Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 12/8/2020

10:40 12/08/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 12/8/2020:

Các cơ quan báo chí đổi con dấu trước 30/9

Báo Sài Gòn Giải Phóng cho hay, ngày 11/8, Tổ công tác thực hiện đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TPHCM đến năm 2025 vừa có hướng dẫn thực hiện sắp xếp các cơ quan báo chí trực thuộc Thành ủy, UBNDTP. Cụ thể, trước ngày 15/8, cơ quan chủ quản trước sắp xếp sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện, mô hình hoạt động của cơ quan báo chí, trong đó nêu rõ thực trạng, đề xuất phương hướng sau khi chuyển cơ quan chủ quản.


TP. Hồ Chí Minh còn 19 cơ quan báo chí sau khi sắp xếp lại/Ảnh minh họa: Vân Anh
TP. Hồ Chí Minh còn 19 cơ quan báo chí sau khi sắp xếp lại/Ảnh minh họa: Vân Anh

Trước ngày 20/8, Tổ công tác sẽ trình Thành ủy quyết định thành lập cơ quan báo chí trực thuộc Thành ủy TP, gồm các báo: Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Người Lao động, Phụ nữ TP và Tạp chí Cựu chiến binh. Đồng thời, trình UBND TP quyết định thành lập cơ quan báo chí trực thuộc UBND TP gồm: Báo Pháp luật TP, Tạp chí Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, Tạp chí Khoa học phổ thông, Tạp chí Du lịch, Tạp chí Giáo dục TP.

Trước ngày 30/9, các cơ quan thực hiện đổi con dấu, xây dựng quy chế tổ chức hoạt động trình Thành ủy, UBND TP phê duyệt. Trong quý 3 và 4/2020, cơ quan báo chí xây dựng đề án vị trí việc làm, trình Thành ủy, UBND TP phê duyệt.

Theo hướng dẫn, giai đoạn 2021-2025, TPHCM thực hiện sắp xếp các cơ quan báo chí; ổn định hoạt động và thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí TP sau sắp xếp. Đến năm 2025 nghiên cứu việc sắp xếp báo chí theo đề án còn một cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Tạm dừng đóng Bảo hiểm xã hội cho 318 doanh nghiệp

Thông tin từ Bảo hiểm xã hội TP, tính đến ngày 10/8, đơn vị này đã giải quyết cho 318 doanh nghiệp trên địa bàn được tạm dừng đóng Bảo hiểm xã hội với số tiền 391,5 tỷ đồng. Báo điện tử Vietnamplus đưa tin.

(Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)
(Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)

Đây là những doanh nghiệp được tạm dừng đóng Bảo hiểm xã hội vào các Quỹ hưu trí và tử tuất do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong số này, nhiều doanh nghiệp được tạm dừng đóng Bảo hiểm xã hội trên 2 tỷ đồng, có doanh nghiệp được tạm dừng đóng gần 6 tỷ đồng. 318 doanh nghiệp này có tổng số lao động trên 32.370 người, chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực như: dệt may, giày da, vận tải, dịch vụ, thương mại du lịch, nhà hàng, khách sạn...

Bệnh viện Quốc tế City nhận bệnh trở lại

Nội dung trên báo Pháp luật TP, Bệnh viện (BV) Quốc tế City đã mở cửa khám chữa bệnh trở lại cho bệnh nhân từ ngày 11/8, sau 2 tuần ngưng nhận bệnh để kiểm soát và phòng chống dịch Covid-19.

Trước đó, vào ngày 3/8, Sở Y tế đã tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 theo Bộ tiêu chí của Bộ Y tế ban hành. Kết quả, BV Quốc tế City đạt 87,3 %, được xếp loại “Bệnh viện an toàn”.

Báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá các hoạt động phòng chống dịch tại BV Quốc tế City của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) và phòng Nghiệp vụ Y (thuộc Sở Y tế TP) cũng cho thấy BV đã khắc phục, củng cố và tuân thủ các hướng dẫn trong việc triển khai các hoạt động phòng và kiểm soát lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

BV Quốc tế City nhận bệnh trở lại từ ngày 11-8. Ảnh: BVCC
BV Quốc tế City nhận bệnh trở lại từ ngày 11-8. Ảnh: BVCC

Cùng với đó, kết quả xét nghiệm của tất cả nhân viên và người bệnh nội trú đều âm tính. Do đó BV Quốc tế City có thể tổ chức tiếp nhận khám và điều trị nội trú đối với người bệnh mới có nhu cầu đến khám và điều trị tại BV.

Trong thời gian tới, Sở Y tế yêu cầu BV này tuân thủ nghiêm các quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch Covid-19 trong giai đoạn dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại.

Trước đó, ngày 29/7, Bộ Y tế công bố bệnh nhân nhiễm COVID-19 thứ 449 đã nhập viện điều trị tại BV Quốc tế City. Để đảm bảo an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và kiểm soát nguy cơ lây lan mầm bệnh trong bệnh viện, Sở Y tế TP.HCM đã có công văn yêu cầu BV Quốc tế City tạm ngưng khám và tiếp nhận điều trị người bệnh nội trú mới để rà soát, đánh giá toàn bộ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong BV.

Sẽ tính tiền sử dụng đất cả đất công cộng?

Theo báo Thanh Niên, Sở Tài nguyên - Môi trường TP vừa kiến nghị toàn bộ diện tích khuôn viên, đất làm hồ bơi, vườn hoa, sân chơi, lối đi nội bộ, bãi đậu xe nổi... của dự án nhà ở chung cư phải đóng tiền sử dụng đất.

Theo Sở này, trước đây phần lớn các quyết định chấp thuận đầu tư dự án nhà ở chung cư đều xác định phần diện tích ngoài khối đế là công trình công cộng, chủ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và bàn giao cho địa phương hoặc cơ quan chuyên ngành quản lý.

Do đó, việc xác định chưa đúng diện tích đất ở dẫn tới thất thu tiền sử dụng đất (TSDĐ), tiền thuê đất phải nộp ngân sách của chủ đầu tư dự án cũng như các khiếu nại, khiếu kiện của chủ đầu tư dự án và người mua căn hộ chung cư.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp (DN), nếu tính theo kiến nghị của sở TN-MT, giá bất động sản (BĐS) có nguy cơ bị đội lên.

Việc Sở TN-MT TP.HCM đề xuất thu tiền sử dụng đất đối với cả phần đất công cộng sẽ khiến giá nhà đất tăng thêm
Việc Sở TN-MT TP.HCM đề xuất thu tiền sử dụng đất đối với cả phần đất công cộng sẽ khiến giá nhà đất tăng thêm

Ông Phan Viết Nuôi, đại diện Công ty Vạn Xuân, cho biết: Hiện nay hầu hết các tỉnh khi DN chuyển mục đích sử dụng đất để làm dự án chỉ thu TSDĐ đối với phần đất xây dựng.

“Điều này đúng theo Luật Đất đai bởi phần đất công cộng DN phải giao lại cho nhà nước quản lý, khai thác. Quy hoạch 1/500 đã xác định rõ đất ở, công trình công cộng, công trình giao thông... nên khi tính TSDĐ và sổ hồng cho dự án chỉ tính cho phần đất dùng xây dựng chung cư”, ông Nuôi cho hay.

“Một dự án thường chỉ được xây dựng tối đa khoảng 50% diện tích khu đất, 50% còn lại dùng xây dựng công viên cây xanh, đường giao thông, trường học... Nay phần đất công cộng này tính luôn TSDĐ sẽ làm đội giá nhà đất và khách hàng là người gánh chịu cuối cùng. Đề xuất này đi ngược lại với cách làm từ trước đến nay của TP.HCM và quy định của pháp luật”, Giám đốc một DN BĐS nói.

Kiến nghị thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng

Báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết, UBND TPHCM vừa kiến nghị Thủ tướng về chủ trương thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận huyện, trên cơ sở tổ chức lại Đội Thanh tra địa bàn quận huyện thuộc Thanh tra Sở Xây dựng và Đội Quản lý trật tự đô thị thuộc Phòng Quản lý đô thị trực thuộc UBND quận huyện.

Trên cơ sở tiếp nhận, bàn giao số lượng công chức, lao động hợp đồng, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có của 24 Đội Thanh tra địa bàn quận huyện thuộc Thanh tra Sở Xây dựng và Đội Quản lý trật tự đô thị thuộc Phòng Quản lý đô thị trực thuộc UBND quận huyện; đảm bảo không làm tăng thêm biên chế công chức.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngành Thanh tra chuyển 4 vụ cho cơ quan điều tra

Ngày 11/8, Thanh tra TPHCM báo cáo Thanh tra Chính phủ kết quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Thông tin từ báo Thanh Niên.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn ngành đã triển khai 185 cuộc thanh tra hành chính và thanh tra trách nhiệm thủ trưởng trong thực hiện pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng cùng 4.656 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Khu công nghiệp Phong Phú
Khu công nghiệp Phong Phú

Qua đó, phát hiện sai phạm về kinh tế hơn 36 tỉ đồng và 23 căn nhà, ban hành 4.869 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt 38,6 tỉ đồng; xử lý kỷ luật hành chính 39 tổ chức và 128 cá nhân.

Đáng chú ý, cơ quan thanh tra đã chuyển cơ quan điều tra 4 vụ gồm: dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Phong Phú (xã Phong Phú, H.Bình Chánh); Tổng công ty TNHH MTV công nghiệp in - bao bì Liksin; công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, xây dựng tại ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn và quản lý, sử dụng kinh phí trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở huyện Hóc Môn.

Vốn kích cầu đầu tư khó đến với doanh nghiệp

Báo Người Lao Động cho hay, Nghị quyết 16 về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ TPHCM giai đoạn 2018-2020 do HĐND TP ban hành (có hiệu lực từ ngày 1/11/2018), qua gần 2 năm triển khai, TP đã hỗ trợ một số doanh nghiệp (DN) đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, nhà xưởng… tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn.

Đến nay, có 24 dự án đầu tư của các DN công nghiệp hỗ trợ được UBND TP phê duyệt tổng mức đầu tư gần 1.800 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi suất là 1.000 tỉ đồng. Mức hỗ trợ lãi vay cho các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là 100% trong thời gian tối đa 7 năm.

Nhìn chung, DN có nhiều thuận lợi khi tiếp cận chương trình nhưng cũng có một số khó khăn vướng mắc về điều kiện tham gia. Chẳng hạn, về vốn đầu tư, đa số DN công nghiệp hỗ trợ quy mô nhỏ và vừa, thiếu vốn, không có tài sản thế chấp nên các tổ chức tín dụng không duyệt cho vay.

Để tham gia chương trình kích cầu đầu tư, DN phải có dự án đầu tư mới 100% máy móc thiết bị, nhà xưởng. Dự án này phải được ngân hàng (NH) thẩm định và đồng ý cho vay - đây là điều kiện quan trọng nhất vì chương trình chỉ hỗ trợ một phần lãi vay của Thành phố, một phần là lãi vay của NH. DN được vay vốn, hằng năm TP sẽ căn cứ vào giải ngân của NH để hỗ trợ một phần lãi vay.

Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại một triển lãm chuyên ngành ở TP. HCM. Ảnh: THANH NHÂN
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại một triển lãm chuyên ngành ở TP. HCM. Ảnh: THANH NHÂN

Bên cạnh đó, khó khăn về năng lực quản lý dự án. Từ khi thành lập DN, thành lập dự án, chờ phê duyệt của UBND TP và đến khi triển khai dự án là thời gian khá dài. Trong quá trình đó, DN có thể có những thay đổi về máy móc thiết bị cho phù hợp với thực tiễn, gây mất thời gian điều chỉnh. Ngoài ra, TP có quy hoạch đất cho sản xuất công nghiệp hỗ trợ nhưng chưa phù hợp với nhu cầu của DN…

Để tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới, giúp nguồn vốn hỗ trợ đến với DN hiệu quả hơn, ông Trịnh Mai Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM, cho biết Trung tâm đã trình UBND TP một số giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ thời gian tới. Cụ thể, tham mưu bố trí quỹ đất cho công nghiệp hỗ trợ, xây dựng các cụm công nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ phát triển công nghiệp và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Song song đó, Thành phố tiếp tục tổ chức kết nối DN với NH để giải quyết vốn đầu tư cho DN; tiếp tục phát triển nhóm sản phẩm chủ lực của Thành phố; đẩy mạnh xuất khẩu, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường…

Đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hợp tác xã 7% mỗi năm

Vietnamplus thông tin, trong định hướng chiến lược phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2030 vừa được UBND TP ban hành, TP.HCM xác định mục tiêu phát triển thêm 300 hợp tác xã và 5 liên hiệp hợp tác xã; tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế hợp tác xã đạt 7%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP thành phố đạt 0,6%.

Theo đó, TP khuyến khích phát triển hợp tác xã cả về chất lượng, số lượng trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế; thu hút mọi giới, thành phần xã hội tham gia, nhất là thanh niên và phụ nữ. Qua đó, thu hút thêm 30.000 lao động làm việc trong khu vực kinh tế hợp tác xã.

Gia công, chế biến các sản phẩm từ gỗ. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Gia công, chế biến các sản phẩm từ gỗ. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Cụ thể, đối với hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, TP khuyến khích các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao; trong đó, ưu tiên ứng dụng công nghệ tin học (4.0), công nghệ thông tin truyền thông (ICT), công nghệ sinh học, công nghệ tự động và bán tự động hóa, công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp.

Trong lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và xây dựng, phát triến các hợp tác xã hiện có, hoạt động trong các ngành nghề như thêu đan, đồ gỗ mỹ nghệ, gốm sứ, mây tre lá... và các sản phẩm làng nghề truyền thống; gắn kết các hợp tác xã với chương trình khuyến công để hỗ trợ các hợp tác xã cùng với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác.

Trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ, phát triển các hợp tác xã thương mại bán lẻ; xây dựng chuỗi liên kết giữa các hợp tác xã thương mại với hợp tác xã nông nghiệp-dịch vụ nông nghiệp; phát triến các hợp tác xã quản lý kinh doanh chợ, thu hút đông đảo tiểu thương tham gia hợp tác xã, nhất là tại các chợ đầu mối để mở thêm các hoạt động xếp dỡ, vận chuyến hàng hóa; vệ sinh môi trường; bảo vệ; tham gia phân phối hàng hóa cho các điểm bán lẻ...

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, bốc xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã vận tải trên địa bàn TP theo hướng tăng quy mô và giảm đầu mối các hợp tác xã nhỏ lẻ; ưu tiên phát triển phương tiện mới sử dụng nhiên liệu sạch thân thiện với môi trường.

Trong lĩnh vực dịch vụ môi trường, thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ thu hút cán bộ có trình độ cao đẳng đại học về công tác tại đơn vị, hỗ trợ đầu tư trang bị phương tiện thu gom vận chuyển rác, giao địa bàn hoạt động... để chuyển đối các nghiệp đoàn, tổ thu gom rác dân lập thành các hợp tác xã vệ sinh môi trường.

Theo thống kê của UBND TP, hiện TP có hơn 610 hợp tác xã;  trong đó có 526 hợp tác xã đang hoạt động trong các lĩnh vực thương mại-dịch vụ, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, tín dụng, vận tải, nông nghiệp, vệ sinh môi trường.

Vì sao tiền điện của sinh viên ở ký túc xá 'nhảy vọt'?

Nhiều sinh viên (SV) ở ký túc xá (KTX) ĐH Quốc gia TP.HCM phản ánh những tháng gần đây tiền điện mỗi phòng bỗng nhiên tăng mạnh, đặc biệt trong tháng 6 và 7. Báo Thanh Niên lý giải vì sao lại có tình trạng này.

N.H.H.S (SV Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, đang ở tại khu A của KTX trên) cho biết phòng chỉ có 4 người kèm máy lạnh. Nếu trước đây tiền điện - nước trung bình mỗi tháng từ 800.000 - 1,1 triệu đồng/phòng thì 2 tháng gần đây đã tăng gần gấp đôi. Tính ra mỗi thành viên trong phòng phải đóng gần 500.000 đồng/tháng tiền điện.

Còn L.T.C (SV Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, đang ở tòa AH KTX khu A) bày tỏ: “Theo mình được biết, Tập đoàn điện lực VN có giảm 10% cho giá điện sinh hoạt trong 3 tháng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 của tháng 4 - 5 – 6/2020 tương đương kỳ hóa đơn tiền điện tháng 5 - 6 – 7/2020. Nhưng khi mình xem lại thì tiền điện của KTX không giảm mà vẫn áp dụng giá cũ”.

Tiền điện tăng vọt khiến nhiều sinh viên bất ngờ
Tiền điện tăng vọt khiến nhiều sinh viên bất ngờ

Trước phản ánh của sinh viên, ngày 5/8 Ban Quản lý cụm AH KTX khu A đã có thông tin phản hồi rằng do cuối tháng 6/2020 nâng cấp, bổ sung, phát triển thêm một số chức năng trên phần mềm quản lý, trong quá trình cập nhật đã chưa thực sự sâu sát khi kiểm tra nghiệm thu, chính vì vậy dẫn đến sai sót trong công thức tính tiền điện áp dụng cho phòng ở của SV.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lại Thế Tuân, Trưởng phòng Tổng hợp KTX ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết KTX đã tiếp nhận thông tin từ SV về vấn đề tiền điện tăng trong tháng 6 - 7. Ngay thời điểm trên, Ban Quản lý đã tiến hành rà soát quy trình ghi chỉ số điện và kiểm tra đồng hồ, thiết bị điện các phòng, tìm hiểu trực tiếp phòng mà SV báo tiền điện tăng, nhận ra nhiều nguyên nhân.

Trong đó, hồi tháng 6, khi ổn định tình hình SV sau thời gian KTX làm khu cách ly, trung tâm đã tiến hành sửa chữa rất nhiều quạt hư hỏng tại các tòa nhà, đồng thời do thời tiết nắng nóng kéo dài, SV ở phòng thường xuyên (đặc biệt các phòng dùng máy lạnh) dẫn đến chỉ số điện tăng.

Ngoài ra, có một phòng trong quá trình nhập liệu, nhân viên đã nhập sai chỉ số. Những trường hợp trên đã được KTX trực tiếp gặp, xử lý. “Hiện nay, còn phòng nào có vấn đề gì về điện ở KTX, mong SV vui lòng báo cho trưởng nhà/ban quản lý cụm nhà. Trung tâm sẽ kiểm tra ngay và xử lý vấn đề cho các SV”, ông Lại Thế Tuân nói.

Đối với nội dung giảm tiền điện do ảnh hưởng dịch Covid-19, từ thông tin phản ánh của SV, KTX đã thực hiện điều chỉnh phần mềm để tiền điện tháng 7 được tính đúng theo các định mức công bố. Trung tâm đang tiến hành phối hợp với trường khen thưởng SV đã phát hiện sai sót trong phần mềm, báo kịp thời cho KTX.

Nhiều hướng đi sau khi rớt lớp 10 công lập

Theo TS. Nguyễn Đặng An Long (Phó ban Tuyên giáo, Phó Chánh văn phòng Đảng ủy, Sở GD-ĐT TP), ngoài hướng đi lớp 10 THPT công lập, học sinh tốt nghiệp THCS còn rất nhiều hướng đi, bao gồm THPT ngoài công lập, Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX), học nghề, tham gia vào thị trường lao động… Báo Giáo Dục TP đưa tin.

Cụ thể, ở hướng đi trường THPT ngoài công lập, TS. Nguyễn Đặng An Long cho hay đây là mô hình có môi trường đào tạo tương đương như THPT công lập. Trong những năm gần đây các trường THPT ngoài công lập tại TP đã có những bước tiến rất lớn, chất lượng đã chinh phục được lòng tin của phụ huynh, học sinh.

Ở môi trường GDNN-GDTX chỉ đào tạo ít môn, học sinh được dành nhiều thời gian để học tập những môn theo năng lực, ngành nghề của mình song các em vẫn được tham gia vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển ĐH, CĐ như học sinh các trường THPT công lập. Bên cạnh học phí thấp, nhiều năm trở lại đây, kết quả tốt nghiệp của các trung tâm GDNN-GDTX tại TP.HCM luôn ở ngưỡng 85-95%. Có những nơi tốt nghiệp 100% mặc dù đầu vào không lựa chọn.

Đối với mô hình trường TC, CĐ nghề, TS. Nguyễn Đặng An Long cho biết, điều kiện chỉ cần tốt nghiệp THCS, học khoảng 2-3 năm sẽ có trong tay bằng TC. Mỗi đơn vị TC, CĐ nghề vẫn tạo điều kiện phối hợp để đào tạo giảng dạy các môn văn hóa cho người học, đảm bảo người học vẫn được tham gia thi tốt nghiệp THPT theo hệ GDTX. Lợi thế của môi trường này là nếu thí sinh có bằng TC loại giỏi sẽ được cộng 2 điểm, bằng khá, trung bình khá vẫn được cộng điểm. Đồng thời học sinh có điều kiện liên thông lên ĐH.

Các chuyên gia tham gia trong chương trình
Các chuyên gia tham gia trong chương trình

Đứng ở góc độ chuyên gia hướng nghiệp, dự báo nguồn nhân lực, ông Trần Anh Tuấn (chuyên gia hướng nghiệp) cho rằng nhiều học sinh, phụ huynh hiện nay vẫn băn khoăn giữa việc học tiếp văn hóa hay học TC, CĐ. Đất nước đang tiến tới cuộc CMCN 4.0, thị trường lao động rất đa dạng, chuyển đổi, hội nhập. Trong hệ thống thị trường lao động đang vận hành các cấp bậc ngành nghề rất rõ ràng.

Theo ông, thực tế bậc học nào cũng có người có việc làm, bậc học nào cũng sẽ có người thất nghiệp. Việc làm nằm ở giá trị nghề nghiệp, năng lực nghề nghiệp mỗi người tạo ra chứ không hẳn phụ thuộc ở bằng cấp.

Ngoài môi trường THPT công lập, tại TP.HCM hiện nay có rất nhiều mô hình trường THPT ngoài công lập với hướng đào tạo học sinh tiếp cận với thời kỳ hội nhập, khẳng định chất lượng giáo dục, nhận được nhiều sự tin tưởng của học sinh, phụ huynh nhiều thế hệ.

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai

Tin cùng chuyên mục