Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 2/11/2020

10:32 02/11/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 02/11/2020:

Thanh niên tình nguyện TP lên đường khắc phục hậu quả bão lũ

Báo Thanh Niên cho hay, ngày 1/11, Thành Đoàn TP tổ chức lễ xuất quân đội hình thanh niên tình nguyện phản ứng nhanh khắc phục hậu quả bão, lũ tại hai tỉnh miền Trung gồm Quảng Nam và Quảng Ngãi. Hoạt động nhằm phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, nêu cao tinh thần xung kích của tuổi trẻ TP cùng cả nước chung tay giúp người dân bị ảnh hưởng bão lũ vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, động viên thanh niên tình nguyện trước lúc lên đường làm nhiệm vụ giúp bà con khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra tại tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi 
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, động viên thanh niên tình nguyện trước lúc lên đường làm nhiệm vụ giúp bà con khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra tại tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi 

Theo đó, gần 80 đoàn viên, thanh niên TP gồm: đội hình chuyên các y, bác sĩ; đội hình chuyên thực hiện tuyến công trình sửa, chữa nhà; đội hình hỗ trợ nông nghiệp; đội công tác xã hội thanh niên… đến từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP sẽ tham gia đội hình thanh niên tình nguyện lần này.

Đội hình y, bác sĩ trực tiếp đến vùng bão lũ để chăm lo sức khỏe cho bà con 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi
Đội hình y, bác sĩ trực tiếp đến vùng bão lũ để chăm lo sức khỏe cho bà con 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi
Các thợ điện thuộc Đoàn Tổng công ty điện lực TP.HCM cũng tham gia chuyến đi này đến khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra một số tỉnh miền Trung
Các thợ điện thuộc Đoàn Tổng công ty điện lực TP.HCM cũng tham gia chuyến đi này đến khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra một số tỉnh miền Trung

Theo chị Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Thành đoàn TP, với phương châm “Hiệu quả - Thiết thực - An toàn”, đội hình sẽ tham gia hỗ trợ chính quyền và người dân hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi từ ngày 1/11 đến ngày 5/11. Đoàn thanh niên tình nguyện cũng sẽ đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các gia đình bị ảnh hưởng trong cơn bão số 9.

Nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động và hỗ trợ bà con vùng ảnh hưởng của bão lũ được Thành đoàn TP vận động từ các nguồn lực xã hội, với tổng kinh phí khoảng 2 tỉ đồng, trong đó gồm có tiền mặt, hàng hóa nhu yêu phẩm cần thiết và thuốc men…

Nhiều trường ĐH chi hàng tỉ đồng hỗ trợ SV miền Trung

Những ngày qua, bão lũ kéo dài đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản tại các tỉnh miền Trung.

Bên cạnh việc tiếp tục kêu gọi, chung tay hỗ trợ đồng bào miền Trung, các trường đại học tại TPHCM đã và đang khẩn trương rà soát để có những chính sách hỗ trợ kịp thời đến các em sinh viên vùng thiên tai. Ghi nhận trên báo Pháp Luật TP.

Trong đó, Trường ĐH Tài chính - Marketing vừa đưa ra quyết định hỗ trợ 50% học phí học kỳ 1 (khoảng 4,5 triệu đồng) cho các sinh viên chính quy ở địa bàn các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cũng hỗ trợ giảm 50% học phí cho sinh viên ở các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng vì thiên tai. Theo thống kê sơ bộ của nhà trường, hiện trường có khoảng 700 sinh viên sẽ được hỗ trợ. Trong đó, nhiều em trước đó đã được hưởng chính sách miễn, giảm học phí vì hoàn cảnh khó khăn và nay sẽ tiếp tục được miễn giảm thêm học phí theo diện hỗ trợ này. Dự kiến, tổng số tiền học phí miễn giảm lên đến 3 tỷ đồng.

Sinh viên trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiên tai. Ảnh: TTNT
Sinh viên trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiên tai. Ảnh: TTNT

Tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM, nhà trường cũng đã thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký hỗ trợ sinh viên có gia đình gặp khó khăn, bị ảnh hưởng trực tiếp do lũ lụt năm nay ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế….Nhà trường sẽ xem xét hỗ trợ 50% học phí học kỳ cuối năm 2020 dựa trên mức học phí chương trình đại trà.

Tương tự, Trường ĐH Văn Lang cũng đang nhanh chóng rà soát và dự kiến kế hoạch hỗ trợ sinh viên có gia đình bị thiệt hại trực tiếp bởi bão lũ tại các tỉnh miền Trung. Được biết, trường có khoảng 3.000 sinh viên có hộ khẩu thường trú tại 10 tỉnh miền Trung đang học tập. Theo nhà trường, dự kiến, các em sẽ được hỗ trợ giảm trực tiếp học phí ở học kỳ một của năm học 2020-2021, theo mức giảm từ 20% đến 50%. Bên cạnh đó, trường sẽ hỗ trợ mỗi sinh viên có gia đình bị thiệt hại do bão lũ một tháng sinh hoạt phí khoảng 3 đến 3,5 triệu đồng.

Trước đó, nhiều trường ĐH tại TP.HCM cũng đã có những chính sách tặng học bổng, miễn giảm học phí cho sinh viên vùng thiên tai, như trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, trường CĐ quốc tế Sài Gòn…

Bán hàng giảm giá 30% - 50% cho hơn 2.000 công nhân lao động

Thông tin từ báo Lao Động, ngày 1/11, hơn 2.000 công nhân ở một số doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn quận Bình Tân đã tham gia chương trình “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - 9/11” và hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do LĐLĐ quận tổ chức. Tại đây, các công nhân lao động được tuyên truyền, phổ biến các quy định về Bộ luật Lao Động, Luật BHXH, BHYT, Luật Công đoàn…

Công nhân lao động tham gia “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam – 9.11” do LĐLĐ Quận Bình Tân tổ chức. Ảnh Đức Long
Công nhân lao động tham gia “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam – 9.11” do LĐLĐ Quận Bình Tân tổ chức. Ảnh Đức Long

Ngoài ra, LĐLĐ quận Bình Tân cũng phát đi thông điệp đề nghị các công nhân lao động cần chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Mỗi công nhân lao động cần tích cực làm việc, hoàn thành sớm nhiệm vụ với năng suất cao, chất lượng tốt; không để xảy ra tình trạng tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc, đình công để doanh nghiệp yên tâm tìm đối tác, đơn hàng mới, qua đó tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động.

Dịp này, một số doanh nghiệp đã ký kết chương trình “Phúc lợi đoàn viên” với LĐLĐ quận Bình Tân tổ chức bán các mặt hàng nhu yếu phẩm giảm giá từ 30% – 50% so với thị trường cho các công nhân lao động. LĐLĐ quận cũng phát cho mỗi công nhân lao động một phiếu mua hàng trị giá 100.000 đồng.

Nhân rộng chương trình "Trường học xanh"

Theo báo Pháp Luật TP, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh, Sở TN&MT và Sở GD&ĐT TP phối hợp tổ chức hội thi “Trường học xanh” dành cho các trường học trên địa bàn TP, hiện có nhiều trường tham gia và duy trì rất tốt.

Nhiều trường học tại TP đã có các sáng kiến và mô hình rất hay, phù hợp thực tế. Thông qua những mô hình này, các em học sinh biết được về phân loại rác tại nguồn, tiết kiệm nước, giáo dục được cho các em tình yêu thiên nhiên, có ý thức bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường…

Cụ thể, tại Trường Mầm Non Măng Non II (quận 10) với diện tích đất của trường khá nhỏ nên nhà trường đã tận dụng sân thượng, cải tạo khu vực hòn non bộ tại lầu 2 thành khu “Vườn cây của bé” để thực hiện công trình “Mảng xanh trên không”. Khu vườn trồng nhiều loại cây cảnh, cây ăn quả, hoa, rau… tạo cơ hội cho trẻ được quan sát, trải nghiệm, khám phá thể giới xung quanh.

Công trình “Mảng xanh trên không” tại Trường Mầm non Măng Non II (quận 10). Ảnh: TL
Công trình “Mảng xanh trên không” tại Trường Mầm non Măng Non II (quận 10). Ảnh: TL

Còn tại Trường Tiểu học Lê Văn Việt (quận 9), với khuôn viên rộng rãi, trường đã trồng nhiều cây xanh cho bóng mát phù hợp. Ngoài ra, nhà trường cũng đầu tư hệ thống trồng rau bằng phương pháp thuỷ canh, kết hợp hệ thống nuôi cá. Điều đặc biệt tại Trường Tiểu học Lê Văn Việt là hệ thống vòi nước được lắp đặt tại các gốc cây của trường. Hệ thống kết hợp vừa rửa tay, vừa tưới cây sẽ giúp nhà trường tiết kiệm được một lượng nước lớn. Đồng thời, còn giúp giảm nhân công lao động và tạo được nhiều nơi rửa tay mát mẻ cho các em.

Cô Phạm Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Việt cho biết: “Từ những hành động cụ thể, các em đã bắt đầu hình thành được thói quen bảo vệ môi trường, không cần sự giám sát của nhà trường, thầy cô, ba mẹ. Có nhiều em về nhà thấy phụ huynh bỏ rác không đúng nơi quy định cũng đã nhắc nhở. Bên cạnh đó, các em ý thức được việc tiết kiệm nước, tiết kiệm điện. Điều này làm cho chúng tôi càng có động lực hơn”.

Vòi nước rửa tay kết hợp tưới cây giúp tiết kiệm nước tại Trường Tiểu học Lê Văn Việt (quận 9). Ảnh: CN
Vòi nước rửa tay kết hợp tưới cây giúp tiết kiệm nước tại Trường Tiểu học Lê Văn Việt (quận 9). Ảnh: CN

Năm nay, các trường tham gia hội thi “Trường học xanh” được chia thành ba bảng và trải qua nhiều vòng thi từ cấp quận, huyện và thành phố.

Cụ thể: Bảng A là các trường cấp mầm non và cấp tiểu học. Bảng B gồm các trường học cấp trung học cơ sở. Bảng C gồm các trường học cấp trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên).

Mưa, gió lốc, nhiệt độ, triều cường đều tăng ở TP sau 40 năm

Báo Tuổi Trẻ cho hay, "Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn TPHCM" vừa được UBND TP ban hành cho thấy, nhiệt độ trung bình năm của TP trong thời kỳ 1993 đến hiện tại gia tăng trên toàn khu vực.

Trong đó, mức tăng trong các tháng mùa khô cao hơn và tăng khoảng 0,7 độ C. Kèm theo đó, lượng mưa trong giai đoạn này ở khu vực phía Tây và Tây Nam gia tăng trên 100mm so với thời kỳ trước đó. Thậm chí có trận mưa còn vượt 200mm.

Ngoài ra, hiện tượng mưa cực đoan cũng gia tăng theo, số lượng các cơn mưa lớn có xu hướng gia tăng nhanh chóng.

Triều cường tại TP.HCM năm sau cao hơn năm trước - Ảnh: DUYÊN PHAN
Triều cường tại TP.HCM năm sau cao hơn năm trước - Ảnh: DUYÊN PHAN

Về mực nước ven biển tại TP, theo kết quả phân tích, đang có xu hướng dâng lên rõ rệt. Mực nước biển dâng thêm và lượng mưa tăng do biến đổi khí hậu trong những năm gần đây làm cho tình trạng ngập lụt tại TP ngày càng trầm trọng.

Triều cường tại TP những năm gần đây cũng tăng đáng kể. Số liệu tại trạm Phú An đã xuất hiện khá nhiều đợt triều cường lớn. Cụ thể trong năm 2018, đã xuất hiện 7 đợt triều cường lớn (đỉnh triều đạt và vượt mức báo động cấp III, riêng đợt triều đầu tháng 2/2018, đỉnh triều đạt 1,71 m). Đến tháng 10/2019, đình triều phá vỡ mọi kỉ lục trước đó khi số đo thực tại trạm Phú An, TP chiều 30/9/2019 lên tới 1,77m. Triều cường dâng cao thường xuyên gây vỡ bờ bao và là mối lo ngại lớn của người dân của TP, nhất là tại quận 8 và quận 12 là hai địa bàn chịu ảnh hưởng nặng của triều cường.

Từ các số liệu thống kê về thay đổi khí hậu trong thời gian qua và thống kê các thiệt hại có thể nhận thấy khả năng dễ bị tổn thương của TP trước những biến đổi cực đoan của khí hậu.

Giải pháp nào cho TPHCM

Để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường sống tại thành phố, UBND TP đã đặt ra ba nhóm nhiệm vụ để thực hiện.

Trong đó nhóm nhiệm vụ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong giai đoạn 2021-2030, TP sẽ thực hiện 20 chương trình, dự án.

Đối với nhóm nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2020, TP sẽ thực hiện 7 chương trình, dự án. Trong giai đoạn từ năm 2021-2030, TP sẽ thực hiện 17 chương trình, dự án.

Đồng thời thực hiện nhóm nhiệm vụ chuẩn bị nguồn lực với nội dung sẽ đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế các trạm y tế phường, xã để kịp thời ứng phó với các tình huống dịch bệnh do thời tiết cực đoan hoặc các thiên tai nguy hiểm như hỏa hoạn, gió lốc...

70 cây xanh đồng loạt bật gốc, đổ trong cơn mưa dông

Theo báo Lao Động, ngày 1/11, Công ty Công viên cây xanh TPHCM cho biết, trong cơn mưa dông xảy ra vào tối ngày 31/10, có đến 70 trường hợp cây xanh bật gốc, đổ ngã. Ngoài ra, còn có 27 trường hợp cây bị gãy nhánh.

“Qua thống kê sơ bộ, công ty ghi nhận hầu hết sự cố xảy ra ở khu vực Quận 6 bao gồm khu vực đường Võ Văn Kiệt. Đánh giá nguyên nhân ban đầu, sự cố cây xanh xảy ra do luồng gió, dông lốc cục bộ đi qua, làm nhiều cây ngã đổ, nhánh gãy”- đại diện Công ty Công viên cây xanh TPHCM thông tin và cho biết, từ đầu năm đến nay chưa từng xảy ra sự cố cây xanh ngã đổ hàng loạt như thế này.

Giố lốc nhổ hàng loạt cây xanh trên đường Võ Văn Kiệt tối 31-10 . Ảnh: báo Tuổi Trẻ
Giố lốc nhổ hàng loạt cây xanh trên đường Võ Văn Kiệt tối 31-10 . Ảnh: báo Tuổi Trẻ
Một loạt cây xanh trên đường Võ Văn Kiệt đổ ngã. Ảnh: Hữu Huy - báo Lao Động
Một loạt cây xanh trên đường Võ Văn Kiệt đổ ngã. Ảnh: Hữu Huy - báo Lao Động

Trường THPT Bình Phú cho học sinh nghỉ học 2 ngày do bị tốc mái sau cơn mưa lớn

Chiều tối 1/11, ông Nguyễn Thành Trung, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP cho biết, Sở này vừa có quyết định cho phép học sinh Trường THPT Bình Phú (quận 6) tạm nghỉ học trong hai ngày là 2 và 3/11 để khắc phục sự cố tốc mái sau cơn mưa lớn vào chiều 31/10.

Sáng nay (2/11), Sở sẽ họp với Ban giám hiệu trường và UBND quận 6 để chốt các phương án khắc phục thiệt hại và tổ chức cho học sinh đi học trở lại. Trước mắt, kinh phí khắc phục sự cố sẽ lấy từ nguồn kinh phí phòng, chống thiên tai của địa phương. Ngoài ra, để ổn định tâm lý phụ huynh và học sinh, Sở GD-ĐT TP chỉ đạo nhà trường thông qua giáo viên chủ nhiệm thông tin cụ thể, đầy đủ đến từng học sinh.

Một phần mái tôn của dãy nhà B bị rơi khiến nhiều phòng học hư hỏng nặng
Một phần mái tôn của dãy nhà B bị rơi khiến nhiều phòng học hư hỏng nặng
Một phòng học bị tốc mái sau cơn mưa lớn chiều 31-10
Một phòng học bị tốc mái sau cơn mưa lớn chiều 31-10

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, sau cơn mưa lớn kèm giông lốc xảy ra vào chiều 31/10, một phần mái tôn lớn ở khu B đổ sập xuống sân trường. Đến chiều cùng ngày, toàn bộ phần mái này đã được lực lượng chức năng dọn dẹp đưa ra ngoài.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh, ngoài việc khắc phục sự cố mái ở dãy nhà khu B, nhà trường sẽ gia cố lại mái của các phòng học ở dãy nhà bên cạnh. Tuy nhiên, do bị tốc mái, kèm theo mưa lớn nên hơn 50 máy tính ở phòng máy, các thiết bị như máy chiếu, máy lạnh, quạt... của 5 phòng học ở lầu 3 dãy nhà B của trường hư hỏng nặng. Rất may là sự việc xảy ra vào chiều thứ bảy, học sinh được nghỉ học nên không có thiệt hại về người.

Tái diễn nạn chạy xe ngược chiều, bất chấp tính mạng

Bất chấp đường sá đông đúc và các quy định pháp luật, nhiều người ngang nhiên lưu thông ngược chiều trên đường, không chỉ gây cản trở giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Mặc dù pháp luật đã có nhiều quy định về việc xử phạt nhưng nhiều người vẫn chưa chấp hành nghiêm. Thông tin được phản ánh trên báo Công an TP.

Cụ thể, khi di chuyển trên một số tuyến: Nguyễn Xiển, Vành Đai (Q9)... để vào Bến xe Miền Đông mới (BXMĐM) hoặc một số khu vực gần đó, người điều khiển xe máy phải hướng ra Quốc lộ (QL) 1A, rẽ phải về ngã ba Tân Vạn hoặc vòng xuống dưới cầu Đồng Nai rồi di chuyển đến ngã ba 621. Tuy nhiên, nhiều người lại ngang nhiên chạy ngược chiều từ các tuyến Nguyễn Xiển, Vành Đai... đến thẳng BXMĐM nhằm rút ngắn khoảng 1/5 thời gian và chặng đường di chuyển, gây không ít khó khăn cho những người lưu thông xuôi chiều.

Mặc dù có đường hầm và chỗ quay đầu, nhiều người vẫn lưu thông ngược chiều trước cổng Khu chế xuất Linh Trung I
Mặc dù có đường hầm và chỗ quay đầu, nhiều người vẫn lưu thông ngược chiều trước cổng Khu chế xuất Linh Trung I

Việc chạy ngược chiều còn diễn ra phổ biến tại ngã ba Trạm Hai trước Đại học (ĐH) Nông Lâm TP (Q.Thủ Đức), nơi từ lâu đã trở thành "điểm nóng" về tai nạn giao thông. Bất chấp cảnh báo của cơ quan chức năng và quy định pháp luật, nhiều người vẫn nườm nượp nối nhau lưu thông ngược chiều, nhiều nhất là đoạn từ ngã ba Trạm Hai vào Làng ĐH Thủ Đức, dẫn đến tình trạng kẹt xe kéo dài.

Là khu vực có mật độ phương tiện qua lại đông đúc, nhưng tình trạng xe máy chạy ngược chiều ở 2 bên chân cầu vượt ngã tư Bình Phước vẫn diễn ra liên tục. Nút GT ngã tư Bình Phước nằm gần Chợ nông sản Thủ Đức và là một trong những cửa ngõ quan trọng của TP, nhưng thường xuyên ngập nước do triều cường cộng với tình trạng người lưu thông ngược chiều nên kẹt xe xảy ra thường xuyên.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên QL13 đoạn trước Công ty cân Nhơn Hòa (P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức). Theo đó, vào buổi chiều sau giờ tan tầm, hàng trăm CN công ty này và nhiều người khác ngang nhiên chạy ngược chiều trên tuyến hàng trăm mét. Nhiều lúc họ nối nhau cúp cua, tạt đầu, chạy ngược chiều sát con lươn giữa đường làm cản trở giao thông, gây ùn tắc nghiêm trọng.

Khi phụ huynh mầm non đứng lớp

Để phụ huynh tham gia đứng lớp là phương pháp dạy học được một số trường mầm non tại TPHCM áp dụng. Theo đó, phụ huynh với nhiều ngành nghề khác nhau sẽ được giáo viên mời đến chia sẻ với các em về công việc mà họ đang làm. Nội dung đăng tải trên báo Tuổi Trẻ.

Cô Nguyễn Bích Thủy, hiệu trưởng Trường mầm non Họa Mi 3 (Q.5, TP.HCM), cho biết, phụ huynh các bé làm công an sẽ có “tiết dạy” những động tác thể dục, kể cho các bé nghe về những công việc của chiến sĩ công an. Cuối buổi dạy, phụ huynh và giáo viên sẽ cùng chốt vấn đề, hoạt động trọng tâm của bài học. Việc bố, hoặc mẹ của một bạn nào đấy trong lớp tham gia giảng dạy khiến các em cảm thấy thích thú, từ đó nhớ bài dễ hơn, lâu hơn. Cô Thủy phân tích, bố mẹ các bé là người thật việc thật, khi truyền tải sẽ thú vị và dễ đạt được mục tiêu bài học hơn. Giáo viên có khi không đạt được điều này vì không chuyên sâu, không trải nghiệm, không có nhiều thời gian để chuẩn bị chỉn chu.

Phụ huynh Miller Nguyen Andrew - có con học lớp lá Trường mầm non Bé Ngoan (Q.1, TP.HCM) - đến trường dạy lớp con làm bánh pizza và các từ tiếng Anh đơn giản - Ảnh: THẢO THƯƠNG
Phụ huynh Miller Nguyen Andrew - có con học lớp lá Trường mầm non Bé Ngoan (Q.1, TP.HCM) - đến trường dạy lớp con làm bánh pizza và các từ tiếng Anh đơn giản - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Ở lớp lá 1 Trường mầm non Bé Ngoan (Q.1, TP), để giúp các em biết một số nguyên liệu làm bánh, biết kỹ năng làm việc nhà và lồng ghép một số từ vựng tiếng Anh đơn giản, cô giáo Đỗ Hoàng Phương Thảo mời anh Miller Nguyen Andrew, phụ huynh bé Miller Ma Jona đến hướng dẫn làm bánh pizza bằng tiếng Anh. Cô giáo cho biết, trước đó, phụ huynh có 2 tuần chuẩn bị, sau đó thống nhất với giáo viên để thể hiện trước lớp cho các bé xem. Đồng thời, cô cũng thông báo cho những phụ huynh khác cùng đến tham dự, học cùng con mình. Tiết học nhờ vậy mà trở nên sinh động, khiến các bé rất hứng thú.

Tương tự, một số trường mầm non ở Q.10 cũng có sáng kiến lên những tiết dạy học để vừa thay đổi không khí vừa thu hút học trò. Cô Thanh Hương, giáo viên một trường mầm non ở Q.10, cho hay, khi giới thiệu cho các bé về cảnh vật, cô sẽ mời phụ huynh là kiến trúc sư, chuyên về sân vườn, khi học vẽ sẽ có phụ huynh là họa sĩ cùng dạy, hoặc là phụ huynh am hiểu âm nhạc, người dạy ở trường nhạc sẽ vui hát, dạy nhạc cho các bé. Theo cô Hương, trước khi phụ huynh dạy, cô sẽ nêu kế hoạch và mục đích cho phụ huynh nắm rõ để đi đúng hướng.

Nhà trường không đóng kín

Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP, cho rằng việc phụ huynh đến trường tham gia dạy học là hoạt động cần thiết, nếu không mọi hoạt động của nhà trường chỉ đóng kín. Từ việc phụ huynh tham gia đứng lớp, họ sẽ có chia sẻ với trường lớp về khó khăn, về những điều trường lớp cần.

Theo bà, từng lứa tuổi có những mục tiêu phát triển riêng, con lớn lên từng ngày, cha mẹ cần nắm được hoạt động nào là chủ đạo. Vì thế, giáo viên sáng tạo ở tiết dạy, phụ huynh sát với nhà trường để xây dựng những kỹ năng cho con, để trẻ không bị chông chênh, để cuối cấp mầm non có đầy đủ kỹ năng bước vào lớp 1.

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục