TP. Hồ Chí Minh phát triển đô thị thích ứng biến đổi khí hậu
Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: Chiều 25/11, đoàn cán bộ TP. Hồ Chí Minh do đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, tiếp tục làm việc với các cơ quan Chính quyền Bangkok (Thái Lan) nhằm học hỏi kinh nghiệm chống ngập nước, chỉnh trang đô thị, phát triển du lịch…
Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Lưu Quangcho biết: Trong quy hoạch, chỉnh trang đô thị, TP. Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến chỉnh trang và phát triển đô thị trên và ven kênh rạch. Giống Thủ đô Bangkok, hệ thống sông, kênh, rạch tại TP. Hồ Chí Minh gồm 5 tuyến chính với tổng chiều dài hơn 105km, trở thành mạng lưới giao thông đường thủy, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cảnh quan đô thị cho toàn TP, và giải quyết tiêu thoát nước cho TP. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, TP. Hồ Chí Minh gặp không ít khó khăn trong công tác quy hoạch đô thị chung và chống ngập của TP thiếu tính đồng bộ; quy hoạch chưa đảm bảo tính dự báo, định hướng. TP. Hồ Chí Minh có kế hoạch thực hiện 65 dự án, di dời 23.814 căn nhà trên và ven kênh rạch. Đến nay, TP đã bồi thường, di dời 2.152 căn nhà, đạt tỷ lệ 10,76%; phấn đấu đến năm 2025 hoàn tất di dời. 2 khó khăn lớn TP gặp phải trong công tác chống ngập và chỉnh trang đô thị trên và ven kênh rạch là: giải phóng mặt bằng; thiếu vốn đầu tư…
Nhằm thực hiện những chương trình trên, TP. Hồ Chí Minh mong muốn chính quyền Bangkok chia sẻ kinh nghiệm về di dời, tái định cư cho các hộ dân sống trên và ven kênh rạch, và chống lấn chiếm bờ sông, kênh rạch; các phương án lập quy hoạch xây dựng đô thị, thiết kế đô thị xanh dọc hành lang kênh rạch, theo hướng kết nối liên tục chuỗi các không gian mở đa chức năng; cũng như kinh nghiệm thực tiễn khi thực hiện quản lý nhà nước đối với phát triển đô thị dọc hành lang kênh rạch. Phương thức huy động nguồn vốn, khung pháp lý nhằm thu hút khối tư nhân đầu tư vào các dự án chống ngập, chỉnh trang đô thị trên và ven kênh rạch và phát triển du lịch đường sông…
Vi phạm pháp luật đất đai ở TP. Hồ Chí Minh: Bát nháo phân lô bán nền trái phép
Trên số báo ra sáng nay, bài số 1 với nhan đề “Bát nháo phân lô bán nền trái phép” trong chùm 3 bài viết chủ đề "Nhức nhối vi phạm pháp luật đất đai tại TP. Hồ Chí Minh" được đăng tải trên báo điện tử vietnamplus cho biết: Trong cơn "sốt ảo" giá đất tại TP. Hồ Chí Minh, lợi dụng tâm lý hám lời, làm giàu nhanh của khách hàng, nhiều đối tượng đã lập công ty kinh doanh bất động sản, mua đất nông nghiệp, chạy giấy tờ hợp thức hóa để chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tiến hành san lấp mặt bằng, phân lô bán nền khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cho phép.
Thậm chí có trường hợp còn "vẽ" lên dự án mỹ miều trên đất công, đất quy hoạch rồi thu tiền góp vốn của khách hàng, dẫn tới khiếu nại, tố cáo, gây mất an ninh trật tự.
Vừa qua, Bộ Công an và Công an Thành phố Hồ Chí Minh lần lượt khởi tố một số vụ án liên quan đến doanh nghiệp bất động sản hoạt động trên địa bàn thành phố rao bán "dự án ma," chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Điển hình là vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba có trụ sở tại quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Về bản chất, Công ty cổ phần địa ốc Alibaba núp bóng dưới hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng thực chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn theo phương thức đa cấp (sử dụng đất nền trong dự án "ma" làm mồi nhử). Các đối tượng thu tiền đặt cọc, góp vốn của người sau để trả lãi cho người trước.
Cùng chiêu thức nói trên, bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Angel Lina (trụ sở tại quận 1, TP. Hồ Chí Minh) và Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ Đất vàng Hoàng Gia (trụ sở tại quận 7, TP. Hồ Chí Minh) đã tự vẽ dự án phân lô bán nền trên đất công, đất quy hoạch cây xanh, công trình công cộng, lừa bán cho khách hàng dưới hình thức góp vốn, thu hàng trăm tỷ đồng…
Hôm nay (26/11) sẽ cưỡng chế dự án hơn 2.500 căn hộ xây trái phép ở quận 12
Đó là thông tin trên báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh. Bài viết cho hay, căn cứ Quyết định số 5378/QĐ-CCXP ngày 23/8/2019 của Chủ tịch UBND quận 12 về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển Gia Cư (Công ty Gia Cư) tại thửa đất 147, tờ bản đồ số 65 (tài liệu 2004-2005), tổ 11, khu phố 6, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM (dự án Picity High Park); Kế hoạch số 10356/KH-UBND-ĐT ngày 7/10/2019 của UBND quận 12 về việc tổ chức thi hành các quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả của Chủ tịch UBND quận 12; Qua kiểm tra cho thấy, đến nay Công ty Gia Cư vẫn chưa chấp hành thực hiện tháo dỡ công trình vi phạm xây dựng nêu trên, dù đến nay đã quá thời hạn quy định.
Do đó, UBND phường Thạnh Xuân, quận 12 vừa có văn bản số 237/TB-UBND yêu cầu Công ty Gia Cư phải khẩn trương tự nguyện thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình trên và phải di dời toàn bộ tài sản, vật tư ra khỏi công trình, tự tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm trật tự xây dựng.
Trường hợp, Công ty Gia Cư không tự nguyện chấp hành thì ngày 26/11/2019, UBND phường Thạnh Xuân sẽ tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm theo quy định pháp luật, mọi thiệt hại và chi phí cho việc tổ chức cưỡng chế Công ty Gia Cư phải chịu.
Được biết, dự án PiCity High Park do Công ty Gia Cư (Công ty thành viên thuộc Tập đoàn Pi Group) làm chủ đầu tư. Dù dự án chưa được cấp phép đã xây dựng nhà mẫu, còn dự án chỉ là bãi đất trống nhưng hiện trên mạng đã xuất hiện rất nhiều thông tin rao bán, huy động vốn khách hàng.
Từ ngày 1/12, đậu xe không trả phí sẽ bị xử phạt hành chính
Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh đưa tin: Mới đây, UBND Thành phố đã gửi công văn khẩn tới các đơn vị có liên quan để thực hiện triển khai việc lắp đặt biển báo giao thông để xử phạt hành vi vi phạm dừng, đỗ xe ô tô trên các tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô có thu phí theo Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐND TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ sẽ triển khai lắp đặt biển báo giao thông theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2016/BGTVT trên 22 tuyến đường đang triển khai thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô theo Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐND Thành phố. Thời gian áp dụng bắt đầu từ 1/12/2019.
Cầu vượt thép ngã tư Bốn Xã 4 năm vẫn trên giấy
Cũng theo thông tin trên báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh: Mặc dù được HĐND TP. Hồ Chí Minh thông qua danh mục đầu tư năm 2013-2015 nhưng đến nay dự án cầu vượt bằng thép ngã tư Bốn Xã (quận Bình Tân) vẫn chưa triển khai. Ngã tư Bốn Xã là điểm giao cắt của sáu con đường gồm Lê Văn Quới, Bình Long, Thoại Ngọc Thầu, Phan Anh, hương lộ 2, Hòa Bình. Sáu hướng đường đều được lắp đặt trụ đèn xanh đèn đỏ. Tuy nhiên, lưu lượng người và xe qua lại tại điểm giao cắt này luôn đông đúc khiến giao thông hỗn loạn, nhất là vào giờ cao điểm. Mỗi lượt đèn xanh, các hướng xe di chuyển qua điểm giao cắt gây xung đột, chưa kể lượng xe chưa kịp qua khỏi còn vướng lại đã tạo áp lực lớn cho ngã tư Bốn Xã. Ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết ngã tư Bốn Xã là một trong những điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông trên địa bàn quận. Trước đó UBND quận Bình Tân đã kiến nghị Sở GTVT Thành phố sớm đầu tư cầu vượt thép tại ngã tư Bốn Xã nhằm giải quyết ùn tắc giao thông tại khu vực. Về lâu dài quận kiến nghị sở tổ chức giao thông theo quy hoạch được duyệt có bán kính nút vòng xoay rộng 75 m. Ông Thinh cho biết thêm quận đã phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc lập phương án và trình Sở GTVT và UBND Thành phố thẩm định, phê duyệt quy hoạch nút giao thông Bốn Xã. “Hiện nay chưa có dự án phê duyệt cụ thể và khi có phương án phê duyệt cụ thể UBND quận sẽ phối hợp thực hiện để công tác xây cầu vượt bằng thép được diễn ra nhanh chóng, xóa đi điểm ùn tắc giao thông này” - ông Thinh nói.
Nạn tín dụng đen tiếp tục biến tướng
Thời gian qua, tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận vẫn tiếp diễn tình trạng cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Hoạt động cho vay tín dụng đen giống như những chiếc vòi bạch tuộc “hút máu” người dân, làm cho họ khánh kiệt, tán gia bại sản. Đó là nội dung bài viết được đăng tải trên báo Công An TP. Hồ Chí Minh.
Đã có nhiều hình thức bẫy vay tiền và nhiều cách thức đòi nợ dã man được các đối tượng này thực hiện. Nhiều vụ việc vì không đòi được nợ, các đối tượng quay sang cướp tài sản. Thậm chí, nhiều vụ việc các đối tượng còn hành xử côn đồ, lưu manh hơn, như đập phá nhà cửa, đánh con nợ trọng thương, giam lỏng, ép viết giấy vay nợ. Đặc biệt, gần đây xảy ra nhiều vụ bẫy vay tiền qua “app” trên điện thoại. Vay “app” là mô hình vay tiền tín dụng “đen” qua ứng dụng trực tuyến. Người muốn vay chỉ cần tải ứng dụng vay tiền về điện thoại di động, đăng ký thông tin cá nhân và xác nhận muốn vay. Vài tiếng sau, tiền sẽ được chuyển tới tài khoản cá nhân của người vay. Con nợ “app” đều là người nghèo, lâm cảnh đường cùng, sau khi đã quay vòng vay từ ngân hàng chính sách đến quỹ tín dụng rồi tới tín dụng “đen”. Các đối tượng cho vay qua “app” cũng sử dụng bọn côn đồ đòi nợ thuê, dùng mọi thủ đoạn đê hèn để khủng bố tinh thần con nợ và thân nhân, thậm chí cả bạn bè, người quen, nhằm ép con nợ trả số tiền “khủng” cho chúng.
Nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm
Theo thông tin trên báo Người Lao Động, dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 đã được triển khai bước đầu và tiếp tục nhân rộng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lên kế hoạch xây dựng dự án Hệ thống trung tâm cung ứng nông sản Việt Nam hiện đại để thúc đẩy kết nối thị trường. Cùng đó là mô hình chợ ATTP cũng đang được nhân rộng tại một số địa phương. Mới đây, tại hội thảo ngày báo cáo dự án "Nghiên cứu xây dựng định hướng, cơ chế, chính sách phát triển Hệ thống trung tâm cung ứng nông sản Việt Nam hiện đại giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến 2030" ở TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết hiện cả nước phát triển được khoảng 21.000 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, hầu hết các mô hình sản xuất liên kết còn nhỏ lẻ, thiếu tính bền vững, thường xuyên phải đối mặt với tình trạng giá cả bấp bênh, được mùa, mất giá, nông sản được tiêu thụ không ổn định. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển dự án là cần thiết và phù hợp với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới. Dự án được thực hiện còn góp phần thay đổi toàn bộ chuỗi sản xuất, cung ứng và phân phối nông sản một cách hiệu quả thông qua Hệ thống trung tâm cung ứng nông sản Việt Nam hiện đại, đáp ứng được các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Với mục tiêu phát triển mạng lưới chợ truyền thống đáp ứng tiêu chí về ATTP bảo đảm sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP giai đoạn 2016-2020 đã được triển khai bước đầu và tiếp tục nhân rộng trên địa bàn Thành phố. Để triển khai thực hiện dự án, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng bộ tiêu chí, trong đó có 4 tiêu chí chủ yếu là: thực phẩm kinh doanh tại chợ, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, cơ sở vật chất kỹ thuật và hoạt động thanh tra, kiểm tra. TP. Hồ Chí Minh hiện có khoảng 240 chợ đang hoạt động, trong đó có 17 chợ loại 1, 53 chợ loại 2, 170 chợ loại 3 và có tới 96% chợ truyền thống kinh doanh thực phẩm. Trước đó, năm 2018, sau 5 năm xây dựng kế hoạch và triển khai thử nghiệm, UBND Thành phố chính thức phê duyệt dự án Mô hình thí điểm chợ ATTP. Hai chợ đầu tiên triển khai là chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và chợ Bến Thành. Đây là cơ sở để 24 quận, huyện xây dựng mô hình chợ an toàn, bảo đảm 100% hàng hóa, thực phẩm kinh doanh tại chợ phải được truy xuất nguồn gốc, góp phần giúp người tiêu dùng yên tâm với thực phẩm. Sau năm 2020 sẽ nhân rộng mô hình đến tất cả chợ truyền thống trên địa bàn thành phố.
Loạn mức xử phạt trong vi phạm hành chính
Hiện có gần 100 nghị định xử phạt vi phạm hành chính thuộc các lĩnh vực khác nhau. Nhưng đáng nói là cùng hành vi vi phạm lại chồng chéo các mức xử phạt khác nhau, dẫn đến việc áp dụng tùy tiện, lúng túng. Các hành vi vi phạm phổ biến nhất như xả rác, tiểu bậy, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác… đang có nhiều quy định xử phạt khác nhau. Người có thẩm quyền muốn áp dụng quy định nào để xử phạt cũng đúng, mức phạt cao hay thấp đều được. Điển hình là quy định xử phạt về hành vi chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Với hành vi này, nếu xử phạt theo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình (167/2013/NĐ-CP) thì có mức phạt 100.000 đến 300.000 đồng. Trong khi đó, cũng hành vi này thì mức phạt cao nhất tại nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thể thao (46/2019/NĐ-CP) lên đến 15-20 triệu đồng. Như vậy, giả sử cầu thủ trên sân bóng chửi bới, lăng mạ trọng tài thì có thể bị xử phạt theo nghị định 167 mức trung bình 200.000 đồng cũng đúng mà theo nghị định 46 lên tới 20 triệu đồng cũng đúng.
Việc với một hành vi vi phạm, muốn phạt nặng hay nhẹ theo quy định nào cũng được sẽ dẫn tới nguy cơ là việc “cưa” tiền vi phạm chênh lệch đối với người vi phạm để được xử phạt theo quy định ở mức thấp. Bên cạnh đó, có một số vi phạm phổ biến có mức phạt tiền khá thấp sẽ không đủ sức răn đe, trong khi dư luận cũng từng bức xúc hành vi vi phạm mua, bán ngoại tệ dù 1 USD hay 10.000 USD cũng có mức phạt tiền như nhau. Nội dung trên báo Tuổi Trẻ.
“Bó tay” với ô nhiễm không khí?
Nội dung trên báo Thanh Niên cho biết, suốt gần 2 tháng qua, người dân tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội liên tục trải qua những ngày chỉ số ô nhiễm không khí cao, chưa có dấu hiệu giảm. Hơn 6 giờ sáng qua (25/11), bao phủ TP. Hồ Chí Minh là lớp sương mù dày đặc. Dù dự báo thời tiết báo trời quang, có nắng nhưng bầu trời vẫn âm u như sắp có mưa. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được theo ứng dụng AirVisual lúc 6 giờ 30 phút sáng ở Thành phố là mức trung bình (màu vàng) - 141. Lúc này, tại thủ đô Hà Nội đã chạm ngưỡng màu đỏ (có hại cho sức khỏe) - 155. Chỉ chưa đầy 1 giờ sau, khi xe cộ bắt đầu đổ ra đường nhiều hơn, ô nhiễm không khí tại cả 2 thành phố tăng dần. TP. Hồ Chí Minh đã nhanh chóng tăng chỉ số AQI lên mức màu đỏ - 151, Hà Nội lên 175 vào lúc 7 giờ 42 phút . Đến khoảng 8 giờ 30 phút, mức độ ô nhiễm không khí bắt đầu tăng cao, TP. Hồ Chí Minh lên mức 160, Hà Nội chạm ngưỡng 187. Hai thành phố lớn nhất cả nước chính thức có tên trong danh sách 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, theo AirVisual. Trong đó, thủ đô Hà Nội đứng vị trí thứ 8, TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 10. Màu đỏ có hại vẫn “bám” lấy TP. Hồ Chí Minh trên ứng dụng AirVisual cho tới tận trưa và chiều, khi mặt trời đã lên cao. 15 giờ chiều, chỉ số AQI tại Thành phố vẫn ở mức 153 - có hại cho sức khỏe. TS Phùng Chí Sỹ, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nhận xét ô nhiễm không khí tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội không phải cục bộ và mang tính nhất thời do ảnh hưởng của thời tiết hay các sự cố. Chủ yếu ô nhiễm vẫn là do các nguồn phát thải nội tại chưa được kiểm soát như giao thông là nguồn phát thải chính, chiếm khoảng từ 55 - 60%. Đứng thứ 2 là các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu công nghiệp... chiếm từ 25 - 30%, còn lại 5% nguồn phát thải đến từ các hoạt động dân sinh.