Hơn 56 tỷ đồng ủng hộ Quỹ 'Vì người nghèo'
Thông tin từ Báo Tin Tức, tối 21/10, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM và Đài truyền hình TP tổ chức Chương trình văn nghệ “Thành phố nghĩa tình - Kết nối yêu thương” lần thứ 20 - năm 2020.
Chương trình kêu gọi được hơn 56,5 tỷ đồng đóng góp của các đơn vị, mạnh thường quân và các tầng lớp nhân dân TP ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” để kịp thời chăm lo nhu cầu thiết thực của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, góp phần giúp người nghèo, hộ nghèo thoát nghèo bền vững và hỗ trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt.
Đây là hoạt động thường niên góp phần phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đồng thuận, hưởng ứng Chương trình “Vì người nghèo” và phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Trong những ngày vừa qua, dưới sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cùng những mất mát đau thương của đồng bào miền Trung, người dân TP một lần nữa thể hiện bản sắc, tinh thần dân tộc, sự đoàn kết và nghĩa tình qua những hành động nhỏ nhưng ấm áp tình người. Chính sự chung sức, chung lòng cứu trợ đồng bào dân tộc ấy đã tạo nên sự lan tỏa lớn, giúp mọi người gắn kết, san sẻ tình thương nhằm giảm bớt nỗi lo âu, khó khăn.
Nhiều trường giảm học phí, tặng học bổng cho sinh viên vùng lũ
Ghi nhận từ báo Pháp Luật TP, bên cạnh việc kêu gọi đóng góp, chung tay chia sẻ về tinh thần và vật chất ủng hộ đồng bào miền Trung, nhiều trường ĐH-CĐ trên địa bàn TPHCM cũng có những chính sách hỗ trợ cho chính những sinh viên đang theo học tại trường. Các em này đến từ các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng do mưa bão.
Cụ thể, chiều 21/10, Trường ĐH Ngân hàng TP đã thông báo xét học bổng “Đồng hành vượt khó, hỗ trợ sinh viên có gia đình bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt tại các tỉnh miền Trung” năm học 2020-2021. Theo đó, trường sẽ hỗ trợ 250 suất học bổng, mỗi suất một triệu đồng cho những sinh viên đang theo học hệ chính quy bậc đại học còn trong thời hạn đào tạo theo quy định. Sinh viên có cha, mẹ hoặc người giám hộ ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt. Thời gian trường nhận nộp hồ sơ đến hết ngày 5/11.
Cùng ngày, ngoài việc kêu gọi đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP cũng đã thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do chịu ảnh hưởng nặng từ lũ lụt năm nay. Theo đó, những em có gia đình nằm trong vùng chịu ảnh hưởng nặng từ lũ lụt ở các tỉnh như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế làm hồ sơ gửi về trường để được hỗ trợ. Thời gian nhận đến hết ngày 30/10.
Trường ĐH Nông Lâm TP cũng đã thống kê những tân sinh viên đến từ vùng bị bão lũ để có phương án hỗ trợ kịp thời. Năm nay, Qũy học bổng nhà trường dự kiến sẽ trao ưu tiên cho sinh viên chịu ảnh hưởng bão lụt và các sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học giỏi đầu năm học khoảng 700 triệu đồng.
Tương tự, Trường cao đẳng Quốc tế TP cũng đã có văn bản thông báo về việc hỗ trợ 50% học phí dành cho tân sinh viên các tỉnh miền Trung năm học 2020-2021. Theo nhà trường, trường muốn chia sẻ với những khó khăn, thiệt thòi của các em, không muốn học sinh, sinh viên nào của trường bị ảnh hưởng của bão lũ lụt mà phải bỏ học vì không đủ tiền đóng học phí và trang trải chi phí học tập.
Trước đó, Trường ĐH Thương mại TP cũng thông báo hỗ trợ mỗi sinh viên của trường có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế 10 triệu đồng.
UBND TP chỉ đạo chủ đầu tư giao nhà cho khách hàng
Báo Thanh Niên cho hay, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đã ký ban hành văn bản yêu cầu chủ đầu tư dự án tổ hợp nhà ở, nhà ở xã hội Tân Bình (Q.Tân Bình) hạn chót vào tháng 4/2021 phải giao nhà cho khách hàng.
Tổ hợp nhà ở, nhà ở xã hội Tân Bình (tên thương mại là Tân Bình Apartment, số 32 Hoàng Bật Đạt, P.15, Q.Tân Bình) do Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Tân Bình (Công ty Tân Bình) làm chủ đầu tư. Tổ hợp trên đã chậm bàn giao nhà cho khách hàng gần 5 năm nay và đã xây dựng lố tầng, xây dựng sai phép nhiều hạng mục.
Trước đó, theo kết luận thanh tra và chỉ đạo của UBND TP, đơn vị này đã tự khắc phục, tháo dỡ phần diện tích vi phạm, còn một số hạng mục không thể tháo dỡ vì ảnh hưởng đến an toàn của công trình, TP đã cho phép tồn tại.
Tuy nhiên, UBND TP yêu cầu Công ty Tân Bình nhanh chóng phối hợp với các sở, ngành liên quan hoàn tất pháp lý về nghĩa vụ tài chính, đầu tư xây dựng theo quy định, để tiến hành thi công hoàn thiện công trình, kể cả đường nội bộ tiếp cận công trình, bàn giao căn hộ cho khách hàng chậm nhất vào tháng 4/2021.
UBND TP cũng giao UBND quận Tân Bình và Sở Xây dựng hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra giám sát, nghiệm thu công trình và đôn đốc chủ đầu tư thực hiện đúng chỉ đạo nêu trên. Yêu cầu Công ty Tân Bình cung cấp kế hoạch, tiến độ thực hiện từng công việc, tiến độ thi công từng hạng mục công trình từ đây đến hết tháng 4/2021 để công bố cho khách hàng mua nhà tại dự án được biết theo quy định.
Sau khi Công ty Tân Bình hoàn thành dự án nhà ở xã hội nêu trên, đảm bảo các điều kiện để nghiệm thu công trình và bàn giao căn hộ cho người dân, UBND TP sẽ xem xét việc điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc đối với công trình còn lại chưa xây dựng tại dự án.
Khống chế kịp thời vụ cháy nhà xưởng ở khu công nghiệp Bình Chiểu
Báo Vietnamplus đưa tin, chiều 21/10, vụ cháy lớn đã xảy ra tại một nhà xưởng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn FUSHIM-FURNTURE, nằm trong Khu Công nghiệp Bình Chiểu, quận Thủ Đức. Gần 100 Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đã được huy động, kịp thời khống chế ngọn lửa.
Thông tin ban đầu, vụ cháy xảy ra vào đầu giờ chiều cùng ngày. Nhiều công nhân cho biết, nhà xưởng trên có diện tích rộng hàng trăm m2, chuyên sơn tự động các sản phẩm gỗ. Do gặp vật liệu dễ cháy, ngọn lửa bùng lên rất nhanh, công tác chữa cháy tại chỗ bất thành.
Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Công an TP) đã điều động các Đội Khu vực 1, 2, 3 nhanh chóng tới hiện trường, phối hợp cùng Công an quận Thủ Đức, Gò Vấp và Quận 9 triển khai công tác chữa cháy.
Đến khoảng 15 giờ, ngọn lửa đã được khống chế kịp thời, không để cháy lan.
Vụ cháy không có thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi nhiều tài sản của nhà xưởng. Hiện nguyên nhân và thiệt hại đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Gần 100% heo nhập chợ đầu mối Hóc Môn có đeo vòng nhận diện
Theo báo SGGP, ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết, hiện nay chợ có khoảng 380 sạp chính, trong đó có 110 sạp kinh doanh ngành hàng thịt heo, 270 sạp kinh doanh ngành hàng rau củ quả...
Lượng hàng nhập chợ bình quân đạt khoảng 2.500 tấn/ngày đêm. Riêng thịt heo về chợ đạt khoảng 280 tấn/ngày đêm, trái cây khoảng 420 tấn/ngày đêm. Hàng hóa nhập chợ có nguồn gốc xuất xứ trong nước chiếm khoảng 95%, hàng Trung Quốc chiếm khoảng 4%, các nước khác chỉ khoảng 1%.
Tích cực tham gia đề án "Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo", đến thời điểm này, số lượng heo nhập chợ có đeo vòng nhận diện đạt gần 100%. Thịt heo nhập chợ phải là heo tươi, được đeo vòng nhận diện, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm tra thú y đúng quy định... Tất cả các xe chở thịt, quầy sạp... luôn được vệ sinh tiêu độc khử trùng hằng ngày; các dụng cụ vệ sinh, trang thiết bị kinh doanh, chế biến của thương nhân cũng được vệ sinh hằng ngày.
Ngoài ra, chợ cũng thường xuyên phối hợp với Đội 9 (Ban ATTP TP) kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập chợ. Đây là việc làm thường xuyên trong năm để từng bước nâng cao năng lực quản lý, chất lượng sản phẩm hàng hóa kinh doanh tại chợ.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, chợ đã xử lý 13 trường hợp kinh doanh thịt heo không đảm bảo ATTP (giảm 40% so với năm 2019).
Tuy vậy, ông Lê Văn Tiển cũng phản ánh, xung quanh chợ còn nhiều điểm kinh doanh tự phát, không đảm bảo ATTP, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến uy tín của chợ. “Chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng tăng cường hỗ trợ, kiểm tra và giải quyết dứt điểm các điểm kinh doanh tự phát thuộc một số tuyến đường bao quanh chợ. Ví dụ như đường bao lô K (đường số 4), đường Nguyễn Thị Sóc”, ông Lê Văn Tiển kiến nghị.
TPHCM ra mắt Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Theo báo SGGP, ngày 21/10, Trung tâm Kiểm định Chất lượng giáo dục nghề nghiệp (VETAC) thuộc Công ty TNHH Saigon Academy chính thức ra mắt. Đây là Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp thứ 3 được Bộ LĐ-TB-XH cấp phép hoạt động, sau hai trung tâm được cấp phép vào năm 2019 tại HN và TP HCM.
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, Giám đốc VETAC cho biết cùng với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trong những năm gần đây cũng được quan tâm và đẩy mạnh việc kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo cả chương trình lẫn cơ sở đào tạo.
Muốn nói đến chất lượng thì chúng ta phải có minh chứng, thẩm định, đánh giá và chứng nhận và tất cả phải làm công khai, minh bạch theo các chuẩn mực của quốc gia và quốc tế.
VETAC hiện có đội ngũ kiểm định viên cơ hữu có nhiều chuyên môn và kinh nghiệm trong kiểm định. Đặc biệt, có nhiều chuyên gia kiểm định của ĐH Quốc gia TPHCM đã thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng của các trường đại học, nghiên cứu và giảng dạy.
Khi đi vào hoạt động, VETAC sẽ thực hiện hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp 30% kinh phí trong công tác kiểm định. Trung tâm sẽ đẩy mạnh các hoạt động như: tư vấn xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc; thự hiện đánh giá ngoài đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trình độ đào tạo; công nhận kết quả đánh giá và trao chứng nhận.
Bệnh viện Chợ Rẫy tầm soát ung thư vú miễn phí cho 1000 người
Thông tin từ báo Người Lao Động, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết từ 24/10 đến 21/11, bệnh viện sẽ phối hợp với Quỹ Hỗ trợ Bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng thực hiện chương trình tầm soát ung thư vú miễn phí cho 1000 phụ nữ từ 40 tuổi trở lên.
Theo đó, định kỳ thứ bảy mỗi tuần từ 24/10 đến 21/11, người tham gia sẽ được khám lâm sàng, tư vấn, siêu âm tuyến vú và chụp nhũ ảnh. Để đảm bảo chất lượng tầm soát, chương trình chỉ tổ chức khám cho 150 người/ ngày tại Phòng khám Tuyến vú - Lầu 1, khu D, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Người dân có thể đăng ký tham gia chương trình qua số điện thoại 1068 (nếu sử dụng mạng Viettel) hoặc 028 1068 (nếu sử dụng các mạng Mobifone, Vinaphone…). Thời gian đăng ký từ ngày 21/10 đến ngày 31/10.
Chọn thức ăn đường phố an toàn
Cứ đến giờ tan trường, nhiều tốp học sinh lại tụm lại bên các xe đẩy trước cổng trường để mua các đồ ăn sẵn như cơm chiên, cá viên, xúc xích chiên, súp cua, mì xào, trà sữa... Hầu hết đồ ăn tại các gánh hàng rong này đều được đựng trong túi ni lông, hộp xốp và được bày bán ngay trên vỉa hè hoặc lòng đường bụi bặm.
Trao đổi với báo Người Lao Động, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP, cho biết hiện TP có khoảng hơn 19.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố và hơn 24.000 người tham gia kinh doanh. TP cũng đã và đang tổ chức xây dựng nhiều mô hình bảo đảm ATTP, trong đó có mô hình thức ăn đường phố điểm. Mô hình nhằm hỗ trợ các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố cải thiện điều kiện, bảo đảm ATTP thức ăn đường phố; đã có 24 quận, huyện đăng ký 77 mô hình điểm kiểm soát điều kiện ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố.
"Để lựa chọn thức ăn đường phố an toàn, người tiêu dùng nên mua và sử dụng thức ăn đường phố tại các địa điểm bày bán sạch sẽ, cách xa nơi có rác thải, bùn lầy, cống rãnh; có bàn, giá tủ để bày bán thức ăn, đồ uống cách mặt đất ít nhất 60 cm để giảm bớt nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây hại, bụi bẩn từ mặt đất vào thực phẩm. Nên chọn những nơi bán mà người chế biến, phục vụ mặc trang phục (quần áo, tạp dề...) sạch sẽ, không nhàu nát, đeo khẩu trang, bao tay khi chế biến, phục vụ. Người tiêu dùng cần cung cấp ngay thông tin khi phát hiện nguy cơ gây mất ATTP, khai báo tình trạng ngộ độc thực phẩm với cơ quan chức năng" - lãnh đạo Ban Quản lý ATTP TP HCM khuyến cáo.
Cải thiện điều kiện bảo đảm ATTP với thức ăn đường phố
Ban Quản lý ATTP TP HCM đã ban hành Kế hoạch số 1648/KH-BQLATTP (ngày 25-8-2020) về việc bảo đảm ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố. Theo đó, ban sẽ phối hợp với UBND quận, huyện... hỗ trợ các vật dụng kinh doanh thức ăn đường phố (bao tay, tạp dề, kẹp gắp, thùng rác...); hỗ trợ bộ kiểm tra nhanh (test nhanh hàn the, formol, độ sạch dụng cụ, túi đựng test...) cho các cán bộ quản lý về ATTP quận, huyện, phường, xã, thị trấn...
Cứu hộ thành công 2 ngư dân gặp nạn trên sông Soài Rạp
Theo Vietnamplus, Thiếu tá Lê Trung Tiến, Trạm trưởng Trạm Biên phòng Cửa khẩu Cảng Hiệp Phước, Bộ đội Biên phòng TPHCM cho biết, khoảng 3 giờ sáng ngày 21/10, tổ tuần tra của Trạm Kiểm soát Biên phòng An Thới Đông trong quá trình tuần tra trên sông Soài Rạp, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ đã phát hiện và kịp thời cứu hộ thành công 2 ngư dân đang bám vào can nhựa trôi dạt trên sông.
Sau khi được cứu hộ, hai ngư dân đã được đưa về Trạm Kiểm soát Biên phòng An Thới Đông vào khoảng 5 giờ cùng ngày. Đó là ông Nguyễn Văn Hưởng (48 tuổi, trú tại Vĩnh Bình, Chợ Lách, Bến Tre) và Nguyễn Đăng Khoa (44 tuổi, trú tại Hòa Thạch, Tam Bình, Vĩnh Long).
Trước đó, khoảng 2 giờ 30 phút, tàu gỗ của hai ngư dân nói trên khi đang lưu thông từ hướng miền Tây về Thành phố, khi đến khu vực phao số 39 thuộc sông Soài Rạp, tàu đột ngột bị bục nước, chìm dần.
Sau khoảng 30 phút trôi dạt trên sông, ông Nguyễn Văn Hưởng và Nguyễn Đăng Khoa đã được các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng phát hiện và cứu hộ thành công.
Đến khoảng 8 giờ ngày 21/10, Trạm Biên phòng Cửa khẩu Cảng Hiệp Phước đã huy động 2 canô và 1 tàu cá của ngư dân đến khu vực phao 39 tìm kiếm, trục vớt và lai dắt phương tiện bị chìm vào khu vực của Trạm.
Thiếu tá Lê Trung Tiến thông tin thêm, sau khi được chăm sóc y tế, các nạn nhân đã phục hồi ổn định tâm lý, sức khỏe tốt và đã trở về gia đình theo nguyện vọng cá nhân vào chiều cùng ngày.
Phương tiện tàu gỗ của ngư dân sau khi được trục vớt cũng đã được lực lượng bộ đội Biên phòng bàn giao lại cho chủ sở hữu.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)