Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 15/11/2019

11:01 15/11/2019

Trung tâm Báo chí TP. Hồ Chí Minh xin gửi đến Quý độc giả một số thông tin nổi bật liên quan đến TP trên các Báo số ra ngày 15/11/2019:

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 15/11/2019 - Ảnh 1

Đông đảo thực khách trong nước và quốc tế thưởng thức món bánh khọt tại Liên hoan ẩm thực Món ngon các nước lần thứ 14. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Chính quyền đô thị: Phải nghĩ khác!

TP. Hồ Chí Minh chính thức tái khởi động đề án chính quyền đô thị sau nhiều năm im ắng khi mới đây, Sở Nội vụ trình Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong về dự thảo văn bản kiến nghị Bộ Chính trị chấp thuận cho TP. Hồ Chí Minh được thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Từng chính thức trình lên trung ương đề án chính quyền đô thị vào năm 2014 nhưng không được thông qua, giờ đây, TP. Hồ Chí Minh vẫn quyết tâm theo đuổi mô hình này. Ông Nguyễn Văn Đầy, Trưởng Phòng Xây dựng chính quyền Sở Nội vụ Thành phố, cho biết điểm khác biệt lớn nhất trong lần này là TP. Hồ Chí Minh xin chủ trương trước. Nếu được Bộ Chính trị đồng thuận mới bắt tay xây dựng đề án cụ thể, chi tiết. Hơn nữa, lần này trong đề án sẽ chỉ còn một Thành phố vệ tinh phía Đông gắn liền với khu đô thị sáng tạo ở quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thay vì quận 4 như trước đây. Cách làm này của TP. Hồ Chí Minh được nhiều chuyên gia ủng hộ. Ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam - Bộ Nội vụ, nhìn nhận một đề án quá lớn sẽ tạo ra nhiều áp lực và lo lắng. Một nền hành chính đột ngột có sự thay đổi lớn sẽ khó tránh khỏi sự không đồng thuận, gặp nhiều lực cản. Chính vì vậy, ông Sơn cho rằng việc chọn hướng đột phá về khu đô thị sáng tạo phía Đông để định hướng tổ chức lại đơn vị hành chính thành phố thuộc TP. Hồ Chí Minh là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Nội dung trên báo Người Lao Động.

TP. Hồ Chí Minh ô nhiễm trên diện rộng

Cũng trên báo Người Lao Động số ra hôm nay tiếp tục có bài viết cảnh báo về tình hình ô nhiễm nghiêm trọng đang diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh hiện nay. Theo đó, sáng 14/11, các ứng dụng đo chất lượng không khí như AirVisual và PamAir đồng loạt đưa ra những cảnh báo đáng ngại về chất lượng không khí tại TP. Hồ Chí Minh. Bảng xếp hạng của ứng dụng AirVisual cho thấy TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 4 trong danh sách 90 thành phố ô nhiễm không khí trên thế giới. Từ 6 giờ 30 phút đến hơn 12 giờ, 15 điểm đo tại Thành phố hiển thị màu đỏ (màu nguy hại đến sức khỏe). Trong đó, chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên 150. Đơn vị đo đưa ra cảnh báo: "Đây là mức ảnh hưởng đến bệnh tim và phổi". Điểm có chỉ số quan trắc cao nhất lên đến mức 251 tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. AirVisual khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi ra đường, đóng cửa sổ để hạn chế không khí bẩn bay vào. Trong buổi sáng 14-11, các tòa nhà cao tầng "biến mất". Điển hình, ở khoảng cách 300 m không nhìn được tòa nhà 81 tầng Land Mark (quận Bình Thạnh) và tòa 68 tầng Bitexco (quận 1). Trong khi đó, tại bán đảo Thủ Thiêm (quận 2), bầu trời xám xịt.

Biệt đội xe gắn máy 'dàn trận' chở hàng cồng kềnh trên đại lộ Võ Văn Kiệt

Ghi nhận của phóng viên Báo Phụ Nữ TP. Hồ Chí Minh cho thấy, trên đại lộ Võ Văn Kiệt từ cầu Chà Và hướng về Bình Chánh (TP.Hồ Chí Minh) vào 17 giờ có rất nhiều phương tiện chủ yếu là xe gắn máy chở hàng hóa cồng kềnh.

Trước đó, Báo Phụ Nữ TP.Hồ Chí Minh cũng đã có bài phản ánh tình trạng xe chở thuê trên đại lộ Võ Văn Kiệt đã lên mức báo động, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, khi vừa vắng bóng lực lượng chức năng thì tại các chành hàng lại như “ong vỡ tổ”. Mỗi chành hàng có hàng chục xe máy, xe lôi tự chế nối đuôi nhau vào chành lấy hàng. Buổi chiều tan tầm, người lưu thông di chuyển rất khó khăn khi qua đoạn đường trên, khi các xe “thồ” thay phiên nhau dàn trận trên đại lộ khiến người dân ngao ngán.

Chấn chỉnh vi phạm của xe ôm công nghệ: Vừa xử phạt vừa tuyên truyền

Theo báo Đại Đoàn Kết, Công an TP. Hồ Chí Minh mở cao điểm xử phạt tài xế xe ôm công nghệ vi phạm những lỗi gây ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông như: lái xe sử dụng điện thoại di động, chở người không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định… Việc kiểm tra, xử lý sẽ thực hiện trên toàn địa bàn Thành phố, đặc biệt những khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc hoặc tai nạn giao thông. Đại diện Phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ - Đường sắt (PC08, Công an TP. Hồ Chí Minh) cho biết, đợt cao điểm xử lý xe ôm công nghệ sẽ chính thức triển khai vào cuối năm từ ngày 15/11 đến ngày 14/12 năm nay, để chấn chỉnh tình hình vi phạm an toàn giao thông, với các lỗi trực tiếp dẫn đến ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông của các hãng Grab, GoViet, Be,…. Bên cạnh đó Cảnh sát giao thông sẽ lồng ghép việc tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho tài xế khi tham gia giao thông. Theo đại diện PC08-Công an TP. Hồ Chí Minh, Phòng cũng đã nắm các đặc điểm nghề nghiệp của xe ôm công nghệ nên trước khi mở đợt cao điểm thì PC08 sẽ phối hợp với các công ty công nghệ cung cấp dịch vụ vận chuyển, đi lại bằng phương tiện xe máy như Grab, GoViet, Be,…để tuyên truyền, vận động lái xe nêu cao ý thức, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông.

Liên hoan Ẩm thực Món ngon các nước lần thứ 14

Báo điện tử Vietnamplus đưa tin: Từ ngày 14-17/11, tại TP. Hồ Chí Minh diễn ra Liên hoan Ẩm thực Món ngon các nước lần thứ 14 - năm 2019 do Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

Với chủ đề “Việt Nam - Bếp ăn của thế giới”, Liên hoan thu hút hơn 50 gian hàng ẩm thực đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia giới thiệu các món ăn ngon cùng nhiều hoạt động hội thi, hội diễn đặc sắc liên quan đến ẩm thực, ngành ăn uống.

Đến với Liên hoan, thực khách trong và ngoài nước có cơ hội trải nghiệm cùng lúc nhiều món ăn ngon, đặc sản từ khắp các vùng miền Việt Nam được nhiều thực khách yêu thích. Bên cạnh đó, Liên hoan cũng giới thiệu những nền ẩm thực đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong 4 ngày diễn ra Liên hoan, thực khách có cơ hội chiêm ngưỡng sự khéo léo của những đầu bếp chế tác những món ăn mới, lạ và hấp dẫn.

Mỗi ngày, người yêu ẩm thực có thể thưởng thức miễn phí những món ăn; đồng thời tham gia những game show ẩm thực, trình diễn bartender (pha chế đồ uống có cồn) từ các đầu bếp chuyên nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế.

TET Festival 2020 lần đầu tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh

Báo Công An TP. Hồ Chí Minh đưa tin: Lễ hội Tết Việt – Tet Festival 2020 lần đầu tiên sẽ được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Lễ hội do Sở Du lịch Thành phố cùng Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam phối hợp tổ chức, diễn ra từ ngày 3 đến 5/1 tại Công viên Lê Văn Tám, quận 1. Theo đó, sự kiện sẽ tập trung triển khai 5 hoạt động chính mang những trải nghiệm Tết Việt đến với người tham dự gồm: Lễ Tết, Ăn Tết, Chơi Tết, Xem Tết và Chợ Tết. Đặc biệt, lễ hội sẽ chú trọng đến việc tổ chức các chương trình dành cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng. Các em nhỏ đến với Tet Festival 2020 sẽ được trải nghiệm không khí Tết cổ truyền của dân tộc như lễ dâng hương đầu năm, lễ cúng giao thừa và những câu chuyện về truyền thuyết Lang Liêu, sự tích bánh chưng bánh dầy, phong tục trồng cây nêu ngày Tết….

Nông dân ngoại ô tất bật vụ hoa Tết

Theo thông tin trên báo Đại Đoàn Kết, tại TP. Hồ Chí Minh, các huyện vùng ven như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi... nhiều năm qua nghề trồng hoa Tết khá phát triển. Chuẩn bị cho Tết Canh Tý 2020, hộ nông dân trồng hoa đang tất bật chăm sóc các loại hoa kiểng thông thường như cúc, mai, vạn thọ, và hoa lan. Bắt nguồn từ những làng hoa truyền thống lâu năm như Gò Vấp, Thủ Đức nhưng vì quỹ đất thành phố ngày càng eo hẹp, nhiều nông dân vì muốn tiếp tục trồng hoa nên dạt ra vùng ngoại ô quận 12, Hóc Môn, Củ Chi bằng cách thuê đất. Họ thường trồng những loại hoa thông dụng và quen thuộc trong ngày Tết như lay ơn, hướng dương, vạn thọ, cúc đại đóa, cúc mâm xôi, mào gà... Những vựa hoa truyền thống như thế hiện nay xuất hiện khá nhiều. Thậm chí nhiều nông dân ở miền Tây cũng lên TP. Hồ Chí Minh, tìm các khu đất ngoại ô để trồng hoa, kiểng cho vụ tết. Với lợi thế là không phải vận chuyển, nhu cầu thị trường nhiều nên nhiều gia đình chấp nhận ở Thành phố vài tháng đầu tư vụ hoa Tết.

TP. Hồ Chí Minh đủ điều kiện xây dựng sàn giao dịch heo

Chuyên mục Kinh tế của báo Sài Gòn Giải Phóng cho hay: Ngày 14/11, Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Trao đổi, lấy ý kiến vận hành mô hình dự kiến sàn giao dịch heo trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh”.

Với 14 ý kiến phát biểu từ các chuyên gia trong và ngoài nước, các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu, DN chăn nuôi và giết mổ, các chợ đầu mối tại TP đều có sự đồng thuận và thống nhất cao về sự cần thiết phải thành lập Đề án Sàn giao dịch heo tại TP - dự kiến vận hành vào năm 2021.

Giám đốc Sở Công thương Phạm Thành Kiên cho biết, thị trường TP giao dịch bình quân 10.000 con heo/ngày đã đạt quy mô lớn với tổng trị giá đến 17.000 tỷ đồng, tương đương 750 triệu USD/năm. Do vậy, việc xây dựng sàn giao dịch heo sẽ chuẩn hóa được chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP), khắc phục phần lớn nhược điểm của mặt hàng thịt heo đang phân phối trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Sàn giao dịch có thể tập hợp, thống kê tương đối đầy đủ số liệu hoạt động chăn nuôi, giết mổ và kinh doanh thịt heo trên địa bàn TP và các tỉnh thành lân cận để làm cơ sở phân tích, đánh giá, đối chiếu với các yêu cầu tối thiểu cần thiết cho việc tham gia và vận hành sàn giao dịch. Với cách làm này, TP sẽ sắp xếp lại việc chăn nuôi - mua bán heo để tạo giá trị gia tăng cao cho mặt hàng này trong thời gian tới, tránh tình trạng “được mùa rớt giá” và ngược lại.

Ngay sau khi đề án được cho phép triển khai, Cục Thực thi quy định quốc tế thuộc Bộ Năng lượng và chiến lược công nghiệp Vương quốc Anh ký ghi nhớ hợp tác hỗ trợ xây dựng Sàn giao dịch heo trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, nhưng theo đánh giá của ông Phạm Thành Kiên, TP. Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong mở sàn giao dịch heo nên để triển khai thành công là điều không dễ dàng, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, cũng như cộng đồng DN.

20 thẩm phán, thư ký tòa ở TP. Hồ Chí Minh xin nghỉ việc

Chiều 14/11, Ban Pháp chế HĐND TP. Hồ Chí Minh có buổi giám sát tình hình hoạt động của TAND Thành phố. Báo cáo tại buổi giám sát, ông Lê Thanh Phong, Chánh án TAND Thành phố, cho biết TP. Hồ Chí Minh là nơi có số vụ án thụ lý rất lớn. Tuy nhiên, do chủ trương không tăng biên chế dẫn đến thực trạng ở tòa án là một thư ký phải giúp việc cho hai đến ba thẩm phán. Tình trạng thiếu hụt thư ký ngày càng trầm trọng. Đáng chú ý, ông Phong cho biết, từ đầu năm đến nay đã có 20 thẩm phán, thư ký ở TAND TP. Hồ Chí Minh và 24 quận, huyện xin nghỉ việc do áp lực công việc, thu nhập chưa đảm bảo và những lý do riêng. Đa phần những người xin nghỉ đều là người trẻ nhưng cũng có thẩm phán nhiều kinh nghiệm. Kiến nghị tại buổi làm việc, TAND Thành phố đề xuất cần có những chính sách để ngăn chặn sự sụt giảm của thẩm phán và thư ký tòa. Thông tin trên báo Thanh Niên.

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục