Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 11/3/2024

10:03 11/03/2024

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 11/3:

TPHCM báo cáo Bộ Nội vụ phương án sắp xếp đơn vị hành chính

Theo báo Người Lao Động, UBND TPHCM vừa có báo cáo gửi Bộ Nội vụ về tiếp thu, giải trình và bổ sung Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 của thành phố.

Khu vực trung tâm TP HCM với bán kính 15 km đang là địa điểm chính của các hoạt động đô thị
Khu vực trung tâm TP HCM với bán kính 15 km đang là địa điểm chính của các hoạt động đô thị

Theo đó, tổng giai đoạn 2023-2030 (thuộc diện sắp xếp và cả diện khuyến khích sắp xếp): số lượng đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện khuyến khích sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp là một đơn vị (huyện Nhà Bè). Số lượng đơn vị cấp xã thuộc diện sắp xếp và khuyến khích sắp xếp là 129.

Trong đó, số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp là 52; số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp là 11. Do đó, tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2030 của thành phố là 80 phường liên quan thuộc địa bàn 10 quận.

Dự kiến sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện như hiện nay; số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm 39 phường. Như vậy, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp trên địa bàn TP HCM trong giai đoạn 2023 - 2030 là rất lớn, nhất là trong giai đoạn 2023 - 2025.

Ngày hội hỗ trợ trực tiếp, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em

Ngày 10/3, Hội Bảo trợ Trẻ em TPHCM cùng Hội Hữu nghị Đan Mạch - Việt Nam phối hợp tổ chức "Ngày hội trẻ em" nhằm hỗ trợ trực tiếp và truyền thông nâng cao kiến thức kỹ năng về bảo vệ trẻ em. Tin trên VietNamPlus.

Đại diện Hội Bảo trợ Trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng kinh phí hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Đại diện Hội Bảo trợ Trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng kinh phí hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngày hội thu hút gần 500 trẻ em cùng phụ huynh tham gia giao lưu văn hóa văn nghệ, vui chơi, giải trí đố vui, tìm hiểu nâng cao kiến thức kỹ năng để trẻ em tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe từ nhiều tình huống trong thực tiễn cuộc sống gia đình, học tập và sinh hoạt hàng ngày.

Tại đây, các em còn được trao tặng bảo hiểm y tế theo tiêu chuẩn trị giá 700.000 đồng; kinh phí hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo trị giá 4 triệu đồng và học bổng trị giá từ 1-2 triệu đồng/suất.

Theo Hội Bảo trợ Trẻ em TPHCM, "Ngày hội trẻ em" không chỉ là dịp để chăm lo, hỗ trợ, hướng dẫn trẻ tự chăm sóc, bảo vệ bản thân mà còn góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, cha mẹ, người chăm sóc trẻ trong việc chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho các em; phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích.

Nhiều cánh cửa việc làm mở ra cho nữ lao động tuổi trung niên

Ngày 10/3, Báo Phụ nữ TP phối hợp Hội LHPN TPHCM thực hiện buổi thảo luận truyền hình với chủ đề “Bài toán đào tạo việc làm cho phụ nữ tuổi trung niên”. Nhiều vấn đề được các chuyên gia cũng như cơ quan chức năng “mổ xẻ” với mong muốn giải quyết việc làm cho phụ nữ một cách hiệu quả.

Bà Lý Việt Trung (bìa phải) - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - tặng hoa cho các khách mời tham gia talk show “Bài toán đào tạo việc làm cho phụ nữ tuổi trung niên” - ẢNH: HẢI ĐĂNG
Bà Lý Việt Trung (bìa phải) - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - tặng hoa cho các khách mời tham gia talk show “Bài toán đào tạo việc làm cho phụ nữ tuổi trung niên” - ẢNH: HẢI ĐĂNG

Trước thực trạng nhiều lao động nữ ở tuổi trung niên bị mất việc và khó tìm việc, bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TP - khẳng định, thời gian qua, Hội đã có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ phụ nữ trung niên tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.

Cụ thể, hỗ trợ chị em tiếp cận thông tin, nhất là các sàn giao dịch việc làm, thông tin tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp. Hội cũng đã kết nối với các doanh nghiệp, các đơn vị, đặc biệt là những cơ sở đào tạo nghề; kết nối lao động với các loại hình dịch vụ để chị em có thể tiếp cận hoặc khởi nghiệp bằng chính nghề nghiệp của mình.

Ngoài ra, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của hội cũng hỗ trợ mức vay cao nhất là 100 triệu đồng, trung bình khoảng 50 triệu đồng, cho những phụ nữ có nhu cầu vay vốn để làm ăn, khởi nghiệp.

“Hằng năm, hội đào tạo hơn 4.000 chị em khó khăn để các chị tự tạo việc làm hoặc tìm kiếm công việc ở các cơ sở dịch vụ. Chẳng hạn, ngày 8/3 vừa qua, chúng tôi đã ký với các doanh nghiệp hỗ trợ gần 10 tỉ đồng cho các chương trình đào tạo nghề cho chị em với mỗi suất học nghề từ 25-35 triệu đồng hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, với những trường hợp khó khăn, chúng tôi còn vận động nguồn lực hỗ trợ phương tiện để các chị có thể làm nghề” - bà Hoa nói.

TPHCM muốn nhờ người có uy tín lan tỏa thông tin tích cực qua mạng xã hội

Chia sẻ tại chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời với chủ đề “Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc – Phát huy sức mạnh của nhân dân” ngày 10/3, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM (CATP) cho biết, qua tuyên truyền về an ninh trật tự ở cơ sở, khu phố, tính riêng trong năm 2023, CATP đã nhận được trên 15.900 tin báo của người dân, trong đó có hơn 1.900 vụ việc, hơn 2.200 đối tượng đã được phát hiện, xử lý với sự hỗ trợ của người dân. Nội dung trên báo Tiền Phong.

Lực lượng công an ở cơ sở tham gia đảm bảo an ninh trật tự trong Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ. Ảnh: Ngô Tùng
Lực lượng công an ở cơ sở tham gia đảm bảo an ninh trật tự trong Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ. Ảnh: Ngô Tùng

Theo Thượng tá Hà, để tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, CATP tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền trên báo chí, các trang thông tin điện tử, đặc biệt là ứng dụng mạng xã hội; phát huy vai trò, trách nhiệm của công an cấp xã; đồng thời quan tâm tuyên truyền, vận động người có uy tín trong tôn giáo, doanh nghiệp, trong cộng đồng dân cư.

“Chúng tôi nghiên cứu tới người có uy tín trên mạng xã hội, những người có tương tác tốt trên mạng xã hội với hàng chục triệu người theo dõi. Những người này mà ủng hộ lực lượng công an chia sẻ hay có những bài viết tích cực tuyên truyền thì tính lan tỏa đến người dân rất tốt", Thượng tá Lê Mạnh Hà nói.

Cả phường ở TPHCM cùng chung tay bóc quảng cáo dán bậy

Theo chỉ đạo của Bộ Công an, Thành ủy, UBND TPHCM, phường Thới An (quận 12) đã tổ chức nhiều đợt ra quân, vận động người dân toàn phường bóc, xóa sản phẩm quảng cáo sai quy định. Hoạt động này được nhiều người dân ủng hộ, hưởng ứng. Từ lúc ra quân đến nay, phường Thới An đã bắt, xử lý ba vụ dán vẽ bậy.

Người dân phường Thới An (quận 12) hưởng ứng phong trào bóc, tẩy các quảng cáo sai quy định (do nạn dán vẽ bậy gây ra) - Ảnh: GIAI THỤY
Người dân phường Thới An (quận 12) hưởng ứng phong trào bóc, tẩy các quảng cáo sai quy định (do nạn dán vẽ bậy gây ra) - Ảnh: GIAI THỤY

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ngày 10/3, ông Cung Quảng Hà - chủ tịch UBND phường Thới An - cho biết, trong năm 2023, UBND phường đã lập kế hoạch cụ thể về việc bóc, xóa các hình, chữ… do tình trạng dán vẽ bậy gây ra.

Từ giữa tháng 2 và đầu tháng 3/2024, công an địa phương cùng toàn thể người dân phường Thới An đều hưởng ứng phong trào, cùng nhau dọn dẹp các sản phẩm dán vẽ bậy để đưa khung cảnh đô thị sạch sẽ trở lại.

"Tuần qua chúng tôi vừa dọn dẹp sạch sẽ ở một khu phố thì sáng hôm sau lại bị dán vẽ bậy. Những người vi phạm thường hoạt động vào đêm khuya hoặc rạng sáng để ít người chú ý, phát hiện. Lực lượng chức năng phải mật phục để bắt. Đồng thời phối hợp với một số địa phương khác để điều tra mở rộng, góp phần giải quyết căn cơ tình trạng trên", ông Hà cho hay. 

TPHCM xâm nhập mặn sâu đến 80 km, cảnh báo cấp độ 3

Báo Thanh Niên cho biết, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ đã phát bản tin cập nhật về tình hình xâm nhập mặn ở TPHCM và các tỉnh Nam bộ. Theo đó, trên khu vực TPHCM, ranh mặn 4‰ vào sâu trên sông Sài Gòn khoảng 70 - 75 km.

Trên sông Sài Gòn, độ mặn 4‰ có thể vào sâu thêm 5 km trong những ngày tới do triều cường cao kết hợp với gió mùa đông bắc mạnh
Trên sông Sài Gòn, độ mặn 4‰ có thể vào sâu thêm 5 km trong những ngày tới do triều cường cao kết hợp với gió mùa đông bắc mạnh

Dự báo, trong tuần tới mực nước tại hầu hết các trạm lên nhanh theo đợt triều cường đầu tháng 2 âm lịch. Đỉnh triều cao nhất có thể xuất hiện từ ngày 11–13/3. Độ mặn lớn nhất tại hầu hết các trạm ở mức lớn hơn so với cùng kỳ năm 2023 và trung bình nhiều năm. Trên sông Sài Gòn, ranh mặn 4‰ xâm nhập sâu khoảng 75 - 80 km. Mức độ rủi ro thiên tai ở cấp 3.

Ngoài ra, từ ngày 11 – 13/3, đỉnh triều cường cao ở mức xấp xỉ thậm chí cao hơn cùng kỳ năm ngoái trên các sông miền Tây Nam bộ. Triều cường cao khiến xâm nhập mặn sâu. Độ mặn lớn nhất tại hầu hết các trạm ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 và trung bình nhiều năm. Ranh độ mặn 4‰ cách cửa sông Tiền khoảng 60 - 65 km, sông Hậu khoảng 45 - 55 km.

Giới trẻ hào hứng check-in công viên bờ sông Sài Gòn

Công viên bờ sông Sài Gòn (TPThủ Đức) mở cửa đón khách từ tháng 12/2023 đến nay đã thu hút rất nhiều khách tới tham quan, nhất là giới trẻ.

TP. Thủ Đức sẽ xây dựng mô hình vui chơi giải trí chuyên biệt để phục vụ người dân. Ảnh: HOÀNG HIẾU.
TP. Thủ Đức sẽ xây dựng mô hình vui chơi giải trí chuyên biệt để phục vụ người dân. Ảnh: HOÀNG HIẾU.

Theo ghi nhận của báo Pháp Luật TP vào cuối tuần qua tại công viên bờ sông Sài Gòn, có rất nhiều bạn trẻ check-in, chụp hình với view “triệu đô”. Cạnh đó, nhiều bạn trẻ còn hào hứng tham gia vào nhiều chương trình giải trí khác do ban quản lý công viên này tổ chức.

Hiện tại, công viên bờ sông Sài Gòn đã hoàn thành khoảng 90% và đã tổ chức đón du khách đến tham quan, vui chơi giải trí. Sau khi nhổ vườn hoa hướng dương để làm tiểu cảnh, hiện tại, du khách có thể ngắm và check-in toàn bộ khu vực cảnh quan trung tâm như bờ sông, toà nhà Bitexco, bến Bạch Đằng...

Ngoài cảnh view “triệu đô”, du khách có thể tham gia vào nhiều hoạt động giải trí khác như thưởng thức cà phê ven sông, chơi lô-tô, tham quan bến xe bus đường thuỷ, thưởng thức nhạc, ăn uống..

Ga water bus Thủ Thiêm đã đi vào hoạt động phục vụ người dân. Ảnh: HOÀNG HIẾU.
Ga water bus Thủ Thiêm đã đi vào hoạt động phục vụ người dân. Ảnh: HOÀNG HIẾU.
Diện tích công viên bờ sông Sài gòn rộng khoảng 20ha. Ảnh: HOÀNG HIẾU.
Diện tích công viên bờ sông Sài gòn rộng khoảng 20ha. Ảnh: HOÀNG HIẾU.
Đa số người dân đến tham quan công viên vào buổi tối. Ảnh: HOÀNG HIẾU.
Đa số người dân đến tham quan công viên vào buổi tối. Ảnh: HOÀNG HIẾU.

Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục