Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 16/11/2020

10:10 16/11/2020

Trung tâm Báo chí TP tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM ngày 16/11:

Lấy ý kiến điều chỉnh ngữ liệu SGK Tiếng Việt lớp 1- bộ Cánh Diều

Theo Vietnamplus, Nhà xuất bản Trường Đại học Sư phạm TPHCM vừa công khai tài liệu điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1- bộ Cánh Diều để xin ý kiến góp ý. Tài liệu này được đăng tải trên trang lưu trữ phiên bản điện tử các cuốn trong bộ sách Cánh Diều lớp 1.

Theo đó, tài liệu gồm 12 trang với 2 nội dung chính, bao gồm giới thiệu một số ngữ liệu để giáo viên có thể sử dụng thay thế các bài đọc chưa phù hợp, hướng dẫn điều chỉnh một số từ ngữ trong bài.

Bộ sách giáo khoa lớp 1 - bộ Cánh Diều. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Bộ sách giáo khoa lớp 1 - bộ Cánh Diều. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Cụ thể, trong tài liệu điều chỉnh đưa ra 11 bài đọc bổ sung cho 11 bài bị cho là không phù hợp, được Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu chỉnh sửa bổ sung cùng nhiều điều chỉnh liên quan đến từ ngữ trong các bài học.

Ví dụ, với bài tập đọc "Cua, cò và đàn cá", nhóm biên soạn sách đã thêm 2 bài đọc khác để bổ sung là "Kết bạn" và "Hồ sen"; bài "Quạ và chó" được bổ sung thêm bài "Phố Thợ Nhuộm".... Với những ngữ liệu bổ sung này, giáo viên có thể thay thế để giảng dạy cho phù hợp.

Ở phần điều chỉnh từ ngữ, nhiều từ bị đánh giá không phù hợp được loại bỏ, thay thế. Ví dụ, từ "cuỗm" được thay bằng từ "tha" trong câu "Có kẻ đã cuỗm gà nhép," các từ "thở hí hóp," "bê be be"... được loại bỏ.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết, tài liệu này hiện đã được nhà xuất bản gửi hồ sơ lên Bộ Giáo dục và Đào Tạo đề nghị Hội đồng thẩm định phê duyệt, đồng thời cũng đưa lên mạng để xin ý kiến từ phía các giáo viên sử dụng sách giáo khoa, các nhà khoa học và xã hội từ ngày 14-20/11/2020.

Theo Kế hoạch, Hội đồng thẩm định sẽ thẩm định lần cuối vào ngày 21/11 sau khi có ý kiến của các giáo viên gửi về. Dự kiến, trước ngày 30/11, nhà xuất bản có trách nhiệm hoàn thiện và gửi miễn phí về địa phương để bổ sung tài liệu này cho học sinh.

Tăng mức phạt, nhiều người vẫn "bỏ quên" khẩu trang

Ngày 15/11, mức xử phạt mới cho hành vi không đeo khẩu trang phòng ngừa dịch bệnh nơi công cộng đã có hiệu lực thi hành với mức phạt tăng gấp 10 lần. Tuy nhiên, tại TPHCM, nhiều người vẫn tỏ ra khá thờ ơ...

Phản ánh của báo Lao Động, sáng 15/11 tại khu vực trung tâm Quận 1 vẫn còn một số người dân không đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Khi được hỏi về thông tin mức xử phạt việc không đeo khẩu trang đã tăng từ 100-300 nghìn đồng lên đến 1-3 triệu đồng/trường hợp, nhiều người dân đã tỏ ra khá bất ngờ.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 16/11/2020 - Ảnh 1

Tại khu vực có những hoạt động thể chất, thể dục thể thao như Công viên Tao Đàn (Quận 1), cũng có nhiều trường hợp người không đeo khẩu trang.

Đơn cử, có trường hợp một số phụ huynh đưa con đi chơi ở nơi công cộng, nhưng không chuẩn bị khẩu trang.
Đơn cử, có trường hợp một số phụ huynh đưa con đi chơi ở nơi công cộng, nhưng không chuẩn bị khẩu trang.
Tại một số siêu thị, trung tâm thương mại, đa phần người dân đều chấp hành đeo khẩu trang khi đến tham quan, mua sắm. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít trường hợp "quên" khẩu trang như trong ảnh.
Tại một số siêu thị, trung tâm thương mại, đa phần người dân đều chấp hành đeo khẩu trang khi đến tham quan, mua sắm. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít trường hợp "quên" khẩu trang như trong ảnh.

Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Khánh Phương – người lao động ở quận Bình Tân, bày tỏ sự ngạc nhiên trước thông tin mức xử phạt tăng quá cao. “Tôi nghĩ cơ quan chức năng nên phổ biến cho người dân biết rõ thông tin trong một thời gian rồi sau đó mới xử phạt” - bà Phương nói.

Thông tin đến PV, đại diện UBND một số phường tại TPHCM cũng cho biết trước mắt sẽ thực hiện việc tuyên truyền đến người dân về vấn đề đeo khẩu trang phòng ngừa dịch bệnh. Sau khi tuyên truyền để người dân nắm bắt nội dung, sắp tới UBND các phường sẽ tiến hành ra quân kiểm tra, nhắc nhở và có biện pháp xử phạt đối với người không mang khẩu trang nơi công cộng.

Nhiều đơn vị ủng hộ đề án thu phí cảng biển

Theo báo Thanh Niên, ngày 15/11, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết cơ bản thống nhất với dự thảo Đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM (gọi tắt là Đề án thu phí cảng biển) do Sở GTVT soạn thảo và trình lấy ý kiến.

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đề nghị Sở GTVT bổ sung, làm rõ thêm nội dung so sánh mức thu, đối tượng tính phí, nộp phí… sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ và các tiện ích công cộng tại TP.HCM với các địa phương khác có cảng biển trong thời gian qua để có thêm cơ sở thực tiễn khi triển khai thực hiện.

Cảng Cát Lái, TP.HCM / ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Cảng Cát Lái, TP.HCM / ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Cũng thống nhất với Đề án này, đại diện Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM – ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội, cho rằng việc thu phí để tập trung 100% nguồn thu nhằm đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công trình giao thông kết nối khu vực cảng biển mà đề án đưa ra là rất cần thiết. Cùng với đó, do nguồn kinh phí từ ngân sách còn hạn hẹp nên việc huy động các nguồn lực khác để đầu tư là phù hợp với chủ trương xã hội hóa.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP, khi triển khai cần tính toán mức thu cho phù hợp với từng giai đoạn; lưu ý việc thu phí sẽ tác động ảnh hưởng sức cạnh tranh của doanh nghiệp khi lưu chuyển hàng hóa qua cảng ở TP.HCM so với các tỉnh lân cận.

Hiện nay, số lượng hàng hóa qua cảng tại TP.HCM đã vượt dự báo của Bộ GTVT đến thời điểm 2030. Cụ thể, sản lượng hàng hóa năm 2019 là hơn 170 triệu tấn so với dự báo đến năm 2030 là 160 triệu tấn. Trong khi đó, kết cấu hạ tầng giao thông khu vực cửa khẩu, cảng biển TP.HCM không còn đáp ứng được nhu cầu lưu chuyển hàng hóa dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, nhiều điểm đen tai nạn giao thông, mất thời gian di chuyển, xả nhiều khí thải ảnh hưởng đến môi trường gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp và xã hội.

Xe công nghệ đón khách ở sân bay: Tìm cách quản lý hợp lý hơn

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, việc phân luồng giao thông ở sân bay Tân Sơn Nhất đang tiến triển tốt, việc đi lại thông thoáng; biển chỉ dẫn tại cảng đã được bổ sung tại nhiều vị trí, đảm bảo hành khách có thể dễ dàng nhận biết các lối đi và tiếp cận các phương tiện giao thông công cộng. Duy chỉ vướng mắc ở việc quản lý phân làn loại xe công nghệ vẫn chưa được nhuần nhuyễn.

Hành khách đón xe hợp đồng tại làn D nhà ga TCP sáng 15/11 - Ảnh: CÔNG TRUNG
Hành khách đón xe hợp đồng tại làn D nhà ga TCP sáng 15/11 - Ảnh: CÔNG TRUNG

Vì vậy, các đơn vị như ACV, Cảng vụ Hàng không miền Nam, Sở GTVT TPHCM… sẽ họp bàn về việc phân làn, quản lý xe công nghệ ở sân bay như thế nào cho hợp lý.

Theo văn bản của Sở GTVT TP, xe công nghệ được đưa đón khách cùng taxi, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhượng quyền với sân bay ở làn D nhà xe TCP tại sân bay Tân Sơn Nhất từ ngày 14/11. Tuy nhiên, thực tế xe công nghệ khi đón khách phải lên bãi xe tầng 3, 4 và 5 gây phiền toái cho hành khách.

Tại ga quốc nội sẽ được chia làm 4 làn, trong đó làn A chỉ dành cho phương tiện đưa khách đi máy bay. Cảng đã phối hợp lắp đặt biển báo “Cấm đón khách”.

Làn B dành cho các phương tiện đón khách (trừ xe taxi, xe kinh doanh vận tải). Cảng đã phối hợp lắp đặt biển báo “Cấm xe taxi, xe kinh doanh vận tải.” Đáng chú ý, điểm đón xe buýt được bố trí tại cột 12 - Làn B ga quốc tế đến (dành cho cả khách quốc tế và quốc nội có nhu cầu đi xe buýt).

Làn D, trong nhà xe TCP (nhà giữ xe tại ga quốc nội) chỉ dành cho xe taxi, xe kinh doanh vận tải đón khách. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã phối hợp lắp đặt biển báo “Đường dành cho xe ôtô” và biển phụ có nội dung “Xe taxi, xe kinh doanh vận tải”.

Làn C cũng dành cho các phương tiện đón khách (trừ xe taxi, xe kinh doanh vận tải). Xe từ 25 chỗ trở lên dừng/đỗ đón trả hành khách tại khu vực dành riêng tại khu vực ngoài trời phía trước nhà xe TCP (nhà giữ xe tại ga quốc nội).

Khởi động Chiến dịch “Cảm xúc 30 năm”

Theo báo SGGP, chiều 15/11, Hội Phòng chống HIV/AIDS TPHCM, Câu lạc bộ Bầu Trời Xanh, Phòng khám Nhà Mình đã công bố Chiến dịch Cảm xúc 30 năm. Đây là hoạt động nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1/12) và hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS.

Cảm xúc 30 năm là chiến dịch được tổ chức nhằm nhìn lại quãng đường cùng đồng hành bước tiếp đến tương lai với mục tiêu “chấm dứt AIDS tại Việt Nam” vào năm 2030, đích đến mà tất cả những con người, nhiều tập thể đều mong đợi trong những năm qua. Chuỗi hoạt động sẽ diễn ra từ 15/11 đến hết ngày 15/12.

Năm 2020 đánh dấu cột mốc 30 năm kể từ khi ca nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện. Đó là hành trình không chỉ riêng của những người sống với HIV mà còn với rất nhiều đoàn thể, ban ngành và cả những tổ chức, cá nhân đã đồng hành cùng họ trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS.

Rất nhiều nghệ sĩ đồng hành Chiến dịch “Cảm xúc 30 năm” đầy ý nghĩa
Rất nhiều nghệ sĩ đồng hành Chiến dịch “Cảm xúc 30 năm” đầy ý nghĩa

Sau 30 năm, những mảng màu u ám, bi quan ban đầu đã được xoá mờ và thay thế bằng những nỗ lực tích cực hơn. Những biện pháp điều trị, phòng ngừa lây nhiễm đã và đang giúp những người nhiễm HIV có được cuộc sống khoẻ mạnh hơn. Từ một cộng đồng bị phân biệt đối xử, dễ bị tổn thương và thiếu thốn những điều kiện sống cơ bản, giờ đây họ có công việc ổn định, có cuộc sống gia đình mà không phải ám ảnh với việc lây nhiễm cho những người thân của mình.

Theo anh Nguyễn Anh Phong, Phó Chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TPHCM, Trưởng ban tổ chức chiến dịch, Cảm xúc 30 năm bao gồm sự kiện khởi động chiến dịch, quảng bá truyền thông, sự kiện Đêm Cảm xúc 30 năm và triển lãm (offline - online). Trong đó, điểm nhấn là Đêm Cảm xúc 30 năm sẽ diễn ra vào tối 29/11 tại TPHCM với mong muốn mang những câu chuyện thực tế về HIV/AIDS tiếp cận nhiều người dân để có cái nhìn đúng đắn và sẻ chia.

Tuyên dương 22 gia đình nhà giáo 3 thế hệ

Báo Lao Động cho hay, ngày 15/11, Liên đoàn Lao động TPHCM phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp tổ chức họp mặt, tuyên dương 22 “Gia đình Nhà giáo 3 thế hệ” đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của TP cũng như của cả nước.

Đây là dịp nhằm tôn vinh, tri ân gia đình những cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên trực tiếp giảng dạy có 3 thế hệ liên tục công tác trong ngành giáo dục. Qua đó, giới thiệu cho xã hội sự hy sinh tận tụy, sống có trách nhiệm của các thế hệ nhà giáo của quận trong sự nghiệp trồng người, nêu cao đạo đức, truyền thống gia đình nhà giáo, nâng cao uy tín của nhà giáo trong xã hội.

Giao lưu với gia đình của nhà giáo Nguyễn Văn Binh.
Giao lưu với gia đình của nhà giáo Nguyễn Văn Binh.

Tại buổi họp mặt, các nhà giáo đã chia sẻ về những tình cảm, tâm huyết cũng như những áp lực, trăn trở đã vượt qua để sống trọn vẹn với nghề. Ngoài ra, các đại biểu được giao lưu với các gia đình 3 thế hệ công tác trong ngành giáo dục.

Cũng tại dịp này, Liên đoàn Lao động Quận Gò Vấp phối hợp cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp ký kết Quy chế phối hợp hoạt động giai đoạn 2020 - 2023. Để nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp hiệu quả của ngành Giáo dục và Đào tạo với tổ chức Công đoàn trong phong trào CNVCLĐ, góp phần nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động của Công đoàn, phát huy vai trò tổ chức Công đoàn trong việc tham gia thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo.

Trao quà và kỉ niệm chương cho các gia đình nhà giáo 3 thế hệ tại buổi gặp mặt.
Trao quà và kỉ niệm chương cho các gia đình nhà giáo 3 thế hệ tại buổi gặp mặt.

HUTECH đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Theo báo Pháp Luật TP, ngày 15/11, nhân kỷ niệm 25 năm thành lập, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Buổi lễ diễn ra tại Trung tâm Đào tạo Nhân lực chất lượng cao HUTECH (Khu Công nghệ cao TP.HCM - SHTP) với sự hiện diện của ông Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của TP.

Phát biểu tại buổi lễ, TS. Kiều Tuân, Chủ tịch Hội đồng trường HUTECH cho biết 25 năm mới chỉ là chặng đường để khởi đầu. Thành quả hiện nay mới chỉ là nền móng để trường tiến xa hơn, bay cao hơn. Bước vào giai đoạn hội nhập, HUTECH cần tiếp tục đổi mới sáng tạo toàn diện dạy và học, đẩy mạnh nghiên cuứ khoa học công nghệ, khởi nghiệp ứng dụng...

Lãnh đạo HUTECH đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Ảnh: PLO
Lãnh đạo HUTECH đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Ảnh: PLO

Đại diện Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc biểu dương những thành tựu mà HUTECH đạt được trong thời gian qua, góp phần vào sự phát triển của giáo dục ĐH nói riêng và giáo dục Việt Nam nói chung. HUTECH là trường ĐH uy tín với các chương trình hợp tác quốc tế chất lượng, tiêu biểu như chương trình ĐH chuẩn Nhật Bản hợp tác cùng ĐH Kanazawa và hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, ĐH VIA - TEKO (Đan Mạch)...

Nhân lễ kỷ niệm 25 năm thành lập, HUTECH còn được đón nhận Cờ truyền thống 25 năm của Chủ tịch UBND TP cho tập thể trường và Cờ thi đua của Liên đoàn Lao động TPHCM cho Công đoàn trường.

Đổi rác nhận cây xanh, làm gạch sinh thái xây trường cho trẻ em nghèo

Ngày 15/11, nhiều người dân trên địa bàn TPHCM đã đem túi nilông, chai nhựa, pin cũ, đồ điện tử bỏ đi đến đổi và nhận lại cây xanh. Số đồ bỏ đi này sẽ được dùng làm gạch sinh thái bảo vệ môi trường. Đó là hoạt động nổi bật tại chương trình “Đổi rác lấy cây” lần 5 diễn ra tại quận 1, TP.HCM do nhóm thiện nguyện Hiểu Về Mảnh Đời, phối hợp với các bạn trẻ ở Xanh Việt Nam tổ chức. Ghi nhận của báo Tuổi Trẻ.

Tại chương trình, người dân xung phong làm tình nguyện viên tại chỗ để làm gạch sinh thái, góp phần hoàn thành dự án xây trường học cho trẻ em nghèo ở huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh của nhóm Xanh Việt Nam.

Thùng giấy, đồ nhựa, đồ điện tử được đem đến rất nhiều - Ảnh: HOÀNG AN
Thùng giấy, đồ nhựa, đồ điện tử được đem đến rất nhiều - Ảnh: HOÀNG AN

Những bao nilông sau khi được thu gom sẽ làm sạch, nhét vào chai nhựa chặt cứng, đủ độ bền chắc thay thế viên gạch thông thường. Từ các em nhỏ đến những bạn trẻ, người già đều chuẩn bị rất nhiều đồ phế liệu, rác tái chế đem đến chương trình.

Em Kiến Thiên (8 tuổi) cùng mẹ và anh đến từ sớm đem nhiều sách báo cũ đổi cây xanh. Chị Thùy Linh (mẹ của Kiến Thiên) cũng mong đây là một trải nghiệm tốt với con trẻ, giúp các em nhỏ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường từ những điều nhỏ nhất.

Nhiều bạn trẻ tham gia chương trình mang theo chai nhựa, pin, đồ điện tử cũ đổi để nhận cây xanh - Ảnh: HOÀNG AN
Nhiều bạn trẻ tham gia chương trình mang theo chai nhựa, pin, đồ điện tử cũ đổi để nhận cây xanh - Ảnh: HOÀNG AN

Hoạt động đổi rác lấy cây diễn ra với thể lệ: 5 cục pin trở lên = 1 cây/1 bó rau (tối đa 1 cây), 1 món đồ điện tử lớn = 1 cây/1 bó rau, 5 món đồ điện tử nhỏ = 1 cây/1 bó rau, 1kg vỏ lon = 1 cây/1 bó rau, 4kg nhựa = 1 cây (chai nhựa, phế liệu nhựa...)/1 bó rau, 5kg giấy các loại = 1 cây/1 bó rau, 3kg kim loại = 1 cây/1 bó rau.

Dịp này, chương trình cũng tổ chức nhiều gian hàng gây quỹ như viết thư pháp, viết chữ trên lá bồ đề, bán hàng… kinh phí thu được sẽ tổ chức các hoạt động thiện nguyện tiếp theo.

Bé Tuệ Lâm (4 tuổi) cùng ba mẹ đem vỏ hộp sữa đến chương trình - Ảnh: HOÀNG AN
Bé Tuệ Lâm (4 tuổi) cùng ba mẹ đem vỏ hộp sữa đến chương trình - Ảnh: HOÀNG AN
Khu vực làm gạch sinh thái bằng chai nhựa và bao nilông của các tình nguyện viên - Ảnh: HOÀNG AN
Khu vực làm gạch sinh thái bằng chai nhựa và bao nilông của các tình nguyện viên - Ảnh: HOÀNG AN
Bé Kiến Thiên (8 tuổi) cùng anh trai và mẹ ở gian hàng vẽ chậu cây mới đổi được - Ảnh: HOÀNG AN
Bé Kiến Thiên (8 tuổi) cùng anh trai và mẹ ở gian hàng vẽ chậu cây mới đổi được - Ảnh: HOÀNG AN
Trung bình một viên gạch sinh thái làm mất khoảng 30 phút - Ảnh: HOÀNG AN
Trung bình một viên gạch sinh thái làm mất khoảng 30 phút - Ảnh: HOÀNG AN

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục