Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 12/11/2021

10:06 12/11/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 12/11:

TPHCM ra văn bản yêu cầu không để tái bùng phát dịch COVID-19

Thông tin trên báo Tuổi Trẻ, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, UBND TP có văn yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các sở, ngành, đơn vị được giao thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ, Chỉ thị 18 của TP; Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch như xét nghiệm nhanh, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả gắn với khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, việc kiểm tra công tác phòng, chống dịch cần tăng cường tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà máy... nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe. Quy trình xử lý F0 khi phát hiện tại cơ sở cần được đặc biệt quan tâm, trường hợp cố tình vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch, có biểu hiện trốn tránh trách nhiệm làm lây lan dịch bệnh cần xử lý nghiêm.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho người dân phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM trong đêm 23-8 - Ảnh: XUÂN MAI
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho người dân phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM trong đêm 23-8 - Ảnh: XUÂN MAI

Các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát dịch trong giai đoạn hiện nay, tuyệt đối không chủ quan, lơ là. TP Thủ Đức, các quận - huyện, phường – xã - thị trấn tiếp tục kiểm tra, đánh giá dịch bệnh, điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt, không để dịch lây lan rộng, khó kiểm soát.

Đối với lĩnh vực y tế, UBND TP yêu cầu chủ động rà soát, chuẩn bị và kịp thời cấp phát túi thuốc cho F0. Tuyệt đối không để bất kỳ F0 nào cách ly tại nhà không tiếp cận được thuốc điều trị.

Các địa phương rà soát lại tình hình nguồn nhân lực để chủ động thành lập trạm y tế lưu động tương ứng với số ca mắc COVID-19 mới, nhanh chóng nâng cao năng lực y tế cơ sở.

Tất bật sản xuất thời ‘bình thường mới’ trong nhà máy

Những ngày gần đây, hoạt động sản xuất bên trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và tại các nhà máy sản xuất ở TP thực sự trở lại trạng thái "bình thường mới". Nhiều doanh nghiệp (DN) có lượng công nhân trở lại nhà xưởng gần như tuyệt đối, lượng đơn hàng cũng đã dồi dào và các đối tác nước ngoài cũng mong ngóng những sản phẩm xuất xưởng.

Hiện tại, đã có 88 DN tại Khu công nghệ cao TP tái hoạt động với hơn 45.000 người lao động, trên 96% trên tổng số 1.412 DN trong các khu công nghiệp, khu chế xuất của TP tái hoạt động với số lao động trở lại nhà xưởng đạt trên 80% so với thời điểm trước dịch.

Các nữ công nhân ngành dệt may đã tất bật sản xuất trở lại trong "bình thường mới" sau thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh khiến người phải tạm ngưng sản xuất, người phải sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" - Ảnh: NGỌC HIỂN
Các nữ công nhân ngành dệt may đã tất bật sản xuất trở lại trong "bình thường mới" sau thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh khiến người phải tạm ngưng sản xuất, người phải sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" - Ảnh: NGỌC HIỂN

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, chủ các DN ở TP đều cho rằng khi tái sản xuất trong giai đoạn phục hồi kinh tế này, DN đã chuẩn bị tâm thế sẽ có F0 trong DN. Tuy nhiên, điều khiến các DN yên tâm nhất là việc phòng chống dịch đã được trao về DN. Từ đó, giúp DN chủ động hơn trong chống dịch.

Đặc biệt, tỉ lệ lao động đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin đạt tỉ lệ cao, dẫn đến những người lao động mắc COVID-19 trong thời gian qua phần lớn đều có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Công nhân tất bật làm việc bên trong nhà máy của Samsung tại Khu công nghệ cao TP.HCM chiều 10-11 - Ảnh: NGỌC HIỂN
Công nhân tất bật làm việc bên trong nhà máy của Samsung tại Khu công nghệ cao TP.HCM chiều 10-11 - Ảnh: NGỌC HIỂN
Công nhân sản xuất gỗ xuất khẩu bên trong Khu công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi, TP.HCM) để kịp trả các đơn hàng xuất khẩu cuối năm - Ảnh: NGỌC HIỂN
Công nhân sản xuất gỗ xuất khẩu bên trong Khu công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi, TP.HCM) để kịp trả các đơn hàng xuất khẩu cuối năm - Ảnh: NGỌC HIỂN

Để đảm bảo vừa phòng chống dịch vừa phục hồi sản xuất, các DN và Ban quản lý Khu công nghệ cao TP còn lập khu cách ly tập trung ngay bên trong khu để chủ động đưa những người lao động mắc COVID-19 đến cách ly, chữa trị tạm thời, xuất viện chỉ trong vòng 7 ngày chữa trị khi đã âm tính.

Ông Nguyễn Anh Thi, trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP cho hay khu lưu trú này đang điều trị cho 60 người lao động. Theo đó, người lao động đang ở các khu nhà trọ, khu lưu trú không có phòng riêng hoặc gia đình có người thân, người lớn tuổi nên không thể tự cách ly tại nhà sẽ được đưa vào điều trị tại đây.

Người lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ tại Khu công nghệ cao TP.HCM phải đeo khẩu trang, ngồi giãn cách - Ảnh: NGỌC HIỂN
Người lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ tại Khu công nghệ cao TP.HCM phải đeo khẩu trang, ngồi giãn cách - Ảnh: NGỌC HIỂN
Một doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) xét nghiệm cho người lao động - Ảnh: NGỌC HIỂN
Một doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) xét nghiệm cho người lao động - Ảnh: NGỌC HIỂN

Từ 11/11, sửa chữa các khe co giãn trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương

Báo SGGP thông tin, thực hiện kế hoạch sửa chữa các công trình trên tuyến đường bộ cao tốc TPHCM - Trung Lương năm 2021, Cục Quản lý đường bộ IV thuộc Tổng Cục đường bộ Việt Nam sẽ tiến hành thi công sửa chữa các khe co giãn từ Km12+220 đến Km18+480 trên tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương.

Thời gian thi công từ ngày 11/11 đến hết ngày 5/1/2022.

Để đảm bảo An toàn giao thông trong quá trình thi công, đề nghị các phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc TPHCM - Trung Lương cần chú ý các thông tin được thông báo trên các bảng điện tử trên tuyến cao tốc.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 12/11/2021 - Ảnh 1

Tại các vị trí đang thi công phải chấp hành chỉ dẫn, hiệu lệnh các biển báo giao thông và tuân thủ theo sự điều khiển giao thông của các đơn vị chức năng.

Trước khi di chuyển vào tuyến đường bộ cao tốc TPHCM - Trung Lương cần mở sóng Radio kênh VOV giao thông cập nhật tình hình giao thông trên tuyến.

Tất bật chỉnh trang đô thị

Sau thời gian tạm dừng thi công do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đến nay, nhiều dự án giao thông đường bộ, công trình xây dựng, chỉnh trang đô thị trên địa bàn TP đã tái khởi động. Các công trình phải chạy đua với thời gian để kịp về đích, phục vụ đời sống người dân trước Tết Nguyên đán 2022. Nội dung trên báo SGGP.

Tại công viên bến Bạch Đằng (quận 1), công nhân đang tiến hành thi công cải tạo, nâng cấp công viên. Hiện công trình đang dần về đích và hứa hẹn là điểm nhấn về du lịch của TP.

Ở TP Thủ Đức, dự án nâng cấp, mở rộng đường Lã Xuân Oai (đoạn từ đường Lê Văn Việt đến đường D2) lâu nay gặp khó khăn về mặt bằng, gián đoạn thi công, nay cũng thi công trở lại. Công nhân đang tất bật đào đường, lắp đặt hệ thống thoát nước để giảm ngập cho khu dân cư.

Công trình cải tạo cống thoát nước đường Lã Xuân Oai (TP Thủ Đức) hiện đang gấp rút thi công
Công trình cải tạo cống thoát nước đường Lã Xuân Oai (TP Thủ Đức) hiện đang gấp rút thi công

Trên tuyến đường Bàn Cờ (quận 3), công nhân cũng đang tất bật thi công tu sửa, lát đá vỉa hè để chỉnh trang “bộ mặt” của tuyến phố, phục vụ đời sống người dân. Hiện tại công trình đã hoàn thành được 70% công việc, đang gấp rút hoàn thành để đưa vào sử dụng.

Rảo qua các tuyến đường Quang Trung, Nguyễn Thái Sơn, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Văn Công (quận Gò Vấp), nhiều công trình cải tạo tuyến hẻm trong khu dân cư cũng được tái khởi động như lắp đặt hệ thống thoát nước, rải nhựa.

Đặc biệt, TP cũng đã thi công hoàn thành, đưa vào khai thác các công trình góp phần kéo giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông khu vực như: xây dựng cầu Phước Lộc (huyện Nhà Bè); đường Nguyễn Hữu Cảnh (nối dài từ quận 1 đến quận Bình Thạnh); nâng cấp, mở rộng đường Bùi Đình Túy, từ hẻm 304 đến đường Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh)…

Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP, giáp Tết Nguyên đán 2022, Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP sẽ thông xe một nhánh cầu Bưng (nối quận Bình Tân - quận Tân Phú); sửa chữa, nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh (Tỉnh lộ 9, huyện Hóc Môn), từ đó, xóa dần những điểm ngập tại các khu vực này.

Sắp cấp sổ hồng cho hơn 37.000 căn hộ

Báo Người Lao Động thông tin, ngày 11/11, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Nguyễn Toàn Thắng đã chủ trì hội nghị về đẩy nhanh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) cho người mua nhà tại các dự án nhà ở trên địa bàn TP.

Chung cư nhà ở xã hội HQC Plaza (huyện Bình Chánh, TP HCM) đưa vào hoạt động đã 6 năm nhưng do còn vướng mắc nên người mua vẫn chưa có sổ hồng. Ảnh: LÊ PHONG
Chung cư nhà ở xã hội HQC Plaza (huyện Bình Chánh, TP HCM) đưa vào hoạt động đã 6 năm nhưng do còn vướng mắc nên người mua vẫn chưa có sổ hồng. Ảnh: LÊ PHONG

Tại hội nghị, đại diện Sở TN-MT TP thừa nhận tính đến nay số lượng nhà đất chưa được cấp sổ hồng vẫn còn rất nhiều mặc dù người mua đã nhận bàn giao nhà và vào ở ổn định. Ðiều này ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản, nhất là trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ðặc biệt, tình trạng đó chưa đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người dân tại các dự án phát triển nhà ở, cũng như ảnh hưởng uy tín của chủ đầu tư.

Trước thực tế trên, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết mục tiêu là từ nay đến tháng 12/2023, Sở TN-MT sẽ chủ trì phối hợp với các sở, ngành và chủ đầu tư dự án để giải quyết cấp sổ hồng cho 37.421 căn; đồng thời, tập trung tháo gỡ những dự án còn vướng mắc như có vi phạm xây dựng; những dự án phải rà soát, xác định nộp nghĩa vụ tài chính bổ sung do dự án có thay đổi các chỉ tiêu quy hoạch... và vướng mắc cấp giấy chứng nhận cho loại hình bất động sản mới (shophouse, officetel).

Lan tỏa nhiều mô hình giảm rác thải nhựa

Báo Pháp luật TP đưa tin, thời gian qua, người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP.HCM đã nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử trong việc sử dụng, quản lý rác thải nhựa. Những hành động này đã góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chiến lược của cơ quan có thẩm quyền về quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa.

Điển hình như việc UBND quận 1 đã tổ chức tốt tuyên truyền về nguồn gốc và tác hại của túi nylon khó phân hủy, vận động người dân hạn chế sử dụng túi nylon khi mua hàng, bán hàng tại các chợ, các hộ kinh doanh. Việc làm này nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của túi nylon và các giải pháp hạn chế sử dụng chúng.

Theo đó, UBND quận 1 đã vận động cá nhân, tổ chức bán lẻ, đơn vị khách thuê trong khuôn viên siêu thị, tòa nhà không dùng túi nylon khó phân hủy khi phục vụ khách hàng, người tiêu dùng. Thay vào đó, quận khuyến khích các cơ sở này dùng sản phẩm, nguyên liệu từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường như các loại túi tự hủy sinh học, túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, lá sen, lá chuối, màng bọc thực phẩm sinh học…

Hội Môi trường xây dựng Việt Nam phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM tái sử dụng chai nhựa để trồng cây. Ảnh: BQ
Hội Môi trường xây dựng Việt Nam phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM tái sử dụng chai nhựa để trồng cây. Ảnh: BQ

Tương tự, UBND quận Tân Phú cũng tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, công nhân, người lao động không sử dụng túi nylon đựng thực phẩm, dùng chai đựng nước bằng thủy tinh, bình nước inox thay cho chai nhựa. Qua đó, nhiều người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, tự giác tham gia phân loại rác tại nguồn, bỏ rác đúng nơi quy định. Nhiều người dân khi đi chợ, siêu thị đã chủ động sử dụng túi vải thay vì túi nylon.

“Triệu phần quà san sẻ yêu thương” đến với trẻ mồ côi

Báo Phụ Nữ Việt Nam cho hay, chiều 11/11, tại chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” do TƯ Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội LHPN TP đã tổ chức trao tặng 20 phần quà cho trẻ em mồ côi do dịch COVID-19 tại quận 12.

Hoạt động này nhằm góp phần chăm lo an sinh xã hội của TP, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi do dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, giúp các em có thêm điều kiện để tiếp tục ước mơ đến trường, phấn đấu trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội; giúp các gia đình cảm thấy tin tưởng, an tâm khi có sự đồng hành của các tổ chức chính trị xã hội trong đó có Hội LHPN.

Quận 12, TPHCM có 20 em được nhận quà hỗ trợ từ chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”.
Quận 12, TPHCM có 20 em được nhận quà hỗ trợ từ chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”.

Cũng tại chương trình, 100 em mồ côi do dịch COVID-19 thuộc 5 quận được nhận quà từ chương trình "Triệu phần quà san sẻ yêu thương". Mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng.

Bà Trần Thị Huyền Thanh, Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM (thứ 3, trái sang) tặng quà từ chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” cho trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 tại quận 12, TPHCM
Bà Trần Thị Huyền Thanh, Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM (thứ 3, trái sang) tặng quà từ chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” cho trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 tại quận 12, TPHCM

Nhóm BTV (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục