Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 30/11/2020

10:15 30/11/2020

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo số ra ngày 30/11:

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 của TP tăng 0,06%

Theo Vietnamplus, chiều 29/11, Cục Thống kê TP đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2020 của TP tăng 0,06% so với tháng trước.

Theo đó, có 4/11 nhóm tăng so với tháng trước, tăng cao nhất là nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; kế đến là nhóm văn hóa, giải trí và du lịch; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; nhóm hàng hóa, dịch vụ khác.

Có 5/11 nhóm giảm là nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; nhóm giao thông, nhóm bưu chính viễn thông và nhóm may mặc, mũ nón, giày dép.

02 nhóm còn lại không biến động so với tháng trước là nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm giáo dục.

(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Phân tích diễn biến giá cụ thể một số nhóm ngành hàng so tháng trước, Cục Thống TP cho biết nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng so với tháng trước 0,22%. Trong đó nhóm lương thực tăng 0,07% tập trung ở các mặt hàng ngô, khoai lang tăng giá do ảnh hưởng mưa bão. Nhóm thực phẩm tăng 0,39% so với tháng trước, các nhóm thủy sản tươi sống lại tăng 0,90% trong khi nhóm thịt gia súc tiếp tục giảm 0,12%; nhóm rau tươi, khô và chế biến tăng mạnh 3,37% do mưa bão.

Ở chiều ngược lại, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng giảm 0,03% so với tháng trước. Trong đó, giá điện sinh hoạt giảm 1,53%, giá nước sinh hoạt giảm 0,67%, giá nhà ở thuê tăng 0,07% do bắt đầu năm học mới nhu cầu về nhà trọ tăng cao, gas và các loại chất đốt tăng 4,25%, còn lại các mặt hàng khác không biến động.

Nhóm nhiên liệu giảm 1,82% chủ yếu do tác động của 3 lần điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 27/10, ngày 11/11 và ngày 26/11. Theo đó, giá xăng giảm 1,32%, dầu diezel giảm 0,64% so tháng trước; phụ tùng tăng 0,57%, dịch vụ cho các phương tiện cá nhân không biến động.

Cũng tháng 11/2020, chỉ số giá vàng tăng 0,57%, chỉ số giá USD giảm 0,09% so với tháng trước.

85 tân thủ khoa nhận học bổng “Nâng bước thủ khoa”

Theo báo SGGP, ngày 29/11, tại Hội trường Thành ủy TPHCM, Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Báo Tiền Phong tổ chức vinh danh và trao học bổng “Nâng bước thủ khoa 2020” cho 85 sinh viên là tân thủ khoa đầu vào các trường đại học từ Thừa Thiên - Huế trở vào Cà Mau. Mỗi suất học bổng gồm 10 triệu đồng và nhiều phần quà giá trị khác.

Chương trình nhằm tôn vinh các sinh viên đạt thứ hạng cao đầu vào các trường đại học, học viện trong cả nước, có hoàn cảnh khó khăn.

Qua 5 năm tổ chức, Chương trình trao học bổng đã "nâng bước", giúp đỡ cho hơn 300 sinh viên vượt qua khó khăn, yên tâm học hành. Không ít em trong số đó hiện đã tốt nghiệp với điểm số khá cao, có việc làm ổn định…

Năm nay, theo dự kiến ban đầu, Ban tổ chức sẽ trao 67 suất học bổng nhưng trước tình hình các tỉnh miền Trung liên tiếp phải hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề do bão lũ, sạt lở đất, nhiều gia đình lâm vào cảnh trắng tay khiến việc học của các tân sinh viên có khả năng bị đứt đoạn, Ban tổ chức đã quyết định nâng số suất học bổng lên 85 suất.

Trước đó một ngày, ban tổ chức cũng giúp 85 tân thủ khoa có nhiều trải nghiệm thú vị tại TP, như tham quan di tích lịch sử Dinh Thống Nhất, tham quan tòa nhà Landmark 81, giao lưu cùng các giảng viên và các sinh viên tiêu biểu.

Các tân thủ khoa chụp hình lưu niệm trong lễ trao học bổng. Ảnh: THANH HÙNG
Các tân thủ khoa chụp hình lưu niệm trong lễ trao học bổng. Ảnh: THANH HÙNG

TPHCM vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan và bùng phát dịch Covid-19

Số ca bệnh phát hiện sau nhập cảnh liên tiếp gia tăng, nhiều ca mắc Covid-19 không có triệu chứng, tình trạng người nhập cảnh trái phép vào TP sinh sống... khiến TPHCM đứng trước nguy cơ lây lan và bùng phát dịch Covid-19. Nội dung đăng tải trên Báo Tin Tức.

Bác sĩ Phan Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở nhiều nước trên thế giới đang bùng phát rất nhanh, số ca mắc và tử vong tăng đột biến nên nguy cơ với TP là rất lớn.

Bên cạnh đó, dù TP không có đường biên giới với các nước láng giềng nhưng có nhiều người nhập cảnh trái phép vào các địa phương rồi nhanh chóng di chuyển đến TP cũng khiến cho nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Lo ngại nhất của TP Hồ Chí Minh trong công tác phòng dịch COVID-19 vẫn là người nhập cảnh trái phép vào TP. 
Lo ngại nhất của TP Hồ Chí Minh trong công tác phòng dịch COVID-19 vẫn là người nhập cảnh trái phép vào TP. 

Theo đó, ngành Y tế đã phối hợp với ngành Công an tăng cường giám sát từ địa phương thông qua tuần tra, rà soát để phát hiện người nhập cảnh trái phép nhanh chóng, khoanh vùng và đưa đi cách ly.

TPHCM cũng tăng cường giám sát tại các khu cách ly tập trung. Tất cả các nơi cách ly đều được giám sát chặt chẽ của nhiều cấp khác nhau, từ phường, đến trung tâm y tế quận huyện, Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế…

TP quy trách nhiệm quản lý người cách ly không chỉ có ngành y tế mà còn có cả chủ khách sạn, chính quyền địa phương, công an. Khi khách sạn tổ chức cách ly, phải ký cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm về vấn đề này.

Ngành y tế TP khuyến cáo, nguy cơ dịch bệnh Covid-19 xuất hiện vẫn luôn thường trực, do đó người dân cần thực hiện nghiêm các quy trình cách ly y tế, đeo khẩu trang ở nơi công cộng và vệ sinh diệt khuẩn các bề mặt tiếp xúc.

Công bố danh sách 586 doanh nghiệp nợ thuế

Theo báo Thanh Niên, Cục Thuế TP vừa công bố danh sách 586 doanh nghiệp nợ thuế kỳ 2/2020 trên địa bàn, tính đến ngày 30/9, với tổng số tiền lên gần 4.657 tỉ đồng.

Trong đó, Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil là doanh nghiệp có số tiền thuế nợ lớn nhất với 373 tỉ đồng. 03 doanh nghiệp tiếp theo có số thuế nợ trên 200 tỉ đồng bao gồm Công ty TNHH MTV Cây trồng TP nợ hơn 234 tỉ đồng; CTCP Cảng Phú Định nợ 222,2 tỉ đồng và CTCP Tư vấn - Đầu tư - Xây dựng - Thương mại - Sản xuất Nhựt Thành còn nợ 220,5 tỉ đồng.

Ngoài ra, có 8 doanh nghiệp nợ trên 100 tỉ đồng, 10 doanh nghiệp nợ thuế từ 50 tỉ đồng đến dưới 100 tỉ đồng, 51 công ty nợ thuế từ 10 tỉ đến dưới 50 tỉ đồng và đa phần còn lại nợ từ 1 tỉ đến dưới 10 tỉ đồng...

Số doanh nghiệp nợ thuế gia tăng trong năm 2020
Số doanh nghiệp nợ thuế gia tăng trong năm 2020

So với danh sách nợ thuế kỳ 1/2020 được công bố vào đầu tháng 3, số doanh nghiệp có nợ thuế tăng thêm 51 đơn vị và số thuế còn nợ tăng thêm 1.471 tỉ đồng.

 

Xử phạt 254 người hút thuốc lá nơi công cộng

Báo Giáo dục và Thời đại đưa tin, thực hiện theo Nghị định 176/2013-NĐCP và Dự án “Tăng cường thực thi môi trường không khói thuốc thông qua thưởng phạt và sự tham gia của cộng đồng” do Trung tâm tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng (CHD) phối hợp với Sở GTVT TP thực hiện, thời gian qua, đội bảo vệ ở Bến xe Miền Tây và Bến xe buýt Sài gòn đã xử phạt 254 người hút thuốc lá nơi công cộng, tổng tiền phạt 109 triệu đồng.

Theo ông Hồ Qúy Vinh, đại diện Trung tâm giao thông công cộng TP, từ năm 2017, Sở GTVT TP ban hành quyết định về không hút thuốc lá trên phương tiện giao thông công cộng đối với tài xế, tiếp viên. Người vi phạm lần đầu bị phạt 500.000 đồng, lần hai phạt 1 triệu đồng và đình chỉ 5 ngày, lần ba bị phạt 2 triệu và đình chỉ 10 ngày và buộc tập huấn nghiệp vụ lại.

Việc giám sát người hút thuốc lá được thực hiện theo ba phương thức: hình ảnh từ camera, đội kiểm tra hiện trường, tổng đài phản ánh 1022.

Các biển cấm hút thuốc lá được lắp đặt trên xe khách và tại nhà chờ bến xe. (Ảnh:H.An).
Các biển cấm hút thuốc lá được lắp đặt trên xe khách và tại nhà chờ bến xe. (Ảnh:H.An).

Bà Nguyễn Hoàng Yến, Giám đốc CHD cho biết thêm, ngoài xử phạt, lực lượng chức năng còn nhắc nhở hơn 9.000 hành khách đi xe khách, người dân hút thuốc trong bến xe. Trên xe khách lắp đặt hơn 1.500 biển cấm hút thuốc, 500 biển tại các nhà chờ. Tuy nhiên, việc xử phạt hút thuốc lá chủ yếu thực hiện với tài xế, nhân viên,…khó xử lý với người dân, hành khách. Vì vậy, việc xử phạt người dân cần có sự phối hợp với chính quyền địa phương như phường, quận, công an, thanh tra giao thông…lập đoàn công tác thực hiện.

Theo bà Yến, giai đoạn tiếp theo, Dự án sẽ triển khai tại 10 bến xe, bến phà ở TPHCM cụ thể: bến xe Chợ Lớn, bến Bạch Đằng, bến xe An Sương, bến xe Ngã Tư Ga, bến xe Miền Đông, bến xe Tân phú, bến xe quận 8, phà Bình Khánh, phà Cát Lái…

Đại diện các bến xe có kế hoạch phối hợp với UBND phường thực hiện tuyên truyền, xử phạt người dân hút thuốc lá nơi công cộng, tần suất ít nhất 1 lần mỗi tuần.

Lý do hàng ngàn sinh viên bị buộc thôi học mỗi năm

Báo Thanh Niên cho hay, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM vừa công bố kết quả xét học vụ dự kiến năm học 2019 - 2020. Đặc biệt là trong danh sách có hơn 1.100 sinh viên (SV) thuộc diện dự kiến bị thôi học do hết thời gian đào tạo tại trường (gồm 251 SV CĐ và 852 SV ĐH).

Tại Trường ĐH Sư phạm TP, danh sách SV bị thôi học cũng rất lớn. Sau học kỳ 1 năm học 2019 - 2020, trường này có tới 975 SV bị cảnh báo học vụ và 458 SV khác bị buộc thôi học. Sau học kỳ 2 năm học này, danh sách SV có giảm xuống nhưng vẫn còn tới hơn 800 người bị cảnh báo học vụ và 260 người bị buộc thôi học.

Cuối năm 2019, Trường ĐH Công nghiệp TP cũng phải ra quyết định kỷ luật cảnh báo hơn 2.000 SV do tự ý bỏ học trong học kỳ 1.

Trong giữa năm nay, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP công bố danh sách 457 SV nhiều ngành đào tạo bị buộc thôi học từ học kỳ 2 năm học 2019 - 2020. Bên cạnh đó, trường này còn có tới 921 SV bị cảnh báo học vụ học kỳ này.

Mới đây nhất, Trường ĐH Luật TP.HCM công bố danh sách dự kiến 270 SV thuộc diện bị buộc thôi học, cảnh báo học vụ và đình chỉ học tập.

Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học đông nhưng cũng rất nhiều người không theo đuổi được việc học đến cùng
Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học đông nhưng cũng rất nhiều người không theo đuổi được việc học đến cùng

Theo đại diện các trường, nguyên nhân thực sự không hoàn toàn do SV không đủ năng lực. Thạc sĩ Huỳnh Công Ba, Trưởng phòng Công tác chính trị và học sinh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP, cho biết đa phần SV bị buộc thôi học là đã bỏ học từ năm thứ nhất. Tuy nhiên, quy chế đào tạo không cho phép buộc thôi học SV nếu chỉ nghỉ học 1 học kỳ mà cần đủ 3 học kỳ liên tiếp.

Nguyên nhân phổ biến của việc SV tự ý bỏ học là do các em chọn không đúng ngành nghề, bỏ học trường này nhưng thi lại trúng tuyển và đang theo học trường khác. Nhưng cũng có một bộ phận khác do bị hụt hẫng bởi sự khác biệt giữa cách thức học ĐH so với học phổ thông.

Theo Thạc sĩ Thái Doãn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP, nguyên nhân kết quả học tập kém vì SV không bắt kịp được phương pháp học ĐH. Ngoài ra, còn có nhóm SV “nhảy” sang ngành nghề khác, trường khác nên bỏ lơ việc học dẫn đến bị cảnh báo học tập. Bên cạnh đó, cũng có những SV bị tác động bên ngoài không tập trung việc học, kết quả kém và bị cảnh báo.

Giải pháp nào giúp sinh viên quản lý việc học ?

Về giải pháp, Thạc sĩ Thái Doãn Thanh cho biết sẽ củng cố đội ngũ cố vấn học tập để ngay khi SV có kết quả kém một học kỳ, trường sẽ phối hợp sát với người học, kể cả gia đình, nhằm giảm thiểu tình trạng trên. Hàng tháng các khoa có báo cáo với trường về tình hình học tập của SV.

Thạc sĩ Huỳnh Công Ba cũng cho rằng: “Ngay sau khi có danh sách, trường có văn bản gửi các khoa chuyên môn về việc hỗ trợ, tư vấn sâu sát cho SV trong kế hoạch học tập”.

Trong khi đó, cán bộ đào tạo một trường ĐH nêu ý kiến: “Quy chế đào tạo tín chỉ giao quyền chủ động cho người học. Tuy nhiên, việc không có quy định điểm danh vắng mặt bị cấm thi có thể là điều bất cập cần được sửa đổi. Ngoài ra, số lượng lớn SV bị xử lý học vụ mỗi năm cho thấy vai trò của cố vấn học tập hiện chưa được thể hiện đúng trong các trường ĐH”.

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục