Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 13/10/2020

10:24 13/10/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 13/10/2020

TPHCM phải là trung tâm của quá trình chuyển đổi số

Báo SGGP đưa tin, ngày 12/10, tại TPHCM đã diễn ra hội thảo quốc gia “Kinh tế số - tác động, cơ hội và khả năng tận dụng của Việt Nam” do Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp với Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tổ chức. Hơn 100 nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các địa phương và đại diện các doanh nghiệp (DN) đã tham gia hội thảo.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho biết, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 52 ban hành ngày 29/7/2019 về một số chủ trương chính sách để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó phát triển kinh tế số là một vấn đề cốt lõi. Trên cơ sở đó, mỗi tổ chức, DN cần chủ động tham gia vào nền kinh tế số, để phát triển chính DN và góp phần vào sự phát triển chung.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo, nhiều ý kiến có cùng quan điểm rằng đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế số đi nhanh hơn. Việt Nam vừa khống chế được đại dịch vừa ứng dụng, phát triển phương thức trực tuyến trong điều hành, làm việc, đào tạo của cả cơ quan quản lý, DN, trường học.

Hiện nay, phổ biến nhất trong các DN là số hóa trong lưu trữ, xử lý dữ liệu từ sản xuất đến đưa sản phẩm ra thị trường; theo dõi phản hồi và quay trở lại điều chỉnh sản xuất khi cần thiết. Cùng với đó, thương mại điện tử, giao dịch kinh tế không tiền mặt ngày càng phát triển tại Việt Nam, tạo cơ hội cho các DN kịp thời nắm bắt, ứng dụng các công cụ của kinh tế số.

Ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV Becamex, cho rằng để thúc đẩy kinh tế số phát triển cần môi trường đổi mới sáng tạo để mọi người cùng làm; đặc biệt với các tỉnh, thành cần đầu tư vào băng thông rộng, đường truyền rộng còn quan trọng hơn là chúng ta đầu tư xây dựng một con đường lớn. Phải có dữ liệu dùng chung, thúc đẩy quản lý, trong đó các bên phải hiểu được văn hóa số thì mới thúc đẩy kinh tế số phát triển nhanh và bền vững.

PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, lưu ý, kinh tế số đang diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ trong khi tay nghề lao động của chúng ta đang ở mức thấp. Để giải quyết tốt mặt trái của kinh tế số khiến tình trạng thất nghiệp gia tăng, có thể Việt Nam cần có những bước đi uyển chuyển phù hợp với tình hình. Nếu 63 tỉnh, thành cùng làm thì tốc độ thực hiện sẽ nhanh hơn, trong đó TPHCM phải thể hiện là trung tâm của quá trình chuyển đổi số.

Đề nghị tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM không qua thí điểm

Theo báo Thanh Niên, chiều 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp 49 để cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của QH về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM (không tổ chức HĐND ở huyện, quận, phường).

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay một trong những nguyên nhân khiến TPHCM chưa phát huy được hết tiềm năng là mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị loại đặc biệt. Bên cạnh đó, đánh giá tổng kết hơn 6 năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại TPHCM (từ năm 2009 - 2016) cho thấy nhiều kết quả tích cực.

Đa số ủy viên UBTVQH tán thành với đề nghị của Chính phủ, trình QH ban hành nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM không qua thí điểm
Đa số ủy viên UBTVQH tán thành với đề nghị của Chính phủ, trình QH ban hành nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM không qua thí điểm

Từ đó, dự thảo nghị quyết mà Chính phủ trình gồm 12 điều, quy định về việc tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TPHCM; về cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của UBND quận; nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch UBND quận; về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND TP thuộc TPHCM... Dự thảo nghị quyết Chính phủ trình cũng quy định, nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021 và tổ chức thực hiện từ 1/7/2021.

Tại phiên họp, đa số ủy viên UBTVQH tán thành với đề nghị của Chính phủ, trình QH ban hành nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM mà không qua thí điểm.

Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan hữu quan rà soát và hoàn thiện nội dung dự thảo nghị quyết để trình QH tại kỳ họp thứ 10 tới đây.

Người dân đồng lòng cùng TP làm metro số 2

Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) cho biết dự án metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đang tiến triển tốt đẹp do nhận được sự đồng thuận cao của các hộ dân bị ảnh hưởng về mặt bằng. Trong đó, 99% hộ dân đã nhận quyết định bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB).

Ghi nhận của PV Pháp Luật TP, dọc đường Cách Mạng Tháng Tám, Trường Chinh, nơi có tuyến metro số 2 đi qua, hàng loạt căn hộ đã được tháo dỡ và lùi vào phía trong chừng 10-15 m.

Là một trong những hộ dân bị ảnh hưởng lớn, song ông Nguyễn Văn Đức (phường 13, Q.Tân Bình) lại rất vui mừng chờ ngày tuyến metro số 2 khởi công. Ông cho biết gia đình đã thu xếp để tiến hành giao đất sớm cho UBND quận với hơn 320 m2. Tương tự, ông Lê Văn Hòa (phường 4, Q. Tân Bình) cho biết gia đình ông ở gần ngã tư Bảy Hiền, đây là một khu vực sầm uất của TP. Tuy nhiên, khi nghe UBND phường 4 vận động, tuyên truyền, gia đình ông cũng như nhiều hộ dân bị ảnh hưởng khác đã tự tháo dỡ và bàn giao mặt bằng cho UBND quận.

Người dân trên tuyến đường Trường Chinh (Q. Tân Bình, TPHCM) đang sửa lại nhà sau khi tháo dỡ để bào giao mặt bằng cho dự án metro số 2. Ảnh: Hoàng Giang
Người dân trên tuyến đường Trường Chinh (Q. Tân Bình, TPHCM) đang sửa lại nhà sau khi tháo dỡ để bào giao mặt bằng cho dự án metro số 2. Ảnh: Hoàng Giang

Ông Trần Quang Tùng (Phó Chủ tịch UBND phường 13, Q. Tân Bình) cho biết, trong công tác vận động người dân bàn giao mặt bằng, các tổ công tác đã chú trọng đến việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, gặp gỡ trực tiếp để giải thích cho người dân hiểu được tầm quan trọng của dự án. Song song đó, tổ công tác cũng truyền đạt quyết tâm của TP, quận và phường trong việc thực hiện các giải pháp để đảm bảo tiến độ dự án và lợi ích của các hộ dân. Đến nay, việc GPMB trên địa bàn phường đã đạt tỉ lệ 100% số hộ dân đồng thuận.

Theo UBND Q. Tân Bình, các khâu công bố phương án bồi thường, lấy ý kiến người dân cũng như niêm yết giá được thực hiện công khai, minh bạch, làm người dân hài lòng.

Quận 12 cũng là một trong các địa phương tích cực trong việc tuyên truyền và vận động người dân bàn giao mặt bằng cho dự án metro số 2. Ông Đậu An Phúc (Phó Chủ tịch UBND Q. 12) cho biết hiện nay đã có 12/12 hộ nhận quyết định bồi thường, 11 hộ đã bàn giao mặt bằng. Đa số các hộ dân đều ghi nhận metro số 2 sẽ góp phần giải quyết kẹt xe cho TP và phát triển kinh tế - xã hội cho Q.12 nói riêng, toàn TP nói chung.

Trao giải thưởng cuộc vận động sáng tác âm nhạc và sân khấu về TPHCM

Theo báo SGGP, tối 12/10, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, Ban tổ chức các ngày lễ lớn TPHCM đã trao giải thưởng Cuộc vận động sáng tác tác phẩm âm nhạc và sân khấu kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước với chủ đề “Mãi mãi một tình yêu”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm chúc mừng các tác giả tham dự cuộc vận động. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm chúc mừng các tác giả tham dự cuộc vận động. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Cuộc vận động do UBND TP tổ chức, Sở VH-TT phối hợp với Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP thực hiện, sau 7 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được gần 260 tác phẩm tham dự ở cả hai lĩnh vực âm nhạc và sân khấu.

Ban tổ chức đã trao 4 giải A cho các tác phẩm: ca khúc “Thành phố yêu thương” của nhạc sĩ Dương Thị Bích Hà (Học viện Âm nhạc Huế); hợp xướng “Sáng ngời hào khí Sài Gòn – TPHCM” của nhạc sĩ Võ Đăng Tín (TPHCM); khí nhạc “TPHCM - Khúc khải hoàn” của nhạc sĩ Hoàng Văn Chính (Huế); kịch bản sân khấu “Khát vọng ngày mai” của tác giả Trần Văn Hùng (TPHCM). Ngoài ra, Ban tổ chức cũng đã trao 6 giải B, 7 giải C, 3 giải phụ và 15 giải khuyến khích.

Tại chương trình trao giải, các sáng tác nghệ thuật đoạt giải trong cuộc vận động đã biểu diễn phục vụ khán giả nhiều tiết mục hấp dẫn.

Kiến nghị đầu tư 5.100 tỉ đồng xây dựng nút giao thông An Phú

Báo Lao Động cho hay, UBND TP vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị xem xét, cân đối vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho dự án xây dựng nút giao thông An Phú (quận 2).

Phương án thiết kế xây dựng nút giao An Phú có 3 tầng gồm: Hầm chui hai chiều kết nối đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (HLD) với đường Mai Chí Thọ (theo hướng đi về hầm vượt sông Sài Gòn và ngược lại); kết hợp hầm chui theo hướng từ đường cao tốc HLD vào đường Lương Định Của.

Tiếp đó, xây cầu vượt theo hướng từ đường Lương Định Của vào đường cao tốc HLD và cầu vượt theo hướng từ ngã ba Cát Lái - Mai Chí Thọ đi cao tốc HLD.

Ngoài ra, xây dựng tuyến nhanh kết nối 1 làn xe ôtô giữa chiều đi và về cao tốc HLD tại vị trí chui dưới cầu Mương Kênh. Đồng thời, xây dựng cầu Bà Dạt phù hợp với mặt cắt hoàn chỉnh các nhánh trong nút giao.

Hướng từ đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây về nút giao An Phú (quận 2) thường xuyên ùn tắc do mật độ phương tiện đông. Ảnh: Minh Quân
Hướng từ đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây về nút giao An Phú (quận 2) thường xuyên ùn tắc do mật độ phương tiện đông. Ảnh: Minh Quân

Tổng mức đầu tư dự án là 5.104 tỉ đồng, xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2025. UBND TPHCM kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối từ ngân sách Trung ương cho dự án là 3.281 tỉ đồng, còn lại là vốn ngân sách TP.

Nút giao thông An Phú là điểm đầu của đường cao tốc HLD, điểm cuối của đường Lương Định Của giao cắt với đường Mai Chí Thọ. Lượng xe qua khu vực này rất lớn nhưng tới nay vẫn chưa có cầu vượt hoặc hầm chui khiến thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Theo UBND TPHCM, việc đầu tư xây dựng nút giao thông An Phú sẽ góp phần giải tỏa ách tắc giao thông tại đầu tuyến cao tốc HLD, đặc biệt là khi sân bay Long Thành được xây dựng và đưa vào khai thác, lưu lượng phương tiện trên tuyến cao tốc HLD gia tăng.

Đồng thời, dự án góp phần hoàn thiện kết nối TPHCM với các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam đang được Bộ GTVT triển khai đầu tư như: Cao tốc HLD (giai đoạn 2), cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo,...

Lắp biển tra cứu thông tin tên đường qua mã hiệu QR code

Thông tin từ báo Đại Đoàn Kết, ngày 12/10, Sở GTVT TP có văn bản giao Trung tâm Quản lý hạ tầng Giao thông đường bộ triển khai lắp đặt thí điểm bảng tra cứu thông tin tên đường thông qua mã QR code tại các giao lộ Lê Thánh Tôn - Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn – Pasteur, Lý Tự Trọng – Pasteur, Lý Tự Trọng – Đồng Khởi, Nguyễn Du - Đồng Khởi, Lê Duẫn – Công xã Paris. Thời gian hoàn thành trước 15/10.

Kết quả tra cứu tên các anh hùng liệt sĩ, các nhà lãnh tụ, các danh nhân… sẽ ra thông tin đầy đủ về quê quán, năm sinh, quá trình hoạt động cách mạng…

Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã gắn mã QR code.
Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã gắn mã QR code.

Sở GTVT TP cũng đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du Lịch; UBND quận 1 hỗ trợ phổ biến thông tin về việc thí điểm bảng tra cứu thông tin tên đường thông qua mã QR code đến các cơ quan, đơn vị có liên quan, khách du dịch, người dân và cơ quan báo chí để Sở GTVT ghi nhận ý kiến góp ý và hoàn thiện thiết kế bảng tra cứu thông tin trên đường.

Nội dung góp ý gửi về Sở GTVT bằng các hình thức: Công văn, cổng 1022, cổng thông tin giao thông thành phố, trang thông tin điện tử.

Cách ly 1 ca mắc mới Covid-19 tại Thành phố

Tối 12/10, Bộ Y tế cho biết trong ngày có thêm 1 ca mắc mới (BN1110) nhập cảnh, được cách ly ngay tại TP.HCM. Ghi nhận trên báo Tiền Phong.

Bệnh nhân 1110 (BN1110), nam, 35 tuổi, quốc tịch Ấn Độ, là chuyên gia, vào Việt Nam làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngày 6/10/2020, bệnh nhân từ Ấn Độ nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay 6E9471, được chuyển đến cách ly tập trung tại TP.HCM. Ngày 7/10/2020, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 1, kết quả âm tính với SAR-CoV-2.

Ngày 10/10/2020, bệnh nhân khởi phát với triệu chứng sốt, đau đầu. Ngày 11/10/2020, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả xét nghiệm dương tính SAR-CoV-2. Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Lấy mẫu xét nghiệm SAR-CoV-2. Ảnh minh họa
Lấy mẫu xét nghiệm SAR-CoV-2. Ảnh minh họa

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục