Sẵn sàng ứng phó biến thể virus SARS-CoV-2 mới
Chia sẻ với báo Pháp Luật TP, BS Lê Hồng Nga - Trưởng Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP cho biết: TPHCM mặc dù cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 nhưng không thể chủ quan. Hơn nữa, Việt Nam đã ghi nhận trường hợp biến thể virus SARS-CoV-2 mới, cho dù độc lực không tăng nhưng khả năng lây lan dịch bệnh tăng cao, dẫn tới số người mắc bệnh sẽ nhiều hơn.
Do vậy, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, TPHCM đã thành lập hơn 14.200 tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng, gọi tắt là tổ COVID cộng đồng.
Tổ COVID cộng đồng có chức năng giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 chủ động tại từng hộ gia đình. Đây cũng là cầu nối về công tác phòng, chống dịch bệnh của chính quyền địa phương và ngành y tế đến từng hộ dân. Điều này giúp người dân yên tâm, tin tưởng và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Tổ COVID cộng đồng còn giám sát, phát hiện và báo cáo ngay chính quyền địa phương, y tế địa phương những trường hợp nghi mắc COVID-19 tại các hộ dân để tổ chức cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Bên cạnh đó, phát hiện và báo cáo những trường hợp không thực hiện khai báo y tế, không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, người từ vùng dịch trở về chưa khai báo y tế. Tổ COVID cộng đồng cũng có nhiệm vụ hỗ trợ địa phương và cơ quan y tế truy vết F1, F2 khi có ca bệnh COVID-19 trong khu vực phụ trách.
BS Lê Hồng Nga thông tin thêm, các thành viên trong tổ COVID cộng đồng được tập huấn nhiệm vụ khi tham gia hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại chỗ. Ngoài ra, họ còn được tập huấn các biện pháp bảo vệ chính mình khi làm nhiệm vụ.
Mỗi tổ COVID cộng đồng có 2-3 người, sức khỏe tốt và không mắc các bệnh mạn tính. Ưu tiên cán bộ tổ, ấp, khu phố, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, tình nguyện viên tại khu dân cư. Tùy điều kiện thực tế, mỗi tổ COVID cộng đồng phụ trách 40-50 hộ gia đình.
Thêm hàng ngàn vé xe miễn phí cho sinh viên, công nhân về quê đón tết
Báo Thanh Niên cho hay, nhằm hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại TPHCM được về quê sum họp cùng gia đình trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP đang phối hợp với các đơn vị triển khai chương trình “Chuyến xe mùa xuân” dành 3.000 vé xe miễn phí tặng cho sinh viên.
Điều kiện nhận vé là sinh viên người dân tộc ít người, mồ côi cha mẹ, khuyết tật. Ưu tiên sinh viên có hoàn cảnh khó khăn bị thiệt hại nặng nề do bão, lũ gây ra có hộ khẩu thường trú thuộc các tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa.
Hồ sơ dự xét bao gồm: Đơn đăng ký online tham gia chương trình tải tại website: https://cxmx.sac.vn hoặc tại https://dangky.sac.vn/dondangky2021. Lưu ý, đơn đăng ký phải đầy đủ thông tin, có xác nhận của Đoàn-Hội Sinh viên của trường mình đang theo học; bản photo thẻ sinh viên, CMND (không cần công chứng); giấy tờ xác nhận hoàn cảnh gia đình khó khăn của địa phương (nếu có); bản sao các giấy tờ tham gia các hoạt động Đoàn, Hội (nếu có).
Nộp hồ sơ từ ngày 4-16/1 qua email: tangvexe@hotrosinhvien.vn. Để biết thêm chi tiết, liên hệ: Anh Trần Lê Hồng Long – Phòng Hỗ trợ đời sống Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM; ĐT: 028.35210104.
Tương tự, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM, cho biết cũng triển khai chương trình “Chuyến xe thanh niên công nhân sum vầy năm 2021” dành tặng 2.000 vé xe cho thanh niên các tỉnh miền Trung có hoàn cảnh khó khăn về quê đón tết.
Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với một số đơn vị tặng 450 vé máy bay cho thanh niên công nhân đang làm việc tại TPHCM về Đà Nẵng và Hà Nội.
Thanh niên công nhân khó khăn có nhu cầu nhận Vé Xe Về Quê Đón Tết liên hệ nộp hồ sơ tại: Văn phòng khu lưu trú Sadeco Lô X01-06 Bùi Văn Ba, P.Tân Thuận Đông, Q.7, hạn chót ngày 15/1/2020.
Đầu tư trong nước tại các khu chế xuất, công nghiệp tăng 53,94%
Theo Vietnamplus, Ban Quản lý các khu Chế xuất và Công nghiệp TP cho biết, tính đến tháng 12/2020, tổng vốn đầu tư thu hút vào các khu chế xuất, khu công nghiệp kể cả cấp mới và điều chỉnh đạt 747,67 triệu USD, đạt 149,53% kế hoạch năm (tăng 15,79% so với cùng kỳ năm 2019).
Riêng về đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư thu hút trên 8.907 tỷ đồng (tương đương 384,67 triệu USD), tăng 53,94% so với năm 2019. Trong đó, có 65 dự án cấp mới với vốn đầu tư đăng ký hơn 7.221 tỷ đồng (tương đương 311,83 triệu USD), tăng 39,69% so với năm 2019; có 37 dự án tăng vốn điều chỉnh 1.686,61 tỷ đồng (tương đương 72,83 triệu USD), tăng gấp 2,73 lần so với năm 2019.
Xét về thu hút đầu tư các ngành nghề trọng điểm của TP, đại diện Ban Quản lý các khu Chế xuất và Công nghiệp TP cho biết thêm, 4 ngành công nghiệp trọng yếu thu hút 39/81 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư 189,77 triệu USD, chiếm 39% tổng vốn đầu tư thu hút mới, bao gồm 8 dự án FDI và 31 dự án đầu tư trong nước.
Sẽ phát triển thêm 24.000 căn hộ nhà ở xã hội
Báo Hà Nội Mới đưa tin, trong giai đoạn 2021-2025, TPHCM dự kiến xây dựng 2,13 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội, tương ứng 24.000 căn hộ.
Để thực hiện kế hoạch trên, Sở Xây dựng TP sẽ tiếp tục theo dõi đôn đốc thực hiện 19 dự án nhà ở xã hội trong danh mục nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành sau năm 2020 với quy mô 26.983 căn hộ; cập nhật, rà soát các dự án nhà ở thương mại có quy mô lớn hơn 10ha, đã xác định quỹ đất 20% thực hiện nhà ở xã hội, đôn đốc thực hiện để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu trên.
Hiện Sở Xây dựng đang theo dõi 65 dự án phát triển nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất từ 10ha trở lên, phải dành 20% tổng diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội, tổng diện tích đất khoảng 197,3ha với quy mô khoảng 146.550 căn hộ nhà ở xã hội.
Trước đó, để tháo gỡ khó khăn cho nhà ở xã hội, UBND TP đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội.
Đồng thời, UBND TP đã chỉ đạo Sở Xây dựng tham mưu giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại đối với các dự án nhà ở xã hội, các dự án phân khúc bình dân, giá thấp đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó, báo cáo tình hình triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn và đề xuất chuyển đổi sang nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp nếu khai thác không hiệu quả.
Ba động lực phát triển mới của bất động sản từ 2021
Báo Pháp Luật TP cho biết, theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), tiến trình phát triển đô thị và đô thị hóa, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông sẽ tiếp thêm nguồn lực cho sự phát triển kinh tế xã hội và thị trường bất động sản TP.HCM. Thị trường bất động sản sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, cả trong trung hạn và dài hạn, với những lực gia tốc mới, với ba điểm nóng.
Ảnh minh họa
Thứ nhất, TPHCM vừa chính thức lập TP Thủ Đức từ đầu tháng 1, là đô thị sáng tạo có tính tương tác cao, là đô thị loại 1, có quy mô kinh tế bằng khoảng 7-8% GDP cả nước, chiếm đến 1/3 GRDP của TP, đi đôi với mục tiêu xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh.
Thứ hai, chuyển đổi 4 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh) thành quận trong 10 năm tới. Bên cạnh đó, hoàn toàn có khả năng chuyển đổi huyện Cần Giờ trở thành “đô thị biển, đô thị sinh thái, đô thị môi trường” gắn liền với việc bảo vệ nghiêm ngặt Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn (Rừng Sác Cần Giờ) trong những năm sắp tới.
Thứ ba, Chính phủ đã quyết định cho TPHCM được chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị, nhà ở giai đoạn 2016-2020, mà thực tế đã chứng minh 1 ha đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị tạo ra giá trị gấp hơn 100 lần so với 1 ha đất nông nghiệp.
Đi từ TPHCM về Cần Thơ chưa tới 2 tiếng?
Hôm nay (4/1), theo kế hoạch, Bộ Giao thông vận tải khởi công dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Đây là một đoạn của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông, kết nối từ TPHCM - Cần Thơ dài 120km cũng như nhiều tuyến khác ở các tỉnh miền Tây.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long - đơn vị quản lý dự án, chia sẻ: Sau khi tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành, kết hợp với tuyến TPHCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận và cầu Mỹ Thuận 2, tạo thành tuyến cao tốc hoàn chỉnh từ TPHCM - Cần Thơ.
Thời gian đi từ TPHCM đến Cần Thơ chỉ còn gần 2 tiếng so với 3-4 tiếng hiện nay trong điều kiện không kẹt xe, giảm áp lực giao thông, tai nạn trên quốc lộ 1.
Đặc biệt, tuyến cao tốc này hình thành sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nút giao thông Thân Cửu Nghĩa, điểm tiếp giáp giữa cao tốc TP.HCM - Trung Lương và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã sẵn sàng đón xe vào những ngày tết sắp tới - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Theo đơn vị quản lý dự án, ngay khi dự án chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP (Nhà nước và tư nhân hợp tác) sang đầu tư công, Tổng công ty đã xây dựng kế hoạch tổng thể của dự án, từ bước lập chủ trương đến lựa chọn nhà thầu cũng như thời điểm khởi công và hoàn thành. Đến nay, hầu hết các mốc tiến độ này đều đạt theo kế hoạch.
Với giai đoạn thi công, để hoàn thành theo mốc năm 2023, ngoài trách nhiệm của nhà thầu, yếu tố quan trọng là nguồn vốn cần phải được bố trí, giải ngân đầy đủ, kịp thời và địa phương phải bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch trong quý 1/2021, khi đó nhà thầu mới đủ điều kiện để thi công hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2023.
Hiện nay các địa phương đã bàn giao được khoảng 80% diện tích và đang khẩn trương tiếp tục bàn giao phần mặt bằng sạch còn lại. Chúng tôi sẽ điều hành sát sao dự án cũng như xây dựng quy trình phối hợp giữa các bên liên quan nhằm bảo đảm tiến độ. - ông Trần Văn Thi cho hay.
Cao tốc liền một dải
Giữ gìn không gian văn hóa công cộng ở các phố đi bộ
TPHCM đã và đang hình thành nhiều phố đi bộ ở trung tâm nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân, du khách, thúc đẩy phát triển du lịch cho địa phương. Tuy nhiên, hiện nay các tuyến phố đi bộ vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập như thiếu bãi giữ xe, thiếu nhà vệ sinh công cộng và tình trạng hét giá, chặt chém khách hàng… Phản ánh trên báo SGGP.
Tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ hoạt động từ tháng 4/2015, mỗi ngày đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, vui chơi. Đây cũng là nơi tổ chức các lễ hội đường phố, diễu hành, đường hoa tết hàng năm.
Trong khi đó, phố đi bộ Bùi Viện hoạt động từ tháng 8/2017, cuối tuần đón hơn 1.000 khách tham quan, trong đó có nhiều khách nước ngoài.
Phố đi bộ Bùi Viện cần bố trí bãi giữ xe, nhà vệ sinh công cộng hợp lý. Ảnh: ĐỨC TRUNG
Mới nhất, vào tối 29/12, UBND quận 10 đã tổ chức lễ ra mắt phố đi bộ đêm khu vực Kỳ đài Quang Trung (phường 6, quận 10). Vào ngày thứ bảy và một số ngày trong tuần, ở đây có chương trình ca nhạc phục vụ khách…
Nhằm góp phần phát triển ngành du lịch, sắp tới, TPHCM sẽ triển khai tiếp Đề án “Tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm TPHCM” do Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở GTVT TP) làm chủ đầu tư, nghiên cứu thực hiện tại quận 1, bao gồm các đoạn trên các tuyến đường Lê Lợi, Đồng Khởi, Tôn Đức Thắng, vòng xoay Quách Thị Trang, khu vực xung quanh Nhà thờ Đức Bà...
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Hội Luật gia TP, đưa vào hoạt động các tuyến phố đi bộ cho người dân, du khách vui chơi giải trí là cần thiết, nhưng phải có biện pháp xử lý để giữ văn minh đô thị, đồng thời đảm bảo những di sản văn hóa theo Luật Di sản văn hóa. TP cần ban hành một quy chế quản lý phố đi bộ và cốt yếu, trên phố đi bộ thì chỉ dành cho người đi bộ.
Theo một số chuyên gia đô thị, các phố đi bộ hình thành sẽ mang lại một diện mạo mới cho khu vực trung tâm và cả TPHCM. Việc ra đời “siêu phố đi bộ” ở khu vực các tuyến đường Lê Lợi - Đồng Khởi - Tôn Đức Thắng - vòng xoay Quách Thị Trang - quanh Nhà thờ Đức Bà là phù hợp, do tập trung nhiều trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng, khách sạn cao cấp. Tuy nhiên, việc tổ chức giao thông, quy hoạch bãi gửi xe, cho phép xe ra vào theo khung giờ, bố trí các nhà vệ sinh phục vụ du khách… phải cần nghiên cứu kỹ.
Tháng 10/2018, UBND TP đã ban hành giá dịch vụ giữ xe cụ thể trên từng địa bàn. Tùy theo các loại xe, vị trí gửi mà mức giá khác nhau. Cụ thể, tại các quận 1, 3, 5, mức giá trông giữ xe máy tại trường học, bệnh viện, bến xe, chợ, siêu thị, các địa điểm vui chơi và sinh hoạt cộng đồng là 4.000 đồng/xe/lượt ngày, 6.000 đồng/xe/lượt đêm và 210.000 đồng/xe/tháng.
Liên tiếp cứu sống hai bệnh nhi sốc sốt xuất huyết nặng
Thông tin trên Vietnamplus, Bệnh viện Nhi đồng TP cho biết, chỉ trong vòng nửa tháng qua, đơn vị này đã tiếp nhận và cấp cứu thành công cho 2 trường hợp trẻ em sốc sốt xuất huyết Dengue nặng.
Mới đây, bé gái N.K.L (5 tuổi, ngụ tại tỉnh Kon Tum) được chuyển xuống Bệnh viện Nhi đồng TP trong tình trạng sốc sốt xuất huyết nặng gây tổn thương gan, suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tràn dịch màng phổi và màng bụng nặng.
Theo bác sỹ Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc cho biết, ca bệnh này đánh dấu sự phối hợp nhiều điểm sáng mới trong điều trị các ca sốc sốt huyết Dengue nguy kịch tại Bệnh viện Nhi đồng TP như áp dụng hiệu quả bộ dẫn lưu màng bụng đếm giọt kiểm soát tốc độ dẫn lưu dịch ổ bụng; phối hợp dung dịch Albumin 5% và dung dịch cao phân tử với tỷ lệ phù hợp...
Sau nhiều ngày kiên cường chiến đấu, bệnh nhi đã bình phục ngoạn mục. Hiện đã được cai máy thở, các chỉ số sức khỏe ổn định và dự kiến xuất viện trong thời gian tới.
Ảnh minh họa
Trước đó, vào giữa tháng 12/2020, Bệnh viện Nhi đồng TP cũng tiếp nhận một trường hợp tương tự là bé trai D.T.T. (9 tuổi, ngụ tại tỉnh Trà Vinh) bị sốc sốt xuất huyết nặng.
Các bác sỹ đã thực hiện chống sốc với sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại như đo huyết áp động mạch xâm lấn, đo áp lực tĩnh mạch trung ương, dùng các thuốc vận mạch phối hợp…
Bệnh nhi cũng được hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, sau đó được đặt nội khí quản thở máy sớm. Bệnh nhi được truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc nhằm giải quyết tình trạng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hoá nặng. Tuy nhiên, sau đó bệnh nhi có diễn tiến phức tạp, tổn thương gan, thận, suy hô hấp nặng, tràn dịch màng bụng, màng phổi lượng nhiều, được chọc dò màng bụng giải áp, điều chỉnh toan chuyển hóa, điều chỉnh rối loạn đông máu…
Bằng sự nỗ lực của mình, các bác sỹ đã cứu sống bé trai một cách ngoạn mục. Sau gần 2 tuần điều trị, bệnh nhi đã khỏe mạnh trở lại và xuất viện về nhà.
Bác sỹ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP khuyến cáo, bệnh sốt xuất huyết vẫn đang rình rập trẻ em và cả người lớn vì vậy người dân không nên lơ là, chủ quan. Ngoài tuân thủ các biện pháp phòng bệnh như diệt lăng quăng, diệt muỗi, ngủ màn thì phụ huynh cũng cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm để đưa con em mình đến cơ sở y tế kịp thời khi trẻ mắc bệnh.
Nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày kèm các biểu hiện như quấy khóc, bứt rứt, khó chịu hoặc li bì, bỏ ăn uống, bỏ bú; trẻ đau bụng, nôn ói nhiều; chảy máu cam,chảy máu chân răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, người lớn cần đưa trẻ đến ngay đến các cơ sở y tế nhằm đề phòng trường hợp sốc do sốt xuất huyết, nguy hiểm đến tính mạng.