Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 23/10/2019

10:36 23/10/2019

Ngày 23/10/2019, trên các báo đăng tải nhiều thông tin liên quan đến TP.Hồ Chí Minh, trong đó đáng chú ý có một số thông tin, như:

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 23/10/2019 - Ảnh 1
10 giờ, trời nóng nhưng vẫn không thể thấy rõ mặt trời / Lê Phong - NLĐ
Bí thư Thành ủy TP.Hòi Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân kiểm tra đột xuất công trình không phép của "quan quận"

Báo Sài gòn giải phóng sáng nay có bài “Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thị sát đột xuất công trình không phép của "quan quận"”. Theo đó, Chiều 22/10, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, đến hiện trường kiểm tra thực địa công trình xây dựng không phép của ông Lê Hữu Thành, Phó Chủ tịch HĐND quận Thủ Đức và người thân của ông Thành.

Sau khi kiểm tra thực tế công trình, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị các thành viên trong đoàn đánh giá mức độ vi phạm cũng như việc xử lý vi phạm của địa phương đã thực hiện đúng quy định của pháp luật chưa? Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, TP.Hồ Chí Minh đang quyết liệt xử lý vi phạm xây dựng. Một người dân xây dựng không phép cũng phải xử lý nghiêm túc. Sai phạm là phải xử lý, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu tổ chức kiểm điểm sâu sắc trong Ban Thường vụ Quận ủy và báo cáo Thành ủy về về quản lý trật tự xây dựng, xử lý trách nhiệm cán bộ, đảng viên liên quan 7 công trình vi phạm xây dựng không phép. Khi kiểm điểm phải làm rõ vì sao chỉ đạo tạm ngừng cưỡng chế quá lâu, về sự thiếu quyết liệt trong xử lý; đồng thời, người vi phạm (Phó Chủ tịch HĐND quận Lê Hữu Thành - PV) cũng tự kiểm điểm về những thiếu sót của bản thân.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong: “Đừng để lúc về hưu, tự đi làm giấy tờ mới thấy dân khổ”

Cũng theo báo Sài gòn giải phóng, ngày 22/10, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh, chủ trì buổi triển khai nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội TP quý IV- năm 2019. Đánh giá chung, đồng chí Nguyễn Thành Phong thông tin, trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của thành phố chỉ đạt 7,8%. Như vậy, để đến cuối năm chỉ đạt mức tăng trưởng 8,3% - 8,5% như kế hoạch thì trong 3 tháng còn lại phải đạt mức tăng trưởng hơn 9%.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu rà soát lại công việc, bám sát kế hoạch theo chủ đề của năm (đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54). Đồng chí cảnh báo lãnh đạo các sở ngành, quận huyện phải xem lại, chấn chỉnh kịp thời chất lượng phục vụ các giao dịch thông thường giữa người dân với chính quyền, "đừng để cảnh mai mốt về hưu, tự đi làm giấy tờ mới thấy dân khổ thế nào".

Mỗi cấp chính quyền chịu trách nhiệm về một loại công trình xây dựng

Theo báo Phụ nữ cho hay, UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch liên tịch về tăng cường công tác phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Từ nay, việc kiểm tra, xử lý công trình sai phạm sẽ được phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cấp.

Việc phân công trách nhiệm này nhằm tránh tình trạng nhập nhằng trách nhiệm lâu nay. Khi xảy ra sai phạm thuộc loại công trình nào, sẽ xử lý trách nhiệm đơn vị quản lý đó.

Vì sao TP.Hồ Chí Minh lọt top 5 thành phố thưởng thức ẩm thực đường phố?

Báo Vietnamplus đưa tin: Theo báo cáo khảo sát xã hội của tạp chí CEOWORLD (Mỹ), thức ăn đường phố của Singapore đang chiếm ngôi đầu bảng thế giới. TP. Hồ Chí Minh của Việt Nam xếp vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng. Báo cáo khảo sát trên được CEOWORLD thực hiện trong suốt thời gian ba tháng, dựa trên các số liệu và ý kiến đánh giá của 92.000 công ty du lịch cùng 1.400 hãng lữ hành tại 86 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Buộc thôi việc cô giáo đánh, véo tai học sinh tiểu học

Báo điện tử của Đài tiếng nói Việt Nam (vov.vn) cho biết: Liên quan đến vụ việc cô giáo có hành vi đánh, véo tai học sinh xảy ra tại trường Tiểu học Phan Chu Trinh, UBND quận Tân Phú – TP.HCM đã ra quyết định buộc thôi việc đối với bà Nguyễn Hồng Hà, giáo viên trường Tiểu học Phan Chu Trinh (thuộc phường Phú Thạnh, quận Tân Phú) vì đã vi phạm các quy định pháp luật về Luật Giáo dục, Luật viên chức và Luật trẻ em năm 2016. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 21/10/2019.

Bầu trời TP. Hồ Chí Minh lại chuyển màu, cảnh báo ô nhiễm

Báo Người Lao động thông tin: Trưa 22/10, bầu trời tại TP. Hồ Chí Minh màu trắng đục, không thể nhìn thấy mặt trời và mọi hoạt động trên cao. Nhiều tòa nhà cao tầng bị "biến mất" bởi lớp mù.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Trung Tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP) cho biết khả năng là hiện tượng mù quang hóa. Để có kết luận chính thức, hiện đơn vị này đang kiểm tra, lấy kết quả. Theo đó, bầu trời có biểu hiện mù mịt giống đợt ô nhiễm đã diễn ra từ ngày 19 đến 23/9 vừa qua.

Trên Ứng dụng chất lượng không khí AirVisual cũng đưa cảnh báo môi trường TP Hồ Chí Minh đang có hại sức khoẻ. Chỉ số AQI đạt gần 200 và kéo dài nhiều giờ liền nên khuyến cáo đưa ra là cần phải mang khẩu trang khi ra ngoài.

TP.Hồ Chí Minh tìm cách tăng tốc cuối năm

Đó là tiêu đề bài viết trên trang 4 báo Pháp Luật TP.Hồ Chí Minh số ra hôm nay. Theo đó, tại cuộc họp triển khai các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội quý IV năm 2019, các đại biểu cho rằng tiến độ giải ngân chậm, các dự án bị vướng mặt bằng, môi trường đầu tư chưa hấp dẫn… là những vấn đề TP phải “gỡ” để tăng tốc trong ba tháng còn lại của năm. Theo ý kiến nhiều quận, huyện thì giải ngân chậm là do vấn đề thủ tục, bồi thường giải tỏa… chậm. Liên quan vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị các địa phương có tốc độ giải ngân chậm, tỉ lệ giải ngân thấp thì phân tích, có báo cáo UBND Thành phố. Từ đó, Thành phố sẽ xem các dự án giao vốn cho quận huyện có sát hay chưa, do nguyên nhân nào để TP có cơ sở xem xét việc giao vốn trong năm 2020 sát với tình hình thực tế.

Nhìn nhận về bức xúc của các quận huyện trong công tác phối hợp sở, ngành, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nói: “Có nhiều vụ việc sở này chuyển qua sở kia, sở kia chuyển tới sở nọ, đến Văn phòng UBND Thành phố rất lâu, trình lên thường trực UBND Thành phố càng không biết bao lâu. Tình trạng này cần phải sớm chấm dứt!”

Để TP. Hồ Chí Minh ngày càng xanh – sạch – đẹp

Chuyên mục Lắng nghe người dân hiến kế trên báo Người Lao Động hôm nay có bài viết “Để TP. Hồ Chí Minh ngày càng xanh - sạch - đẹp”. Nội dung bài viết là kiến nghị, đề xuất của tác giả nhằm góp phần giúp thành phố trở nên sạch đẹp hơn, cụ thể là cần phân loại rác thải một cách đồng bộ, có chế tài và phải lập đội cảnh sát môi trường - đô thị. Môi trường xanh - sạch - đẹp là tiêu chí quan trọng trong phương hướng và chiến lược xây dựng xã hội văn minh, hiện đại, có chất lượng sống ngày càng tốt hơn. Những năm qua, TP HCM đã phát động nhiều phong trào, mô hình, ra nhiều chỉ thị, quy định… nhằm giúp Thành phố ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn và cũng đã đạt một số kết quả cũng như nhận được sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân. Tuy nhiên, nhiều vấn đề liên quan đến môi trường đô thị vẫn chuyển biến chậm, cần có giải pháp khắc phục. Như việc thí điểm triển khai phân loại rác thải tại nguồn vẫn còn ì ạch, thiếu sự liên kết thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm quản lý do sự phân cấp quản lý.

Qua Hàn Quốc tổ chức lớp bồi dưỡng: “Sang” như ngành giáo dục quận Phú Nhuận !

Hết đi chia tay tại Đà Lạt đến chuẩn bị đi Hàn Quốc học tập, những chuyến đi học tập, du lịch đắt đỏ đang “làm khổ” ban giám hiệu nhiều trường tại Q.Phú Nhuận.

Tất cả những chuyến đi liên tiếp này đều do đơn vị, cá nhân ban giám hiệu các trường tự chi trả. Họ không thể “gánh” nổi khi chuyến đi sau có mức độ “sang chảnh” và đắt đỏ vượt xa chuyến đi trước. Đỉnh điểm là chuyến học tập sắp tới tại Hàn Quốc với chi phí hơn 20 triệu đồng/người đã khiến ban giám hiệu các trường lên tiếng. Thông tin trên được đăng tải trên báo Phụ nữ TP.Hồ Chí Minh.

Dân bấm bụng “bơi” trong dầu nhớt thải

Cũng trên báo Phụ nữ TP.Hồ Chí Minh có bài viết đáng chú ý về việc một con hẻm trên địa bàn quận 8 được mệnh danh là “hẻm dầu nhớt”. Sở dĩ có tên gọi này là vì cứ mỗi lần ngập nước là dầu nhớt lại chảy lênh láng trên đường, tràn vào nhà dân. Thậm chí nhiều người dân còn mang cả thùng phuy ra đường múc nhớt.

Theo người dân, “thủ phạm” gây ô nhiễm là Công ty Xe máy Hoàng Việt, vì từ khi cửa hàng xe máy này hoạt động vào năm 2018, thì dưới lòng cống bắt đầu có nhớt thải. Cứ mỗi lần ngập, người dân lại bấm bụng “bơi” trong dầu nhớt bẩn. Khổ nhất là phụ nữ, nhiều khi chạy xe máy mà trơn trượt nên ngã nhào. Mùi hôi của dầu nhớt cũng ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở đây. Điều đáng nói là không chỉ riêng khu vực này, mà ở TP.Hồ Chí Minh hiện có khoảng 70 điểm cống bị ô nhiễm. Trong đó có nhiều điểm bị ô nhiễm do xả dầu nhớt xe, hóa chất trực tiếp ra lòng cống. Ngoài ra còn có hàng chục điểm cống bị nghẽn và nghẹt do dầu mỡ động vật bị xả ra lòng cống.

Nóng ruột với nút giao thông An Phú

Từ năm 2017, TP.Hồ Chie Minh và Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư dự án nút giao thông An Phú (quận 2), thực hiện từ nguồn vốn dư ODA của dự án cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Thế nhưng hai năm qua, dự án vẫn giậm chân tại chỗ. Nhiều người quân ở quận 2 phản ánh nút giao An Phú – Mai Chí Thọ thường xuyên bị ùn tắc giao thông, đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp giải quyết tình trạng đã kéo dài quá lâu này.

TP.Hồ Chí Minh rất sốt ruột khi phải chờ đợi VEC triển khai dự án tại nút giao thông An Phú suốt hai năm qua. Giữa năm 2019, trả lời UBND Thành phố về khả năng thực hiện, Bộ Giao thoing Vận tải nêu trước đây đã thống nhất phương án đầu tư, quy mô nút giao giai đoạn hoàn chỉnh và phân kỳ đầu tư. Dự kiến Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng cho phép sử dụng nguồn vốn vay từ dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuy nhiên, dự án chưa thực hiện thủ tục đầu tư do đang trong quá trình tái cơ cấu tài chính các dự án cho VEC làm chủ đầu tư. Ngoài ra, hiệp định vay vốn cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây sẽ kết thúc vào tháng 7-2021. Do đó, việc sử dụng nguồn vốn nêu trên làm nút giao là không khả thi trong điều kiện VEC đang tái cơ cấu. Vài ngày trước, UBND TP.Hồ Chí Minh đã có đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (cơ quan chủ quản của VEC) xem xét, khẳng định có đủ khả năng sắp xếp vốn để TP.Hồ Chí Minh chủ động triển khai đầu tư dự án nút giao An Phú nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe khu vực này hay không. Thông tin trên báo Tuổi Trẻ.

Xôn xao chuỗi Nhà hàng Món Huế đóng cửa, bị tố chiếm đoạt tiền

Thông tin trên báo Thanh Niên: Sự kiện chuỗi nhà hàng Món Huế bỗng đóng cửa hàng loạt chi nhánh ở TP.Hồ Chí Minh vào hôm qua khiến mạng xã hội “dậy sóng”. Đặc biệt khi nhiều chủ cung cấp hàng đứng ra tố cáo với cơ quan công an là bị chiếm đoạt tiền tỉ. Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế là một trong những chuỗi thuộc sở hữu của Công ty TNHH chế biến thực phẩm Huy Việt Nam, cùng với các thương hiệu khác như Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy, Iki Sushi, House of Phở và Great Bánh Mì.

Chuỗi Nhà hàng Món Huế là thương hiệu lâu đời nhất và hiện có đến 45 chi nhánh tại TP.Hồ Chí Minh. Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều chi nhánh tại những địa điểm đắc địa của Nhà hàng Món Huế ở TP đã đóng cửa. Ngoài các chủ cung cấp thực phẩm tố bị nhà hàng này chiếm đoạt tài sản, thì nhiều chủ nhà cho thuê mặt bằng và không ít khách hàng đã mua thẻ thành viên cũng hoang mang trước việc ngưng hoạt động đột ngột này.

                                                                                                 TRUNG TÂM BÁO CHÍ TP. HỒ CHÍ MINH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục