Nhanh chóng khắc phục sự cố tốc mái ở Trường THPT Bình Phú
Báo SGGP đưa tin, ngày 2/11, đoàn công tác do Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan dẫn đầu đã có buổi kiểm tra thực tế, tìm giải pháp khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng giông lốc tại Trường THPT Bình Phú (quận 6).
Sau khi ghi nhận các ý kiến của Sở ban ngành, Phó chủ tịch Võ Văn Hoan chỉ đạo các đơn vị liên quan cần khắc phục nhanh sự cố, nhưng phải đảm bảo không làm gián đoạn việc học của học sinh. Trong đó, cần nghiên cứu tính toán để kết hợp cả hai phương án cải tạo theo dự án và phương án khắc phục sự cố do thiên tai.
Phó chủ tịch UBND TP yêu cầu UBND quận 6 và Ban giám hiệu Trường THPT Bình Phú di dời toàn bộ học sinh ở cả 3 khối 10, 11 và 12 qua Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM học tập bắt đầu từ thứ 4 (ngày 4/11) đến khi kết thúc năm học 2020-2021. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho Sở GD-ĐT TP làm việc với Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM để có phương án hỗ trợ phù hợp nhất.
Trước mắt, địa phương sẽ chủ động nguồn kinh phí (từ quỹ phòng chống lụt bão của mỗi địa phương) để thu dọn mặt bằng, thuê mướn cơ sở giáo dục khác để đảm bảo không gián đoạn quá trình học tập của học sinh và tổ chức xe đưa đón đối với những trường hợp học sinh có nhu cầu. Trường hợp không đủ kinh phí, địa phương phải kịp thời báo cáo về UBND TP để được cấp kinh phí bổ sung.
Về dự án sửa chữa và nâng cấp Trường THPT Bình Phú, Phó chủ tịch Võ Văn Hoan chỉ đạo Sở Xây dựng TP khẩn trương thẩm định và phê duyệt thiết kế để sớm bố trí ngân sách thực hiện, đưa vào nguồn vốn bố trí của năm 2020.
Phó chủ tịch Võ Văn Hoan cũng lưu ý, đơn vị đầu tư cần rà soát, đánh giá lại chất lượng công trình trong điều kiện đã bị giông lốc và mưa lớn tác động, kịp thời cập nhật để tổng hợp, bổ sung trong việc thiết kế và đầu tư trang thiết bị, tránh tình trạng phát sinh thêm chi phí khi triển khai thi công.
Đặc biệt, TP nhấn mạnh các đơn vị phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo chậm nhất tháng 7/2021 phải bàn giao cơ sở vật chất cho nhà trường chuẩn bị cho năm học mới.
Chiều cùng ngày, đoàn công tác tiếp tục có buổi khảo sát thực tế tại Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM để đảm bảo các phương án bố trí chỗ học cho học sinh.
Trước đó, vào lúc 17 giờ 30 ngày 31/10, do mưa lớn kèm lốc xoáy nên toàn bộ dãy nhà ở tầng 2, khu B của trường THPT Bình Phú (quận 6) bị bung mái, các phòng học bị hư hỏng nặng không thể tiếp tục sử dụng.
Hàng nghìn chiếc bánh mì gửi về miền Trung
Khoảng 1 tuần trở lại đây, căn nhà tại 117 Nguyễn Hữu Tiến, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM bỗng trở nên rộn rã hơn. Tại đây, hàng nghìn chiếc bánh mì được các cô, các chị phường Tây Thạnh đang gấp rút làm để gửi về các tỉnh miền Trung cứu trợ. Nội dung trên báo Lao Động.
“Miền Trung bị bão lũ nặng nề nên chị em chúng tôi mỗi người góp một chút, người góp bánh mì, ai có bơ góp bơ, có đường góp đường, ai không có thì góp công để hỗ trợ bà con. Tuy không nhiều nhưng giúp được phần nào thì chúng tôi giúp, ai cũng thấy vui” - chị Hồng Yến, chủ căn nhà 117 Nguyễn Hữu Tiến, quận Tân Phú vui vẻ chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Quý (sống tại huyện Hóc Môn, TPHCM) cũng tham gia làm bánh mì cho biết: "Đến nay là đã 3 lần mọi người làm bánh mì gửi về miền Trung với hơn 1000 chiếc. Mỗi đợt làm như vậy mất từ 5-6 tiếng đồng hồ mới ra thành phẩm, tuy nhiên mọi người đều thấy vui chứ không thấy mệt vì đã góp chút công sức giúp miền Trung thân yêu".
Theo chị Phí Thị Ngọc Yến - Chủ tịch Hội LHPN phường Tây Thạnh, ý tưởng này xuất phát từ mô hình "Tủ bánh mì tình thương" do Hội tổ chức phát 100 ổ bánh mì định kỳ 2 tuần 1 lần cho bà con khó khăn từ tháng 1/2020 tới nay. Từ khi miền Trung bị bão lũ, các cô, các chị đã nhân rộng mô hình này lên để giúp đỡ đồng bào miền Trung.
Các quy trình làm bánh mì đều được mọi người chú ý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tăng cường kiểm tra bến khách ngang sông
Báo Pháp Luật cho hay, nhằm tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường tại các bến khách ngang sông trên địa bàn, Sở GTVT vừa có văn bản đề nghị Công an TP chỉ đạo lực lượng chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Đồng thời, Sở này đề nghị UBND quận - huyện, phường - xã có liên quan thực hiện tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các bến khách ngang sông không bảo đảm đầy đủ các điều kiện an toàn hoạt động và các hành vi vi phạm khác theo quy định.
Đặc biệt, các đơn vị trên xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm chở quá tải trọng cho phép, hành khách không mặc áo phao, không sử dụng phao cứu sinh theo quy định. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền người dân bỏ rác, thu gom rác đúng nơi quy định, đồng thời có biện pháp xử phạt đối với các trường hợp vi phạm xả rác xuống sông, kênh, rạch.
Sở GTVT TP.HCM vừa có chỉ đạo về việc tăng cường bảo đảm an toàn hoạt động bến khách ngang sông trên địa bàn TP.
Sở GTVT giao Trung tâm Quản lý đường thủy tăng cường tuyên truyền Luật Hàng hải, Luật Giao thông đường thủy nội địa và các văn bản pháp luật khác có liên quan về hoạt động bến khách ngang sông, trật tự an toàn giao thông đường thủy đến các chủ bến thủy nội địa và người điều khiển các phương tiện trên sông.
Trung tâm chủ động phối hợp, hỗ trợ các đơn vị chức năng trực thuộc UBND các quận - huyện, phường - xã trong kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy, điều kiện an toàn hoạt động các bến khách ngang sông trên địa bàn TP. Mặt khác, Trung tâm này có trách nhiệm tăng cường phối hợp kiểm tra về điều kiện an toàn hoạt động bến và công tác bảo vệ môi trường tại bến khách ngang sông khu vực các đầu bến, phạm vi vùng nước hoạt động bến thủy nội địa.
Sở GTVT còn giao Thanh tra giao thông phối hợp với UBND các quận, huyện và phường, xã tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm đối với trường hợp bến khách ngang sông không bảo đảm đầy đủ các điều kiện an toàn hoạt động bến theo quy định trên địa bàn TP.
Từ ngày 5/11 đôi tàu Thống nhất SE5/SE6 được khai thác trở lại
Theo báo SGGP, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, từ ngày 5/11, đôi tàu Thống nhất SE5/SE6 sẽ được khai thác trở lại sau thời gian bị gián đoạn do mưa bão khu vực miền Trung.
Theo đó, tàu SE5 xuất phát ga Hà Nội lúc 8 giờ 50 hôm trước đến ga Sài Gòn lúc 18 giờ 55 hôm sau.
Tàu SE6 xuất phát ga Sài Gòn lúc 8 giờ 40 hôm trước đến ga Hà Nội lúc 19 giờ 12 hôm sau.
Như vậy, từ ngày 5/11, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam hàng ngày có 4 đôi tàu khách Thống nhất chạy suốt Hà Nội - Sài Gòn và ngược lại gồm: SE1/SE2, SE3/SE4, SE5/SE6 và SE7/SE8.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng cho biết, để chia sẻ khó khăn với khu vực miền Trung, các đoàn tàu khách Thống nhất SE1/SE2, SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8 và tàu tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng SE21/SE22 sẽ giảm 20% giá vé cho hành khách đi, đến các ga Quảng Ngãi; Núi Thành, Tam Kỳ, Phú Cang, Trà Kiệu (Quảng Nam); ga Đà Nẵng; ga Huế; các ga Đông Hà, ga Mỹ Đức, Đồng Hới, Minh Lệ, Đồng Lê (tỉnh Quảng Bình), ga Hương Phố, Yên Trung (Hà Tĩnh) đến hết ngày 15/11.
Khách sạn hạng sang đổi hướng kinh doanh
Ghi nhận trên báo Lao Động, nhiều khách sạn hạng sang ở TP đã và đang triển khai kế hoạch đổi hướng kinh doanh. Theo đó, hầu hết các khách sạn đều chuyển đối tượng khách hàng tiềm năng từ khách quốc tế thành khách nội địa. Từ ngày chuyển sang tập trung phục vụ khách nội địa và khách là người dân TPHCM đến trải nghiệm, doanh thu khách sạn tăng lên đáng kể.
Ông Nguyễn Hữu Năng Phương, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị - Khách sạn Majestic cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở các nước vẫn diễn biến phức tạp nên đối tượng khách hàng quốc tế rất ít. Vì vậy, để tiếp tục hoạt động và khắc phục khó khăn, khách sạn tập trung thu hút khách nội địa và khách là người dân TPHCM đến trải nghiệm bằng nhiều chương trình ưu đãi với giá tốt nhất từ trước đến nay.
Khách sạn 5 sao nổi tiếng này chuyên phục vụ khách quốc tế, nay chuyển sang phục vụ khách nội địa. Ảnh: Huân Cao
Ông Đỗ Văn Thức, PGĐ Công ty Du lịch Đất Việt cũng chia sẻ, ngoài việc chuyển hướng trọng tâm sang phục vụ khách nội địa, nhiều khách sạn hạng sang đăng ký để trở thành điểm cách ly tập trung. Các khách sạn xem đây là một giải pháp hiệu quả để lấp đầy phòng và tăng doanh thu trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Thông tin thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP cho hay, hiện Sở đã nhận được nhiều đề nghị của những cơ sở lưu trú từ 3-5 sao đăng ký làm cơ sở cách ly tập trung. Tuy nhiên, để trở thành điểm cách ly tập trung, thì bản thân cơ sở lưu trú phải cải tạo, đáp ứng được những yêu cầu của ngành y tế đưa ra. Lãnh đạo Sở Du lịch cung cấp thêm thông tin, ngoài khách sạn 3-5 sao ra, trong thời gian tới Sở sẽ tăng cường thêm khách sạn 1-2 sao để người dân có sự lựa chọn phù hợp với kinh tế của mình. Đồng thời, cũng tạo điều kiện cho các cơ sở lưu trú nhỏ có điều kiện vực dậy trong kinh doanh, sau thời gian dài ảnh hưởng dịch Covid-19.
Nhân viên khách sạn Majestic chuẩn bị phòng để đón khách. Ảnh: Huân Cao
Tháo dỡ trạm BOT cầu Bình Triệu
Chiều 2/11, cơ quan chức năng đã tháo hai trạm thu phí ở hai đầu cầu Bình Triệu 1 và 2 để trả lại lòng đường thông thoáng sau 5 năm bỏ hoang, không hoạt động. Ghi nhanh trên báo Giao Thông.
Theo Sở GTVT TP, dự án cầu Bình triệu đã dừng thu phí 5 năm nay nhưng vẫn chưa tháo dỡ là do dự án vẫn chưa chính thức chấm dứt hình thức hợp đồng BOT. Mới đây, UBND TP đã chấp thuận ngừng hợp đồng BOT và chuyển đổi sang đầu tư ngân sách đối với dự án này. Tháng 7/2020, UBND TP đã giao cho các sở, ngành làm thủ tục chấm dứt hợp đồng BOT dự án, đồng thời chấp thuận đề xuất của Sở GTVT TP giao cho Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ tổ chức tháo dỡ 2 trạm thu phí trên.
Hai trạm thu phí này suốt 5 năm qua nằm giữa đường, gây cản trở giao thông khu vực, gây kẹt xe vào những dịp lễ tết khi lượng xe đổ về Bến xe Miền Đông tăng.
Trạm thu phí BOT cầu Bình Triệu 2 (TP.HCM) đã được tháo dỡ để trả lại lòng đường thông thoáng
Dự án BOT cầu Bình Triệu 2 giai đoạn 1 được triển khai từ năm 2004, do Cienco 5 làm chủ đầu tư. Đến năm 2008, UBND TP cho phép triển khai giai đoạn 2 và giao Công ty CP đầu tư hạ tầng giao thông TP (Công ty CII) làm chủ đầu tư. Dự án bao gồm các hợp phần như: Nâng cấp mở rộng QL13 từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước; sửa chữa cầu Bình Triệu 1; mở rộng đường Nguyễn Xí và xây dựng nút giao thông ngã năm Đài Liệt Sĩ; mở rộng đường Ung Văn Khiêm; hoàn trả chi phí đầu tư mà Cienco 5 đã thực hiện. Tuy nhiên, đến năm 2010 Công ty CII mới chỉ hoàn thành xây cầu Bình Triệu 2, sửa chữa cầu Bình Triệu 1 và cũng đã thu phí hoàn vốn.
Đến năm 2018, UBND TP và Công ty CII ký hợp đồng BOT về dự án cầu đường Bình Triệu 2 trên cơ sở điều chỉnh hợp đồng cũ, với các hạng mục chưa được thực hiện gồm: Mở rộng đường Ung Văn Khiêm lên 30m; xây dựng nút giao thông Đài Liệt Sĩ; mở rộng cầu Ông Dầu trên QL13 với tổng vốn đầu tư 2.293 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 1.364 tỷ đồng do nhà đầu tư ứng cho địa phương trả. Công ty CII chỉ mới hoàn thành mở rộng cầu Ông Dầu trên QL13 với tổng vốn đầu tư 2.293 tỷ đồng, các hạng mục khác chưa thực hiện được do có những thay đổi trong các phương án. Do vậy, trạm BOT "chờ thu phí" này phải được dỡ bỏ.
Ra mắt Câu lạc bộ Văn hóa doanh nghiệp TP
Thông tin trên báo SGGP, Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa doanh nghiệp TPHCM vừa chính thức được thành lập, với mong muốn thúc đẩy các hoạt động, thực hiện các chủ trương, chương trình của Ban tổ chức Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp (Ban tổ chức 248) và Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (VNABC) đến cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp phía nam.
Đại diện ban chấp hành CLB, ông Nguyễn Tri Phương cho biết CLB sẽ tạo không gian kết nối cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp và khuyến khích quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, hưởng ứng cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Cũng theo ông Phương, logo của CLB là hình ảnh hoa sen nở nhìn từ trên cao tạo thành những cánh tay nắm chặt được mô phỏng theo các hoạ tiết trống đồng, tạo ra những chữ V (victory) thắng lợi, đồng thời tạo thành hình ngôi sao 5 cánh ở vị trí trung tâm thể hiện tinh thần tự hào dân tộc và nền tảng văn hóa cốt lõi của dân tộc Việt Nam bao đời nay.
Để cộng đồng CLB văn hóa doanh nghiệp TP ngày càng lớn mạnh, Ban chủ nhiệm CLB khuyến khích doanh nhân, chủ doanh nghiệp, thành viên HĐQT, chuyên gia, cán bộ quản lý của các công ty, tổ chức giáo dục, văn hóa, du lịch cùng tham gia.
Nhiều giáo viên được hưởng mức phụ cấp trách nhiệm mới
Bắt đầu từ tháng 11 này, những viên chức ngành giáo dục TPHCM làm các công việc như: cán bộ quản lý, giáo viên của các trường chuyên biệt, giáo viên được cử làm tổng phụ trách đội ở các trường phổ thông sẽ được hưởng mức phụ cấp mới. Báo điện tử Vietnamnet đăng tin.
Từ tháng này giáo viên ở TP.HCM sẽ được hưởng mức phụ cấp trách nhiệm mới. Ảnh minh họa
Theo công văn số 3517/GDĐT-TC về chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục do Sở GD-ĐT TPHCM ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/11/2020, thực hiện áp dụng mức 2, hệ số 0,3 so với mức lương tối thiểu chung đối với cán bộ quản lý và giáo viên của các trường chuyên biệt; giáo viên được cử làm Tổng phụ trách (chuyên trách và bán chuyên trách) Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ở trường phổ thông hạng I.
Áp dụng mức 3, hệ số 0,2 so với mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với giáo viên được cử làm Tổng phụ trách (chuyên trách và bán chuyên trách) Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh ở trường phổ thông hạng II.
Mức 4, hệ số 0,1 so với mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với giáo viên được cử làm Tổng phụ trách (chuyên trách và bán chuyên trách) Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh ở trường phổ thông hạng III; Thủ quỹ cơ quan, đơn vị.
Nhân viên bảo vệ trường học không thuộc diện được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo Thông tư số 05/2005/TT-BNV ngày 05 tháng 01 năm 2005.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)