lụt thật sự là vấn đề nguy cấp và phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc.

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục