“90 năm - Những dấu ấn vàng son của Hội”
Thông tin từ báo SGGP, ngày 19/10, tại Bảo tàng TPHCM, Hội LHPN TPHCM phối hợp cùng Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP khai mạc triển lãm “90 năm - Những dấu ấn vàng son của Hội” nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930-20/10/2020).
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 30/10, với hơn 200 bức ảnh được trưng bày tại Bảo tàng TPHCM và 2 điểm trên trục đường Đồng Khởi (khu vực trước Sở VH-TT TP và khu vực đối diện công viên Chi Lăng).
Triển lãm giới thiệu quá trình hình thành và phát triển của Hội LHPN Việt Nam; những đóng góp to lớn của Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc; những kết quả nổi bật của các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Hội LHPN TP…
Tiếp nối hoạt động trên, Hội LHPN TP HCM còn phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức lễ dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sáng 20-10. Cùng ngày, sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam và 10 năm ngày Phụ nữ Việt Nam tại Nhà hát TP.
Ngoài ra, Công đoàn Các khu chế xuất và khu công nghiệp TP tổ chức Ngày hội Nữ công nhân năm 2020, thu hút gần 1.000 nữ công nhân tham gia. Nhiều hoạt động được tổ chức như: Hội thi heo béo - heo khỏe để gây quỹ học bổng cho con công nhân; tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho nữ công nhân; tặng 500 voucher miễn phí (khám phụ khoa, tầm soát ung thư cổ tử cung) cho nữ công nhân; trang điểm, cắt tóc miễn phí cho công nhân; mua hàng giảm giá đến 50%.
Công đoàn ngành y tế TP cũng tổ chức họp mặt và tuyên dương 283 gương phụ nữ ngành y năng động, sáng tạo; cán bộ nữ công tiêu biểu và nam giới điểm 10.
Liên đoàn Lao động quận 3 tổ chức họp mặt nữ CNVC-LĐ và tặng quà 41 nữ lao động hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mỗi phần gồm 500.000 đồng và quà.
Đau cùng nỗi đau khúc ruột miền Trung
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ngay thời khắc đầu tiên của ngày làm việc đầu tuần, đồng loạt các đơn vị, cơ sở Đoàn của TP đã có những đóng góp đầu tiên nhằm san sẻ yêu thương với đồng bào miền Trung ruột thịt.
Tại buổi chào cờ sáng thứ 2, các cán bộ cùng đại diện các đơn vị sự nghiệp của Thành Đoàn TP đã lần lượt quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung. Tạm tổng kết tại chỗ, số tiền 70 triệu đồng sẽ được tổng hợp để chuẩn bị cho chuyến công tác đến với đồng bào miền Trung những ngày tới.
Ngay trong lớp tập huấn cán bộ Đoàn Q.Tân Phú, hưởng ứng lời kêu gọi của Thành đoàn, các bạn đã quyên góp tại chỗ được hơn 12 triệu đồng.
Các trường học cũng tích cực tham gia quyên góp. Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP đã trích 100 triệu đồng gửi về MTTQ TP để kịp chuyển ra đồng bào miền Trung. Trường ĐH Kinh tế TP cũng phát động đợt quyên góp hiện kim và hiện vật.
Trong giờ chào cờ đầu tuần, từ số tiền tiết kiệm, tiền ba mẹ cho ăn sáng, các học sinh trường Tiểu học Bắc Hải (Q.10) đã cùng nhau đã quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung đang bị bão lụt với tổng số tiền gần 26,5 triệu đồng. Thầy Cô giáo đã cảm ơn tấm lòng và hành động đẹp của các bạn học sinh.
Văn nghệ sĩ TP đồng lòng hướng về đồng bào miền Trung
Không chỉ có những tên tuổi quen thuộc như Thủy Tiên, Trấn Thành, Đàm Vĩnh Hưng, Hoài Linh… các văn nghệ sĩ tại TPHCM với nhiều hoạt động thiết thực cũng đang hướng về đồng bào vùng bão lũ miền Trung. Nội dung trên báo Thanh Niên.
Trước hình ảnh nhà cửa, ruộng vườn của đồng bào miền Trung đang ngập chìm trong bão lũ với bao tổn thất đau thương thắt ruột, nữ thi sĩ Trần Mai Hường tạm gác tất cả dự định để tập trung bán sách gây quỹ khắc phục thiệt hại bão lụt. Hay như Họa sĩ Lê Sa Long cũng mang bán hai bức tranh Biển nhớ và bức tranh Con đường đến trường mùa mưa lũ với giá 72 triệu để ủng hộ người dân vùng lũ.
Tối 15/11 tới đây, tại sân khấu phim trường Nhạc Xanh (Q.Gò Vấp) đêm nhạc thời trang gây quỹ ủng hộ đồng bào miền Trung với chủ đề “Miền Trung khúc ruột ân tình” do nghệ sĩ Lê Hùng và Tiêu Minh Phụng thực hiện cũng sẽ được tổ chức. Đêm nhạc quy tụ hàng loạt các ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên của TP.
Trước đó, tối 18/10, đêm nhạc “Thương về miền Trung” đã được diễn ra tại tòa nhà Thông tấn xã Việt Nam, với sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ: Hoàng Bách, Hoàng Trang Tùng Anh, diễn viên Ngọc Lan, Thanh Thảo Hugo… Toàn bộ khán phòng đêm nhạc 300 chỗ chật kín khán giả. Tất cả các nghệ sĩ đều không nhận cát sê, mà ngược lại đều ra sức vận động mọi người cùng chung tay hướng về miền Trung.
Ông Lưu Huỳnh, đại diện ban tổ chức cho biết, chương trình đã nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng với 30 máy lọc nước sạch trị giá 250 triệu đồng để lắp cho đồng bào và gần 200 triệu đồng tiền ủng hộ để chuẩn bị mua nhu yếu phẩm.
Cảnh báo mức độ rủi ro thiên tai do triều cường
Ghi nhận của PV Pháp Luật TP, đến hơn 19 giờ 30 ngày 19/10, triều cường ở một số tuyến đường khu vực phía nam TP.HCM vẫn ở mức cao. Điển hình như đường Trần Xuân Soạn (quận 7), triều cường bắt đầu xuất hiện ở tuyến đường này vào khoảng 16 giờ. Ban đầu mực nước tràn từ từ ra đường, sau đó dâng lên rất nhanh. Đến 17 giờ 15, mực nước triều đã dâng cao khoảng 30-40 cm, có nơi đến hơn 50 cm. Một số nhà dân gần đường bị nước tràn vào nhà, người dân phải liên tục tát nước ra ngoài.
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết mực nước các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai lên nhanh theo kỳ triều cường đầu tháng 9 âm lịch và hiện đang ở mức cao. Mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai còn lên nhưng ở mức chậm và rút nhanh.
Đặc biệt, mực nước cao trên báo động II tại Nhà Bè (TP.HCM), Phú An (Bình Dương) còn duy trì hết ngày 21/10.
Ngoài ra, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ khuyến cáo mức độ rủi ro thiên tai do triều cường khu vực TP.HCM ở cấp độ 3. Đây là kỳ triều cao nhất trong năm, cần đề phòng khả năng triều cao kết hợp với mưa lớn gây ngập lụt các vùng trũng, thấp.
Để chủ động phòng tránh, người dân nên hạn chế đi vào các tuyến đường trũng, thấp như Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát… vào giờ thủy triều dâng cao để tránh ngập úng, hư hỏng xe. Tại những khu vực ngập úng, người dân cần chú ý an toàn điện, đề phòng nước dâng làm hư hỏng đồ đạc.
Xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu để xảy ra lạm thu
Báo Người Lao Động cho hay, Văn phòng UBND TP vừa có công văn khẩn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức về việc chấn chỉnh thực hiện nghiêm các khoản thu trong năm học 2020-2021.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở GD-ĐT TP, Chủ tịch UBND các quận - huyện nghiêm túc chỉ đạo thực hiện các nội dung hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về chấn chỉnh thực hiện nghiêm các khoản thu năm học 2020-2021. Trong đó, tập trung các nội dung, như: Thực hiện công khai đầy đủ cam kết chất lượng GD-ĐT, các điều kiện đảm bảo chất lượng và thu chi tài chính theo Thông tư số 36 của Bộ GD-ĐT ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở GD-ĐT thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra vi phạm quy định về thực hiện các khoản thu, chi trên địa bàn. Công khai việc thanh, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm (nếu có).
Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ biến, tuyên truyền cho cha mẹ học sinh, ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên hiểu rõ quy định.
Trước đó, Bộ GD-ĐT có công văn gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về đề nghị chỉ đạo chấn chỉnh thực hiện nghiêm túc các khoản thu trong năm học mới. Theo Bộ GD-ĐT, qua phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, vẫn còn tình trạng một số địa phương, cơ sở giáo dục chưa thực hiện theo đúng quy định của bộ, để xảy ra tình trạng lạm thu.
Tự chủ đại học gắn liền với đổi mới quản trị để cải tiến chất lượng đào tạo
Theo báo SGGP, ngày 19/10, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) tổ chức hội thảo Cải tiến chất lượng trong quản trị đại học. Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia, nhà quản lý và các tổ chức kiểm định chất lượng tham dự với nhiều tham luận chia sẻ kinh nghiệm thực tế.
TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, các cơ sở đào tạo luôn xem người học, nhà tuyển dụng là khách hàng, đào tạo là một dịch vụ đặc biệt nhưng cũng nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.
Dự án cải tiến chất lượng quản trị đại học theo chuẩn ISO 9001-2015 được khối đại học Pháp ngữ và Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) đồng tài trợ sau 2 năm thí điểm đã có nhiều tác động tích cực như giúp các trường nhận diện được những điểm mạnh, điểm yếu, những khó khăn, những tồn tại trong quá trình đào tạo và cải tiến chất lượng.
Tại hội thảo, nhiều tham luận đã chia sẽ những kinh nghiệm thực tế trong quá trình đổi mới quản trị của các chuyên gia đến từ các trường như Trường ĐH Y dược TPHCM, Trưởng đại diện Văn phòng Đại học Pháp ngữ tại TPHCM, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM)… Trong đó, các chuyên gia nhấn mạnh đến hoạt động tự chủ cùng với trách nhiệm giải trình bằng các minh chứng rõ ràng, các hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo ở từng chương trình, từng bộ môn.
Cũng theo TS Phạm Tấn Hạ, trong giai đoạn tiếp theo, trường sẽ cùng Đại học Pháp ngữ thực hiện dự án “Đổi mới quản trị đại học tại Đông Nam Á – PURSEA”. Dự án này do tổ chức các đại học Pháp ngữ - Văn phòng khu vực Châu Á Thái Bình Dương chủ trì cùng 15 trường đại học tại Châu Âu, Châu Á xây dựng từ đầu năm 2019 và mới được Cơ quan điều hành Giáo dục, Nghe nhìn và Văn hóa (EACEA) thuộc Ủy ban Châu Âu phê duyệt tài trợ từ (2020-2023).
Mục tiêu của dự án là tăng cường năng lực quản trị đại học cho 8 cơ sở giáo dục đại học Đông Nam Á thông qua việc hỗ trợ xây dựng và triên khai hoạch định chiến lược phát triển của từng trường.
Cầu sắt An Phú Đông có khả năng lại bị trễ hẹn
Theo báo Pháp luật TP, đại diện Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban Giao thông) cho biết khả năng dự án xây dựng cầu sắt An Phú Đông (nối quận 12 và Gò Vấp) sẽ bị chậm tiến độ.
Cụ thể, theo Ban Giao thông, sau khi sự cố sà lan tông vào cầu sắt đang xây dựng, các đơn vị liên quan phải họp bàn để xác định thiệt hại và lên kế hoạch sửa chữa. Bên cạnh đó, lực lượng công an cũng đang giữ nguyên hiện trường. Hiện nay, đơn vị thi công và người điều khiển sà lan cũng đang thỏa thuận mức độ thiệt hại.
Vị đại diện cho biết, chủ đầu tư đang lên phương án đảm bảo an toàn giao thông thủy khu vực cầu sắt An Phú Đông đang xây dựng. Sau đó sẽ hạn chế phà di chuyển qua khu vực phà sắt An Phú Đông. Tuy nhiên, hiện nay các đơn vị đang xác định thiệt hại nên dự án chưa thể thi công tiếp được. Do đó, dự án khó có thể hoàn thành đúng tiến độ trong tháng 10.
Trước đó, ngày 16/10, PLO có thông tin về việc một sà lan đã tông vào cầu sắt An Phú Đông làm một nhịp cầu bị sụp khoảng 0,5 m. Mặc dù trước đó người dân đã cảnh báo không thể qua cầu sắt được nhưng người điều khiển vẫn cho sà lan di chuyển và tông vào nhịp giữa cầu.
Cầu sắt An Phú Đông được dự kiến hoàn thành trong tháng 9, tuy nhiên do một số vấn đề kỹ thuật nên dự án dời ngày hoàn thành trong tháng 10. Cầu An Phú Đông khi hoàn thành có vai trò kết nối, tạo trục liên thông cho người dân quận 12 quận Gò Vấp, thay thế cho phà An Phú Đông hiện hữu.
Hiệu quả mô hình trạm cấp cứu vệ tinh 115
Báo SGGP cho hay, trong thời gian qua, các trạm cấp cứu 115 vệ tinh đặt tại các bệnh viện (BV) trên địa bàn TPHCM ra đời đã góp phần không nhỏ trong việc cứu sống kịp thời người bệnh, giảm thiểu di chứng, hỗ trợ điều trị hiệu quả cao và tăng cơ hội vàng cho sự sống của bệnh nhân.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, mỗi ngày có khoảng 1.500 bệnh nhân bệnh lý cấp tính hoặc tai nạn thương tích cần được trợ giúp cấp cứu tại chỗ. Phần lớn bệnh nhân này ít khi gọi cấp cứu 115 mà được gia đình hoặc người dân tự chuyển đến khoa cấp cứu tại các BV gần nơi cư trú bằng các phương tiện taxi, xe máy… Chính vì thế có những trường hợp bệnh nhân được đưa tới BV trong tình trạng không được sơ cứu, vận chuyển và điều trị đúng cách gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí có những trường hợp tử vong trước khi đến được BV.
Trước thực tế đó, từ năm 2017, Sở Y tế TP đã quyết định mở rộng mạng lưới cấp cứu ngoại viện đặt tại các BV quận huyện, nhất là ở các khu vực cửa ngõ, ngoại thành. “Đến nay đã có 34 bệnh viện công lập và tư nhân tại 22 quận - huyện tham gia làm trạm vệ tinh của Trung tâm Cấp cứu 115. Bên cạnh đó, ngành y tế TP đã triển khai mô hình xe cấp cứu hai bánh nhằm tiếp cận nhanh chóng người bệnh khi tình hình đường phố luôn trong tình trạng kẹt xe và nhiều ngõ hẻm”, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho biết.
Thống kê cho thấy, số lượt gọi 115 của người dân cứ tăng dần mỗi năm: nếu như năm 2015 chỉ có 8.787 cuộc gọi thì đến năm 2019 con số này là 31.081 cuộc gọi (tăng gấp 3,5 lần so với năm 2015). Điều này cho thấy, người dân thành phố đã tin tưởng hơn với hoạt động cấp cứu 115 của hệ thống y tế thành phố.
Trong giai đoạn 2020-2025, ngành y tế TP xây dựng hệ thống cấp cứu 115 hoàn chỉnh theo mô hình của Mỹ, châu Âu, Úc. Đó là mô hình phối hợp, sẽ có những trạm cấp cứu 115 vệ tinh, có các trung tâm cấp cứu 115 ngoại ô; hướng đến đội ngũ y tế cấp cứu sẽ hoạt động theo mô hình vừa cấp cứu tại chỗ, vừa xử lý và cho thuốc, bảo hiểm y tế chi trả; những trường hợp nhẹ không cần phải đến BV mà về nhà điều trị, được y tế địa phương theo dõi.
Đưa vào hoạt động trạm cấp cứu vệ tinh 115 tại BV Quận Phú Nhuận
Bác sĩ Võ Văn Minh, Giám đốc BV Quận Phú Nhuận cho biết, sau thời gian chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực, ngày 20/10, trạm cấp cứu vệ tinh 115 đặt tại BV Quận Phú Nhuận chính thức đi vào hoạt động. Trạm được trang bị thiết bị y tế chuyên dụng, quy trình xuất xe nhanh, ngay sau khi nhận điều phối từ tổng đài Trung tâm Cấp cứu 115; hoạt động 24/7. Đội ngũ cấp cứu được tập huấn liên tục, có kiến thức và kỹ năng chuyên nghiệp giúp xử lý mọi tình huống cấp cứu ngoại viện hiệu quả nhất.
Người dân và khách du lịch hưởng ứng gắn mã QR tên đường
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải TP phối hợp Sở Văn hóa Thể thao TP và UBND Q.1 triển khai tổ chức thí điểm gắn một số mã QR trên các bảng tên đường, để người dân có thể tra cứu thông tin về con đường như vị trí, chiều dài, bề rộng, bề cắt ngang, tiểu sử danh nhân được đặt tên đường…
Theo ghi nhận của PV báo Thanh Niên, ý tưởng gắn mã QR lên một số con đường trung tâm được nhiều người dân và khách du lịch hưởng ứng. Sáng cuối tuần, tại đoạn đường Đồng Khởi giao với Nguyễn Du, một nhóm bạn trẻ đang thích thú sử dụng điện thoại thông minh để quét mã QR xem nội dung được giới thiệu về con đường. Đồng thời, không ít khách du lịch trong nước cũng tò mò với chương trình mới mà TP.HCM triển khai tại các tuyến đường trung tâm.
Tuy nhiên, một số bạn trẻ cho rằng giao diện nội dung hay phần thông tin chưa thật sự sinh động. Khi quét mã QR, một bảng nội dung với phần thông tin được đặt trong khung giấy trắng, có viền vàng. Giao diện đơn điệu, thiếu sự tương tác cần có trên thiết bị di động ảnh hưởng nhiều đến cảm xúc người dùng khi trải nghiệm.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)