Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 28/10/2019

10:41 28/10/2019

Như thường lệ, Trung tâm Báo chí xin gửi đến Quý độc giả một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 28/10/2019:

Diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại đường hầm sông Sài Gòn/ PHẠM MINH - HOÀNG HÙNG - SGGP
Diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại đường hầm sông Sài Gòn/ PHẠM MINH - HOÀNG HÙNG - SGGP
TP Hồ Chí Minh đề xuất rà soát lại quy hoạch thủy lợi chống ngập úng

Báo Vietnamplus đưa tin: Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố tiến hành nghiên cứu, rà soát tổng thể quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP. Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở rà soát, thành phố đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình, đảm bảo kết nối đồng bộ với quy hoạch tổng thể tiêu thoát nước nhằm khép kín toàn bộ hệ thống thoát nước, phát huy hiệu quả trong việc phòng, chống ngập úng cho Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng hiện tại và trong tương lai.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong 3 năm gần đây, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện hơn 20 lần đỉnh triều đạt và vượt mức báo động cấp 3 (1,5m); trong đó, đợt triều cường đầu tháng 10/2019 vừa qua, đỉnh triều trên hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai đã lập mức đỉnh lịch sử mới là 1,77m (vượt mức báo động 3 là 0,27m). Cùng với đó, hiện tượng sụt lún mặt đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, có nơi sụt lún tới hàng chục cm.

Khởi tố 9 người vì sai phạm trong đấu thầu, thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Trong thông cáo vừa phát đi, Bộ Công an cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang điều tra vụ án: Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng Công ty Cửu Long và các đơn vị có liên quan trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương. Ngày 24/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét 9 bị can; ra lệnh bắt tạm giam 6 bị can. Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các quyết định và lệnh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định và lệnh nêu trên đúng quy định pháp luật.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước. Thông tin được đăng tải trên vietnamnet.vn.

TP. Hồ Chí Minh điều chỉnh giá nước sinh hoạt tăng 5-7%

Đó là nhan đề trên báo Phụ Nữ TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, đơn giá nước sạch sinh hoạt vừa được UBND TP. Hồ Chí Minh quyết định ban hành và áp dụng trên địa bàn thành phố cho lộ trình 2019-2022. Theo đó, giá nước sạch sinh hoạt được điều chỉnh theo lộ trình.

Cụ thể, từ 15/11 tới, giá nước mới sẽ được áp dụng với mức tăng hơn 5,6% so với mức giá hiện tại. Từ 5.300 đồng/m3 lên 5.600 đồng/m3 đối với hộ dân cư. Mức giá này được áp dụng với định mức đến 4m3/người/tháng. Giá bán nước sạch sinh hoạt của TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng lên 6.000 đồng, 6.300 đồng và 6.700 đồng mỗi mét khối vào các năm sau.

Thành phố sẽ vẫn giữ nguyên 5.300 đồng/m3 đối với hộ nghèo trong năm nay và sẽ tăng từ năm sau với mức 5.600, 6.000 và 6.300 đồng/m3. Định mức 4-6m3/người/tháng, giá nước sẽ cao dần trong 4 năm tới sẽ là các mức 10.800 đồng, 11.800 đồng, 12.100 đồng và 12.900 đồng cho mỗi mét khối. Trường hợp trên 6m3, mức giá nước tương ứng là: 12.100 đồng, 12.800 đồng, 13.600 đồng và 14.400 đồng mỗi mét khối...

Nước ngầm tại TP. Hồ Chí Minh đang bị khai thác ở mức báo động

Báo Vov.vn cho hay, người dân ở TP. Hồ Chí Minh đang sử dụng song song hai nguồn nước máy và nguồn nước ngầm, việc khai thác này không chỉ diễn ra trong các hộ gia đình, mà nó tại ở các hộ kinh doanh và trong các khu công nghiệp.

Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, hiện nay, trên địa bàn có khoảng 100.000 giếng khoan khai thác nước ngầm với đường kính và độ sâu khác nhau. Tổng khối lượng nước ngầm đang được khai thác là gần 717.000 mét khối mỗi ngày. Trong đó, lượng nước ngầm được khai thác trong các hộ gia đình cao nhất là gần 356.000 mét khối mỗi ngày; tiếp đến là các cơ sở kinh doanh không nằm trong khu chế xuất- khu công nghiệp với gần 173.000 mét khối. Thấp nhất là lượng nước ngầm sử dụng trong khu chế xuất - khu công nghiệp với hơn 58.000 mét khối mỗi ngày.

Cảnh báo tình trạng lái xe sử dụng rượu bia

Báo Sài Gòn giải phóng thông tin: Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông (ATGT) TP. Hồ Chí Minh, số liệu thống kê từ ngành chức năng cho thấy từ năm 2014 đến 2017, tỷ lệ tai nạn giao thông (TNGT) do sử dụng rượu bia chiếm khoảng 6% - 9% tổng số vụ TNGT nói chung. Năm 2018, có 25.589 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn đã bị xử lý và con số đó của 9 tháng đầu năm 2019 là 17.834 vụ.

Vẫn theo Ban ATGT TP. Hồ Chí Minh, hiện chưa có thống kê đầy đủ về mức tiêu thụ rượu bia của người dân thành phố, nhưng theo số liệu của Sở Công thương, chỉ riêng dịp Tết Nguyên đán, thị trường thành phố đã tiêu thụ 44 triệu lít bia. Từ thực tế này, Ban ATGT cảnh báo nếu không có những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt để kiểm soát thì tình hình TNGT liên quan đến việc sử dụng rượu bia có nguy cơ tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.

Diễn tập chữa cháy, cứu nạn trong hầm sông Sài Gòn

Cũng theo báo Sài Gòn giải phóng: Chiều 27/10, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (PC07) - Công an TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh tổ chức diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại đường hầm sông Sài Gòn. Tham gia diễn tập có gần 300 cán bộ - chiến sĩ, y bác sĩ, công nhân viên thuộc các đơn vị Phòng PC07, Công an quận 1, quận 2, Trung tâm Y tế - Hội Chữ thập đỏ quận 1 và quận 2, Tổng công ty Điện lực TP và Tổng công ty Cấp nước Thành phố.

Hầm sông Sài Gòn dài gần 1,5km, có lượng phương tiện lưu thông rất đông, do đó trong trường hợp sự cố cháy nổ xảy ra, khả năng để lại hậu quả nghiêm trọng là rất lớn. Buổi diễn tập đã giúp các đơn vị liên quan, đặc biệt là lực lượng PCCC tại chỗ chủ động và có sự phối hợp nhịp nhàng trong công tác nghiệp vụ.

Qua đó, nâng cao hiệu quả trong ứng phó, xử lý tai nạn, sự cố, đặc biệt là các tình huống nguy cấp xảy ra trong hầm sông Sài Gòn: cháy lớn, khói tỏa kín hoặc nước dâng cao trong đường hầm.

Cứu hộ tàu chìm trên sông Lòng Tàu: 5 tập thể và cá nhân được khen thưởng

Theo thông tin trên báo Sài Gòn giải phóng: Chiều 27-10, UBND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức khen thưởng nóng 1 tập thể và 4 cá nhân trong công tác cứu hộ, cứu nạn thuyền viên tàu Vietsun Integrity bị chìm trên sông Lòng Tàu, huyện Cần Giờ. Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh khen thưởng và tặng bằng khen cho tập thể tàu Prosper (Công ty cổ phần Hàng hải Visco) cùng số tiền 100 triệu đồng. Đối với các cá nhân Nguyễn Xuân Hiếu, thuyền trưởng tàu Prosper; Nguyễn Thanh Vũ, Võ Văn Que, Võ Văn Chón là ngư dân xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, ngoài bằng khen của UBND Thành phố, mỗi người được thưởng 10 triệu đồng. Tập thể tàu Prosper cũng đã trích lại 30 triệu đồng tiền thưởng để tặng thêm cho 3 ngư dân huyện Cần Giờ.

TP. Hồ Chí Minh: 19 năm có hơn 2.600 học bổng 1&1

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Ngày 27/10, Hội Khuyến học TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày hội truyền thống khuyến học, lễ trao học bổng khuyến tài năm học 2019-2020. Năm 2019 có tổng cộng 114 sinh viên được trao học bổng khuyến tài, cùng với 402 sinh viên tiếp tục nhận học bổng các năm thứ 2,3,4,5,6 học Đại học với số tiền hơn 1,9 tỉ đồng. Từ 5 sinh viên đầu tiên được nhận học bổng vào năm học 1999-2000, đến nay sau 19 năm thực hiện, chương trình đã trao tặng học bổng cho 2.639 sinh viên, với sự tài trợ của 638 cá nhân và 43 đơn vị, 5 sinh viên đầu tiên nay có một người là tiến sĩ, ba người là thạc sĩ, một sinh viên được bình chọn là Công dân tiêu biểu của thành phố. Năm nay, trong số 130 sinh viên nhận học bổng tốt nghiệp có 12 bạn đạt loại giỏi.

Khóc cười với trạm quan trắc

30 trạm quan trắc không khí bán tự động tại TP. Hồ Chí Minh phải lấy mẫu bằng phương pháp thủ công. Từ lúc lấy mẫu cho đến khi cho kết quả mất ít nhất 4-5 ngày, dẫn đến cảnh báo không kịp thời. Đó là thông tin đáng chú ý được đăng tải trên báo Người Lao Động số ra hôm nay. Theo ghi nhận, các bảng điện tử trên một số trục đường chính của thành phố như Trường Chinh, Cộng Hòa, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… liên tục hiện lên các chỉ tiêu về chất lượng không khí nhưng số liệu này là của… 1 tháng trước, không có giá trị tham khảo. Nhiều người dân khi được hỏi đều cho biết chưa hiểu hết các thông số trên bảng điện tử, chỉ biết màu xanh là ổn, màu đỏ là chưa ổn. Theo số liệu của Trung tâm Quan trắc, TP. Hồ Chí Minh hiện có 30 trạm quan tắc với tần suất 10 ngày/ tháng đo vào 2 thời điểm (7 giờ 30 phút đến 8 giờ 30 phút và 15 giờ đến 16 giờ), chủ yếu đặt tại các giao lộ, vòng xoay, các tuyến đường có mật độ giao thông cao như khu vực vòng xoay An Sương (quận 12), vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2), ngã tư Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh (quận 7), ngã tư Bình Phước (quận Thủ Đức)… Công tác lấy mẫu được thực hiện thủ công, mẫu sau khi lấy sẽ mang về phòng thí nghiệm phân tích, mất 4-5 ngày mới cho ra kết quả. Chưa kể mẫu lấy chỉ ở một thời điểm, không liên tục nên không đánh giá được hiện trạng ô nhiễm không khí một cách chính xác, đồng bộ.

Học sinh khuyết tật tăng nhưng giáo viên thiếu

Đó là nội dung bài viết trên báo Giáo dục TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, trẻ khuyết tật ngày càng tăng nhưng giáo viên tại các trường chuyên biệt đang có xu hướng giảm do nghỉ việc, chuyển công tác khác. Đội ngũ đào tạo mới cũng không đáp ứng đủ số lượng. Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 giáo dục đặc biệt do Sở GD và ĐT TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức.

Mặc dù chính sách đãi ngộ cho giáo viên chuyên biệt ngày càng tốt lên, giáo viên được hưởng phụ cấp ưu đãi 70% lương hiện hành, hưởng phụ cấp trách nhiệm 0,3 so với mức lương cơ sở và thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 của HĐND Thành phố nhưng vẫn thiếu nhiều giáo viên. Một phần do ít người theo học chuyên ngành giáo dục đặc biệt, hoặc sinh viên học xong không về trường, trung tâm làm mà ra ngoài làm dịch vụ hoặc hỗ trợ trẻ khuyết tật tại gia đình.

Phòng học đặc biệt ở Trường Tuổi Thơ 7  

Phóng sự chân dung trên báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh về một cô giáo hơn chín năm dạy trẻ hòa nhập. Công việc vất vả nhưng sự tiến bộ mỗi ngày của trò chính là động lực để cô Trịnh Thị Thu Hà, giáo viên trường Mầm non Tuổi Thơ 7, quận 3 gắn bó với nghề. Trường Mầm non Tuổi Thơ 7 có một phòng học rất đặc biệt là phòng can thiệp sớm. Đây là căn phòng được thiết kế dành riêng cho những em học hòa nhập tại trường. Mỗi ngày, ngoài các giờ học tại lớp như các bạn, thì các em sẽ có một tiết 30 phút lên học riêng với các giáo viên chuyên về giáo dục đặc biệt. và giờ dạy chỉ duy nhất một cô một trò, trong một không gian yên tĩnh, thoáng mát. Trẻ hòa nhập, mỗi bé một tính cách khác nhau, đa phần các bé chậm phát triển ở một lĩnh vực và hành động theo bản năng. Mỗi ngày, cô Hà phải dạy đến 6-7 bé, để các bé hợp tác thì giáo viên phải tạo được sự an toàn và tình yêu thương. Nên ngoài kỹ năng, kiến thức thì giáo viên còn cần tình yêu trẻ và sự kiên nhẫn. Ấy vậy mà hơn chín năm qua, cô Hà vẫn kiên nhẫn từng chút một, để trở thành người bạn lớn của các bé, cô còn sáng tạo ra nhiều món đồ chơi thú vị, chỉ bằng đam mê và tình yêu trò.

TRUNG TÂM BÁO CHÍ TP. HỒ CHÍ MINH

Tin cùng chuyên mục