Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 6/11/2020

10:13 06/11/2020

Trung tâm Báo chí TP tổng hợp một số thông tin đáng chú ý trên các báo liên quan đến TPHCM ngày 6/11:

Phó Thủ tướng yêu cầu TP.HCM mở rộng khu cách ly tự nguyện tại khách sạn

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh vừa có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh thành, đặc biệt là Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, mở rộng khu cách ly tự nguyện tại khách sạn, cơ sở lưu trú cho người nhập cảnh, kể cả người nước ngoài và người Việt Nam về nước trên các chuyến bay thương mại. Nội dung đăng tải trên báo Tuổi Trẻ.

Bên cạnh đó, các tỉnh thành có khu cách ly tự nguyện thông báo cho Bộ Y tế và phối hợp cùng các Bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Giao thông vận tải điều phối việc cách ly người nhập cảnh, vừa đảm bảo phòng chống dịch an toàn, hiệu quả và tạo điều kiện cho hoạt động khách sạn, cơ sở lưu trú. Chi phí cách ly do người cách ly tự chi trả.

Lấy mẫu sàng lọc COVID-19 bằng test nhanh - Ảnh: VIỆT DŨNG
Lấy mẫu sàng lọc COVID-19 bằng test nhanh - Ảnh: VIỆT DŨNG

Hiện tại, TPHCM có 21 khách sạn, nhà nghỉ đã đăng ký và được tiếp nhận khách cách ly, đồng thời có 2 đơn vị được phép vận chuyển khách về cách ly tự nguyện tại khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn. Sắp tới đây, con số này sẽ tiếp tục gia tăng.

Hội đồng thẩm định thông qua đề án thành lập TP Thủ Đức

Theo báo Tiền Phong, chiều 5/11, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị thẩm định Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM.

Về phương án sắp xếp, Giám đốc Sở Nội vụ TP Huỳnh Thanh Nhân cho biết, sẽ nhập toàn bộ 47,80 km2 diện tích tự nhiên, dân số hơn 532.000 người của quận Thủ Đức và toàn bộ 49,79 km2 diện tích tự nhiên, dân số hơn 171.000 người của quận 2 với toàn bộ 113,97 km2 diện tích tự nhiên, dân số hơn 310.000 người của quận 9 vào đơn vị hành chính mới sau sắp xếp có tên là TP Thủ Đức - diện tích tự nhiên 211,56 km2 và dân số hơn 1 triệu người.

Đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Giám đốc Sở Nội vụ TP Huỳnh Thanh Nhân cho hay, trên địa bàn quận 2 sẽ nhập nguyên trạng phường An Khánh và nguyên trạng phường Thủ Thiêm thành đơn vị hành chính cấp xã mới, đặt tên là phường Thủ Thiêm; Nhập nguyên trạng phường Bình Khánh và nguyên trạng phường Bình An thành đơn vị hành chính cấp xã mới, đặt tên là phường An Khánh.

Trên địa bàn quận 3, nhập nguyên trạng phường 6, nguyên trạng phường 7 và nguyên trạng phường 8 thành đơn vị hành chính cấp xã mới, đặt tên là phường Võ Thị Sáu.

Trên địa bàn quận 4, nhập nguyên trạng phường 5 và nguyên trạng phường 2 thành đơn vị hành chính cấp xã mới, đặt tên là phường 2. Nhập nguyên trạng phường 12 và nguyên trạng phường 13 thành đơn vị hành chính cấp xã mới, đặt tên là phường 13.

Như vậy, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của TP sau khi thực hiện sắp xếp được tinh giản 2 đơn vị hành chính cấp huyện; giảm 10 đơn vị hành chính cấp xã.

Hội đồng thẩm định tổ chức phiên họp ngày 5/11.
Hội đồng thẩm định tổ chức phiên họp ngày 5/11.

Trên cơ sở đó, TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho TP áp dụng khoản 1 Điều 3 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp 3 quận để thành lập thành phố Thủ Đức liên quan đến quy định một số trường hợp đặc biệt khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Đồng thời, kiến nghị công nhận kết quả rà soát, đánh giá khu vực dự kiến thành lập thành phố Thủ Đức theo tiêu chí đô thị loại 1.

Bên cạnh đó, về giải quyết chính sách, chế độ đối với việc sắp xếp cán bộ, công chức, người lao động dôi dư, đề nghị các Bộ - ngành cần nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định mới mang tính chất đặc thù để khuyến khích cán bộ, công chức thực hiện tinh giản biên chế, nghỉ hưu trước tuổi.

Đại diện các Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ban Tổ chức Trung ương… nhất trí về các đề xuất trong đề án của TPHCM. Các thành viên Hội đồng thẩm định quyết định thông qua đề án trên của TPHCM.

Hơn 11.742 tỉ đồng làm đường vành đai 3 đoạn Bình Chuẩn - quốc lộ 22

Thông tin với báo Tuổi Trẻ, ngày 5/11, ông Diệp Bảo Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long, cho biết đơn vị vừa trình Bộ GTVT báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án "Thành phần 3 xây dựng đường vành đai 3 TPHCM đoạn Bình Chuẩn - quốc lộ 22".

Đây là dự án nhằm khép kín đường vành đai 3 với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (đang xây dựng) để kết nối giao thông khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời, kích thích phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho TPHCM mà còn cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngoài ra, tuyến đường này còn góp phần giải tỏa các luồng xe quá cảnh, giảm tải cho các tuyến đường nội đô và cải thiện giao thông của TP.

Tuyến vành đai 2 TP.HCM - tức quốc lộ 1 ở TP.HCM đang quá tải. Vì vậy, việc cấp bách xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM mới góp phần giảm tải cho TP - Ảnh: VĂN BÌNH
Tuyến vành đai 2 TP.HCM - tức quốc lộ 1 ở TP.HCM đang quá tải. Vì vậy, việc cấp bách xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM mới góp phần giảm tải cho TP - Ảnh: VĂN BÌNH

Dự án đường vành đai 3 đoạn Bình Chuẩn - quốc lộ 22 (Bình Dương, TP.HCM) dài 19,1km. Điểm đầu tuyến là thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương và điểm cuối tuyến tại quốc lộ 22 tại huyện Hóc Môn, TP.HCM.

Trong giai đoạn 1, xây dựng đường rộng 24,5m cho 4 làn xe lưu thông. Đến giai đoạn 2 mở rộng mặt đường 67m - 74m cho 6 - 8 làn xe chạy với vận tốc 100km/h. Tổng mức đầu tư dự án trong giai đoạn 1 là 11.742,7 tỉ đồng và thực hiện từ năm 2021 - 2025.

Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long đề xuất vốn đầu tư dự án này được sử dụng từ nguồn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Trong đó vốn EDCF là 5.554,2 tỉ đồng (tương đương 239,3 triệu USD) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 6.188,5 tỉ đồng (tương đương 266,6 triệu USD).

Hiện nay tuyến đường vành đai 2 vẫn chưa khép kín, trong khi tuyến vành đai 3 và 4 vẫn chưa được xây dựng.
Hiện nay tuyến đường vành đai 2 vẫn chưa khép kín, trong khi tuyến vành đai 3 và 4 vẫn chưa được xây dựng.

Hơn 591 triệu USD đầu tư vào các Khu chế xuất-Khu công nghiệp TP

Vietnamplus đưa tin, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TPHCM (HEPZA) cho biết, tính đến đầu tháng 11 này, tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh đạt hơn 591 triệu USD (đạt 118% kế hoạch), tăng 7,16% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 270 triệu USD (giảm 19,14% so với cùng kỳ năm ngoái) gồm 11 dự án cấp mới với vốn đầu tư đăng ký 90,97 triệu USD (giảm 42,15%) và 25 dự án tăng vốn với vốn điều chỉnh tăng 179,7 triệu USD (tăng 1,24%).

Một trong những ngành nghề thu hút vốn đầu tư nhiều nhất là dịch vụ (chiếm 89,42%) với vốn đầu tư đạt 81,16 triệu USD, kế đến là cơ khí, điện tử, nhựa, cao su…

Đầu tư trong nước cũng thu hút gần 7.440 tỷ đồng (tương đương 321,27 triệu USD), tăng 47,6% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, cấp mới 46 dự án với vốn đầu tư đăng ký hơn 5.810 tỷ đồng (tương đương 250,94 triệu USD), 32 dự án tăng vốn với vốn điều chỉnh tăng gần 1.630 tỷ đồng (tương đương 70,33 triệu USD).

Sản xuất linh kiện cơ khí tại Công ty Misumi Việt Nam - Khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Sản xuất linh kiện cơ khí tại Công ty Misumi Việt Nam - Khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban HEPZA, điều đáng ghi nhận là đầu tư trong nước gia tăng và tập trung vào các doanh nghiệp có tiềm năng, doanh nghiệp không bị tác động bởi dịch bệnh, hay doanh nghiệp có yếu tố sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu.

Ông Hưng cho biết thêm, xu hướng nhu cầu về dịch vụ phục vụ công nghiệp như kho vận, logistics, nhà xưởng cao tầng, nhà xưởng một tầng, hiện đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm và đầu tư.

Đặc biệt, việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh đã thu hút các nhà đầu tư dịch chuyển sản xuất từ nước ngoài đến TP góp phần thúc đẩy gia tăng sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động nhất là ở các ngành nghề dịch vụ, giày da, may mặc đang có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn.

Quy hoạch 412 bến thủy nội địa vận chuyển hành khách và hàng hóa

Báo Tuổi Trẻ cho hay, Sở Giao thông vận tải TP vừa kiến nghị UBND TP đưa vào quy hoạch 412 bến thủy nội địa ở TP trong giai đoạn năm 2020-2030. Bao gồm 174 bến hàng hóa, 13 bến chuyên dùng, 175 bến hành khách, 28 bến khách ngang sông và 22 bến tổng hợp.

Sở GTVT cho biết, hiện TP có tổng số 302 bến thủy nội địa bao gồm các bến hành khách, bến hàng hóa. Các bến thủy này đã vận chuyển hàng triệu lượt hành khách và hàng triệu tấn hàng hóa mỗi năm từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, TP vẫn còn tồn tại 63 bến thủy nội địa không phép hoạt động đan xen.

Bến tàu khách ở bến Bạch Đằng bên sông Sài Gòn, quận 1 - Ảnh: VĂN BÌNH
Bến tàu khách ở bến Bạch Đằng bên sông Sài Gòn, quận 1 - Ảnh: VĂN BÌNH

Cũng theo Sở GTVT, trong thời gian qua, việc cấp phép cho các bến thủy nội địa hoạt động gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Bởi theo Thông tư 50/2014 của Bộ GTVT quy định trường hợp dự án đầu tư xây dựng cảng, bến thủy nội địa chưa có trong quy hoạch hoặc có sự khác nhau so với quy hoạch trước khi thực hiện dự án, chủ đầu tư phải báo cáo và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chấp nhận.

Thế nhưng, trong quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng bến khu vực TP được UBND TP, phê duyệt vào năm 2009 và có hiệu lực đến năm 2020 lại chỉ quy hoạch cảng thủy nội địa, không quy hoạch cụ thể vị trí bến thủy nội địa.

Do đó, việc quy hoạch 412 vị trí bến thủy nội địa ở TP giai đoạn 2020 - 2030 sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư phát triển các bến vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng đường sông, chia tải cho đường bộ. Đồng thời, còn giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong khu vực.

Bến tàu tuyến buýt sông ở TP.HCM - Ảnh: VĂN BÌNH
Bến tàu tuyến buýt sông ở TP.HCM - Ảnh: VĂN BÌNH

Khai mạc triển lãm “Ảnh nghệ thuật Việt Nam 2020”

Theo báo Thanh Niên, ngày 5/11 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT-DL) đã tổ chức lễ trao thưởng cho các tác giả phía nam và khai mạc triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2020 tại TP.HCM.

Với hai thể loại ảnh hiện thực và ảnh ý tưởng, sau hơn 4 tháng phát động, Ban tổ chức nhận được 12.480 tác phẩm của 1.516 tác giả đến từ 63 tỉnh, TP trong cả nước. Ban Tổ chức đã chọn ra 238 tác phẩm của 182 tác giả giới thiệu, trưng bày tại triển lãm, trong đó có các tác phẩm xuất sắc nhất được lựa chọn để trao giải thưởng, gồm: 26 giải thưởng thể loại ảnh hiện thực, 7 giải thưởng thể loại ảnh ý tưởng.

Không ngừng phát triển (Huỳnh Phạm Anh Dũng, TP.HCM) đoạt giải nhất thể loại hiện thực (ảnh đơn)
Không ngừng phát triển (Huỳnh Phạm Anh Dũng, TP.HCM) đoạt giải nhất thể loại hiện thực (ảnh đơn)

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, ông Mã Thế Anh - Phó cục trưởng phụ trách Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Trưởng ban tổ chức, cho biết đây là lần đầu tiên Bộ VH-TT-DL đưa thể loại ảnh ý tưởng vào cuộc thi và triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam. Các tác phẩm được trưng bày và trao giải thưởng ở thể loại này đã có những tìm tòi, sáng tạo, những thể nghiệm mới, những ý tưởng độc đáo, qua đó thể hiện những vấn đề của cuộc sống đương đại, những suy nghĩ, ý kiến, ý tưởng về cuộc sống… và các nội dung khác hướng đến giá trị chân, thiện, mỹ.

Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2020 diễn ra từ nay đến ngày 11/11 tại 97A Phó Đức Chính, quận 1.

Tuyên dương 24 Chủ tịch Hội LHTN phường, xã, thị trấn tiêu biểu năm 2020

Ngày 5/11, tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng 24 Chủ tịch Hội tại các phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP. Báo Tiền Phong đăng tải thông tin.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TPHCM Ngô Minh Hải cho biết trong số 24 Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam phường, xã, thị trấn được khen thưởng có nhiều anh chị đã gắn bó lâu dài với tổ chức Hội; đều là những cán bộ Hội trách nhiệm, gương mẫu, giàu kiến thức, dám nghĩ, biết làm; tích cực đề xuất nhiều mô hình, giải pháp, sáng kiến góp phần phát triển công tác Hội và phong trào thanh niên tại đơn vị.

Tuyên dương 24 gương cán bộ Hội tiêu biểu các phường, xã, thị trấn TPHCM năm 2020
Tuyên dương 24 gương cán bộ Hội tiêu biểu các phường, xã, thị trấn TPHCM năm 2020

Dịp này, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM cũng tổ chức chương trình tập huấn chức danh Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam phường, xã, thị trấn tiêu biểu năm 2020, với nhiều hoạt động sôi nổi, như: workshop hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng cần thiết trong hoạt động Hội, sinh hoạt, giao lưu các trò chơi tập thể; thực hành nghi thức Hội LHTN Việt Nam...

Bên cạnh các nội dung tập huấn, các cán bộ Hội, hội viên, thanh niên còn có dịp tham gia các hoạt động dã ngoại, các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn huyện Cần Giờ, TPHCM...

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục