Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 25/11/2019

14:43 25/11/2019

Trung tâm Báo chí TP. Hồ Chí Minh xin gửi đến Quý độc giả một số thông tin nổi bật liên quan đến Thành phố trên các Báo số ra ngày 25/11/2019:

Người dân háo hức tham gia buổi chạy bộ gây quỹ mổ tim cho trẻ em - Nguồn: báo Nhân Dân
Người dân háo hức tham gia buổi chạy bộ gây quỹ mổ tim cho trẻ em - Nguồn: báo Nhân Dân

TP. Hồ Chí Minh tìm hiểu kinh nghiệm về phát triển đô thị, chống ngập, kẹt xe ở Thái Lan
Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: Ngày 24/11, đoàn cán bộ TP. Hồ Chí Minh do đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố, dẫn đầu, bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Thái Lan và Malaysia về chống ngập nước và kẹt xe cùng một số lĩnh vực khác... Chiều tối cùng ngày, đoàn có buổi làm việc với Tập đoàn Phát triển bất động sản FRASERS (có 20 năm kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh với một số dự án nổi bật như Me Linh Point) nhằm tìm hiểu cách thức quy hoạch, vận hành; mô hình hợp tác giữa các bên trong việc xây dựng, phát triển khu đô thị thông minh, sáng tạo. Trong chuyến công tác lần này, đoàn mong muốn tìm hiểu kinh nghiệm quản lý nhà nước của Thái Lan trong quy hoạch đô thị, chống ngập và phát triển nhà ở xã hội. Đoàn đặc biệt quan tâm việc mời gọi các nhà đầu tư hợp tác với Thành phố trong lĩnh vực chỉnh trang, phát triển đô thị trên và ven kênh rạch; phát triển nhà ở xã hội. Hệ thống sông, kênh, rạch vừa là mạng lưới giao thông đường thủy, vừa đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cảnh quan đô thị cho TP. Hồ Chí Minh và giải quyết tiêu thoát nước cho Thành phố.

TP. Hồ Chí Minh: Xây dựng Trung tâm Sáng tạo Đại học Quốc gia
Thông tin này được Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nêu ra tại Hội thảo Định hướng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP. Hồ Chí Minh, do UBND Thành phố vừa tổ chức. Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, sau một năm thực hiện, Thành phố đã thấy được những ý tưởng hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố. Các phương án đề xuất được nhiều ý tưởng hay, sáng tạo, giải quyết được các vấn đề bức xúc của Thành phố hiện nay và tương lai. Thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện và phát triển đô thị trên nền tảng những đô thị đã được đầu tư có sẵn. Trong đó, sẽ tập trung vào các không gian công cộng và khuyến khích kinh tế khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời thực hiện các dự án ở nhiều cấp độ để chuyển đổi giao thông dựa trên các hành lang giao thông công cộng chính, kết nối nhanh cấp vùng, phát triển các hành lang vận tải logistic riêng biệt và sử dụng các giải pháp trên năng lượng tái tạo, không phát thải CO2. Để hiện thực hóa, Thành phố sẽ tập trung thực hiện một chương trình toàn diện trên nhiều nhóm vấn đề để đảm bảo thành công về phát triển kinh tế và quy hoạch đô thị. Trong đó, sẽ thành lập bộ phận chuyên trách, tạo ra các quy định nhằm nâng cao sự linh hoạt khi ra quyết định để hỗ trợ phát triển công nghệ cao và kinh tế tri thức. Xây dựng các công cụ để thu hút sự hưởng ứng của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu và tạo cơ hội kinh doanh. Đối với nghiên cứu giáo dục, Thành phố đang đẩy mạnh thực hiện các dự án hợp tác với các trường Đại học hàng đầu trong nước và quốc tế như ĐH Quốc gia, ĐH Fullbright, ĐH Việt Đức… Thành phố đang tiến hành xây dựng Trung tâm Sáng tạo Đại học Quốc gia bằng ngân sách kích cầu của Thành phố, để tạo nơi thu hút và môi trường làm việc cho sinh viên, doanh nghiệp trẻ. Thông tin trên báo Giáo Dục TP. Hồ Chí Minh.

TP. Hồ Chí Minh: Vinh danh 50 thầy cô đoạt giải thưởng Võ Trường Toản
Cũng liên quan lĩnh vực giáo dục, báo Người Lao Động đưa tin: Sáng 24/11, lễ trao giải thưởng nghề giáo Võ Trường Toản lần thứ 22 năm 2019 đã được tổ chức long trọng tại Nhà hát TP. Hồ Chí Minh. Đây là danh hiệu cao quý được trao cho những thầy cô và cán bộ quản lý đã có những đóng góp lớn cho ngành giáo dục Thành phố. Năm nay có 40 giáo viên và 10 cán bộ quản lý được trao tặng giải thưởng Võ Trường Toản, gồm 4 cấp học mầm non, tiểu học, THCS, THPT và giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các đơn vị trực thuộc và trường chuyên biệt... Đây là những cá nhân tiêu biểu nhất trong tổng số 85.000 giáo viên, cán bộ đang công tác trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Thanh Liêm, cho biết giáo viên chính là những kỹ sư tâm hồn, người góp phần lớn xây dựng nên những nhân cách tốt đẹp và tương lai của đất nước. Những thầy cô được vinh danh hôm nay và tất cả những thầy cô đang âm thầm ngày đêm tận tụy với nghề là những điển hình minh chứng cho sự thành công của công cuộc đổi mới ngành giáo dục - đào tạo của Thành phố. Giải thưởng Võ Trường Toản đã vinh danh 714 thầy cô trên toàn Thành phố, đây là con số khiêm tốn nhưng phần nào động viên thầy cô đã hết mình vì sự nghiệp trồng người.

Đề xuất 3 phương án tháo gỡ dự án vướng đất công tại TP. Hồ Chí Minh
Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản đề xuất 3 phương án xử lý phần đất thuộc Nhà nước quản lý trong dự án nhà ở có quỹ đát hỗn hợp (dự án có đất công), thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố. Phương án thứ nhất, HoREA đề nghị Thành phố cho phép giao phần đất rạch, bờ đất, đường do Nhà nước quản lý có hình dạng bất định hình (không thẻ xác định chỉ tiêu quy hoạch thành một dự án độc lập), nằm xen cài rải rác trong dự án nhà ở cho chủ đầu tư mà không phải thực hiện đấu giá. Phương án thứ 2, Thành phố thực hiện chuyển đổi quyền sử dụng đất rạch, bờ đất, đường thuộc Nhà nước quản lý theo cơ chế “chuyển đổi quyền sử dụng đất” và “dồn điền đổi thửa”. Cơ chế chuyển đổi được áp dụng là đổi ngang “đất thô”, các thửa đất (cũ) thuộc Nhà nước quản lý nằm rải rác trong khu vực đất dự kiến đầu tư, được dồn lại thành một thửa đất (mới) ở ranh khu vực đất để Nhà nước sử dụng hoặc bán đấu giá. Phương án 3, đối với trường hợp diện tích các phần đất rạch, bờ đất, đường nằm trong dự án nhà ở, do Nhà nước quản lý, có hình dạng xác định, Hiệp hội kiến nghị thực hiện đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án để lựa chọn chủ đầu tư. Theo đó, HeREA cho rằng, phương án 1 và 2 có thể thực hiện được ngay vì có căn cứ pháp lý. Nội dung trên báo Lao Động.

Nhiều tuyến đường xuống cấp trầm trọng
Thông tin trên báo Đại Đoàn Kết cho biết, tại thời điểm này, hạ tầng giao thông, nhất là khu vực ngoại ô TP. Hồ Chí Minh đang xuống cấp trầm trọng. Nhiều tuyến đường kết nối với các địa phương khác như Long An, Tây Ninh, Bình Dương… có hạ tầng thua kém các tỉnh này. Việc đường giao thông xuống cấp, hư hỏng ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động kinh tế, xã hội và đời sống người dân. Riêng tại huyện Bình Chánh, nhiều tuyến đường giao thông chính, quan trọng cũng đã xuống cấp. Trong đó có đường Quách Điêu, đường Phạm Văn Sáng, đường Nữ Dân Công, hay hương lộ 80… Nhiều đoạn đường thậm chí khi trời mưa thì phương tiện không thể lưu thông nổi, ảnh hưởng rất tiêu cực đến đời sống người dân. Còn các đường nhỏ hơn, đường hẻm thì gần như quanh năm ngập nước, lầy lội vô cùng. Những giờ tan tầm, ngày nào cũng có người bị té xe vì những hố lồi lõm ở mặt đường.
Điều đáng nói, ngoài một số tuyến đường xuống cấp vì khách quan, nhiều tuyến đường tuy đang nâng cấp, sửa chữa cũng gây khó khăn cho người dân. Nguyên nhân bởi thời gian thực hiện quá lâu, có khi tới vài năm trời. Mặt đường liên tục bị đào lên và nhiều lô cốt chắn ngang trong một thời gian rất dài khiến cho việc đi lại của người dân bị ảnh hưởng trầm trọng.

Tập trung các giải pháp đẩy lùi ma túy
Đó là tiêu đề bài viết trên trang nhất báo Công An TP. Hồ Chí Minh. Theo bài báo, trước tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn diễn biến phức tạp, UBND Thành phố đã tập trung tiến hành đồng bộ các giải pháp để kiềm chế, giảm sự gia tăng của tội phạm ma túy và người nghiện ma túy; đồng thời giữ vững số xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy. Phấn đấu làm chuyển hóa địa bàn ở những nơi phức tạp về ma túy, tăng số xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy. Theo đó, đối với xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy, Thành phố đặt mục tiêu giảm theo từng năm. Phấn đấu đến hết 2020, giảm 5% số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy; đồng thời giảm mức độ phức tạp của xã, phường, thị trấn trọng điểm so với giai đoạn 2012-2015. Duy trì, không để phát sinh tệ nạn đối với những xã, phường, thị trấn hiện không có tệ nạn ma túy. Phấn đấu 100% người trong nhóm nguy cơ cao được tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng, chống ma túy; ngăn chặn đà gia tăng người nghiện ma túy. Đến năm 2020, nâng tổng số xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy trên địa bàn lên hơn 50%. Hàng năm, 80% số người nghiện và sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện. bên cạnh đó, UBND Thành phố phấn đấu không để phát sinh tụ điểm phức tạp về ma túy, mỗi năm triệt xóa từ 5-10% số điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy. Phấn đấu mỗi quận, huyện xây dựng 1 mô hình điểm về phòng, chống ma túy; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; không để tồn tại hoạt động sản xuất trái phép chất ma túy.

Đường dây “xẻ thịt” đất đại học
Trang nhất báo Thanh Niên có bài viết Đường dây “xẻ thịt” đất đại học. Theo nội dung bài viết này, khu đất nằm trong quy hoạch Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (KP.6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức) đang bị nhiều người “xẻ thịt” mua bán, xây nhà không phép một cách công khai. Ngay từ cổng Trường ĐH Nông Lâm, có một quán cà phê được xây vách tường, lợp mái tôn, cột sắt, cửa sắt kiên cố. Quán này nằm ngay mặt tiền Quốc lộ 1, hoàn toàn trên đất khu quy hoạch Trường ĐH Nông Lâm, do một người đàn ông tên Đ. xây dựng trái phép gần 2 năm qua. Tiếp đó, phía sau nhà thi đấu của trường này có nhiều nhà dân và các dãy phòng trọ cho sinh viên thuê.
Con đường nhỏ từ "ao cá sinh viên" dẫn vào khu dân cư đông đúc được hình thành từ lâu với những dãy nhà trọ kéo dài, những ngôi nhà mái tôn, nhà cấp 4 san sát nhau. Khu dân cư này cũng không có số nhà, địa chỉ rõ ràng, nằm trong khu quy hoạch ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, thường được người dân gọi là “ao cá sinh viên”. Cũng trong khu “ao cá SV” còn có nhiều căn nhà đổ bê tông kiên cố cũng đang vào giai đoạn hoàn thiện. Ông P. (người dân sống tại khu “ao cá sinh viên”) nói khu này nằm trong đất quy hoạch ĐH Quốc gia nên từ lâu người dân xác định xây và ở tạm, sẵn sàng tìm chỗ mới khi dự án được triển khai. Khi được hỏi: “Vì sao lại có nhiều người xây nhà phố, nhà lầu đổ bê tông kiên cố vậy?”, ông P. nói: “Thường ở đây không ai cấp phép xây dựng cả. Dân muốn sửa nhà phải đi hỏi cán bộ như cảnh sát khu vực, trật tự đô thị để xin nhưng không phải ai cũng được cấp. Còn những ngôi nhà đang xây và đã xây xong thì họ có đường dây cả đấy nên mới tồn tại được. Sau khi xây dựng họ được cán bộ cấp cho số nhà, đồng hồ điện, nước. Liên quan đến thực trạng trên, một lãnh đạo Trường ĐH Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh xác nhận việc mua bán, xây dựng không phép tại khu đất quy hoạch trường này là có thật và “rất phức tạp”. Riêng quán cà phê ngay cổng trường từ khi mới có người tới dựng dù, nhà trường đã phát hiện và thông báo chính quyền xử lý nhưng không hiểu sao, nhiều lần trường báo cáo mà sau đó căn nhà kiên cố vẫn mọc lên và biến thành quán cà phê. Còn khu nhà phía sau nhà thi đấu của trường, lãnh đạo Trường ĐH Nông Lâm xác nhận đang có một số người lấn chiếm đất và xây dựng nhà trái phép.

15 nghìn người chạy bộ gây quỹ mổ tim bẩm sinh cho trẻ em
Ngày 24/11, tại khu đô thị Celadon (quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh), Quỹ Nhịp tim Việt Nam (thuộc VinaCapital Foundation) và Công ty Cổ phần Gamuda Land Việt Nam tổ chức chương trình chạy bộ từ thiện “Chạy vì trái tim” lần 7 năm 2019 với thông điệp “Nối nhịp tim - Vươn mầm sống”. Đây là chương trình nhằm gây quỹ mổ tim miễn phí cho trẻ bị bệnh tim bẩm sinh. Chương trình “Chạy vì trái tim” thu hút 15 nghìn người tham gia ở các đối tượng là: học sinh, sinh viên; nhân viên nhiều doanh nghiệp cũng như đông đảo các gia đình trên địa bàn thành phố... Kết thúc chương trình, ban tổ chức thông báo, những người tham gia đã quyên góp được 6 tỷ đồng để bổ sung vào quỹ Nhịp tim Việt Nam. Dự kiến số tiền này sẽ giúp cho 250 trẻ em được mổ tim miễn phí trong thời gian tới. Theo ước tính của VinaCapital Foundation, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 16 nghìn trẻ em chào đời mang dị tật tim bẩm sinh, trong đó khoảng 7.500 em cần được phẫu thuật. Nếu không được chữa trị kịp thời, hàng nghìn em bé sẽ mất đi khi chưa tròn 18 tuổi. Tùy theo tình trạng bệnh, chi phí phẫu thuật tim dao động từ 50 đến 250 triệu đồng, đây là chi phí rất lớn đối với những gia đình nghèo. Thông tin được đăng tải trên báo Nhân Dân.

Hơn 73ha rừng Cần Giờ bất ngờ… biến mất
Theo thông tin trên báo Phụ Nữ TP. Hồ Chí Minh: Rừng Cần Giờ được ví là “lá phổi xanh” của TP. Hồ Chí Minh và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, nhưng có hơn 73ha đang bị loại khỏi khu vực rừng phòng hộ một cách khó hiểu. Ngay cả những người làm trong lĩnh vực bất động sản ở Thành phố cũng tỏ ra nghi ngờ khi xuất hiện thông tin rằng xã đảo Thạnh An và một số khu vực ven đường Rừng Sác ở huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh sẽ sốt đất. “Những người loan tin giải thích, sốt đất là do nhiều diện tích đất rừng ở đây đã được đưa ra khỏi diện bảo vệ để chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Nghe cũng có lý nhưng khó tin ở chỗ, rừng Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển của thế giới, nên nếu có việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phải do Thủ tướng quyết định” - một nhà đầu tư bất động sản nói. Theo tài liệu phóng viên báo Phụ Nữ TP. Hồ Chí Minh thu thập được, nhiều diện tích rừng ở xã đảo Thạnh An hiện đã bị loại khỏi danh mục rừng phòng hộ. Cụ thể, từ năm 2016 trở về trước, rừng ở xã đảo Thạnh An luôn thuộc diện rừng phòng hộ, được bảo vệ nghiêm ngặt. Nhưng đến năm 2016, tổ kiểm kê rừng (do một lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ làm tổ trưởng) không đưa hơn 30ha rừng ở đây vào hồ sơ kiểm kê mà đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch rừng tự nhiên - phòng hộ. Trao đổi về vụ việc trên, một vị cựu lãnh đạo của Chi cục Kiểm lâm TP. Hồ Chí Minh tỏ ra khá bất ngờ: “Xã đảo Thạnh An bé xíu, diện tích chưa tới 50ha mà loại hơn 30ha rừng thì quá nguy hiểm. Đáng lẽ rừng ở đây phải được trồng thêm, đã không trồng thêm mà còn loại khỏi quy hoạch rừng phòng hộ thì rất đáng lo ngại. Theo tôi, vấn đề này nên rà soát lại, làm rõ nguyên nhân và mục đích. Việc này cần phải công khai để người dân được biết”. Ngoài xã đảo Thạnh An, có hơn 43ha rừng ở xã An Thới Đông cũng được tổ kiểm kê rừng huyện Cần Giờ đề xuất loại khỏi quy hoạch rừng phòng hộ.

Cứu hộ xe ở đường Rừng Sác, không tiền vẫn giúp
Bài viết về câu chuyện tử tế được đăng tải trên báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh hôm nay: Trong suốt 10 năm trở lại đây, hàng ngàn người dân gặp sự cố hỏng xe giữa đường Rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh) luôn nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt tình của những thành viên thuộc “Đội sửa xe lưu động” huyện Cần Giờ. Đội được thành lập ban đầu với năm thành viên, bố trí dọc trên tuyến đường từ cầu Hà Thanh lên đến bến phà Bình Khánh nhằm hỗ trợ người dân gặp sự cố hỏng xe giữa đường. Ông Nguyễn Đắc Dương, cán bộ Huyện đoàn Cần Giờ, phụ trách quản lý đội, cho biết hiện có tổng cộng năm thành viên hỗ trợ người dân trên đường Rừng Sác. Các số điện thoại từng khu vực cắm dọc tuyến đường để người dân dễ dàng tiếp cận. Trong năm 2019, đội sửa xe lưu động đã hỗ trợ 680 trường hợp. Huyện đoàn cũng vận động nhiều nguồn hỗ trợ từ Thành phố thường xuyên thăm hỏi, tặng quà vào dịp lễ, tết để kịp thời động viên anh em.

Thanh Hà (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục