Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 26/11/2020

10:34 26/11/2020

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo số ra ngày 26/11:

Hồi sinh nhiều dự án bất động sản bỏ hoang

Theo báo Pháp Luật TP, nhiều dự án bất động sản (BĐS) bỏ hoang lâu năm ở TP đang có dấu hiệu tái khởi động với nhiều động thái đến từ cơ quan chức năng, các nhà đầu tư mới. Trong đó, hoạt động mua bán, sáp nhập nhằm cứu các dự án này cũng đang được xúc tiến.

Cụ thể, đối với dự án treo hơn 20 năm, Khu đô thị Sing Việt (huyện Bình Chánh), ngày 17/11, chủ tịch UBND huyện Bình Chánh đã có văn bản trả lời cử tri, đề cập dự án sẽ được tiếp tục triển khai, thực hiện bồi thường và giải quyết hỗ trợ mua nền tái định cư cho các trường hợp đang trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp bị thu hồi.

Một công trình bỏ hoang nhiều năm khác là siêu dự án Saigon One Tower ngay trung tâm TP cũng đón nhận tín hiệu được hồi sinh vào đầu tháng 11/2020 khi một doanh nghiệp muốn đăng ký tiếp tục đầu tư.

Tòa nhà Saigon One Tower (bên phải) có thể được hồi sinh trước thông tin có doanh nghiệp muốn đăng ký đầu tư vào dự án. Ảnh: HOÀNG GIANG
Tòa nhà Saigon One Tower (bên phải) có thể được hồi sinh trước thông tin có doanh nghiệp muốn đăng ký đầu tư vào dự án. Ảnh: HOÀNG GIANG

Một dự án nữa là Diamond City nằm ở mặt tiền đại lộ Nguyễn Văn Linh giao với đường Tân Thuận Tây, phường Tân Thuận Tây, quận 7 hoang hóa suốt 10 năm nay cũng vừa được một doanh nghiệp đầu tư, đổi tên mới và nhanh chóng triển khai với sáu block cao tối đa 35 tầng, cung cấp khoảng 4.000 căn hộ ra thị trường.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP), một đơn vị phát triển và phân phối BĐS, đánh giá một trong những giải pháp chủ đầu tư có thể tính toán tới khi vực dậy một dự án BĐS là hình thức M&A, tức mua lại hoặc sáp nhập để cứu các dự án bỏ hoang. Tuy nhiên, khi M&A một dự án thì nhà đầu tư mới cần kiểm soát được tổng thể dự án, cơ cấu các thành phần tham gia và am hiểu sâu sắc về hiện trạng thị trường khu vực của dự án. Có như vậy mới đảm bảo được kết quả thành công cho thương vụ.

Về pháp lý, luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP, nhận định hiện nay với việc siết chặt các quy định có liên quan đến quy hoạch xây dựng cao tầng, các thủ tục về đầu tư xây dựng cũng như các thủ tục pháp lý khác thì M&A là cách nhanh nhất để các doanh nghiệp mở rộng quỹ đất, giúp thị trường tự tái cấu trúc.

Nếu xin dự án mới thì nhanh nhất cũng phải mất 2-5 năm, thậm chí 7 năm mới hoàn tất thủ tục để kinh doanh vận hành. Thay vào đó, việc M&A chỉ mất thời gian đàm phán, định giá và tiến hành các thủ tục pháp lý để chuyển nhượng/chuyển giao. Đây cũng là kênh có thể giúp tái cấu trúc các dự án bỏ hoang.

Hướng về biên giới, biển, đảo của Tổ quốc

Chương trình giao lưu nghệ thuật “Hướng về biên giới, biển, đảo của Tổ quốc” lần thứ 8 năm 2020 sẽ được tổ chức vào 19h30 ngày 2/12 tại Nhà hát Đài Truyền hình TP.

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP phối hợp cùng Đài Truyền hình TP (HTV) tổ chức chiều 25/11. Nội dung trên Vietnamplus.

Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Dự kiến, Chương trình nghệ thuật “Hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc” 2020 sẽ gồm các bài ca, điệu múa về biển đảo, tình yêu quê hương, đất nước. Trong chương trình, khán giả sẽ được giao lưu với một số gương điển hình của các chiến sỹ Biên phòng, lực lượng vũ trang bảo vệ biên giới, biển, đảo và những tấm gương điển hình của nhân dân TP đã dành nhiều tình cảm, tâm huyết cho biên giới, biển, đảo Tổ quốc.

Chương trình cũng kêu gọi, vận động quyên góp vào Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” của TPHCM để triển khai các nhiệm vụ trong năm 2021 như: công tác tuyên truyền sâu rộng về biên giới, biển, đảo của Tổ quốc, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; chăm lo cho cán bộ, chiến sỹ, nhân dân đang công tác, học tập, sinh sống ở vùng biên giới, huyện đảo của Tổ quốc; hỗ trợ trang thiết bị y tế cho Bệnh xá đảo Nam Yết, hỗ trợ sửa chữa Trường Tiểu học Song Tử Tây; hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng chân đế Nhà giàn DK1/10 tại Vùng 2 Hải quân; hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa đảo Thuyền Chài A; tiếp tục thực hiện công trình “Nước ngọt vùng biên"…

Trong 10 tháng năm 2020, Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” đã vận động được hơn 28,8 tỷ đồng, giúp TP triển khai nhiều hoạt động chăm lo, động viên cán bộ, chiến sỹ, các lực lượng đang làm nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ biên giới, hải đảo của Tổ quốc và nhân dân vùng biên giới, hải đảo.

Sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà ngày càng phổ biến

Đã có khoảng 30 trụ sở cơ quan hành chính, công lập trên địa bàn TP HCM lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà và được đánh giá hiệu quả, tiết kiệm chi phí như: UBND quận Phú Nhuận, quận 10, quận 8, quận 12, huyện Củ Chi, Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Nông Lâm, Trường ĐH Tôn Đức Thắng… Thông tin trên báo Người Lao Động.

Đầu năm 2017, quận Phú Nhuận xây lại trụ sở HĐND và UBND tại số 159 Nguyễn Văn Trỗi. Dịp này, quận đã dành một phần kinh phí trong tổng vốn đầu tư trụ sở để lắp hệ thống điện mặt trời trên mái nhà. Hệ thống này đạt công suất 90 KWp, bình quân mỗi ngày tạo ra 350-370 KWh điện, tức xấp xỉ 11.000 KWh/tháng, tương đương 35%-40% lượng điện tiêu thụ toàn trụ sở hàng tháng.

Tại quận 12, thực hiện chủ trương chung về tiết kiệm điện cũng như tạo môi trường xanh, UBND quận đã đầu tư lắp đặt điện năng lượng mặt trời công suất khoảng 80 KWp. Qua gần 3 năm sử dụng, hiệu quả mang lại rất cao, bình quân mỗi tháng tiết kiệm được 20 triệu đồng, tương đương 30% chi phí điện hằng tháng.

Điện mặt trời trên mái nhà đang được rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp, người dân tại TP HCM quan tâm
Điện mặt trời trên mái nhà đang được rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp, người dân tại TP HCM quan tâm

Khẳng định việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà giúp mang lại những hiệu quả thiết thực, một số đơn vị cho hay ngoài việc tiết kiệm tiền điện phải trả do giảm sử dụng từ nguồn điện lưới, việc lắp đặt các tấm pin mặt trời còn giúp làm mát tòa nhà, giảm công suất sử dụng máy lạnh và các cơ quan còn có thêm nguồn thu bổ sung từ tiền bán sản lượng điện mặt trời dư phát ngược lên lưới điện.

Theo ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM, thông tin mới đây, UBND TP HCM đã đồng ý với đề xuất của Sở Công Thương TP về việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái trụ sở công trên địa bàn TP. Theo tính toán, nguồn vốn đầu tư ban đầu dự kiến khoảng 3.000 tỉ đồng cho toàn bộ hệ thống mái của cơ quan hành chính trên địa bàn TP lắp đặt tổng công suất trên 150 MWp. Sau khi hoàn vốn, mỗi năm TP có thể tiết kiệm tới 400 tỉ đồng tiền điện. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn đang chờ quyết định chính thức của UBND TP.

Hơn 11.000 công trình đã nối lưới

Tính đến ngày 1/11/2020, trên địa bàn TPHCM đã có gần 11.281 công trình điện mặt trời mái nhà có nối lưới với tổng công suất trên 192 MWp. Ngoài ra, còn có hơn 70 công trình điện mặt trời mái nhà độc lập. Tổng công suất điện phát lên lưới trong 10 tháng đầu năm 2020 đạt gần 52 triệu KWh.

Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới mở thẻ tín dụng để chiếm đoạt tiền

Thông tin trên báo Người Lao Động, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới, tinh vi hơn của kẻ gian nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Bà Ngô Thị Thanh Tâm, Giám đốc VPBank chi nhánh Phan Huy Ích (TPHCM) thông tin, mới đây có trường hợp khách hàng đến chi nhánh thông báo bị mất tiền liên quan đến thẻ tín dụng giả.

Theo đó, kẻ gian tự xưng là nhân viên VPBank gọi mời mở thẻ tín dụng và chuyển phát theo đường bưu điện đến địa chỉ khách hàng. Nhân viên bưu điện giao thẻ và thu 1,65 triệu đồng phí bảo hiểm thẻ. Đến khi khách hàng đóng tiền xong mới biết thẻ tín dụng này không thể sử dụng được.

Một số thủ đoạn khác cũng được VPBank cảnh báo là đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng, gọi điện thông báo khách hàng được giải ngân một khoản vay và yêu cầu ra bưu điện đóng tiền bảo hiểm khoản vay và nhận bưu phẩm (gồm thẻ và một quà tặng gắn logo VPBank). Sau đó, ra ngân hàng để rút tiền từ thẻ ATM này nhưng thực tế thẻ không thể sử dụng được.

Thẻ tín dụng dỏm mạo danh VPBank gửi đến khách hàng
Thẻ tín dụng dỏm mạo danh VPBank gửi đến khách hàng

Đại diện VPBank khẳng định, ngân hàng không liên kết qua bưu điện để phát thẻ tín dụng cho khách hàng; không bao giờ yêu cầu khách hàng nhận thẻ tại các bưu điện kèm theo yêu cầu khách hàng nộp phí mở thẻ qua nhân viên bưu điện. Do đó, các cá nhân, tổ chức cần cảnh giác với điện thoại, tin nhắn, email xưng nhân viên ngân hàng tiếp thị và hướng dẫn vay vốn không rõ ràng, yêu cầu phải chuyển khoản, thu phí mở thẻ, vay vốn…

Ngân hàng Xây dựng (CB) cũng cho biết đến nay, ngân hàng này chỉ có sản phẩm thẻ CB ghi nợ nội địa (ATM) và chưa phát hành bất kỳ loại thẻ đa năng hay thẻ tín dụng ra thị trường. Tuy nhiên vừa qua, một số khách hàng nhận được cuộc gọi tự xưng nhân viên ngân hàng CB, thông báo được tặng thẻ khách hàng thân thiết, thẻ tín dụng…, rồi đóng phí 200.000 - 300.000 đồng để nhận thẻ. Đến khi mở ra mới biết thẻ dỏm, không thể sử dụng.

Trước đó, nhiều ngân hàng cũng cảnh báo về những trường hợp giả mạo cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án,… lừa đảo yêu cầu chuyển tiền. Các ngân hàng này khuyến cáo khách hàng cần cảnh giác, không chuyển tiền và cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại để tránh mất tiền oan.

Phát động thi “Coding Olympics Vietnam 2020"

Theo báo Giáo Dục và Thời Đại, ngày 25/11, Sở KH&CN TP phối hợp cùng iGroup MangoSTEEMS Việt Nam và KDI Educaiton tổ chức lễ phát động Cuộc thi “Coding Olympics Vietnam 2020-khu vực TPHCM". Đây là một trong chuỗi sự kiện lớn nhất trong năm về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của TPHCM WHISE – TECHFEST – AI4VN 2020.

Coding Olympics với mục đích nhằm phát triển nâng cao kiến thức, kĩ năng về lập trình và tư duy logic dành cho các học sinh từ lớp 3 đến lớp 6 trên toàn quốc.

Quang cảnh lễ phát động
Quang cảnh lễ phát động

Với quy mô toàn quốc, cuộc thi được chia thành 2 bảng với bảng A dành cho học sinh khối 3 – 4; bảng B cho học sinh khối 5 – 6. Các thí sinh sẽ trải qua 2 vòng thi: Chinh phục Thử thách và Đấu trường Coding.

Theo đó, các thí sinh có thể lựa chọn đăng ký thi tự do hoặc đăng ký theo từng trường trong thời gian từ ngày 25/11 tới 4/12. Vòng 1 diễn ra từ ngày 25/11/2020 đến 15/1/2021. Tiếp đó là vòng 2, từ 16/1 đến 22/1/2021. Chung kết sẽ diễn ra vào ngày 30/1/2021.

Ban Tổ chức kỳ vọng, Cuộc thi này sẽ góp phần tiếp tục nêu cao sứ mệnh đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong việc ứng dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo trong các môn Công nghệ thông tin, Toán, Khoa học & Kỹ thuật (STEM), giúp học sinh thực hành, vận dụng các kiến thức đã học tạo ra những sản phẩm và giải quyết các vấn đề thực tế trong cuộc sống.

Cuộc thi Coding Olympics Vietnam 2020 – Khu vực TPHCM là hoạt động thiết thực thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nhằm hỗ trợ các trường phổ thông triển khai thực hiện có hiệu quả giáo dục Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học (STEM) và Công văn số 3089/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT ngày 14/8/2020 về việc triển khai thực hiện giáo dục STEM trong giáo dục trung học.

Khuyến khích tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 25/11, Sở GD-ĐT TP ban hành văn bản thực hiện một số nội dung giảng dạy hoạt động trải nghiệm lớp 1 từ năm học 2020-2021.

Theo đó, các trường cần đảm bảo yêu cầu như: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp trong các môn học khác và hoạt động trải nghiệm bao gồm những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp...

Khuyến khích tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường đối với cơ sở giáo dục có đủ điều kiện nhưng cần đảm bảo mục tiêu giáo dục, an toàn cho học sinh. Ngoài ra có thể tổ chức hoạt động giáo dục ngoài nhà trường, câu lạc bộ (tự chọn) thực hiện ngoài giờ lên lớp theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Phan Đình Phùng (Quận 3, TP.HCM) - Ảnh: T.THƯƠNG
Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Phan Đình Phùng (Quận 3, TP.HCM) - Ảnh: T.THƯƠNG

Căn cứ quy mô và nội dung của từng hoạt động cụ thể, việc tổ chức hoạt động trải nghiệm, đặc biệt tổ chức ở quy mô khối lớp, trường, phải có sự tham gia, phối hợp liên kết của nhiều lực lượng giáo dục: giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách, giáo viên các môn chuyên (âm nhạc, mỹ thuật, thể chất), cha mẹ học sinh, các tổ chức chính trị xã hội...

Việc đánh giá học sinh tiểu học phải căn cứ theo Thông tư số 27 và giáo viên chủ nhiệm lớp là người chủ trì, chịu trách nhiệm chính việc đánh giá kết quả các hoạt động này.

Đồng thời, Sở GD-ĐT TP cũng khuyến khích các phòng tổ chức sinh hoạt chuyên môn cho cán bộ, giáo viên mạng lưới môn học/hoạt động giáo dục 1 lần/tháng để rút kinh nghiệm.

Nâng tuổi thọ trung bình của người dân TP lên 77 tuổi

Báo Thanh Niên cho hay, Sở Y tế TP vừa có tờ trình UBND TP xem xét, phê duyệt Đề án phát triển y tế cộng đồng thực hiện bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tại TP giai đoạn 2021 - 2030.

Đề án xây dựng với 4 mục tiêu: nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; nâng cao chất lượng phòng chống dịch bệnh; nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân để chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật; thực hiện quản lý, chăm sóc sức khỏe liên tục, lâu dài tại y tế tuyến cơ sở để góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Theo chỉ tiêu đề ra, đến năm 2025 tuổi thọ trung bình của người dân TP là 76,8 tuổi, đến năm 2030 là 77 tuổi (hiện là 76,2 tuổi); nâng cao mức sinh từ 1,33 con/bà mẹ tuổi sinh đẻ lên 1,4 vào năm 2025 và 1,6 vào năm 2030; giảm chênh lệch giới tính xuống dưới 107 trẻ trai/100 trẻ gái (hiện là 108,3/100)...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục