Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 5/11/2020

09:39 05/11/2020

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo số ra ngày 5/11:

Hủy và khởi hàng sớm hàng loạt chuyến bay do ảnh hưởng bão số 10

Theo Vietnamplus, do ảnh hưởng của bão số 10 (tên quốc tế là Goni) đến khu vực Nam Trung Bộ, để đảm bảo an toàn, các hãng hàng không đã điều chỉnh kế hoạch khai thác trong ngày 5/11/2020.

Cụ thể, Vietnam Airlines sẽ hủy 6 chuyến bay đến, đi từ Quy Nhơn (Bình Định), Chu Lai (Quảng Nam) gồm Hà Nội-Quy Nhơn, TPHCM-Quy Nhơn, TPHCM-Chu Lai. Mặt khác, Vietnam Airlines cũng sẽ triển khai bay sớm từ 1 tiếng đến gần 7 tiếng các chuyến bay từ Hà Nội và TPHCM đến, đi từ Tuy Hoà, Chu Lai và Quy Nhơn. Hãng hàng không Pacific Airlines và VASCO sẽ theo dõi sát tình hình ảnh hưởng để điều chỉnh kế hoạch khai thác nếu cần thiết.

Vietnam Airlines Group đã điều chỉnh lịch khai thác do ảnh hưởng của bão số 10 tới khu vực miền Trung. Ảnh: CTV/Vietnam+
Vietnam Airlines Group đã điều chỉnh lịch khai thác do ảnh hưởng của bão số 10 tới khu vực miền Trung. Ảnh: CTV/Vietnam+

Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) khuyến nghị hành khách đang có kế hoạch đến, đi từ các sân bay tại khu vực ảnh hưởng của cơn bão số 10 trong thời gian này nên thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết và thông tin từ hãng. Đại diện Vietnam Airlines nhấn mạnh, an toàn tuyệt đối cho hành khách và chuyến bay luôn được hãng đặt lên hàng đầu.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 5/11, bão số 10 đi vào đất liền các tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Đây là cơn bão diễn biến phức tạp, khó lường, gây mưa lớn ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Siêu thị, trung tâm thương mại tiếp tục yêu cầu khách đeo khẩu trang

Ghi nhận của báo Lao Động vào chiều tối 4/11 tại hệ thống siêu thị Co.opmart của Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho thấy, phía bên ngoài lực lượng bảo vệ liên tục nhắc nhở người dân mang khẩu trang. Bên trong khu vực mua sắm, đa số người dân và nhân viên đều chấp hành việc đeo khẩu trang.

Theo Liên hiệp HTX Thương mại TP, bên cạnh việc yêu cầu người dân mang khẩu trang khi đến mua sắm, các hệ thống trực thuộc Saigon Co.op cũng đều đặn triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh, diệt khuẩn tại các điểm bán và khu vực kinh doanh.

Khách hàng mua sắm bên trong khu vực siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh (Quận 1). Ảnh: Nguyễn Huy
Khách hàng mua sắm bên trong khu vực siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh (Quận 1). Ảnh: Nguyễn Huy

Tương tự, tại trung tâm thương mại AEON Bình Tân (quận Bình Tân), lực lượng bảo vệ cũng liên tục nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn khi vào trung tâm.

Đại diện AEON cho biết, việc yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang khi đến mua sắm được thực hiện xuyên suốt và liên tục từ đợt dịch đầu tiên đến nay. Bên cạnh đó, trung tâm thương mại AEON còn duy trì việc vệ sinh, phun xịt, khử khuẩn ở sàn nhà, tay nắm cửa, thang cuốn, xe đẩy…

Bên trong trung tâm thương mại AEON Bình Tân, đa số khách hàng đều thực hiện đeo khẩu trang theo yêu cầu. Ảnh: Nguyễn Huy
Bên trong trung tâm thương mại AEON Bình Tân, đa số khách hàng đều thực hiện đeo khẩu trang theo yêu cầu. Ảnh: Nguyễn Huy

Trước đó, vào đầu tháng 10/2020, UBND TPHCM đã có văn bản về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới. Cụ thể, TPHCM yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các biện pháp như đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đến các địa điểm công cộng và trên phương tiện giao thông công cộng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người tại nơi công cộng, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.

Gần 3 tỉ đồng để sửa chữa lại mái trường học sau sự cố lốc xoáy

Cũng trên báo Lao Động, Sở GDĐT TP vừa có kiến nghị với UBND TP về phương án khắc phục sự cố dông lốc gây hư hỏng nặng tại Trường THPT Bình Phú, Quận 6.

Theo đó, Sở GDĐT đã làm việc với Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Kinh tế TP, Ban Giám hiệu Trường THPT Bình Phú (Quận 6) và khảo sát cơ sở vật chất Trường Cao đẳng Kinh tế TP để thực hiện phương án chuyển gần 2.000 học sinh Trường THPT Bình Phú qua học tạm.

Tuy nhiên, khối nhà C Trường Cao đẳng Kinh tế TP không có khu vực sân chơi không thể tổ chức sinh hoạt dưới cờ, các hoạt động hướng nghiệp, ngoại khóa… Trường cũng không có phòng máy tính, không có phòng học kỹ thuật điện nên không thể tổ chức dạy môn Tin học và nghề dành cho khối 11; không có phòng thí nghiệm Lý, Hóa, Sinh. Số phòng học ít hơn so với số lớp (25 phòng/45 lớp) gây nhiều khó khăn cho việc tổ chức dạy và học.

Bên cạnh đó, khi học tại khối nhà C Trường Cao đẳng Kinh tế (đường Vĩnh Viễn, Phường 2, Quận 10) có đến 96,2% học sinh đi học phải di chuyển hơn 7.5km so với bình thường. Ngoài ra, tại Trường CĐ Kinh tế hiện đang trong quá trình thực hiện một dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo khối nhà từ vốn đầu tư ngân sách tập trung nên không có sân bãi cho khoảng 20 chiếc xe dừng chờ để đưa đón học sinh...

Các lớp học ở trường THPT Bình Phú tan hoang sau lốc xoáy. Ảnh: Thanh Vũ
Các lớp học ở trường THPT Bình Phú tan hoang sau lốc xoáy. Ảnh: Thanh Vũ

Từ thực tế khảo sát và làm việc giữa các đơn vị liên quan, Sở GDĐT TP đề xuất, kiến nghị với UBND TP về phương án mới. Cụ thể, đối với học sinh khối 10, 11 dự kiến tổ chức học tại các điểm trường khác trên địa bàn Quận 6 do Sở GDĐT và UBND Quận 6 bố trí trên cơ sở đảm bảo các điều kiện về tổ chức dạy và học theo quy định.

Về khắc phục sự cố cơ sở vật chất tại Trường THPT Bình Phú, Sở đề xuất cho phép sử dụng Quỹ phòng chống thiên tai, lụt bão với kinh phí ước tính 2,9 tỷ để khắc phục gia cố, sửa chữa thiết lập lại hiện trạng mái cho 2 khối nhà A, B vì đây là sự cố bất khả kháng do thiên tai.

Sở đề xuất giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư thực hiện hạng mục sửa chữa Trường THPT Bình Phú bị tốc mái theo hướng khẩn cấp để nhanh chóng đưa công trình vào sử dụng đáp ứng nhu cầu hoạt động của nhà trường.

Được biết, trong khi chờ phương án chính thức, từ ngày 4/11 đến 7/11 học sinh toàn trường tham gia học trực tuyến.

Chi 68 tỷ đồng nâng cấp công viên bến Bạch Đằng

UBND TP vừa chấp thuận đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc TP về phương án cải tạo chỉnh trang khu công viên bến Bạch Đằng. Theo đó, phạm vi cải tạo chỉnh trang gồm toàn bộ khu công viên có diện tích 18.600 m2. Việc chỉnh trang, nâng cấp công viên dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Nội dung được đăng tải trên báo Tiền Phong.

Khu vực công viên bến Bạch Đằng được chia thành 3 khu chức năng gồm khu tưởng niệm lịch sử, khu xúc tiến du lịch, khu công viên công cộng.

Bên Bạch Đằng
Bên Bạch Đằng

Theo phương án chỉnh trang được đề xuất sẽ giảm mức độ bê tông hoá, tăng diện tích mảng xanh, thiết kế thân thiện và không gian sinh hoạt chung thoáng mát. Đồng thời cung cấp các dịch vụ di chuyển trên sông cũng như tiện ích tìm kiếm thông tin du lịch, hỗ trợ khách…

Bến Bạch Đằng có chiều dài 1,3 km, chạy dọc ven sông Sài Gòn. Nơi đây có bến xe buýt đường sông cùng khu công viên cây xanh là điểm đến lý tưởng cho người dân tập thể dục, vui chơi giải trí. Tuy nhiên hiện nay công viên này đã xuống cấp và cần đầu tư chỉnh trang.

Toàn cảnh công viên bến Bạch Đằng nhìn từ trên cao. Ảnh: Văn Minh
Toàn cảnh công viên bến Bạch Đằng nhìn từ trên cao. Ảnh: Văn Minh

Đề xuất kết nối đường Long Phước với tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây

Báo Người Lao Động đưa tin, Sở GTVT TP kiến nghị UBND TP có văn bản đề nghị Bộ GTVT chấp thuận chủ trương kết nối đường Long Phước với tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan cập nhật thiết kế kết nối theo phương án 2 và thực hiện dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây.

Cụ thể, phương án 2 được Sở GTVT đưa ra sẽ kết nối đường Long Phước với đường cao tốc theo nguyên tắc: Các đoạn tuyến kết nối nằm trong chỉ giới 140 m của đường cao tốc theo quy hoạch, bố trí các hướng kết nối một chiều từ đường Long Phước vào đường cao tốc về hướng trung tâm TP và hướng ngược lại. Việc kết nối bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật theo quy định. Song song đó, bố trí giao thông dạng vòng xoay dưới dạ cầu Long Thành, kết hợp các nhánh rẽ để kết nối đường Long Phước với các đường song hành cao tốc.

Tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được mở rộng lên 12 làn đường
Tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được mở rộng lên 12 làn đường

Việc kết nối đường Long Phước với cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây được Sở GTVT TP đánh giá là rất cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội khu vực quận 9 thuộc khu đô thị sáng tạo phía Đông của TP.

Hiện nay, việc di chuyển từ phường Long Phước về trung tâm TPHCM chủ yếu theo lộ trình Long Phước – Long Thuận – Nguyễn Duy Trinh dài 23 km với mặt đường nhỏ hẹp, thường xuyên ùn tắc giao thông.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định bổ sung tuyến đường kết nối Vành đai 3 - TP HCM với đường Long Phước theo quy chuẩn đô thị.

Tuyến cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây mới đưa vào khai thác giai đoạn 1 với 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, nền đường rộng 26,5 m. Giai đoạn 2 sẽ mở rộng 8 làn xe với nền đường rộng 42,5 m. Tuyến cao tốc này có nhiều tuyến kết nối giao thông như đường Vành đai 3 đang được Bộ GTVT đầu tư; nút giao 319 đang được triển khai thi công, dự kiến hoàn thành trong năm 2020.

Kiến nghị ưu đãi phí giao dịch trực tuyến trong lĩnh vực công

Báo cáo với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, UBND TP cho biết, nhằm khuyến khích người dân thực hiện thủ tục hành chính qua mạng, hiện TP đã giảm 50% đối với 6 loại lệ phí giải quyết thủ tục hành chính qua các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên địa bàn TP đến hết năm 2020. Báo SGGP đăng tải thông tin.

Thanh toán trực tuyến dịch vụ công cấp độ 4 đã được triển khai bước đầu tại một số quận như quận 2, 12. TP cũng thực hiện thu phí không dùng tiện mặt trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, chi trả an sinh xã hội... Tuy nhiên, việc thu phí không dùng tiền mặt tại các lĩnh vực trên vẫn gặp một số vướng mắc khi tiếp cận triển khai tại các bệnh viện, trường học (đặc biệt là các đơn vị công lập). Nhất là trong việc đàm phán thanh toán phí dịch vụ vì các đơn vị không có nguồn để trả phí, chưa có cơ chế tự chủ tài chính, phí cao...

Nộp lệ phí trước bạ và nộp tờ khai đăng ký ô tô trực tuyến nhờ dịch vụ công số 1000. Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết
Nộp lệ phí trước bạ và nộp tờ khai đăng ký ô tô trực tuyến nhờ dịch vụ công số 1000. Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết

Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, TP đề xuất NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại và các tổ chức trung gian tăng cường các chính sách ưu đãi về phí thanh toán cho các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực công.

Ngoài ra, NHNN cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với các mô hình ngân hàng đại lý để phát triển một số hình thức thanh toán mới, hiện đại, phù hợp phục vụ cho các nhóm dân cư ở khu vực nông thôn, vùng xa nhằm thúc đẩy phát triển thanh toán toàn diện.

Tháng 10/2020: Xử phạt trên 6 tỉ đồng trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường thủy

Theo báo Pháp Luật TP, Thanh tra giao thông (Sở GTVT TP) cho biết trong tháng 10 đơn vị đã lập biên bản 1.166 trường hợp vi phạm với tổng số tiền xử phạt trên 6 tỉ đồng trong lĩnh vực giao thông đường bộ và giao thông đường thủy (tăng 85,96 % số trường hợp vi phạm và tăng 81,54 % số tiền xử phạt so với tháng).

Về chở hàng xe quá tải trọng cho phép, thanh tra xử phạt 254 trường hợp vi phạm đối với 128 phương tiện với tổng số tiền hơn 4,5 tỉ đồng.

Về kiểm tra, xử lý trong lĩnh vực thi công công trình trên đường bộ, thanh tra đã lập biên bản 72 trường hợp với số tiền xử phạt là 376 triệu đồng.

Các lỗi vi phạm chủ yếu như: thi công trên đường bộ khai thác không treo biển báo thông tin công trình hoặc treo không đầy đủ; Không bố trí người hướng dẫn, điều khiển giao thông theo đúng quy định; Để vật liệu, đất đá, phương tiện thi công ngoài phạm vi công trình...

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 5/11/2020 - Ảnh 1

Ngoài ra, tại khu vực Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, Thanh tra giao thông cũng lập biên bản 31 trường hợp vi phạm không đảm bảo an toàn với số tiền xử phạt là 83,6 triệu đồng. Trong đó tước giấy phép lái xe có thời hạn một trường hợp.

Các trường hợp bị xử lý chủ yếu là dừng đỗ xe sai quy định, điều khiển xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng không có hợp đồng vận chuyển theo quy định, điều khiển xe chở hành khách không có phù hiệu hoặc có gắn phù hiệu (biển hiệu) nhưng đã hết giá trị sử dụng...

Đảm bảo chính sách lao động, việc làm, thực hiện tốt an sinh xã hội

Viennamplus cho hay, ngày 4/11, Liên đoàn Lao động TP tổ chức hội nghị thông tin kết quả Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI; đồng thời tổ chức lấy ý kiến của cán bộ Công đoàn, công nhân lao động thuộc Liên đoàn Lao động 24 quận - huyện, Công đoàn cấp trên cơ sở góp ý văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Tại Hội nghị, hầu hết các đại biểu đều đồng tình và đánh giá cách trình bày của dự thảo văn kiện mang tính khoa học và bày tỏ niềm tin tuyệt đối vào đường lối của Đảng.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề xuất Trung ương quan tâm phát triển đảng trong lực lượng công nhân lao động; những định hướng về kinh tế, văn hóa, xã hội cần mang tính đồng bộ, cân đối giữa các lĩnh vực. Lĩnh vực môi trường cần có sự quan tâm kịp thời và chế độ thực thi sát với thực tiễn, nhằm hạn chế thiên tai, lũ lụt.

Về tổ chức Công đoàn, cần xem xét lại mô hình cho phù hợp với từng địa phương, theo kịp với xu thế phát triển của đất nước; phát huy tinh thần trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, năng lực của cán bộ công đoàn khi đất nước trong tiến trình hội nhập, phát triển.

Các đại biểu cũng tập trung đóng góp ý kiến vào những vấn đề về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tạo động lực mới cho phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh Trần Đoàn Trung phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh Trần Đoàn Trung phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngoài ra, các đại biểu góp ý về việc đổi mới chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tăng cường đào tạo và đào tạo lại cho người lao động; tăng cường chuyển dịch cơ cấu lao động thích ứng với cơ cấu kinh tế, nâng cao tỷ trọng lao động trong khu vực chính thức, tập trung giải quyết việc làm cho lao động khu vực phi chính thức.

Đồng thời, đề nghị quan tâm hơn nữa đến chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội; không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phát triển thị trường lao động, hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục