Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 28/11/2019

10:23 28/11/2019

Trung tâm Báo chí TP tổng hợp một số thông tin liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo số ra ngày 28/11/2019, mời Quý độc giả tham khảo:

Trung tâm Điều hành giao thông thông minh sẽ điều khiển đèn tín hiệu, cung cấp thông tin giao thông và hỗ trợ xử lý vi phạm - Nguồn: báo Pháp Luật TPHCM
Trung tâm Điều hành giao thông thông minh sẽ điều khiển đèn tín hiệu, cung cấp thông tin giao thông và hỗ trợ xử lý vi phạm - Nguồn: báo Pháp Luật TPHCM

Tập trung giải quyết tình trạng người lang thang

Trên báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: TP. Hồ Chí Minh đã nhiều năm tập trung người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng, nhưng đến nay, đối tượng này vẫn xuất hiện nhiều trên đường phố. Tình trạng biến tướng để xin ăn như bán hàng rong, giả dạng đi tìm người thân, bị mất cắp, bị lỡ tàu xe… cũng xảy ra không ít.

Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, nhiều điểm thường xuyên có người xin ăn như: ngã tư Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo (quận 1); ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Minh Khai - Cách Mạng Tháng Tám (quận 3); ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Văn Cừ; Nguyễn Trãi - Châu Văn Liêm (quận 5); cầu Chữ Y (quận 5, quận 8); vòng xoay Lăng Cha Cả, ngã tư Cộng Hòa - Út Tịch, ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình); ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh)…

Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) TP đang có tờ trình trình UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch giải quyết tình trạng người xin ăn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 - 2020. Mục tiêu là đến năm 2020, giải quyết triệt để, hiệu quả tình trạng còn người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng.

Có thể nói, thời gian trong dự thảo kế hoạch thì mới (2019 - 2020), nhưng mục tiêu “giải quyết triệt để tình trạng người xin ăn” không mới. Rất nhiều lần, Sở LĐTB-XH TP. Hồ Chí Minh đã đề ra kế hoạch với mục tiêu tương tự và điểm chung là kết quả như mục tiêu đề ra vẫn xa vời. 

Giám đốc Sở LĐTB-XH TP. Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn cho biết, tập trung người xin ăn vào các trung tâm bảo trợ xã hội là một trong những nhiệm vụ thường xuyên để hạn chế tối đa tình trạng người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng.

Sau khi tập trung, các cơ sở sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện cho đối tượng học văn hóa, học nghề nhằm xóa mù chữ, phổ cập tiểu học; đồng thời, lựa chọn những nghề thiết thực, có thời gian đào tạo ngắn phù hợp điều kiện và thời gian để khi đối tượng được hồi gia, về lại địa phương, có thể tìm được việc làm, ổn định cuộc sống.

Các cơ sở cũng liên kết với doanh nghiệp nhằm giới thiệu, tạo việc làm cho đối tượng sau khi giải quyết hồi gia, hội nhập cộng đồng, tránh tình trạng tái xin ăn, sinh sống nơi công cộng.

Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tăng 58 bậc trên bảng xếp hạng đại học hàng đầu châu Á

Kết quả bảng xếp hạng QS Asia 2019-2020 cho gần 600 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á được công bố hồi rạng sáng 27/11, trong đó Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh được xếp 143, tăng 58 bậc so với năm 2016.

Với kết quả này, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh hiện đứng số một tại Việt Nam ở hai tiêu chí quan trọng là danh tiếng học thuật và danh tiếng với nhà tuyển dụng. Hai tiêu chí này Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh được xếp thuộc top 100 trường đại học hàng đầu châu Á.

Tổ chức QS Asia xếp hạng các trường đại học dựa trên 10 tiêu chí với trọng số khác nhau, gồm: danh tiếng về học thuật (30%), khảo sát ý kiến nhà tuyển dụng về chất lượng sinh viên tốt nghiệp (20%), tỷ lệ giảng viên/sinh viên (15%), tỷ lệ đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ (5%), tỷ số bài báo xuất bản trên giảng viên (10%), trích dẫn mỗi bài nghiên cứu được công bố (10%), tỷ lệ giảng viên quốc tế (2,5%), tỷ lệ sinh viên quốc tế (2,5%), trao đổi sinh viên trong nước (2,5%).

Thông tin được đăng tải trên báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh.

Cửa ngõ TP. Hồ Chí Minh tiếp tục “tắc”

Trên trang nhất báo Thanh Niên có bài viết về tình trạng ách tắc giao thông tại các cửa ngõ của Thành phố. Theo đó loạt dự án “giải cứu” các cửa ngõ trọng điểm của Thành phố vừa rục rịch triển khai sau hàng thập niên chờ đợi lại tiếp tục phải lùi tiến độ. Trước tình trạng giao thông ùn ứ ngày càng nghiêm trọng, lãnh đạo ngành giao thông TP. Hồ Chí Minh cho biết đang cấp bách triển khai loạt dự án mở rộng cầu đường các khu vực cửa ngõ để giảm tải áp lực giao thông. Thực tế, đây đều là các dự án đã được phê duyệt, lên kế hoạch triển khai từ cách đây cả hơn thập niên.

Đơn cử, dự án mở rộng cửa ngõ đông bắc Thành phố (khu vực ngã tư Hàng Xanh - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Ung Văn Khiêm - Đinh Bộ Lĩnh - Nguyễn Xí, QL13) tại quận Bình Thạnh và quận Thủ Đức đã được triển khai từ năm 2003, nhưng 16 năm qua vẫn còn “nằm trên giấy”. Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải, dự án sẽ được triển khai trong năm nay, chia thành 3 tiểu dự án, gồm: xây cầu Ông Dầu; làm nút giao Ngã năm Đài liệt sĩ; nâng cấp, mở rộng đường Ung Văn Khiêm. Tổng kinh phí xây dựng 3 dự án là 2.293 tỉ đồng. Trong đó, hai dự án nhỏ đầu tiên, khó khăn lớn nhất là khâu giải phóng mặt bằng đang được UBND quận Bình Thạnh triển khai, chờ UBND Thành phố thông qua giá bồi thường, dự kiến có thể thi công vào cuối năm 2019, đầu năm 2020.

Tuy nhiên, năm 2019 đã sắp đến tháng cuối cùng, dự án vẫn “án binh bất động”. Ngoài QL13, 4 dự án mở rộng cửa ngõ khác gồm QL22, QL1, QL50 và Nút giao An Phú cũng được đại diện Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố cho biết đã xây dựng xong phương án đầu tư, hồ sơ đang được gửi cho các sở ngành để góp ý.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó giám đốc BQLDA: “Kế hoạch ban đầu là vậy, tuy nhiên đến nay đã cuối năm 2019 và hiện Thành phố đang bận nhiều việc, chưa thể sắp xếp lịch nghe báo cáo nên kế hoạch thông qua chủ trương có thể phải lùi lại qua năm 2020”.

Tương tự, dự án nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý đoạn từ Lê Trọng Tấn đến Cộng Hòa và dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh đoạn từ Cộng Hòa đến Âu Cơ nhằm xóa ùn tắc cửa ngõ phía tây nam đã được lập cách đây 14 năm, nhưng vẫn dừng lại ở bước chuẩn bị thi công do vướng giải phóng mặt bằng.

Theo tính toán, mỗi năm TP. Hồ Chí Minh thiệt hại khoảng 1,2 triệu giờ công lao động, 1,3 tỉ USD do ùn tắc giao thông. Loạt hệ lụy về kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường kéo dài làm khổ đời sống người dân. Thành phố đang mải giải bài toán giao thông nội đô, mở rộng, xây mới các mạng đường đô thị phía trong mà quên rằng đó chỉ là thứ yếu. Nếu bên ngoài tắc thì không thể tổ chức được giao thông nội đô thông suốt.

 Bắt đầu dùng chung kho dữ liệu giao thông

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể vừa thống nhất nhiều đề xuất, kiến nghị của UBND TP. Hồ Chí Minh trong quản lý, điều hành cũng như xử lý vi phạm trong hoạt động GTVT tại Thành phố. Một trong những nội dung quan trọng là hệ thống dữ liệu GTVT sẽ được liên thông giữa các ngành, lĩnh vực của trung ương với Thành phố và các địa phương. Bộ GTVT thống nhất chia sẻ toàn bộ các dữ liệu như từ thiết bị giám sát hành trình của ôtô, dữ liệu đăng kiểm cùng các dữ liệu khác liên quan. Để phục vụ vấn đề này, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ làm việc với Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh thống nhất phương án kết nối chia sẻ dữ liệu đăng kiểm. Đồng thời, Vụ Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ tham mưu, rà soát để ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở dữ liệu GTVT, dữ liệu lớn, hệ thống giao thông... nhằm phục vụ quản lý và điều hành trên tất cả lĩnh vực GTVT ở toàn quốc. Hệ thống dữ liệu giao thông khi liên thông giữa các ngành, lĩnh vực thuộc trung ương với thành phố sẽ giải quyết hàng loạt vấn đề trong quản lý và điều hành. Thông tin trên báo Người Lao Động.

Quận 2 kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh một số vấn đề về Thủ Thiêm

Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh đưa tin: UBND quận 2 vừa có văn bản gửi UBND Thành phố về việc bồi thường, thu hồi đất khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong văn bản, UBND quận 2 báo cáo, hiện nay quận đã thu hồi được 99,45% diện tích đất toàn khu. Còn lại hơn 6,5 ha với 79 hồ sơ chưa thu hồi. Theo ông Phụng, tính từ đầu năm 2016, quận 2 đã tạm dừng việc cưỡng chế thu hồi đất do phát sinh khiếu nại đông người khiến cho tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng từ đó đến nay rất chậm. Sau khi Thanh tra Chính phủ ban hành Thông báo số 1483/2019, UBND quận 2 đã phối hợp với tổ công tác liên ngành rà soát và bổ sung 10 nội dung về chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với 331 hộ dân bị ảnh hưởng trong khu đất 4,3 ha (khu phố 1, phường Bình An). Tháng 10/2019, HĐND Thành phố cũng đã ban hành nghị quyết về chủ trương xây dựng chính sách giải quyết bồi thường hỗ trợ, tái định cư bổ sung với các hộ dân nêu trên. Hiện nay quận đã thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá, xác định hệ số hoán đổi để tính bồi thường, hỗ trợ. Trên cơ sở đó, căn cứ vào giá bồi thường, hỗ trợ của dự án lân cận đã được Thành phố phê duyệt cùng thời điểm để xác định đơn giá tại các khu tái định cư tính bù trừ chênh lệch diện tích hoặc giải quyết chi trả bằng tiền.

Để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thu hồi đất, quận 2 kiến nghị UBND Thành phố giao sở, ngành có liên quan sớm tham mưu ban hành văn bản pháp lý giải quyết bồi thường, hỗ trợ đối với các trường hợp bị ảnh hưởng trong khu đất 4,3 ha nêu trên. Cùng với đó, quận 2 kiến nghị Thành phố giao Sở QH-KT và các đơn vị có liên quan hoàn tất thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 và quy hoạch chi tiết 1/500. Đồng thời đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh với ba lô đất tại khu 1,8 ha phường Bình Khánh để triển khai bố trí tái định cư cho dân sau khi chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung được phê duyệt. Trong thời gian chờ thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, quận 2 kiến nghị Thành phố giao cho Ban quản lý đầu tư - xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm phối hợp với các sở Xây dựng, Tài chính thực hiện thanh lý, tháo dỡ đối với nhà mẫu tại khu 38,4 ha phường Bình Khánh. Song song đó tiến hành phát hoang, san lấp mặt bằng khu 1,8 ha phường Bình Khánh. Quận 2 cũng kiến nghị sau khi Thành phố và các cơ quan trung ương tiếp xúc, đối thoại với các hộ dân liên quan đến năm khu phố thuộc ba phường Bình An, An Khánh và Bình Khánh thì chấp thuận cho quận 2 tiếp tục áp dụng biện pháp hành chính để thu hồi đất.

Hồ Chí Minh sẽ có camera thông minh giám sát giao thông, kiểm soát xe buýt

Cũng theo báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh, UBND Thành phố vừa chấp thuận cho Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP thí điểm các giải pháp ứng dụng AI trong quản lý, điều hành giao thông thông minh. Theo đó, hệ thống camera sẽ tự động phát hiện các phương tiện vi phạm trật tự giao thông để báo về máy chủ. Toàn bộ kinh phí thí điểm do Công ty cổ phần Công nghệ bảo mật tiền tệ toàn cầu tài trợ. Sau khi kết thúc thí điểm, công ty này sẽ bàn giao toàn bộ thiết bị cho Sở GTVT khai thác, sử dụng. Đây là chủ trương thí điểm các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác quản lý và điều hành giao thông thông minh của Sở GTVT Thành phố.

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, AI được xem là một trong những công cụ hữu hiệu để giải quyết các vấn đề về giao thông, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và điều hành giao thông đô thị. Trước đó sở đã kiến nghị và được Thành phố chấp thuận triển khai thí điểm các giải pháp ứng dụng AI trong công tác quản lý và điều hành giao thông thông minh. Sau khi thí điểm ở một số địa điểm, dự kiến đến cuối năm, Sở GTVT Thành phố sẽ triển khai tối ưu hóa mạng lưới giao thông khu vực trung tâm thành phố và các tuyến trục, trên cơ sở ứng dụng AI kết hợp với mô hình dự báo, mô phỏng giao thông. Sở sẽ triển khai thí điểm lắp các camera giám sát thông minh tại khu vực đường Điện Biên Phủ nhằm tạo làn sóng xanh. Tức là sẽ tối ưu hóa để xe chạy với vận tốc 40 km/giờ sẽ không gặp phải đèn đỏ trên cùng tuyến đường. Sau khi triển khai tại vùng trung tâm Thành phố sẽ triển khai ở khu vực Bình Thạnh và sân bay để tiến tới áp dụng rộng rãi toàn Thành phố.

Hệ thống camera này có thể tự động nhận diện biển số phương tiện, đo đếm và phân tích dòng xe như ô tô con, ô tô tải, xe khách, taxi, xe máy. Đồng thời nhận diện các hành vi lưu thông qua nút, đo đếm, phân tích và tính toán dòng giao thông nhằm đưa ra giải pháp điều khiển giao thông tối ưu phù hợp và thay đổi theo tình hình giao thông thực tế. Hệ thống này cũng sẽ tự động phát hiện các phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông. Phát hiện những xe không tuân thủ tín hiệu đèn, dừng đỗ sai quy định, lưu thông ngược chiều, lưu thông không đúng làn đường quy định…Từ đó, thông tin sẽ được báo cáo tự động về trung tâm giám sát và điều khiển giao thông. Mức độ chính xác đạt tối thiểu 96%.

Phòng ngừa trộm cắp, cướp giật

Qua đường dây nóng Báo Sài Gòn Giải Phóng, người dân phản ánh thời gian gần đây, tại một số địa phương vùng ven TP. Hồ Chí Minh xảy ra nhiều vụ trộm cắp, cướp giật tài sản.

Thời điểm cuối năm, tại vùng ven, kẻ trộm cắp khá manh động, luôn rình rập các nhà có tài sản để đột nhập, thậm chí liều lĩnh cướp giật trên đường. Anh L.M.T. (ngụ phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) cho hay, anh đang dừng xe ven đường, ngồi trên xe để gọi điện thoại, thì từ phía sau có 2 thanh niên đeo khẩu trang che kín mặt, đi trên một xe máy phóng đến, kẻ kề dao vào cổ, kẻ rút bình xịt hơi cay xịt vào mặt anh, rồi cướp xe máy và điện thoại.

Hiện nay, nhiều tuyến đường, con hẻm, nhà dân đã trang bị camera giám sát an ninh, tuy vậy bọn trộm cướp vẫn liều lĩnh hành động. Tội phạm trộm cắp, cướp giật thường hoạt động theo nhóm, từ 2 người trở lên. Trước khi gây án, chúng thường rảo qua lại khảo sát địa bàn, nghiên cứu thiết bị bảo vệ như tường rào, khóa cửa, camera giám sát, lối ra vào… để ra tay.

Để phòng tránh, hạn chế tội phạm trộm cắp, cướp giật, người dân nên cảnh giác, tự bảo vệ tài sản của mình. Khi chẳng may bị mất cắp tài sản, dù không đắt tiền, cũng nên chủ động trình báo cơ quan công an địa phương để có thể điều tra, ngăn chặn tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự xã hội dịp cuối năm.

Nguy cấp vẫn đòi “sinh thuận tự nhiên”

Thông tin đáng báo động trên báo Tuổi Trẻ cho biết, bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh vừa tiếp nhận sản phụ N.T.T. (32 tuổi, ngụ TP. Hồ Chí Minh) nhập viện vào tuần thai thứ 40. Lúc đó, chị T. đã có dấu hiệu chuyển dạ, thai to, khung xương chậu nhỏ, cổ tử cung không mở với vết mổ cũ. Các bác sĩ đánh giá sản phụ không thể sinh tự nhiên qua ngã âm đạo, nên chỉ định mổ lấy thai để đảm bảo tính mạng cho thai nhi. Nhưng sản phụ cùng gia đình không đồng ý. Sau hai giờ nhập viện, chị T. bị vỡ ối, nước ối vàng, đau bụng dữ dội, sốt cao, tim thai rất nhanh. Bác sĩ trực đánh giá chuyển dạ khó khăn, chỉ định truyền dịch, truyền thuốc hạ sốt, nhưng chị T. và gia đình vẫn không đồng ý thực hiện bất cứ can thiệp nào. Gia đình còn đưa ra rất nhiều yêu cầu như: không được thăm khám âm đạo, không để sản phụ sinh trên bàn mà phải sinh trong tư thế đứng, không được tiêm kháng sinh, truyền hạ sốt cho sản phụ, không được tiêm văcxin cho trẻ khi sinh ra, phải để nửa tiếng mới được cắt dây rốn... Vợ chồng chị T. là một trong những thành viên của một cộng đồng chọn sinh con theo phương pháp thuận tự nhiên. Do vậy, chị T. và gia đình từ chối mọi can thiệp của bác sĩ, thậm chí còn ký giấy cam kết tự chịu trách nhiệm khi xảy ra trường hợp xấu. Chỉ đến khi dấu hiệu nguy hiểm lên thai đến mức báo động, lãnh đạo khoa kiên quyết giải thích rằng mổ lấy thai là để cứu sống thai nhi, lúc đó sản phụ và gia đình mới đồng ý để bác sĩ can thiệp. Ca mổ thành công nhưng do để vỡ ối lâu nên mẹ con sản phụ đều phải tiêm kháng sinh, riêng em bé phải hỗ trợ hô hấp.

Trước đó, ngày 9/11, bé gái con chị T.N.Y.N. (ngụ  quận 11) được ba mẹ và bà nội đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng tím tái, ngưng tim, ngưng thở, dây rốn và bánh nhau đều đã bị khô. Người nhà bé kể lại bé ra đời tại nhà nặng 3,1kg. Ngày trước, bà nội bé cũng sinh ba bé ở nhà, nên giờ gia đình cũng để bé sinh tại nhà. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã hồi sức tích cực cho bé trong suốt 30 phút, nhưng tim cháu vẫn không thể đập được lại.

Phương pháp sinh tự nhiên đã được ứng dụng nhiều tại các nước phát triển như Mỹ, Anh, Canada... Tuy nhiên, để thực hiện phương pháp này, sản phụ và gia đình phải luôn có sẵn một êkip hỗ trợ từ bác sĩ chuyên môn cho đến chuyên viên tư vấn tâm lý. Ngoài ra, sản phụ còn phải được chuẩn bị chu đáo các trang thiết bị y tế tại nhà. Khi sản phụ chuyển dạ, toàn bộ êkip sẽ có mặt để theo dõi, đảm bảo quá trình sinh con của sản phụ diễn ra an toàn và theo trình tự. Mỗi sản phụ là một cá thể riêng biệt, không phải trường hợp nào cũng giống nhau. Thai phụ và người nhà thai phụ tìm hiểu những thông tin liên quan đến bệnh lý cũng như hành trình chuyển dạ sẽ giúp thai phụ hiểu thêm về quá trình chuyển dạ, điều trị. Tuy nhiên, sản phụ và gia đình nên tham khảo thông tin có chọn lọc, cần tuân thủ theo quy trình, quy định, phác đồ bệnh viện trong quá trình khám và điều trị. Việc lựa chọn phương pháp sinh phù hợp để hạn chế tối đa những nguy cơ gây hại đến sức khỏe của mẹ và bé là điều mà cả sản phụ, gia đình và các bác sĩ, nhân viên y tế đều hướng tới. Nếu như không có quá trình theo dõi, hỗ trợ đúng mức của y học hiện đại thì quá trình sinh nở đều là những giai đoạn nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con.

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục