Cấm xe nhiều tuyến đường trung tâm TP. Hồ Chí Minh phục vụ Giải Marathon Quốc tế
Thông tin từ báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh, Ngày 26/11, Sở Giao thông vận tải TP.HCM thông báo, từ ngày 7 - 8/12, các tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (đoạn hướng từ đường Nguyễn Hữu Cảnh đến Nguyễn Thị Minh Khai), đường Lê Duẩn (đoạn hướng từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đến đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1) sẽ cấm tất cả các loại phương tiện lưu thông.
Cụ thể, từ 4 giờ - 9 giờ ngày 8/12, cấm tất cả các loại xe lưu thông trên đường Lê Duẩn (đoạn từ đường Đinh Tiên Hoàng đến đường Công Xã Paris), đường Phạm Ngọc Thạch (đoạn từ Lê Duẩn đến Công trường Quốc tế), đường Võ Văn Tần (đoạn từ Công trường Quốc tế đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa), đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đoạn từ Võ Văn Tần đến Lê Duẩn), đường Lê Duẩn (đoạn từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Công Xã Paris), Công xã Paris, đường Đồng Khởi (từ đầu tuyến đến đường Tôn Đức Thắng), đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ đường Nguyễn Hữu Cảnh đến cầu Khánh Hội).
Cũng trong thời gian này, hạn chế xe 2-3 bánh lưu thông trên phần đường hỗn hợp đường Võ Văn Kiệt (đoạn từ đường Cao Văn Lầu đến đường Tôn Đức Thắng) theo hướng lưu thông từ Quốc lộ 1 về quận 1.
Xe 2-3 bánh lưu thông vào 1 làn đường dành cho ôtô trên đường Võ Văn Kiệt (làn đường sát dải phân cách biên). Hạn chế tất cả các loại xe lưu thông lên cầu Calmette.
Mức sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh thấp và liên tục giảm
Đó là nội dung được đăng tải trên báo điện tử Vietnamplus. Theo bài viết, mức sinh tại TP. Hồ Chí Minh đang ở mức thấp và trong 20 năm qua có xu hướng liên tục giảm, đang là thách thức lớn cho sự phát triển bền vững của thành phố và đất nước trong tương lai; cần có những chính sách đồng bộ giải quyết tình trạng trên, đảm bảo cơ cấu, chất lượng dân số cho quá trình phát triển.
Tại Hội thảo “Vấn đề mức sinh thấp tại Thành phố Hồ Chí Minh: Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp,” do Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 26/11, bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cách đây chục năm, phong trào sinh đẻ có kế hoạch được thành phố cũng như cả nước thực hiện sôi nổi và có hiệu quả, qua đó giải quyết được vấn đề kiểm soát quy mô dân số, nâng chất lượng dân số. Tuổi thọ trung bình cũng như các chỉ số chăm sóc sức khỏe người dân của thành phố đều được nâng lên.
Tuy nhiên, nếu mức sinh của cả nước trong khoảng 20 năm qua dao động ở mức trên 2, thì riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, mức cao nhất là 1,76, còn trong 5 năm gần đây ở mức 1,3-1,4. So với mức sinh thay thế 2,1 con, mức sinh của thành phố hiện nay khá thấp. Đây là vấn đề mà thành phố đang rất quan tâm để tìm ra giải pháp hiệu quả nhằm tăng mức sinh, ít nhất bằng mức sinh thay thế, bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển bền vững của thành phố và đất nước.
Thành phố Hồ Chí Minh đang được xếp trong nhóm 17 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Điều này tác động mạnh đến cơ cấu dân số thành phố trong tương lai, tỷ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, trong khi tỷ lệ người cao tuổi ngày càng cao, làm gia tăng tốc độ già hóa dân số tại thành phố.
Phân tích cụ thể về nguyên nhân dẫn đến mức sinh thấp, các đại biểu cho rằng, áp lực của cuộc sống và công việc khiến xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con và không muốn sinh con ngày càng gia tăng. Việc nuôi dạy, chăm sóc con cái hiện cần nhiều chi phí dẫn đến tâm lý sợ tốn kém nên nhu cầu sinh con giảm. Mặt khác, tốc độ đô thị hóa nhanh và phát triển kinh tế cũng dẫn đến áp lực cho các gia đình trong tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt...
Trình độ học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ, thích dịch chuyển cũng có tác động nhất định đến mức sinh thấp. Tình trạng phá thai, tỷ lệ vô sinh có xu hướng gia tăng cũng tác động đến việc nhiều gia đình không thể sinh con…
Để giải quyết tình trạng trên, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thành phố đề xuất Sở Y tế trực tiếp tham mưu Ủy ban Nhân dân trình Hội đồng Nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết về chính sách Dân số và Phát triển tại thành phố giai đoạn 2021-2025, trong đó có chính sách ưu tiên giải quyết tình trạng mức sinh thấp, nâng cao chất lượng dân số.
Cụ thể, hỗ trợ miễn, giảm toàn bộ chi phí viện phí trong lần sinh con thứ hai đối với các trường hợp có hộ khẩu thường trú tại thành phố; cung cấp các gói ưu tiên hỗ trợ vay, mua hoặc thuê nhà xã hội đối với các cặp vợ chồng đã sinh đủ hai con, có hộ khẩu thường trú tại thành phố; miễn, giảm chi phí giáo dục cho trẻ dưới 10 tuổi; tăng cường truyền thông, vận động người dân thành phố thực hiện thông điệp “Mỗi gia đình nên sinh đủ hai con”…
TP. Hồ Chí Minh tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp Thái Lan đầu tư
Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: Ngày 26/11, tại Thái Lan, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh và Hội đồng doanh nghiệp Thái Lan phối hợp tổ chức hội thảo kết nối doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh và doanh nghiệp Thái Lan.
Thông qua hội thảo này, DN hai nước mong muốn được kết nối, tạo cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam cũng như tại Thái Lan về các lĩnh vực như công nghệ, bất động sản, logistics, thương mại dịch vụ, kênh phân phối thương mại điện tử, sản xuất các mặt hàng mà hai bên có nhu cầu… Đặc biệt, đưa hàng hóa tiêu thụ tại hai nước. Xây dựng dựng kênh thông tin điện tử nhằm cung cấp, chia sẻ thông tin DN giữa hai nước.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hội thảo là cơ hội kết nối giao lưu giữa các doanh nghiệp, thiết lập cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh. Đẩy mạnh hợp tác Việt Nam - Thái Lan thông qua các triển lãm hàng đầu tại Thái Lan.
Theo đồng chí Phó Bí thư, về thương mại, riêng TP. Hồ Chí Minh, kim ngạch thương mại với Thái Lan trong năm 2018 đạt 3,155 tỷ USD, tăng 1,1% so năm 2017, và chiếm hơn 18% của cả nước.
Về đầu tư, Thái Lan là nhà đầu tư lớn thứ 12 tại TP. Hồ Chí Minh, với 203 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt 426,5 triệu USD. Trong 10 tháng đầu năm nay, có 15 dự án của Thái Lan được cấp phép đầu tư vào TP, với tổng số vốn đầu tư đạt gần 1,7 triệu USD.
Tại hội thảo này, có 10 doanh nghiệp là các tổng công ty lớn của TP. Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong các lĩnh vực như công nghệ, bất động sản, logistics, thương mại dịch vụ, kênh phân phối thương mại điện tử, sản xuất… đang có nhu cầu tìm kiếm đối tác kỉnh doanh tại Thái Lan. Đồng chí Trần Lưu Quang hy vọng thông qua hội thảo này, DN hai bên tạo cơ hội hợp tác, qua đó thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa TP. Hồ Chí Minh và Thái Lan.
Đất bỏ hoang, nông nghiệp vẫn khó mở rộng
Báo Đại Đoàn Kết đưa tin: Ngày 26/11, UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên Hội Nông dân Thành phố. Tại buổi đối thoại, Ban Chấp hành Hội Nông dân Thành phố đã nêu ra nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp hiện nay, đặc biệt là vấn đề đất nông nghiệp ngày càng giảm.
Theo bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hồ Chí Minh, Thành phố có 114.580 ha đất nông nghiệp chiếm 54,68% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp là 66.001,8ha, đất lâm nghiệp là 35.684,6ha, đất nuôi trồng thủy sản 10.798,5ha, đất làm muối 1.708,9 ha và 386,2ha đất nông nghiệp khác. Hàng năm diện tích đất nông nghiệp giảm trên 500ha để phục vụ quá trình đô thị hóa. Trong đó, nhiều diện tích quy hoạch treo, bỏ hoang hóa nhiều năm liền trong khi nông dân lại không có đất sản xuất. Hiện trên địa bàn huyện Hóc Môn, diện tích đất nông nghiệp do Nhà nước quản lý còn bỏ hoang rất nhiều, gây lãng phí, trong khi đó nhu cầu đất sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã và nông dân là rất lớn.
Bà Nguyễn Thị Bạch Mai khẳng định, đất sản xuất nông nghiệp tiếp tục giảm do quá trình đô thị hóa ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Một số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, muốn mở rộng quy mô sản xuất nhưng khó khăn trong việc tích tụ và tập trung ruộng đất. Đặc biệt, nông dân có nhu cầu thuê đất nông nghiệp do các cơ quan, doanh nghiệp của thành phố quản lý để đầu tư phát triển sản xuất quy mô hàng hóa lớn và xuất khẩu nhưng chưa được quan tâm hỗ trợ. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân đang có nhu cầu xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do vướng quy định chỉ được xây dựng các công trình trên đối với “đất nông nghiệp khác” nên các công trình phụ trợ này chưa được cấp phép xây dựng.
Thật tiếc khi TP. Hồ Chí Minh chưa khai thác được tiềm năng du lịch di sản
Báo Phụ Nữ TP. Hồ Chí Minh có bài phỏng vấn thạc sĩ Phan Minh Châu – khoa Quản trị du lịch nhà hàng khách sạn, Trường đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (Hutech) về tiềm năng du lịch di sản. Theo thạc sĩ Châu, di sản của TP. Hồ Chí Minh hiện rất nhiều, trong đó, phải kể đến di sản về kiến trúc. Có nhiều công trình mang kiến trúc của người Pháp, Hoa kiều, các công trình nhà thờ, thánh đường, chùa chiền, miếu đình đẹp. Ngoài giá trị văn hóa, đây còn là tài nguyên du lịch để Thành phố phát triển. Tuy nhiên, đến nay, số lượng di sản được khai thác để làm du lịch không nhiều. Hiện chỉ có chương trình tham quan Nhà thờ Đức bà, Dinh Độc Lập hay miếu Thiên Hậu. Đa phần du khách khi đến cũng chỉ chụp hình, nghe giới thiệu loáng thoáng, còn để tìm hiểu những giá trị sâu bên trong thì chưa. Trong khi đó, TP. Hồ Chí Minh dư sức tổ chức các show tái hiện lịch sử hình thành nhạc cụ truyền thống, đờn ca tài tử Nam bộ ngay tại điểm tham quan tương ứng nhằm tăng giá trị di sản, hoặc show biểu diễn những điệu múa truyền thống kèm văn hóa ẩm thực cho du khách thưởng lãm. Thạc sĩ Châu gợi ý giải pháp để phát triển du lịch di sản khi lĩnh vực này còn liên quan đến cộng đồng địa phương: Phải thực hiện cho được mối liên kết giữa ba bên, đó là vừa tạo ra giá trị cho người địa phương; UBND quận huyện phải cho người dân sở hữu di sản biết được giá trị khu vực của mình, trích lợi nhuận cho họ; chính quyền Thành phố nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch và doanh nghiệp hợp tác quảng bá, đồng thời trích lợi nhuận từ giá tour trở lại cho địa phương thực hiện nghĩa vụ với dân cư và phục vụ bảo tồn.
Nhóm bạn trẻ muốn sản xuất hơn 500 loại bột rau xuất khẩu
Cũng trên báo Phụ Nữ TP. Hồ Chí Minh: Dự án bột rau sấy lạnh của Ngọc Hương và cộng sự được hội đồng giám khảo cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn 2019” đánh giá cao ở chỗ, biết sử dụng nguồn nguyên liệu của quê hương mình, cộng với ứng dụng công nghệ trong chế biến, trồng trọt, làm gia tăng giá trị nguồn tài nguyên quê hương. Đặc biệt, dự án đã được hiện thực hóa, sản xuất ra sản phẩm, có tính thương mại cao. Với lô hàng bột rau má đầu tiên xuất được sang Hà Lan là động lực để nhóm bạn trẻ này hướng đến nhiều sản phẩm bột rau khác, ấp ủ sản xuất bột rau từ hơn 500 loại rau gia vị, rau ăn lá của Việt Nam vì đánh giá được tiềm năng thị trường, do người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe, ưu tiên tiêu dùng sản phẩm thiên nhiên, an toàn và tốt cho sức khỏe. Những người bận rộn, ít có thời gian ăn đủ lượng rau trong ngày rất cần sản phẩm nhanh, tiện lợi dạng này.
Bảng tuần hoàn hóa học “cách điệu”
Thiết kế bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học bằng trò chơi game, kết nối công nghệ 4.0…, đó là những sáng tạo được học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) đưa ra nhằm mang bộ môn hóa đến gần hơn với cuộc sống. Cách học thú vị này được 5 học sinh lớp 11 trong trường xây dựng, triển khai thông qua đề tài “ELA board game”. Ý tưởng được nhóm lên từ trò chơi bài UNO phổ biến trong giới học sinh, với mong muốn biến việc học hóa của học sinh THPT cũng… dễ dàng như chơi game. “Vẫn là những quân bài, tuy nhiên, nếu trò chơi nguyên bản được chơi theo nguyên lý cùng số cùng màu thì trò chơi ELA board sẽ chơi theo nguyên lý cùng chu kỳ, cùng nhóm nguyên tố trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Trò chơi bao gồm 128 lá bài, trong đó 90 lá là các nguyên tố hóa học, 38 lá còn lại là các lá chức năng. Các lá chức năng sẽ cho phép người chơi đặt câu hỏi tùy theo đối tượng học sinh. Khi tham gia trò chơi, người chơi sẽ được ôn lại những kiến thức về số hiệu nguyên tử, khối lượng nguyên tử, cấu hình electron”, Phạm Nhật Phi (học lớp 11A3, trưởng nhóm) chia sẻ. Theo các thành viên trong nhóm, bằng trò chơi này, các em hy vọng sẽ tạo sự “cách tân” trong việc tiếp cận bảng hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hóa học, những kiến thức hóa học đến một cách tự nhiên, không khiên cưỡng.
Vẫn là bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học, song nhóm của Lê Duy Thức (học lớp 11A6) lại sáng tạo ra cách học hoàn toàn mới, kết nối với công nghệ 4.0 thông qua đề tài “Cẩm nang Bảng tuần hoàn 4.0”. Với đề tài này, các em học sinh hy vọng sẽ giúp thay đổi quan niệm, góc nhìn về môn hóa, lan tỏa những ứng dụng của hóa học đến các bạn học sinh khác. Nội dung trên được báo Giáo Dục TP. Hồ Chí Minh đăng tải.
Phát hiện một nhà hàng lớn xây trái phép ở Bình Chánh
Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh cho hay: Thanh tra Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh mới đây đã phát hiện công trình xây dựng nhà hàng, karaoke, cà phê Sài Gòn Cosy tại xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh xây dựng nhiều hạng mục sai phép, sử dụng đất không đúng mục đích, quy mô lớn. Tổ hợp vi phạm có đến 15 hạng mục không có giấy phép và bên trong khuôn viên còn có một công trình khác xây sai phép, tổng diện tích vi phạm lên đến hơn 1.109 m2. Công trình nằm ngay ngã ba đường, có nhiều phân khu như khu cà phê hai tầng phía mặt tiền, mái che khung sắt kiên cố, phía trong là các hạng mục khác như khu giải trí quanh ao cá nhỏ, hồ bơi đang bị che chắn lại. Cụ thể, để làm sàn phục vụ cà phê, chủ quán Sài Gòn Cosy đã xây dựng không có giấy phép ba hạng mục gần 320 m2 gồm mái thép, cột sắt, vách kính, gạch… Hạng mục thứ tư là xây không phép với diện tích 85 m2 quy mô trệt, kết cấu cột sắt, vách gạch và kính, mái kính và tôn. Các hạng mục vi phạm còn lại xây không phép với nhiều diện tích, kết cấu khác nhau từ 15,68 m2 đến 96 m2. Trong đó có một mục là hồ bơi không phép rộng 78 m2. Hiện hồ bơi này đang được che lại, công nhân tại đây cho biết sẽ cải tạo hồ bơi thành bể chứa nước phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, theo báo cáo của UBND huyện Bình Chánh, qua kiểm tra sơ bộ hiện trạng công trình xây dựng của ông Huỳnh Văn Yến (nằm trong khuôn viên tổ hợp này) thì ông Yến đã xây dựng sai phép, tăng diện tích tầng bán hầm, lửng, bố trí thêm buồng cầu thang máy trên sân thượng, xây dựng thành phòng tại vị trí ban công và phát sinh tăng thêm diện tích tầng trệt. Thanh tra Sở Xây dựng đã nhanh chóng có văn bản nghiêm khắc phê bình lãnh đạo đội thanh tra địa bàn huyện Bình Chánh trong việc báo cáo kết quả kiểm tra hiện trạng không đúng với hiện trạng thực tế công trình xây dựng tại tổ hợp Sài Gòn Cosy. Đồng thời đề nghị lãnh đạo đội và đội viên thanh tra địa bàn huyện Bình Chánh phụ trách địa bàn xã Bình Chánh báo cáo giải trình liên quan đến quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm của đơn vị. Thanh tra Sở Xây dựng cũng đề nghị UBND huyện Bình Chánh chỉ đạo UBND xã Bình Chánh khẩn trương kiểm tra, xác minh, lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với công trình nêu trên và tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cán bộ có liên quan vì đã không xử lý công trình vi phạm, để công trình sai phạm có quy mô lớn được đưa vào sử dụng.
Đẩy nhanh công nghệ số trong khách sạn để tối ưu hóa tiện ích cho khách lưu trú
Sáng 26/11, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị cung ứng phần mềm tổ chức hội nghị “Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số tại các khách sạn trên địa bàn TPHCM”. Hội nghị là nơi gặp gỡ giữa các doanh nghiệp khách sạn, doanh nghiệp vận hành công nghệ thông tin để chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm về cách quản lý cũng như kinh doanh khách sạn có hiệu quả nhất trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ở phương diện chức năng quản lý nhà nước về du lịch, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, việc ứng dụng công nghệ số hiện nay ở các khách sạn trên địa bàn TPHCM còn thấp, mờ nhạt, nhất là rơi vào hạng khách sạn 1 - 3 sao. Chính vì vậy, ngay lúc này việc các đơn vị cung ứng các giải pháp phần cứng, phần mềm cho các khách sạn để ứng dụng, phục vụ tối ưu hóa các tiện ích cho khách lưu trú là cấp bách, cần phải được đẩy nhanh.
Các khách sạn ứng dụng công nghệ số cho việc quản lý và kinh doanh sẽ giúp nâng cao chất lượng phục vụ khách lưu trú, duy trì được số lượng khách trung thành khi được trải nghiệm các dịch vụ tiện ích và nhanh chóng thông qua các ứng dụng phần mềm trực tuyến.
Hiện nay các khách sạn trên địa bàn TPHCM đã bắt đầu manh nha, từng bước ứng dụng các giải pháp công nghệ số như: ezCloud Toàn cầu, CMC Telecom, Hotel Helper, Conera, Gotadi, Neolock, Runsystem,… để giúp nâng tầm trải nghiệm cho khách lưu trú.
Hội nghị lần này mong muốn các khách sạn nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và kinh doanh để tăng tính chuyên nghiệp lên, năng cao năng lực cạnh tranh. Thông tin từ báo Sài Gòn Giải Phóng.