|
Hình ảnh căn nhà xây không phép ở đường 42 (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) lúc chưa bị cưỡng chế, tháo dỡ. (Nguồn: báo Pháp Luật TP.Hồ Chí Minh.
|
Quận Thủ Đức rà soát sai phạm, tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trong tháng 10/2019
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 21/10, Văn phòng UBND quận Thủ Đức cho biết lãnh đạo quận này đã chỉ đạo Phòng quản lý đô thị quận rà soát hồ sơ vụ việc liên quan đến công trình xây dựng không phép của phó chủ tịch thường trực HĐND quận – ông Lê Hữu Thành và những người thân trong gia đình trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh. Cụ thể, ông Lê Hữu Thành cùng người thân có 7 công trình xây dựng không phép tại phường Hiệp Bình Chánh. Khu đất được xác định là do cha của ông Thành đứng tên, các công trình xây dựng trái phép là của cha, chị, em và của ông Thành. Thời điểm xây dựng từ năm 2015 đến 2017, tổng diện tích hơn 1.800m2 gồm nhà xe, xưởng gỗ, xưởng cơ khí; kết cấu chủ yếu là mái tôn, vách tôn, cột kèo sắt, móng bêtông cốt thép…. Được biết khu đất của gia đình ông Thành thuộc quy hoạch ga Bình Triệu.
Phạt người xả rác qua camera: Cần thêm quy định!
Hiện nay việc sử dụng camera để xử phạt người xả rác ở các địa phương trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh mỗi nơi sử dụng một kiểu. Có nơi mạnh dạn xử phạt qua camera, có nơi thì chưa dám vì luật chưa có quy định cụ thể. Do đó, để có hành lang pháp lý vững chắc và pháp luật được áp dụng thống nhất thi việc bổ sung quy định sử dụng hình ảnh làm một trong các căn cứ để xử phạt là cần thiết. Hiện nay tại Nghị định 165/2013 đã có quy định lĩnh vực môi trường cũng là một trong những lĩnh vực được phép sử dụng các thiết bị để làm công cụ hỗ trợ cho việc xử phạt vi phạm hành chính. Chính vì thế, về mặt pháp lý thì việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường nói chung và xử phạt đối với hành vi xả rác thông qua các thiết bị như camera ghi hình là không bị vướng. Tuy nhiên, về mặt thủ tục xử phạt hiện nay vẫn theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, tức là mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Một hành vi vi phạm hành chính xảy ra thì sẽ bị lập biên bản tại chỗ và được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt. Nội dung được đăng tải trên báo Pháp Luật TP.HCM.
Nhiều cây cổ thụ ở TP.Hồ Chí Minh đang dần chết
Thực trạng này xảy ra tại Công viên Văn Lang (quận 5), khi cả chục cây cổ thụ đã chết khô, chỉ còn lại những thân gỗ nứt nẻ, khẳng khiu, trơ trụi. Đáng lo hơn, hàng loạt cây khác cũng có dấu hiệu chết dần. Điều đáng nói là tình trạng cây xanh hàng chục năm tuổi chết dần chỉ xảy ra trong công viên, còn hàng cây bên ngoài, dọc các tuyến đường Hùng Vương, An Dương Vương, Ngô Gia Tự… vẫn xanh tốt và rợp bóng. Theo Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP thì đơn vị này cũng vừa nhận báo cáo đề xuất của UBND quận 5 về hướng xử lý cây chết tại Công viên Văn Lang. Trong đó, đề xuất Sở Xây dựng chấp thuận đốn hạ, di dời các cây không có khả năng phục hổi, bị chết và nguy cơ đổ ngã. Đồng thời, đang liên hệ với một số đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc bảo dưỡng cây xanh nhằm đưa ra đánh giá khách quan và có biện pháp xử lý khác. Đơn vị này cũng cho rằng từ khi thực hiện chỉnh trang lại Công viên Văn Lang, đã cùng chuyên gia cảnh báo về việc nâng nền, “bê tông hóa” có thể gây họa cho cây xanh, song những cảnh báo đó được cho là không có tác dụng. Bài viết trên báo Người Lao Động số ra ngày 22/10/2019.
Vụ chìm tàu trên sông Lòng Tàu: Thu gom được khoảng 30m3 dầu lẫn nước
Báo Vietnam Plus đưa tin: Liên quan đến vụ chìm tàu Vietsun Integrity trên sông Lòng Tàu (huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh), tối 21/10, ông Nguyễn Hải Nam - Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP.Hồ Chí Minh - cho biết công tác khắc phục sự cố chìm tàu vẫn đang được các lực lượng triển khai tích cực. Việc xử lý tràn dầu được các lực lượng chú trọng, nhanh chóng xử lý. Theo ông Nguyễn Hải Nam, các đơn vị xử lý, thu gom dầu tràn đã thu gom được khoảng 30m3 dầu lẫn nước, nằm trong phao quây xung quanh tàu bị chìm. Theo thông tin ban đầu do chủ hàng cung cấp, hàng hóa trong các container là hải sản đông lạnh, vật liệu xây dựng, gạo, cám..., không có các loại hàng hóa hóa chất gây nguy hiểm. Đến nay, các lực lượng chức năng đã cẩu 18 container lên sà lan và thu gom, cố định được 27 container trên sông. Trong khi đó, các container tại tàu VietSun Integrity hiện vẫn phải đợi xà lan có cần cẩu lớn vào mới tiến hành bốc dỡ. Thiếu tá Trịnh Hoàng Hùng - Phó Chỉ huy trưởng Biên phòng cửa khẩu Cảng Thành phố (Bộ đội Biên phòng TP), cho biết công tác trục vớt các container gặp nhiều khó khăn, bởi có những container trôi dạt ra tới ấp đảo Thiềng Liềng, cách vị trí chìm tàu khoảng 8 hải lý (khoảng 11km).
Phức tạp như bảo tồn di sản đô thị
Đó là nhan đề bài viết trên báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) nhân hội thảo do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) phối hợp cùng bảo tàng Thành phố và Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa TP tổ chức vừa qua, với chủ đề “Di sản đô thị TP.Hồ Chí Minh và Nam Bộ trong quá trình đô thị hóa: Bảo tồn để phát triển bền vững”. Theo Giám đốc Bảo tàng TP.Hồ Chí Minh Phạm Dương Mỹ Thu Huyền, di sản đô thị có giá trị lịch sử, văn hóa, giá trị tạo dựng hình ảnh và thương hiệu trong suốt quá trình hình thành, phát triển của một đô thị. Di sản đô thị còn tạo ra nơi chốn, những dấu tích và cảnh quan gắn bó, ăn sâu vào tâm thức của cộng đồng dân cư và du khách. Gắn kết di sản với phát triển đô thị sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội .Còn ThS Nguyễn Mậu Hùng, Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế cho rằng, mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế chưa bao giờ là một câu chuyện đơn giản của các đô thị. Ở Việt Nam hiện nay, các đô thị đang phải chứng kiến không ít cảnh tượng di tích lịch sử đang bị xâm lấn và chiếm dụng một cách ngang nhiên, trong khi tình trạng các di sản văn hóa bị xâm hại là không hiếm.
Hàng trăm ngàn hộ dân không chịu dùng nước sạch
Hơn 100.000 hộ dân có đồng hồ nước nhưng không sử dụng mà sử dụng nước giếng. Những người dân này sống tập trung ở các quận/huyện vùng ven như Hóc Môn, Bình Chánh, quận 12... Trong khi đó, nguồn nước ngầm bị khai thác ở mức đáng báo động, dẫn đến xâm nhập mặn gia tăng và gây sụt lún. Đó là thông tin đáng chú ý được đăng tải trên báo điện tử Dân Trí.
Theo Sở Xây dựng TP, tỷ lệ người dân TPHCM được cấp nước sạch là 100%, trong đó việc cấp nước qua đồng hồ tại nhà đạt gần 98% (hơn 1,9 triệu hộ), còn lại thông qua các giải pháp cấp nước khác như: cấp nước qua đồng hồ tổng, giải pháp tạm qua các hồ chứa tập trung và thiết bị lọc. Về tình hình sử dụng nước sạch, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn cho biết, trong các khu vực đã được phủ mạng lưới cấp nước vẫn còn một bộ phận người dân khai thác và duy trì sử dụng chủ yếu nguồn nước ngầm từ các giếng khoan. Tính riêng 6 tháng đầu, số lượng khách hàng đã có đồng hồ nước nhưng không sử dụng chiếm 9% (tương ứng 124.500 khách hàng) và 8% khách hàng có mức tiêu thụ rất ít (từ 1-4 m3/tháng). Trong đó, số lượng hộ dân không sử dụng nước tại các quận/huyện vùng ven, nơi UBND Thành phố quyết liệt chỉ đạo phát triển mạng lưới cấp nước gắn đồng hồ nước, cao hơn rất nhiều lần so với bình quân của thành phố. Đơn cử, khách hàng không sử dụng nước tại huyện Hóc Môn chiếm 26%, huyện Bình Chánh chiếm 14% và tại quận 12 là 12%. Trong tình hình vốn đầu tư còn hạn chế, việc đầu tư mạng lưới cấp nước còn nhiều khó khăn, việc người dân vẫn tiếp tục sử dụng nước giếng khi đã có đồng hồ nước gây lãng phí rất lớn, đó là chưa tính chi phí xã hội bỏ ra để khắc phục hậu quả do khai thác nước ngầm quá mức.
Cấm “hút” nước ngầm để giảm sụt lún
Thông tin trên báo Thanh Niên cho biết, UBND TP.Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Bộ Tài nguyên Môi trường (TN-MT) ngưng cấp phép khai thác, sử dụng nước ngầm trên toàn TP. Đồng thời, giao Sở TN-MT có trách nhiệm lập kế hoạch thực hiện giảm khai thác sử dụng nước dưới đất (nước ngầm), tiến đến ngừng khai thác sử dụng nước ngầm theo lộ trình, đồng thời đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch đáp ứng yêu cầu sử dụng để thay thế. Khảo sát của Sở TN-MT TP cho thấy, nhu cầu sử dụng nước ngầm không chỉ phổ biến ở khu vực ngoại thành mà trong nội thành, nhiều hộ gia đình cũng sử dụng nước ngầm từ hệ thống giếng khoan. Ðáng lưu ý, nhiều nơi dù đã phủ kín hệ thống nước máy nhưng không ít hộ dân vẫn sử dụng nước ngầm trong sinh hoạt hằng ngày. Khai thác nước ngầm tràn lan là nguyên nhân chính gây sụt lún, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng từ TP.Hồ Chí Minh cho tới các tỉnh ĐBSCL.
Nhạy bén trước nhu cầu của du khách
Thông tin trên báo Sài Gòn Giải Phóng: Theo Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, khách quốc tế đến Thành phố đạt hơn 6 triệu lượt, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng doanh thu ngành du lịch 9 tháng năm 2019 đạt 108.300 tỷ đồng, hoàn thành 72,2% kế hoạch đề ra. Chuẩn bị bước sang năm mới 2020, nhiều hãng lữ hành đang “tăng tốc” cho ra các sản phẩm du lịch ấn tượng nhằm thu hút khách. Để đa dạng hóa thu hút nguồn khách du lịch quốc tế, các hãng lữ hành sẽ tăng cường tham gia hội chợ, roadshow du lịch tại các thị trường trọng điểm. Tiêu biểu như Hội chợ ITB tại Đức, IFTM Top Resa (Pháp), MITT (Nga), UITT (Ukraine), Cruise Shipping Miami (Mỹ)... vì đây là cơ hội để đẩy mạnh hoạt động tiếp thị và quảng bá thương hiệu nói riêng, ngành du lịch Việt Nam nói chung đến các thị trường quốc tế. Song song đó là củng cố, phát triển thị trường du lịch truyền thống, trọng điểm như Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương…; mở rộng mạng lưới đối tác tại các khu vực, thị trường du lịch nhiều tiềm năng như Đông và Trung Âu, khu vực Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương, châu Phi, Nam Mỹ… Xu hướng du lịch tự túc đang ngày càng nhiều. Du khách tự tìm hiểu thông tin, tự tổ chức các chuyến du lịch, tự đặt vé máy bay, đặt trực tiếp khách sạn hoặc qua các trang web bán phòng trực tuyến. Nhìn nhận về xu hướng này, ông Trần Hùng Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.Hồ Chí Minh, cho rằng song song với lượng khách đoàn thì đối tượng khách đi lẻ cũng rất tiềm năng, mang lại nguồn thu đáng kể nếu ngành du lịch biết cách khai thác và đáp ứng nhanh chóng, nhạy bén trước sự biến đổi nhu cầu của khách hàng và thị trường.
TRUNG TÂM BÁO CHÍ THÀNH PHỐ (tổng hợp)