Trung tâm Báo chí Thành phố tiếp tục tổng hợp một số tin, bài nổi bật liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 30.10.2019 để thuận tiện cho Quý bạn đọc cập nhật thông tin
Trục lợi tiền hiến máu nhân đạo ở TP. Hồ Chí Minh - Bài 2: Tuyển dụng nhân viên 'ma', kê khống hóa đơn để rút tiền ngân sách
Tiếp tục loạt bài viết về vấn đề “trục lợi tiền hiến máu nhân đạo ở TP. Hồ Chí Minh”, phóng viên báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh phát hiện: Nhiều tháng nay, trong bảng chi trả tiền lương của Hội Chữ thập đỏ Q.1 xuất hiện một 'người bí ẩn' có tên Trần Thị A. Là 'đồng nghiệp', nhưng nhiều nhân viên ở Hội Chữ thập đỏ Q.1 chưa từng biết bà A là ai. Ngoài chiêu trò rút ruột ngân sách bằng thủ đoạn lập nhân viên “ma”, Hội Chữ thập đỏ Q.1 còn có nhiều chiêu trò khác để bòn rút tiền ngân sách như: mua hàng ở xa với giá “trên trời”, cho thuê mặt bằng trụ sở Hội,… Các chứng từ của Hội Chữ thập đỏ Q.1 đều duyệt chi vào quý cuối cùng của năm 2018. Các chứng từ chi tiền có dấu hiệu kê khống nói trên đều có chữ ký của ông Phan Kim Long - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Q.1 và bà Nguyễn Thu Hồng - kế toán Hội Chữ thập đỏ Q.1.
Nhà xưởng không phép của 'quan' quận Thủ Đức chỉ tháo dỡ… cầm chừng
Thông tin trên Vietnamnet cho biết, Liên quan đến vụ nhiều công trình nhà xưởng xây dựng không phép của ông Lê Hữu Thành – Phó Chủ tịch HĐND quận Thủ Đức và người thân tại hẻm 419/14 đường số 48, phường Hiệp Bình Chánh, hiện đã có nhà xưởng được tháo dỡ. Mặc dù chính quyền quận Thủ Đức đưa ra “tối hậu thư” cho phép cá nhân vi phạm xây dựng các nhà xưởng không phép tự tháo dỡ, tuy nhiên việc khắc phục sai phạm vẫn chỉ diễn ra cầm chừng, đến nay mới chỉ có 1 nhà xưởng bị tháo dỡ.
Trong khi đó, các nhà xưởng xây không phép lân cận vẫn không có dấu hiệu chuẩn bị tháo dỡ, hoạt động sản xuất tại các nhà xưởng này vẫn diễn ra bình thường.
Kéo giảm rác thải thông qua tuyên truyền và chế tài
Chiều 29/10, đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, đã có buổi giám sát về triển khai Chỉ thị 19 của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh về không xả rác ra đường, sông, kênh rạch, kéo giảm ô nhiễm môi trường - ngập nước tại Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền.
Theo báo cáo của công ty, thực hiện Chỉ thị 19, thời gian qua, Đảng ủy - Ban giám đốc đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp, cách làm, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Hiện nay, lượng rác thải hữu cơ phát sinh chỉ còn khoảng 50-60 tấn/ngày, giảm 10-20% so với trước đây (70-80 tấn/ngày).
Để kéo giảm lượng rác thải phát sinh tại chợ, bà Trần Thúy Liên, Giám đốc Công ty Bình Điền, kiến nghị TP cần làm việc với các tỉnh thành cung ứng nguồn thực phẩm lớn cho TP. Hồ Chí Minh (Lâm Đồng, Đắk Nông, Tiền Giang…). Qua đó, quán triệt chủ trương sơ chế hiện có, đồng thời xây dựng quy chuẩn đóng gói hàng hóa tại nguồn trước khi đưa về 3 chợ đầu mối của TP. Ngoài ra, lượng bùn thải phát sinh trong quá trình hoạt động (sơ chế, rửa củ quả, rau thịt) tại chợ hiện nay quá lớn (170 - 200 tấn/tháng), chi phí xử lý lên đến 3 tỷ đồng/năm.
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Võ Thị Dung lưu ý, để hạn chế rác thải phát sinh tại chợ, kéo giảm ô nhiễm môi trường, Công ty Bình Điền cần làm tốt 2 giải pháp chính là tuyên truyền và chế tài. Việc tuyên truyền phải được cấp ủy phân vai, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên, tổ chức hội, đoàn thể của đơn vị.
Hình thức tuyên truyền phải sinh động, đối tượng tuyên truyền không chỉ tiểu thương mà còn phải hướng đến người dân, khách hàng đến giao dịch tại chợ. Bên cạnh đó, căn cứ vào quy chế, nội quy hoạt động của đơn vị, công ty cần thực việc tốt việc chế tài đối với những trường hợp cố tình vi phạm. Để thực hiện hiệu quả giải pháp này, đơn vị cần đầu tư, lắp đặt hệ thống camera trong chợ. Nội dung được đăng tải trên báo Sài gòn giải phóng.
TP. Hồ Chí Minh: Triều cường đến sớm hơn dự báo, gây ngập úng cục bộ
Vietnamplus cho hay, Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, từ 17 giờ 30 phút ngày 29/10, triều cường sẽ vượt mức báo động III, đạt từ 1,67-1,72m (cao hơn mức báo động III từ 0,17-0,22m) đo tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn và trạm Nhà Bè trên kênh Đồng Điền.
Tuy nhiên, tại những khu vực có địa hình thấp, giáp sông Sài Gòn, sông Soài Rạp như huyện Nhà Bè, Quận 7, triều cường lên sớm từ lúc 16 giờ, gây ngập cục bộ tại một số tuyến hẻm, đường Huỳnh Tấn Phát, Quận 7.
Cũng theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, trong những ngày tới, mực nước đỉnh triều tại các trạm Phú An, Nhà Bè lên chậm, vượt mức báo động III từ 0,17- 0,22m. Triều cường sẽ giảm dần, đỉnh triều cao trên mức báo động III còn duy trì đến hết ngày 1/11/2019.
Theo khuyến nghị của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, đây là kỳ triều cường với đỉnh triều ở mức cao, các địa phương cần chủ động ứng phó với ngập úng ở khu vực ven sông và các vùng trũng thấp.
TP. Hồ Chí Minh quyết chữa “căn bệnh” ngập
Thông tin trên báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh: TP. Hồ Chí Minh đang bước vào mùa triều cường, đã xảy ra nhiều điểm ngập sâu, thậm chí gây vỡ đê, đây thực sự là nỗi lo của lãnh đạo Thành phố và người dân. Nắm rõ thực trạng trên, nhiều năm trước TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư nhiều dự án nhằm giải quyết tình trạng ngập này. Với thực trạng ngập do triều cường hiện nay, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TP. Hồ Chí Minh sẽ là bài toán giải quyết. Đặc biệt là khu quận 8, Nhà Bè, quận 7, Bình Chánh vì khu vực này đang tiến hành xây dựng sáu cống ngăn triều thuộc dự án chống ngập trị giá hơn 10.000 tỉ đồng. Dự án này đang được chủ đầu tư thi công đồng loạt, tăng tốc để hoàn thành. Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (đơn vị chủ đầu tư dự án), cho biết dự án cống ngăn triều này sẽ kiểm soát ngập do triều cường, đồng thời chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu người dân phía bờ hữu sông Sài Gòn. Có thể khẳng định Thành phố sẽ hoàn toàn không ngập do triều khi dự án đi vào vận hành. Mới đây Phó Chủ tịch Thành phố Võ Văn Hoan đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan giải quyết khâu quan trọng nhất là giải phóng mặt bằng của dự án. Trong đó Thành phố đề nghị huyện Bình Chánh phối hợp với các đơn vị tiếp tục tuyên truyền, vận động thuyết phục các hộ dân trước đây đã thống nhất di dời, hiến đất, bàn giao mặt bằng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai công trình theo đúng tiến độ.
TP. Hồ Chí Minh: Cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi
Cũng theo báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh: UBND Thành phố vừa có văn bản gửi các sở, ngành liên quan và UBND 24 quận, huyện về phạm vi cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi trên địa bàn. Cụ thể, UBND Thành phố đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi đối với các trường hợp xả nước thải (trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi) có đấu nối, thoát nước thải trực tiếp vào công trình thủy lợi thuộc thẩm quyền được giao.
Làm chủ mỗi like, share trên mạng xã hội
Bình luận, chia sẻ… trên mạng xã hội mà không chú ý cảm nhận, cảm xúc của người khác có thể làm thương tổn đến cuộc sống của họ. Sinh viên, bạn trẻ cần làm chủ mỗi nút like (lượt thích), share (lượt chia sẻ), bình luận vì mạng xã hội ảo nhưng những tác động của nó đến đời sống con người là rất thật. Điều này được các đại biểu nhắn nhủ sinh viên tham dự tọa đàm “Văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội” do Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh phối hợp báo Tiền Phong tổ chức ngày 29/10. Theo ThS. Nguyễn Thị Hằng (Trưởng bộ môn tâm lý - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành), sinh viên khi like, share có nghĩ đến cảm nhận, cảm xúc của người được like, share không? Có những bình luận, chia sẻ mang tính tích cực, khi được lan tỏa rộng trên mạng xã hội sẽ mang lại niềm vui hay nâng tầm giá trị của một người nào đó nhưng nếu mang tính tiêu cực sẽ hạ thấp giá trị của họ. Cho nên trước khi like, share… các em cần cân nhắc kỹ, chú ý cảm xúc của người khác tránh làm thương tổn họ. Nội dung bài viết trên báo Giáo Dục TP. Hồ Chí Minh.
Làm gì để rác không còn là nỗi lo? Kỳ 2: Cần lời giải tốt nhất cho bài toán xử lý rác
Mục chuyên đề đặc biệt trên báo Công an TP. Hồ Chí Minh có bài viết liên quan vấn để xử lý rác thải cho TP. Hồ Chí Minh. Theo nội dung bài báo, mỗi ngày thành phố phát sinh 13.000 tấn rác thải, trong khi công nghệ xử lý rác hiện tại của chúng ta chủ yếu phụ thuộc vào…chôn lấp! Nếu theo đà này, chỉ hơn một năm nữa thôi, khả năng thành phố sẽ không còn đất để chôn rác. Nhưng với quyết tâm hành động vì môi trường đã đặt ra, lãnh đạo thành phố đương nhiên sẽ không để điều đó thành hiện thực. Nhằm đẩy mạnh sự phát triển của công nghệ đốt rác, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng nhận định sẽ hỗ trợ kỹ thuật, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực đốt rác phát điện. Người đứng đầu chính quyền thành phố khẳng định, đây là công nghệ có nhiều ưu điểm nổi bật, có đóng góp quan tọng tới sự phát triển bền vững của thành phố.
Khẩn trương ban hành nghị quyết về bảo tồn di sản
Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: Ngày 29-/10, đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh đã chủ trì buổi giám sát của HĐND Thành phố với Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố về bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố. Báo cáo đoàn giám sát của HĐND TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch -Kiến trúc cho biết, từ danh sách được giao ban đầu 1.227 địa chỉ có biệt thự, trong quá trình kiểm kê, ghi nhận có 560 địa chỉ không còn biệt thự. Thực ra con số ban đầu có từ thống kê năm 1996, tuy nhiên từ đó đến năm 2013 thì không có ghi nhận, không theo dõi biến động, chứ không phải là từ năm 2013 đến nay bị biến mất 560 biệt thự. Ngoài việc người dân tự tháo dỡ, hoặc xuống cấp, còn có việc tự cơi nới thành nhiều căn, xây chen, cuối cùng biến biệt thự thành nhà phố… Tuy nhiên, hầu hết đại biểu tham dự buổi giám sát đều bày tỏ lo lắng cho việc chậm trễ trong việc phân loại biệt thự, dẫn đến di sản bị mai một, công tác bảo tồn không còn hiệu quả. Kết luận buổi giám sát, đồng chí Phạm Đức Hải yêu cầu Sở Quy hoạch -Kiến trúc phải tham mưu UBND Thành phố phát triển đô thị đúng theo tinh thần Nghị định số 11/2013 của Chính phủ: xác định khu bảo tồn, lập kế hoạch, thành lập ban quản lý, kêu gọi đầu tư cho các dự án đầu tư phát triển… Sở cần mời các quận huyện tham gia công tác bảo tồn và công khai với người dân. Đặc biệt, Sở Quy hoạch -Kiến trúc cần phối hợp với các Sở Xây dựng, Sở Văn hóa – Thể thao tạo điều kiện cho các di tích được tôn tạo nâng cấp một cách thuận lợi, tránh cơ chế xin cho.
Bé gái 6 tuổi bị cha dượng châm thuốc lá khắp người, thương tích 51%
Thông tin trên báo Thanh Niên: Sáng 29.10, mạng xã hội Facebook xuất hiện một số clip với nội dung một bé gái sống cùng mẹ ruột và cha dượng ở P.Tân Hưng Thuận (Quận 12, TP. Hồ Chí Minh) nghi bị bạo hành. Trong clip, bé kể lại bị cha dượng đánh, dí tàn thuốc lá vào người. Những hình ảnh này được dân mạng chia sẻ rầm rộ kèm sự phẫn nộ tột cùng. Cơ quan CSĐT Công an Quận 12 đã bắt khẩn cấp nghi phạm. Mẹ ruột của cháu bé cũng được đưa về trụ sở công an quận để phục vụ điều tra. Đáng nói, thời điểm bị bắt, cả 2 đối tượng đều dương tính với ma túy. Công an Quận 12 đã đưa cháu bé đi giám định tại Trung tâm giám định pháp y TP. Hồ Chí Minh. Kết quả giám định, bé bị tổn thương khắp cơ thể với tỷ lệ 51%.
Đề xuất chỉ duy trì HĐND cấp thành phố
Báo Tuổi Trẻ số ra hôm nay có bài viết “Đề xuất chỉ duy trì HĐND cấp thành phố”. Theo đó, dự thảo đề cương sơ bộ về Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh, về định hướng và nội dung thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố, Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh đề xuất thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị Thành phố theo hướng xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (cấp thành phố) và hai cấp hành chính (quận, huyện, thành phố trực thuộc TP. Hồ Chí Minh và phường, xã, thị trấn). cùng với đó là việc không tổ chức HĐND ở quận, huyện, thành phố (thuộc TP. Hồ Chí Minh) và phường, xã, thị trấn, chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND. Chỉ giữ lại HĐND cấp thành phố - HĐND TP. Hồ Chí Minh.