Bắn pháo hoa tại 4 điểm dịp Tết Dương lịch
Báo Thanh Niên cho hay, trao đổi với báo chí bên lề hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM lần thứ 3 diễn ra ngày 30/12, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, Thủ tướng đã chấp thuận đề xuất kế hoạch bắn pháo hoa chào mừng Tết Dương lịch 2021 của TP.
Cụ thể, ngoài 3 điểm đã được chấp thuận trước đó, Thủ tướng cũng đã đồng ý với đề xuất điểm bắn pháo hoa tại Khu Công nghệ cao mừng thành lập TP.Thủ Đức.
Trong dịp Tết Dương lịch, TP sẽ bắn pháo hoa tại 4 điểm, bao gồm 2 điểm tầm cao: khu vực đầu đường hầm vượt sông Sài Gòn (Q.2) và tòa nhà Landmark 81, khu vực Công viên Central Park (P.22, Q.Bình Thạnh). Hai điểm tầm thấp là Công viên Văn hóa Đầm Sen (Q.11) và Khu công nghệ cao (Q.9).
Người dân sẽ được thưởng thức màn bắn pháo hoa trong 15 phút, từ 0 giờ đến 0 giờ 15 phút ngày 1/1/2021. Kinh phí bắn pháo hoa từ nguồn xã hội hóa.
Thưởng Tết Nguyên đán cao nhất hơn 1 tỷ đồng
Theo Vietnamplus, ngày 30/12, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM Minh cho biết, mức thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của các doanh nghiệp trên địa bàn TP cao nhất là 1,076 tỷ đồng, thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngành cơ điện lạnh.
Mức tiền thưởng Tết Dương lịch năm 2021 cao nhất là 990 triệu đồng thuộc về doanh nghiệp FDI ngành tài chính ngân hàng.
Theo khảo sát từ 1.035 doanh nghiệp trên địa bàn TP có sử dụng 140.000 lao động của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP cho thấy, tiền thưởng Tết Dương lịch năm nay bình quân 3,4 triệu đồng/người, tương đương mức thưởng so với năm 2019. Riêng thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 bình quân là 8,8 triệu đồng/người, giảm 12% so với thưởng năm 2019.
Mức lương bình quân của người lao động trong năm 2020 là 10 triệu đồng/người/tháng, giảm 8,6% so với bình quân năm 2919. Tuy nhiên, mức lương thấp nhất là của một người lao động là 5,4 triệu đồng/tháng, tăng 1 triệu đồng so năm 2019.
Đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP cho biết thêm, từ nay đến Tết Tân Sửu 2021, đơn vị sẽ tiếp tục khảo sát mức lương, thưởng của các doanh nghiệp đối với người lao động. Bên cạnh đó, sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ công nhân lao động nhân dịp cuối năm như: thăm hỏi tặng quà, trao tặng vé xe, vé tàu, tổ chức chương trình vui Xuân cho người có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện về quê đón Tết.
Bệnh viện tại TPHCM hướng tới không khai báo y tế bằng giấy
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 30/12, Sở Y tế TP đã có công văn khẩn gửi tất cả bệnh viện công lập và ngoài công lập về việc chuyển đổi một số hoạt động khai báo y tế phòng chống Covid -19.
Theo đó, trong tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Sở Y tế đề nghị các đơn vị tuân thủ nghiêm những quy định về công tác phòng chống dịch Covid -19, trong đó cần chú ý củng cố việc chuyển đổi số cho hoạt động khai báo y tế của bệnh viện bằng cách sử dụng kiôt khai báo y tế và ứng dụng khai báo y tế trên điện thoại di động thông minh.
Phần mềm khai báo này phải có cảnh báo khi phát hiện câu trả lời "Có" trong nội dung khai báo. Kết quả sàng lọc và khai báo y tế cần báo cáo định kỳ hằng ngày hoặc đột xuất (khi phát hiện cảnh báo trên phần mềm) đến giám đốc bệnh viện để kịp thời can thiệp.
Lưu ý, khi đã chuyển đổi số cho hoạt động khai báo y tế, việc có cần phải duy trì dán "sticker" (Người được kiểm tra sàng lọc và an toàn tại thời điểm kiểm tra sẽ được dán “sticker” hoặc đeo vòng tay ngay tại cổng ra vào bệnh viện) cho người đã khai báo hay không là thẩm quyền của giám đốc bệnh viện.
Nếu thấy cần thiết phải duy trì "sticker", đề nghị giám đốc bệnh viện tăng cường hoạt động giám sát và chấn chỉnh các hiện tượng như báo chí đã phản ánh.
Sở Y tế đề nghị giám đốc các bệnh viện khẩn trương rà soát các hoạt động trên, nhất là đẩy nhanh chuyển đổi số việc khai báo y tế, khuyến khích các bệnh viện tổ chức tham quan, học tập lẫn nhau.
Thông xe cầu thép An Phú Đông, quận 12
Báo SGGP đưa tin, sáng 31/12, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (BDACTGT) chính thức đưa công trình xây dựng cầu thép An Phú Đông, nối quận 12 và quận Gò Vấp, vào phục vụ người dân lưu thông.
Giám đốc BDACTGT Lương Minh Phúc cho biết, đây là công trình trọng điểm của TP, thay thế cho phà hiện hữu, phục vụ nhu cầu đi lại thuận tiện, an toàn, liên tục cho người dân trong khu vực; góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực phường An Phú Đông, quận 12 và quận Gò Vấp.
Công trình đi vào hoạt động giúp rút ngắn cự ly di chuyển từ khu vực phường An Phú Đông qua quận Gò Vấp và ngược lại gần hơn 10 km thay vì phải đi đường vòng như trước đây.
Cầu thép An Phú Đông được khởi công từ tháng 2/2020, kết cấu hoàn toàn bằng thép, dài 240m, rộng 12,5m (2 làn xe ô tô và lề bộ hành 2 bên). Tổng kinh phí xây dựng gần 80 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 61,3 tỷ đồng, các chi phí khác là 15,6 tỷ đồng.
100% mẫu thực phẩm đông lạnh nhập khẩu an toàn với SARS-CoV-2
Cũng trên Vietnamplus, ngày 30/12, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND TP, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP đã thành lập 8 đoàn kiểm tra, tiến hành lấy 100 mẫu trên bề mặt bao bì các sản phẩm thực phẩm đông lạnh nhập khẩu trên địa bàn để xét nghiệm SARS-CoV-2.
Các mẫu được gửi xét nghiệm tại Viện Y tế công cộng TP. Kết quả xét nghiệm cho thấy, 100 mẫu đều không phát hiện SARS-CoV-2. Như vậy, thực phẩm đông lạnh nhập khẩu đang kinh doanh trên địa bàn TP an toàn với SARS-CoV-2.
Ban hành đơn giá thuê đất trong Khu Công nghệ cao
Báo Pháp Luật Việt Nam cho hay, UBND TPHCM vừa có Quyết định ban hành mức tỷ lệ phần trăm tính đơn giá thuê đất trả tiền hàng năm trong Khu Công nghệ cao TP HCM. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 31/12/2020.
Theo đó, đất thuê với mục đích sử dụng để kinh doanh thương mại dịch vụ sẽ được tính đơn giá tiền thuê đất trả tiền hàng năm là 1,3%.
Với đất có mục đích sử dụng là sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp (không bao gồm đất kinh doanh thương mại dịch vụ), đất công cộng có mục đích kinh doanh có mức tỉ lệ % tính đơn giá tiền thuê đất trả tiền hàng năm là 1%.
Các đối tượng áp dụng bao gồm: tổ chức, cá nhân được nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm trong Khu Công nghệ cao TP HCM; Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Chấn chỉnh lô cốt trên đường
Theo báo cáo của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT), toàn TP hiện có tổng số 99 vị trí rào chắn trên 62 tuyến đường phục vụ thi công các công trình, dự án. Trong đó, nhiều nhất là quận 2 có 32 rào chắn, quận 4 có 13 rào chắn, kế đến là quận 8 với 8 rào chắn, quận 9 với 7 rào chắn… Nội dung trên báo Pháp Luật TP.
Chỉ trong tháng 12/2020, Thanh tra Sở đã phát hiện và tiến hành lập 51 biên bản vi phạm hành chính các đơn vị thi công đào đường với số tiền xử phạt là hơn 285 triệu đồng. Các vi phạm được ghi nhận gồm: Để vật liệu thi công ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông, không hoàn trả phần đường nguyên trạng sau khi thi công, không bố trí người hướng dẫn, điều khiển giao thông khi thi công ở nơi đường hẹp, giấy phép thi công đã hết thời hạn…
Ông Phạm Lê Lâm, Phó Đội trưởng Đội tham mưu, Thanh tra Sở GTVT, cho biết sẽ thực hiện kế hoạch về hoạt động thanh tra, kiểm tra phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội xuân Tân Sửu năm 2021, đồng thời tiến hành tổng kiểm tra về tình hình rào chắn, thi công công trình.
Kế hoạch kiểm tra rào chắn của Thanh tra Sở nhằm đánh giá việc chấp hành phương án tổ chức phân luồng giao thông, các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, hệ thống biển báo, rào chắn thi công, tái lập mặt đường… của các đơn vị thi công.
ĐHQG TPHCM: Tự chủ để thiết lập giá trị mới
Theo báo Người Lao Động, ĐHQG TPHCM quyết tâm đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị theo hướng tự chủ, đồng thời nhận định đây là cơ hội để từng bước đưa ĐHQG TPHCM trở thành ĐH lớn, có uy tín trên thế giới.
PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Thường trực ĐHQG TPHCM, cho biết năm 2020, ĐHQG TP đã nỗ lực gặt hái được nhiều thành tựu, khẳng định rõ nét vai trò đầu tàu, nòng cốt của mình trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước và nâng cao vị thế của giáo dục ĐH Việt Nam trên trường quốc tế.
Đến nay, ĐHQG TPHCM đã có bước tiến dài trong hội nhập giáo dục quốc tế, liên tục xuất hiện trong nhiều bảng xếp hạng ĐH uy tín nhất của khu vực và thế giới: Top 351-400 ĐH trẻ tốt nhất thế giới, Top 401-50 ĐH hàng đầu ở các nền kinh tế mới nổi trong bảng xếp hạng THE 2020, Top 150 ĐH trẻ (dưới 50 tuổi) hàng đầu thế giới theo QS Top 50 Under 50,…
Với quyết tâm thực hiện tự chủ ĐH để thiết lập các giá trị mới, khác biệt mang tầm thế giới, ĐHQG TPHCM xác định chủ đề năm 2021 là "Mô hình tự chủ - Vươn tầm thế giới", gồm các nội dung trọng tâm: Đổi mới cơ chế hoạt động, xây dựng và phát triển mô hình tự chủ ĐH tiên tiến trên nền tảng hệ thống thiết chế quản trị ĐH hiện đại, hiệu quả theo chuẩn mực quốc tế; tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội và phục vụ cộng đồng, khẳng định tầm vóc, vị thế của ĐHQG TPHCM nói riêng, của giáo dục ĐH Việt Nam nói chung trên trường quốc tế; gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, nghiên cứu khoa học, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội; đảm nhận vai trò trụ cột trong quá trình thực hiện đề án phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông của TPHCM;…
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)