Chuyển đổi số phải gắn với đổi mới sáng tạo
Báo SGGP đưa tin, ngày 9/11, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cùng đại diện các Sở, ngành đã thăm Không gian sáng tạo và trải nghiệm chuyển đổi số TPHCM (đặt tại tòa nhà Viettel, số 258 Cách Mạng Tháng Tám, quận 3).
Không gian sáng tạo và trải nghiệm chuyển đổi số TPHCM (gọi tắt là Không gian) có các khu vực dành cho doanh nghiệp (DN) trình diễn sản phẩm, công nghệ số phục vụ Chương trình chuyển đổi số của TPHCM, như: thiết bị 5G, giao thông thông minh, y tế thông minh, hệ thống giám sát mạng xã hội…
Không chỉ là địa điểm để các DN công nghệ tiếp xúc, kết nối và hợp tác với khách hàng tiềm năng nhằm phát triển các sản phẩm công nghệ số phục vụ xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh và phát triển kinh tế - xã hội của TP, Không gian còn giúp người dân được tham quan, trải nghiệm các sản phẩm công nghệ số, chính quyền điện tử, đô thị thông minh.
Sau khi tham quan, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở TT-TT thực hiện nhiều hơn các chương trình hỗ trợ các DN tham gia Không gian; phổ cập thông tin đến các DN, người dân nhiều hơn. Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu Sở KH-CN có kế hoạch mở rộng Không gian cũng như tổ chức các hoạt động sinh động hơn, thể hiện rõ tinh thần của chuyển đổi số… để từ đó hình thành nên Trung tâm chuyển đổi số TPHCM.
“Trong hoạt động chuyển đổi số cần gắn liền với đổi mới sáng tạo, thể hiện KH-CN là động lực trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, đồng thời đề nghị Viettel đồng hành với quá trình chuyển đổi số tại TPHCM, đặc biệt là về hạ tầng số.
Không gian sẽ mở cửa đón người dân, cộng đồng DN tham quan miễn phí đến hết ngày 12/11 tới.
Đường sắt tung 8.000 vé tàu giảm giá 50% cho hành khách
Theo báo Pháp Luật TP, ngày 9/11, Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn thông báo triển khai thực hiện chương trình kích cầu gần “8.000 vé giảm giá 50%”.
Cụ thể, hành khách mua vé đi trên các đoàn tàu do công ty quản lý sẽ được giảm 50% giá vé (tùy chỗ ngồi theo quy định) gồm: Tàu SE3/SE4 (tuyến TPHCM – Hà Nội) với các chỗ ngồi theo quy định tại toa 1 và toa 5; tàu SE7/SE8 (tuyến TPHCM – Hà Nội) tại các chỗ theo quy định của toa 2 và toa 6; Tàu SE21/SE22 (tuyến TPHCM – Đà Nẵng) tại các chỗ ngồi quy định của toa 1 và toa 6; Tàu SNT1/SNT2 (tuyến TPHCM – Nha Trang) tại toa 1 và toa 4; tàu SPT1/SPT2 (tuyến TPHCM – Phan Thiết) tại toa 1 và toa 2.
Thời gian đi tàu từ ngày 16/11 đến 30/12 gồm tất cả các ngày từ thứ Hai đến Chủ Nhật. Hành khách có thể mua vé từ 8 giờ ngày 13/11 đến 27/12 (áp dụng cho hành khách mua vé trước 3 ngày tàu chạy trở lên). Theo đó, công ty áp dụng cho loại chỗ ghế ngồi mềm và giường nằm khoang 6 điều hòa.
Điều kiện áp dụng: Tàu SE7/SE8 (ngày đầu tuần) có cự ly vận chuyển từ 400 km trở lên, tàu SE3/SE4 và tàu SE7/SE8 (cuối tuần) có cự ly vận chuyển từ 500 km trở lên; tàu SE21/SE22 có cự ly vận chuyển từ 400 km trở lên; SNT1/SNT2 có cự ly vận chuyển từ 250 km trở lên; tàu SPT1/SPT2 có cự ly vận chuyển từ 150 km trở lên.
Vé đã mua được đổi trả trước giờ tàu chạy chậm nhất từ 4 giờ trở lên và mức phí trả vé là 50% giá tiền in trên thẻ lên tàu. Hành khách có thể mua vé tại các nhà ga, đại lý của ngành đường sắt; Mua tại website www.dsvn.vn, vetau.com.vn; app bán vé tàu; Mua qua ứng dụng ví điện tử Momo, ViettelPay; gọi tổng đài bán vé 19001520 (Sài Gòn), 02583822113 (Nha Trang), 0236.3823810 (Đà Nẵng), 024.38220202 (Hà Nội).
44 tuyến đường được đề xuất đặt tên mới
Thông tin từ báo Lao Động, Sở Văn hóa và Thể thao TP vừa trình UBND TP xem xét, đề nghị HĐND TP thông qua việc đặt tên đường mới cho 44 tuyến đường trên địa bàn các quận 2, 3, 7, 9, 12, quận Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi.
Hầu hết các tuyến đường sẽ được đặt tên mới là những đường hiện được đặt tên tạm theo dự án, tuyến hẻm, tuyến kênh. Trong đó, đường Ven Hồ (R2) và một phần đường Ven Sông Sài Gòn (R3) ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) được đề xuất lấy tên nhà thơ Tố Hữu.
Tại quận Bình Thạnh, đường dự án cống hộp Phan Văn Hân được đề xuất lấy tên giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền Trần Văn Khê. Phần lớn các tuyến đường còn lại được đề xuất lấy tên các Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Đường Ven Hồ trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) được đề xuất mang tên nhà thơ Tố Hữu. Ảnh: Minh Quân
Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP, hầu hết các tuyến đường đặt tên mới đều đáp ứng quy định điều kiện đặt tên đường (có chiều dài tối thiểu 200m, lộ giới tối thiểu 12m trở lên...), đã được tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành, nhà khoa học, người dân, địa phương và được sự thống nhất cao.
Theo nghiên cứu của Đề án “Công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại TPHCM - Khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020”, TPHCM hiện có 1.774 đường mang tên tạm và khoảng 400 tên đường “có vấn đề” như tên không có ý nghĩa, tên trùng, tên khác nhau của cùng một nhân vật.
Sử dụng tiết ôn tập giúp học sinh lớp 1 gặp khó môn tiếng Việt
Báo Tuổi Trẻ cho hay, ngày 9/11, Sở GD-ĐT TP ban hành văn bản hướng dẫn về dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.
Sở yêu cầu các trường tiểu học, giáo viên tiểu học linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương và đối tượng học sinh. Trong đó, giáo viên lớp 1 cần sử dụng hiệu quả các tiết ôn tập, thực hành, ôn luyện tiếng Việt để hỗ trợ học sinh gặp khó khăn trong quá trình học tập môn tiếng Việt.
Văn bản trên cũng hướng dẫn giáo viên lớp 1 thiết kế bài giảng gồm bốn hoạt động chính gồm: khởi động, khám phá, luyện tập, vận dụng và chú trọng đến việc dạy học tích hợp, dạy học phân hóa đối tượng học sinh.
Một tiết học của học sinh lớp 1 ở TP.HCM. Ảnh: NHƯ HOA
Đáng chú ý, Sở GD-ĐT TP cũng yêu cầu trường tiểu học và giáo viên tiểu học cần chia sẻ thông tin tới phụ huynh bằng nhiều hình thức khác nhau về những nội dung liên quan tới đổi mới chương trình, SGK, mức độ đáp ứng của học sinh để phụ huynh phối hợp với nhà trường và thầy cô giáo trong công tác giáo dục học sinh...
Tai nạn giao thông ở TPHCM giảm mạnh
Tình hình giao thông ở TP trong 9 tháng năm 2020 có nhiều chuyển biến tích cực khi tai nạn giao thông (TNGT) giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019. Đó là thông tin được ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP cho biết tại buổi họp báo về hoạt động tuyên truyền phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 khi tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng đợt 2, diễn ra chiều 9/11. Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin.
Ông Nguyễn Ngọc Tường
Theo đó, trong 9 tháng năm 2020, tình hình TNGT ở TP giảm cả 3 mặt gồm: số vụ, số người chết và số người bị thương; giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng trong tháng 10/2020, TNGT giảm so với tháng 9 với 248 vụ tai nạn, làm chết 57 người, bị thương 163 người. Đây là tín hiệu tích cực để TP đặt kỳ vọng năm 2020 là năm đầu tiên giảm được số người chết vì TNGT dưới 600 người.
Để đạt được điều này, ông Nguyễn Ngọc Tường cho rằng, các ngành chức năng cần phải thực hiện quyết liệt các giải pháp vì cuối năm là thời điểm diễn ra nhiều sự kiện liên quan đến trật tự giao thông, như: Tết, lễ hội…
TP.HCM hy vọng qua các cuộc thi, người dân sẽ nâng cao ý thức phòng chống Covid-19 khi tham giao lưu thông bằng phương tiện công cộng.
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Ngọc Tường cũng thông tin về việc triển khai đợt 2 việc phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng. Đây là một phần kế hoạch của chương trình sáng kiến Quỹ Bloomberg, Dự án “Quan hệ đối tác vì các thành phố khoẻ mạnh”, do Ban An toàn giao thông TP chủ trì.
Với thông điệp chính là “Sức khoẻ an toàn – Hành trình hạnh phúc”, hoạt động đợt 2 này tiếp tục tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức sinh động, thân thiện, thông qua các cuộc thi clip ngắn “Hành trình hạnh phúc”, cuộc thi ảnh “Sức khoẻ an toàn”, trò chơi Đáp đúng có thưởng “Giao thông không Covid-19”,… nhằm khuyến khích nêu cao ý thức tự giác của người dân trong phòng ngừa lây nhiễm Covid-19.
Thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng tuyến metro số 2 đạt gần 100%
Theo Vietnamplus, Dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành-Tham Lương) đi qua địa bàn 6 quận gồm 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú. Tổng diện tích thu hồi là 251.136m2 với 603 trường hợp bị ảnh hưởng. Tổng mức đầu tư điều chỉnh của các dự án bồi thường hỗ trợ tái định cư là 4.353 tỷ đồng. Trong năm 2020, các đơn vị đã giải ngân đạt 86,64% (hơn 2.478 tỷ đồng) trên tổng số vốn đã được giao năm 2020, bao gồm cả tạm ứng (hơn 2.860 tỷ đồng).
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP, đến nay các quận đã hoàn tất thủ tục ban hành quyết định bồi thường cho 601/603 trường hợp (đạt 99,67%). Trong đó quận 1, quận 10, quận 12, Tân Bình, Tân Phú đạt 100%.
Về bàn giao mặt bằng, hiện đã có 433 trường hợp bàn giao mặt bằng cho các quận (đạt tỷ lệ 71,81%). Trong đó, quận Tân Phú nhận bàn giao mặt bằng đạt 100%; quận 12 đạt 91,67%; quận 10 đạt 87,84%, Tân Bình đạt 78,84%...
Các trường hợp bị ảnh hưởng của dự án metro số 2 khẩn trương sửa chữa, cải tạo nhà để bàn giao mặt bằng cho dự án. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Đối với mặt bằng các nhà ga, hiện UBND quận Tân Bình đã bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý đường sắt đô thị hai nhà ga là S10-Phạm Văn Bạch và S11-Tân Bình; UBND quận 10 đã bàn giao mặt bằng nhà ga S5-Lê Thị Riêng; UBND quận Tân Phú đã bàn giao mặt bằng 3 nhà ga gồm S9-Bà Quẹo, S10-Phạm Văn Bạch và S11-Tân Bình và đoạn đường dẫn vào depot Tham Lương.
Dự án tuyến metro số 2 có tổng mức đầu tư 47.890 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng. Dự án có tổng chiều dài hơn 11km (9,1km ngầm; hơn 1,9km trên cao và chuyển tiếp) với 10 nhà ga (9 ga ngầm, 1 ga trên cao). Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành năm 2026.
Đề xuất thu phí cảng biển
Ngày 9/11, Ủy ban MTTQ VN TP cho biết đã tiếp nhận đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển TP.HCM (gọi tắt là đề án thu phí cảng biển - PV) để tổ chức lấy ý kiến. Nội dung đăng tải trên báo Thanh Niên.
Theo Sở GTVT TP - đơn vị lập đề án, cảng biển TP.HCM là cảng biển tổng hợp đầu mối khu vực loại 1, đóng vai trò chủ đạo kết nối vận tải hàng hải của khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL với 4 khu cảng chính gồm: cảng Cát Lái, cảng Nhà Bè, cảng Hiệp Phước và khu cảng trên sông Sài Gòn.
Năm 2019, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP.HCM khoảng 170 triệu tấn; dự báo tăng lên gần 237 triệu tấn vào năm 2030. Khối lượng hàng hóa thông qua lớn gây áp lực lớn đến kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông không đáp ứng được tốc độ tăng trưởng của hàng hóa lưu thông.
Đường vào cảng Cát Lái (TP.HCM) nhiều thời điểm ùn tắc nghiêm trọng
Trên cơ sở đó, Sở GTVT đề xuất thu phí cảng biển để có thêm nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông khu vực quanh cảng biển.
Cụ thể, đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu và hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM phải trả 2,2 triệu đồng/container 20 ft, 4,4 triệu đồng/container 40 ft hoặc 50.000 đồng/tấn hàng lỏng, hàng rời. Riêng hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP.HCM, chủ hàng phải trả 250.000 đồng/container 20 ft, 500.000 đồng/container 40 ft và 16.000 đồng/tấn hàng lỏng, hàng rời. Mức phí này tương đương mức phí mà TP.Hải Phòng đang áp dụng.
Riêng hàng hóa xuất nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng và đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh sẽ được miễn thu phí.
Với mức phí như trên cùng sản lượng hàng hóa năm 2019, Sở GTVT tính toán thu về hơn 3.200 tỉ đồng, trong các năm tiếp theo nguồn thu tăng theo sản lượng. Nguồn thu này được bổ sung ngân sách để chi trực tiếp hoàn thiện kết cấu hạ tầng cảng biển nhằm giảm ùn tắc giao thông, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa.
Về tác động của việc thu phí đến chi phí vận tải, Sở GTVT cho biết chi phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng cảng biển chiếm chưa tới 4% chi phí vận tải của một container xuất nhập khẩu. Nếu được HĐND TP thông qua trong kỳ họp tháng 12/2020, việc thu phí sẽ bắt đầu từ tháng 5/2021 tại cảng Cát Lái để đánh giá, rút kinh nghiệm và áp dụng thu phí cho toàn bộ cảng kể từ tháng 6/2021.
Triển lãm “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Nơi hội tụ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc”
Báo SGGP đưa tin, sáng 9/11, tại Công viên Lam Sơn, quận 1, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP phối hợp Sở VH-TT TP khai mạc triển lãm ảnh “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Nơi hội tụ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 20/11 tại 3 địa điểm với 3 chủ đề.
Lãnh đạo TPHCM cùng đại biểu tham quan triển lãm. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Cụ thể, tại Công viên Lam Sơn, với chủ đề “MTTQ Việt Nam - lịch sử 90 năm vẻ vang”, triển lãm giới thiệu khái quát những mốc son của Mặt trận Dân tộc thống nhất - MTTQ Việt Nam trong quá trình xây dựng và trưởng thành.
Tại góc đường Nguyễn Du - Đồng Khởi, với chủ đề “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, triển lãm giới thiệu hoạt động nổi bật của hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp của TPHCM trong việc đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước.
Tại đường Đồng Khởi (đối diện Công viên Chi Lăng), với chủ đề “TPHCM - nhịp cầu nhân ái”, triển lãm giới thiệu hình ảnh về công tác vận động của hệ thống MTTQ TPHCM và các tổ chức thành viên trong công tác từ thiện - xã hội, công tác an sinh xã hội.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)