Tiếp nhận 3.000 lao động nước ngoài
Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) TPHCM cho biết, từ tháng 7/2020 đến nay, các Sở - ngành và Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đã phối hợp cấp visa cho gần 3.000 nhà đầu tư, nhà quản lý, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài vào TPHCM. Thông tin trên báo SGGP.
Theo đó, hiện nay, trên địa bàn TP có gần 28.000 người lao động nước ngoài (đến từ hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ), làm việc tại 4.000 doanh nghiệp.
Sở LĐTB-XH TP cho biết thêm, trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu về lao động nước ngoài thì có thể đăng ký với Sở LĐTB-XH TP. Các sở - ngành liên quan sẽ phối hợp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) xem xét, cấp visa và giấy phép lao động.
Khi nhập cảnh vào TPHCM, người lao động nước ngoài phải tuân thủ quy định cách ly 14 ngày tại khu cách ly, tại khách sạn, hoặc tại cơ quan làm việc.
4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 6,2% so với cùng kỳ
Báo Người Lao Động đưa tin, theo Sở Công Thương TPHCM, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 ước tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 0,2% so với tháng 11/2019.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2020 nên lũy kế 11 tháng đầu năm chỉ số IIP ước giảm 4,4% (cùng kỳ tăng 7,4%); trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 0,4% (cùng kỳ tăng 6,2%).
Cụ thể, ước tính trong 11 tháng, chỉ số sản xuất ngành điện tử 19,8%; ngành hóa dược - cao su - nhựa tăng 5,2%. Hai ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống và cơ khí do thị trường chưa phục hồi, tiêu thụ chậm nên chỉ số sản xuất giảm lần lượt là 1,3% và 13,4%.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP, đánh giá đây là điểm đáng khích lệ trong tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn, 4 ngành công nghiệp trọng yếu tiếp tục là động lực phát triển của toàn ngành công nghiệp TP.
Cũng theo ông Vũ, trong tháng 11, Sở Công Thương đã tham mưu UBND TP tiêu chí và danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TP giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, Sở cũng triển khai hoạt động Hội đồng phát triển các ngành công nghiệp TP; xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) và sản phẩm cơ khí - tự động hóa, cao su - nhựa, chế biến thực phẩm TP giai đoạn 2020 - 2030.
Triển lãm VSIF và VIMAF 2020
Triển lãm Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VSIF) và Triển lãm Quốc tế máy móc - thiết bị công nghiệp tại Việt Nam (VIMAF) 2020 với quy mô 250 gian hàng do Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ TPHCM và COEX Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 19/12 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Sài Gòn (TPHCM).
Triển lãm lần này sẽ phân chia các khu vực trưng bày, bao gồm cụm gian hàng trưng bày sản phẩm công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ của DN trong và ngoài nước; cụm gian hàng trưng bày sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu của TP HCM; cụm gian hàng trưng bày nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực TP HCM.
Ngoài ra, còn có cụm gian hàng trưng bày sản phẩm chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ của các DN có năng lực cung ứng triển vọng của TPHCM…
Khảo sát cống ngầm ở TP bằng Robot
Sau nhiều ngày thực hiện nạo vét bùn thải, rác rến, chai lọ dồn ứ trong lòng cống, các kỹ sư cho robot chạy ngầm bên trong để khảo sát các khiếm khuyết hệ thống thoát nước, phát hiện kịp thời các sự cố. Phóng viên Báo Tuổi Trẻ đã theo chân nhóm công nhân thoát nước Xí nghiệp thoát nước Nam TP (Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP) để ghi lại quá trình này.
Vị trí khảo sát là đường cống thoát nước tại quốc lộ 50 giao với đường Tạ Quang Bửu (giáp ranh Quận 8 và huyện Bình Chánh). Robot có kết nối với một xe điều khiển được cho vào lòng cống, một nhân viên thông qua hệ thống camera điều khiển robot chạy bên trong cống và chụp hình lại các ngóc ngách bên trong, nơi con người không đến được.
Tại một vị trí khảo sát, robot phát hiện một vết hở nơi tiếp xúc giữa hai cống. Khiếm khuyết này được các kỹ sư đánh giá khá nguy hiểm, nếu để lâu ngày có thể làm xói lở đất nền gây sụt lún mặt đường phía trên, thậm chí là hố tử thần. Vị trí vết hở được chụp lại ở nhiều góc độ, sau đó sẽ được báo cáo lên cơ quan chức năng tiến hành khắc phục.
Bộ thiết bị khảo sát cống ngầm gồm một chiếc xe tải chuyên dụng bên trong có phòng làm việc, hệ thống máy tính, phần mềm chuyên dụng của nhà cung cấp để công nhân điều khiển hai robot- một lớn một bé khảo sát, tùy vào tiết diện cống lớn hay nhỏ... Được biết, một bộ thiết bị khảo sát cống ngầm gồm robot và xe điều khiển được nhập từ Mỹ với giá 4 tỉ đồng.
Đường băng mới sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tiếp nhận máy bay từ ngày 31/12/2020
Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, tại hiện trường xây dựng công trình đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất, hơn 500 kỹ sư và công nhân đang tập trung thi công 3 ca các hạng mục hoàn thiện đường băng như sơn đường, lắp đặt hệ thống thiết bị, biển báo…
Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long - đơn vị quản lý dự án - cho biết đến nay dự án đã hoàn thành cơ bản hạng mục chính là đường băng CHC 25R/07L cất hạ cánh dài 3.048 m và rộng 45,72m. Các hạng mục còn lại sẽ hoàn thành trước ngày 20/12.
Từ ngày 15 đến 20/12 sẽ thực hiện các chuyến bay hiệu chuẩn để kiểm tra đường cất hạ cánh và hệ thống các thiết bị phục vụ máy bay cất hạ cánh. Theo kế hoạch, đơn vị sẽ bàn giao Cảng hàng không quốc tết Tân Sơn nhất đưa vào khai thác vào ngày 31/12.
Ông Trần Bình An - Trưởng Phòng điều hành dự án 1, Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long - cho biết việc hoàn thành dự án nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn… đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của sân bay cấp 4E, góp phần làm tăng công suất của khu bay phục vụ khoảng 50 triệu hành khách/năm theo quy hoạch của Bộ GTVT.
Nhà ở xã hội: lệch pha cung – cầu
Nguồn cung nhà ở xã hội (NƠXH) tại TPHCM trong 6 tháng đầu năm 2020 chỉ có thêm được hơn 2.200 căn hộ hoàn thiện, người có thu nhập thấp khó tiếp cận. Nội dung phản ánh trên báo Người Lao Động.
Theo kết quả kiểm toán chương trình NƠXH của Kiểm toán Nhà nước, giai đoạn 2016-2019, TPHCM chỉ mới xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng khoảng 14 dự án NƠXH, với tổng diện tích đất 15,8 ha, quy mô 10.255 căn hộ, trong khi nhu cầu thực tế cần khoảng 134.000 căn. Riêng năm 2019, không có dự án NƠXH nào được triển khai.
Còn theo báo cáo từ Sở Xây dựng TPHCM, tính đến tháng 6/2020, đã hoàn thiện 3 dự án NƠXH với hơn 2.200 căn hộ. Ngoài ra, có 5 dự án NƠXH đang thi công xây dựng với quy mô hơn 4.000 căn hộ, dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Tuy nhiên, đây là những dự án cũ kéo dài từ nhiều năm trước.
Theo dự báo, từ nay đến năm 2030, nhu cầu NƠXH ngày càng gia tăng, trung bình mỗi năm cần 1,7 triệu m2/năm, chiếm tỉ trọng nhà ở 21% tổng số nhu cầu nhà ở.
Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết nhu cầu mua nhà càng tăng và cấp thiết. Tuy nhiên, nhu cầu nhà ở của người dân đối với phân khúc nhà ở từ 25 triệu đồng/m2 trở lên hiện chỉ chiếm 20%-30%. Còn nhu cầu về phân khúc nhà ở bình dân chiếm đến 70%-80% thị trường. Điều này dẫn đến việc lệch pha cung - cầu.
Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành, sự thiếu hụt các dự án nhà giá rẻ, NƠXH một phần do lợi nhuận bị khống chế, yêu cầu lãi khung trong 10%-15%. Ngoài ra, thủ tục làm NƠXH giống như các thủ tục đối với nhà ở thương mại. Nếu cởi trói và hỗ trợ được nhiều chính sách, sẽ thu hút sự tham gia từ nhà đầu tư, như vậy người có thu nhập thấp mới có thể tiếp cận được.
Nhiều giải pháp phát triển nhà ở
Sở Xây dựng TP HCM đã trình UBND TP đề án "Xây dựng chương trình nhà ở giai đoạn 2021-2030", qua đó đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển nhà ở.
Cụ thể, TP sẽ triển khai các chính sách khuyến khích làm các dự án nhà giá rẻ để giải quyết nhu cầu nhà ở khá lớn của đối tượng có thu nhập thấp, công nhân, nhất là các hộ gia đình sống trên và ven kênh rạch cần di dời. Ngoài ra, rà soát các nguồn lực hiện có gồm đất đai, tài nguyên và hạ tầng để khai thác hiệu quả đất, ưu đãi thêm cho các doanh nghiệp có nhu cầu phát triển dự án NƠXH.
Các trường ĐH tổ chức thi năng lực vào năm 2021 ra sao?
Báo Thanh Niên cho hay, đến thời điểm này, các trường ĐH đang lên phương án dự kiến cho tuyển sinh năm sau, đáng chú ý trong đó là việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết kỳ thi đánh giá năng lực sẽ tiếp tục được ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức 2 đợt vào năm 2021.
Cụ thể, đợt 1 dự kiến vào ngày 28/3 và đợt 2 khoảng sau từ 7 - 10 ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, dự kiến vào ngày 4/7. “Việc tổ chức kỳ thi trên tinh thần giữ ổn định như các năm trước, kể cả cách thức tổ chức thi, hình thức làm bài và cấu trúc đề thi. Những điều chỉnh nhỏ hướng đến việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh (TS) khi tham dự kỳ thi này”, tiến sĩ Chính thông tin.
Về kế hoạch tuyển sinh năm 2021, tiến sĩ Trần Tiến Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, cho biết trường đang cân nhắc việc có thể tổ chức trở lại kỳ thi đánh giá năng lực. Theo ông Khoa, nếu kỳ thi này được tổ chức, sẽ có điều chỉnh nhỏ về môn thi. Trong đó, TS sẽ dự thi 3 môn bắt buộc gồm: Toán, Tư duy và Suy luận logic (thay vì 2 môn bắt buộc như trước). Trong đó, 2 môn tư duy và suy luận logic được tách riêng từ một môn ghép tư duy - suy luận logic như trước. Ngoài ra, TS sẽ chọn thi 1 trong 4 môn tự chọn gồm: Tiếng Anh, Lý, Hóa và Sinh.
Tương tự, tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cũng cho biết trường sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực dự kiến vào tuần thứ 3 của tháng 5. Kỳ thi sẽ giữ ổn định và cách thức thi như các năm trước. Bài thi này hoàn toàn bằng tiếng Anh, tập trung đánh giá kỹ năng nhận biết, tư duy suy luận logic và xử lý vấn đề. TS tham dự kỳ thi này của Trường ĐH Việt Đức sẽ làm 1 bài thi cơ bản dưới dạng trắc nghiệm (110 phút), 1 bài thi chuyên ngành theo khối đăng ký (gồm khoa học kỹ thuật hoặc toán, khoa học máy tính và khoa học tự nhiên hoặc kinh tế học trong thời gian từ 145 - 150 phút) và bài kiểm tra tiếng Anh trên máy tính.
Trường ĐH Công nghệ TPHCM cũng từng tổ chức kỳ thi riêng để xét TS vào trường mình. Nhưng theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng trường này, trường dự kiến không tổ chức kỳ thi này trong năm 2021.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)