Người dân muốn có nhà ở, cán bộ phải suy nghĩ tìm cách đáp ứng
Trước thực tế dân số TP. Hồ Chí Minh tăng tới 1 triệu người trong 5 năm, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: khi người dân có nhu cầu nhà ở, cán bộ phải trăn trở suy nghĩ tìm cách đáp ứng.
Khẳng định nhu cầu có nhà ở là chính đáng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cán bộ quản lý phải coi nhu cầu của người dân như chính nhu cầu của mình. "Đảng viên đang là quản lý Nhà nước thì phải chia sẻ bức xúc với người dân, người dân có nhu cầu nhà ở thì phải trăn trở suy nghĩ phải làm sao để có thể đáp ứng", đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm.
Nói về biện pháp lâu dài, người đứng đầu Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho hay phải có đề án để phát triển nhà ở cho người dân TP. Hồ Chí Minh trong 10 năm tới. Dự kiến đến tháng 8/2020, đề án này thành hình.
Thành phố cũng đã hoàn thiện văn bản hướng dẫn xây nhà cho thuê để chủ đầu tư có thể thực hiện một cách hợp pháp, giải quyết nhu cầu người dân, tránh dẫn đến các hệ lụy khác. Theo Bí thư, các thủ tục hành chính, quy trình quản lý cần rút ngắn theo hướng tạo điều kiện cho người dân có nhà.
Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cũng cảnh báo nguy cơ về các sai phạm khi nhu cầu của người dân tăng cao nhưng chưa được đáp ứng và lo ngại việc này có thể dẫn tới các vi phạm đất đai của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhằm trục lợi.
"Họ đầu tư xây nhà trên đất chưa được chuyển đổi, xây trái pháp luật rồi lại bán cho người dân. Cuối cùng, người dân phải chịu hậu quả", Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
(Theo Zing.vn)
Miễn nhiệm Phó Chủ tịch HĐND quận Thủ Đức xây nhà không phép
Ngày 12/12, ông Nguyễn Thọ Truyền, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) quận Thủ Đức, thông tin trong buổi họp sáng cùng ngày, 29/29 đại biểu có mặt đã biểu quyết tán thành quyết định miễn nhiệm chức vụ phó chủ tịch HĐND quận đối với ông Lê Hữu Thành. Kết quả biểu quyết sẽ được báo cáo lên HĐND Thành phố.
Cũng theo ông Truyền, vấn đề xử lý về mặt Đảng đối với ông Thành sẽ do Thành ủy quyết định vì hiện nay ông Thành là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Trước đó, báo chí phản ảnh về vụ việc ông Lê Hữu Thành và gia đình xây dựng nhà kho không phép tại đường số 48, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Vụ việc đã được Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đích thân thị sát thực tế và chỉ đạo xử lý trong tháng 10 vừa qua.
(Theo báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh).
Ô nhiễm không khí vẫn rất phức tạp
Tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay vẫn rất phức tạp, nồng độ bụi siêu mịn tại các vị trí như sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), khu vực cầu Phú Mỹ (quận 2), quận Phú Nhuận... luôn vượt ngưỡng cho phép và có nguy cơ gây bệnh hô hấp, tim mạch cho người dân thành phố. Đó là thông tin mới nhất được Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên công bố vào ngày 12/12, và được đăng tải trên báo Sài Gòn Giải Phóng.
Số liệu quan trắc trên cũng khá tương đồng với kết quả quan trắc do Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh thực hiện thời gian gần đây. Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí được xác định là do hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp và xây dựng trên địa bàn thành phố, trong đó ô nhiễm từ giao thông là lớn nhất.
Cần làm rõ việc lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh nhận thù lao tháng
Các chuyên gia cho rằng cơ quan chức năng phải vào cuộc để làm rõ việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trả thù lao hằng tháng cho lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thành phố. Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đặt câu hỏi: “Họ có thực sự đóng góp cho cuốn sách không, hay chỉ là ký nhận lương để ủng hộ, lựa chọn cuốn sách đó cho khu vực TP. Hồ Chí Minh và miền Nam?”. Ông Tiến cũng thẳng thắn cho rằng, không có quy định nào cho phép lãnh đạo Sở nhận tiền thù lao hằng tháng như thế.
Theo một chuyên gia giáo dục, đến năm 2018, Bộ Giáo dục chính thức công bố chương trình giáo dục phổ thông mới gồm chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Rõ ràng, có chương trình thì mới bắt đầu viết sách. Nếu chương trình chưa công bố thì không có căn cứ để viết sách cũng như thành lập Ban Biên soạn SGK. Thế nhưng, NXB Giáo dục Việt Nam đã chi thù lao cho lãnh đạo Sở GD&ĐT Thành phố từ năm 2015, rõ ràng ở đây có nhiều điều bất hợp lý.
Cả đại diện của NXB Giáo dục Việt Nam và Sở GD&ĐT Thành phố đều cho rằng theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, các cơ sở giáo dục được quyền chọn sách. Vì thế, việc lựa chọn SGK trong thời gian tới không bị ảnh hưởng bởi việc nhận thù lao, và bộ SGK do Sở này biên soạn cũng được các trường tại Thành phố lựa chọn công bằng với các bộ SGK khác. Tuy nhiên, dù thẩm quyền chọn sách có thuộc về đơn vị nào thì cũng có vai trò của Sở GD&ĐT nhưng các cơ sở giáo dục có thể sẽ chịu sự tác động của cơ quan quản lý nhà nước.
(Theo báo Người Lao Động).
Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tuyển sinh bằng kỳ thi đánh giá năng lực
Trên lĩnh vực Giáo dục, báo điện tử Vietnamnet cho hay: Năm 2020, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.Hồ Chí Minh sẽ tổ chức tuyển sinh bằng kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) vào 2 đợt ở nhiều địa phương khác nhau.
Kết quả của kỳ thi được sử dụng như một trong những phương thức để xét tuyển vào các trường đại học trong hệ thống ĐHQG TP. Hồ Chí Minh
Về hình thức, bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút. Về nội dung, đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng. Đề thi được xây dựng cùng cách tiếp cận như đề thi SAT của Hoa kỳ và đề thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.
Cấu trúc của bài thi Đánh giá năng lực gồm 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ gồm 40 câu (Tiếng Việt 20 câu, Tiếng Anh 20 câu); Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu gồm 30 câu; và Giải quyết vấn đề (50 câu).
Để tạo điều kiện cho thí sinh tham dự, kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2020 sẽ được tổ chức vào 2 đợt ở nhiều địa phương khác nhau:
Đợt 1 vào 29/3/2020 (Chủ nhật) tại: TP Hồ Chí Minh; Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre và An Giang; Khu vực miền Trung tại Nha Trang.
Đợt 2 vào ngày 5/7/2020 (Chủ nhật) tại: TP Hồ Chí Minh; Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ; Khu vực miền Trung tại Nha Trang.
Thí sinh có thể đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển thông qua cổng thông tin trực tuyến tại địa chỉ: http://thinangluc.vnuhcm.edu.vn/
Thí sinh cũng có thể xem các thông tin liên quan đến kỳ thi như: bài thi mẫu; hướng dẫn đăng ký dự thi và đóng lệ phí dự thi; các câu hỏi thường gặp về kỳ thi tại địa chỉ http://thinangluc.vnuhcm.edu.vn/ hoặc http://cete.vnuhcm.edu.vn/thi-danh-gia-nang-luc.html.
Mở rộng đối tượng nhận học bổng Nguyễn Đức Cảnh
Báo Giáo Dục TP. Hồ Chí Minh đưa tin: Ngày 12/12, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố đã tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình học bổng Nguyễn Đức Cảnh giai đoạn 2014-2019. Theo báo cáo, giai đoạn này, các cấp công đoàn đã trao 164.704 suất học bổng, với tổng số tiền hơn 104 tỷ đồng (bình quân 600.000 đồng/suất). Trong đó, LĐLĐ Thành phố đã tổ chức trao 811 suất cho con công nhân viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn vượt khó đến trường mồ côi cha mẹ, khuyết tật, bệnh nan y… với tổng số tiền gần 1,4 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Chí Tâm - Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố nhấn mạnh rằng: trong thời gian tới sẽ nghiên cứu, bàn bạc để bổ sung đối tượng nhận học bổng là con em công nhân viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi. Ngoài ra, công đoàn viên có thành tích đặc biệt trong sản xuất, có ý chí phấn đấu vươn lên cũng được xem xét trao học bổng. Ông Tâm cũng yêu cầu các Công đoàn cơ sở tích cực tuyên truyền đến người sử dụng lao động để họ đồng thuận, thấy được ý nghĩa của chương trình, qua đó giúp công nhân viên chức, lao động an tâm lao động sản xuất, gắn bó lâu dài với đơn vị.
TP. Hồ Chí Minh tổ chức Triển lãm đa phương tiện 'Cú nhảy bất ngờ'
Thông tin từ báo điện tử Vietnamplus: Tối 12/12, Viện Pháp tại TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức triển lãm đa phương tiện "Cú nhảy bất ngờ" tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố.
Triển lãm gồm nhiều tác phẩm tranh sơn dầu, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật video và các màn trình diễn được chọn lọc từ các tác phẩm sáng tác của sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Thành phố và nhóm nghệ sĩ "Máy xay sinh tố" đến từ các quốc gia thuộc cộng đồng Pháp ngữ.
Theo Viện Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh, triển lãm "Cú nhảy bất ngờ" nằm trong khuôn khổ dự án hợp tác song phương giữa phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Bỉ) và Việt Nam giai đoạn 2019 - 2021 với nhóm nghệ sỹ "Máy xay sinh tố" nhằm xây dựng chương trình nghệ thuật đa văn hóa và chuyên môn hóa giữa các nghệ sỹ, Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và Trường nghiên cứu đồ họa tại Bruxelles.
Trong đó, "Máy xay sinh tố" là dự án nghệ thuật liên văn hóa nhằm tổ chức các khóa đào tạo nghệ thuật và sư phạm, dành cho sinh viên bậc thạc sỹ, nghệ sỹ chuyên nghiệp và giáo viên quốc tế với mục tiêu xây dựng nền tảng trải nghiệm và tư duy liên văn hóa không vị chủng, góp phần nâng cao giáo dục, văn hóa và đầu tư vào nghệ thuật đương đại. Triển lãm diễn ra đến hết ngày 29/12/2019.
Tổ chức sự kiện đếm ngược chào đón năm 2020 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ
Sở Văn hóa và Thể thao vừa có tờ trình gửi UBND TP. Hồ Chí Minh về việc chuẩn bị tổ chức sự kiện đếm ngược (Countdown) trong thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới 2020.
Sự kiện sẽ được tổ chức tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (đoạn từ Nguyễn Huệ - Mạc Thị Bưởi đến Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế). Thời gian từ 20h ngày 31/12/2019 đến 0h30 ngày 1/1/2020.
Riêng Tháp đồng hồ trình chiếu thời gian đếm ngược sẽ hoạt động từ ngày 29/12 đến hết 31/12/2019. Lễ hội sẽ bố trí 3 màn hình LED (4,5 m x 6,5 m) trực tiếp phục vụ người dân.
Sở Văn hóa Thể thao đề xuất cấm các phương tiện lưu thông vào đường Nguyễn Huệ từ 18h30 ngày 31/12/2019 đến 0h30 ngày 1/1/2020. Đồng thời, sở đề nghị Công an TP cùng Sở Giao thông Vận tải, lực lượng Thanh niên xung phong và UBND quận 1 hỗ trợ điều tiết, phân luồng giao thông.
(Theo Zing.vn).
“Đường đua hoa mặt trời” vì bệnh nhi ung thư
Thông tin trên báo Tuổi Trẻ cho biết, ngày 15/12 tới đây, tại Nhà văn hóa Sinh viên Thành phố (khu đô thị Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, quận Thủ Đức) sẽ diễn ra cuộc chạy bộ “Đường đua hoa mặt trời” do báo Tuổi Trẻ phối hợp Hội LHTN Việt Nam Thành phố tổ chức. Đây là một trong những hoạt động nhằm kỷ niệm 12 năm ngày mất của Công dân trẻ tiêu biểu Thành phố Lê Thanh Thúy (2/11/2007) – người khởi xướng chương trình “Ước mơ của Thúy”, cũng như 12 năm hoạt động chương trình.
Với chủ đề “Vì chiến binh hoa mặt trời”, ngày hội gồm các hoạt động như: rạp chiếu phim “Hoa mặt trời”, chạy bộ “Đường đua hoa mặt trời”, vận động mọi người sử dụng phương tiện giao thông công cộng “Chuyến xe buýt hoa mặt trời”, sân khấu trao “Ước nguyện hồng”, tặng quà cho 1.000 “chiến binh hoa mặt trời”, trao học bổng “Ước mơ của Thúy” cho bệnh nhi ung thư…
Đặc biệt, ở cuộc chạy bộ “Đường đua hoa mặt trời” với cự ly 4km dự kiến thu hút 7.000 người tham dự, sẽ được tặng vòng đeo tay “Vì chiến binh hoa mặt trời”, mỗi một vòng đeo tay sẽ tương ứng 50.000 đồng góp vào quỹ giúp đỡ bệnh nhi ung thư, do Công ty cổ phần dinh dưỡng NutiFood tài trợ.
Đối tượng tham gia chạy bộ là tất cả công dân Việt nam và người nước ngoài trên 14 tuổi hiện đang sinh sống tại Thành phố (trẻ em dưới 14 tuổi có người thân theo cùng) có điều kiện sức khỏe tốt.